Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

trình độ học vấn

Mục lục

Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

1. Các nhân tố khách quan

1.1. Cơ chế thị trường và chủ trương, chính sách của nhà nước

Cơ chế kinh tế thị trường, sự tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường có thể kể đến như sự cạnh tranh không lành mạnh cũng đã tác động ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút nhân lực cho GD và ĐT nói chung cũng như đối với việc thu hút nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển ĐNGV của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ở Việt Nam.

Chính sách thu hút, đãi ngộ của Nhà nước, của ngành, của địa phương cùng với chế độ đãi ngộ thích đáng đối với người có trình độ cao, có tâm huyết với nghề, sẽ là cơ hội tốt cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập trong việc thu hút nhân lực cho mục tiêu phát triển đội ngũ giảng viên.

Đảng và Nhà nước đã và đang từng bước đổi mới trong lĩnh vực GD-ĐT. Nghị quyết TW khóa VIII nhấn mạnh: “đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư cho phát triển”; thực hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với GD-ĐT, đặc biệt là chính sách đầu tư và chính sách tiền lương, lương GV phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất của công việc, theo vùng do Chính phủ quy định”.

Đại hội XI của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị – xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Mục tiêu tổng quát Đại hội XI của Đảng xác định: Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hoà bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Xem thêm: Khái niệm phát triển đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

Để đạt được mục tiêu đó, phải xác định đúng các khâu đột phá. Một trong ba khâu đột phá chiến lược mà Đảng ta xác định thì “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” được xem là khâu đột phá thứ hai. Vấn đề đặt ra là vì sao, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao lại được coi là khâu đột phá? Điều này xuất phát từ thực trạng nguồn nhân lực nước ta hiện nay và từ yêu cầu của thời đại mới với những đổi thay to lớn. Trước hết, cần thấy rằng nguồn nhân lực nước ta, sau 30 năm đổi mới với nhiều nỗ lực, đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, thể lực của con người Việt Nam đã từng bước được nâng lên. Nhưng so với nhiều nước trong khu vực và so với yêu cầu của quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức thì chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn rất bất cập. Bối cảnh thế giới hiện nay lại đang có những thay đổi rất nhanh, hết sức phức tạp, khó lường, cộng với thảm họa thiên tai và xung đột quân sự đang diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều vấn đề toàn cầu như dân số, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… đòi hỏi phải giải quyết. Khoa học – công nghệ và kinh tế tri thức đang diễn ra mạnh mẽ đặt ra yêu cầu khách quan phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tất cả những vấn đề này đòi hỏi mỗi quốc gia phải có chiến lược khai thác tốt nhất mọi nguồn lực sẵn có, trong đó nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao – sức mạnh nội sinh của mỗi một quốc gia, có ý nghĩa quyết định nhất. Đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ là nguồn lực quan trọng của các trường NCL. Phát triển đội ngũ này phải được xem là khâu then chốt trong chiến lược phát triển các trường NCL giai đoạn hiện nay.

1.2.  Quá trình hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học

Hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực hợp tác và sức cạnh tranh đang trở thành nhiệm vụ ưu tiên của các trường ĐH Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết 14 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006 -2020, nhiều trường ĐH đã triển khai việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài, trước mắt là bằng tiếng Anh; nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo và nghiên cứu có khả năng thu hút người nước ngoài; tiếp thu có chọn lọc các chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới; đạt được thỏa thuận về tương đương văn bằng, chương trình đào tạo với các cơ sở GDĐH trên thế giới; khuyến khích các hình thức liên kết đào tạo chất lượng cao, trao đổi GV, chuyên gia với nước ngoài; khuyến khích GV là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam; tăng số lượng lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam; Tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, các cơ sở GDĐH có uy tín trên thế giới mở cơ sở GDĐH quốc tế tại Việt Nam hoặc liên kết đào tạo với các cơ sở GDĐH Việt Nam.

Hội nhập quốc tế trong GDĐH đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên nói chung, đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nói riêng.

1.3. Sự chuyển đổi phương thức đào tạo của các trường đại học

Hiện nay, nhiều trường ĐH, trong đó có các trường ĐH, CĐ NCL đã chuyển sang đào tạo theo HTTC. Triết lý của phương thức đào tạo này là hướng tới người học, xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Thời gian học trên lớp giảm xuống chỉ còn 50% so với trước đây; thời gian còn lại dành cho các hoạt động độc lập của sinh viên (thảo luận nhóm, thí nghiệm, thực hành…); các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá mới được sử dụng một cách phổ biến… đòi hỏi người GV ĐH nói chung, GV đại học, cao đẳng ngoài công lập nói riêng phải có nhiều năng lực để thích ứng. Vì thế, trong phát triển đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ ở các trường NCL cần đặc biệt chú ý đến phương diện chất lượng với những năng lực như tổ chức dạy học theo HTTC; hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu cho SV; đánh giá kết quả học tập của SV theo các thang điểm số, điểm chữ… của người GV. Bên cạnh đấy, đào tạo theo HTTC còn cho phép SV được đăng ký GV, lựa chọn các lớp học phần để xây dựng kế hoạch học tập riêng cho mình. Vì thế, số lớp học phần sẽ tăng lên. Bên cạnh các lớp có đông SV (thường là môn chung), sẽ có các lớp ít SV. Sĩ số SV/lớp giảm có thể cần phải tăng hợp lý số lượng GV/bộ môn.

Bên cạnh những yếu tố trên, việc phát triển đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập còn chịu sự ảnh hưởng, tác động của các yếu tố sau:

– Điều kiện kinh tế gia đình, thu nhập của giảng viên, xét ở góc độ chủ quan hay khách quan thì yếu tố này luôn có tác động ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống, sự gắn bó nghề nghiệp của bản thân giảng viên cũng như đối với nhiệm vụ phát triển đội ngũ giảng viên của các trường.

– Tuổi đời, thâm niên nghề nghiệp trong đội ngũ giảng viên, yếu tố này với cơ cấu hài hòa, hợp lý đó là điều kiện để đội ngũ giảng viên phát triển bền vững, đồng thời tạo điều kiện để có sự kế thừa phát triển liên tục trong đội ngũ giảng viên.

– Điều kiện môi trường làm việc của đội ngũ giảng viên, yếu tố này có tác động trực tiếp đến đời sống văn hóa tinh thần, niềm tin và điều kiện làm việc đảm bảo phát huy năng lực nghề nghiệp cho giảng viên, qua đó có tác động thúc đẩy phát triển đội ngũ giảng viên.

2. Các nhân tố chủ quan

2.1. Nhận thức, trình độ và bộ máy của các chủ thể quản lý đối với việc phát triển đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng ngoài công lập

Phát triển đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ là phát triển nguồn nhân lực đặc thù của các trường NCL. Việc phát triển đó diễn ra như thế nào phụ thuộc một phần đáng kể vào sự quan tâm của các chủ thể quản lý, từ Trưởng các phòng ban chức năng, Trưởng khoa/ngành đến Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng nhà trường.

Sự quan tâm này thể hiện ở chỗ các chủ thể quản lý nhận thức đúng đắn vai trò của đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ trong các trường NCL; xây dựng quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và tạo động lực để đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng ngoài công lập phát huy vai trò của mình.

Lãnh đạo nhà trường mà trực tiếp là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển đội ngũ giảng viên, vì vậy được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường sẽ tạo nên điều kiện thuận lợi có tác động ảnh hưởng tích cực đến phát triển đội ngũ giảng viên như có chủ trương, chính sách phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí, nhân lực đảm bảo cho phát triển đội ngũ giảng viên.

Việc xây dựng bộ máy quản lý hợp lý, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, hoạt động có hiệu quả có vai trò quan trọng đối với việc phát triển nhà trường trong đó có công tác phát triển đội ngũ giảng viên.

Xem thêm: Nội dung phát triển đội ngũ giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

Đội ngũ CBQL có ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý nhà trường. CBQL phải là những người nắm chắc và hiểu sâu sắc mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo, biết chỉ đạo, tổ chức giảng dạy học tập có hiệu quả, là trung tâm thu hút đội ngũ giảng viên.

Thực tiễn chỉ ra rằng những cơ sở đào tạo có bộ máy quản lý tổ chức khoa học, đồng bộ và đội ngũ CBQL chuẩn, tâm quyết và có tầm nhìn sẽ biết huy động được sức mạnh tập thể trong xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nhà trường trong đó có nội dung phát triển đội ngũ giảng viên.

2.2. Sự tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của chính đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng

Trong phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển các yếu tố bên trong của ĐN này giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là các yếu tố liên quan đến phẩm chất và năng lực của GV các trường ĐH, CĐ NCL.

Phẩm chất và năng lực của GV nói chung, GV đại học, cao đẳng ngoài công lậpnói riêng được hình thành thông qua con đường đào tạo, bồi dưỡng nhưng lại được phát triển và hoàn thiện bằng sự trải nghiệm ngay trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Có thể nói, sự tự học, tự bồi dưỡng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của mỗi GV.

Nếu không có tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập không những không đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác đào tạo giảng viên hiện nay mà còn không đáp ứng được sự phát triển của chính bản thân mình.

Trên đây là một số nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự phát triển ĐNGV ĐH, CĐ trong các trường NCL. Từ đó, để phát triển hiệu quả đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cần phải xem xét đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển này.

2.3. Môi trường sư phạm, uy tín, thương hiệu, chính sách của trường

Môi trường sư phạm, bầu không khí dân chủ cởi mở trong nhà trường có tác động đến công tác phát triển đội ngũ giảng viên. Nó tác động đến tâm tư, tình cảm, lý trí và hành vi của các thành viên nhà trường. Bầu không khí làm việc trong nhà trường tốt sẽ là động lực thúc đẩy mọi hoạt động trong nhà trường nhất là phát triển đội ngũ giảng viên.

Uy tín, thương hiệu của nhà trường càng tốt thì càng thu hút được giảng viên và công tác phát triển đội ngũ giảng viên gặp thuận lợi. Giảng viên trách nhiệm và gắn bó với nhà trường. Uy tín, thương hiệu nhà trường mạnh sẽ giúp trường thuận lợi trong công tác tuyển sinh, góp phần tăng thêm việc làm, thu nhập và các chính sách đãi ngộ đối với tập thể nhà trường đặc biệt là đội ngũ giảng viên tốt hơn, tạo động lực khiến giảng viên tự giác gắn bó với nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển đội ngũ giảng viên.

Trong điều kiện cơ chế, chính sách của nhà nước chưa đầy đủ, thiếu động bộ, còn chồng chéo ảnh hưởng đến công tác phát triển đội ngũ giảng viên, nếu nhà trường biết tranh thủ các nguồn đầu tư, tổ chức hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài chính, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, các quy chế tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng phù hợp sẽ tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên tích cực tự giác tham gia góp phần phát triển ĐNGV trong nhà trường

Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

4 thoughts on “Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

  1. Pingback: Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học ở Anh - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  2. Pingback: Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học ở Hoa Kỳ - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  3. Pingback: Quá trình hình thành và phát triển các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  4. Pingback: Những thành tựu trong công tác phát triển nguồn nhân lực trong các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập ở Việt Nam - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?