Khái niệm và đặc điểm của thị trường điện

khái niệm thị trường điện

a. Khái niệm thị trường điện

Có nhiều khái niệm về thị trường và Thị trường điện. Theo Samuelson “thị trường là một cơ chế trong đó người mua và người bán tương tác với nhau để xác định giá cả và sản lượng của hàng hóa hay dịch vụ” [72]. Trong cuốn Kinh tế học, nhà kinh tế học Begg và cộng sự cho rằng: “Thị trường là sự dàn xếp giữa người bán và người mua trong trao đổi hàng hóa và dịch vụ ”. Như vậy, thị trường là tổng thể các quan hệ kinh tế giữa các chủ thể mua, chủ thể bán, xác định giá cả, lượng cung, lượng cầu các hàng hóa và dịch vụ. Phạm vi của thị trường được giới hạn thông qua việc xem xét bản chất hành vi tham gia thị trường, ở đâu có sự trao đổi, mua bán hàng hoá, dịch vụ thì ở đó có thị trường. Đây là cách hiểu thị trường gắn với yếu tố địa lý của hành vi tham gia thị trường. Thị trường còn được hiểu là sự kết hợp giữa cung và cầu trong đó người mua, người bán bình đẳng cạnh tranh, số lượng người bán nhiều hay ít phụ thuộc vào cơ chế hoạt động và quy mô của thị trường lớn hay nhỏ.

Đối với ngành điện, có thể nhận thấy điện năng không phải là một dạng hàng hóa thông thường với đặc điểm cơ bản là quá trình sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời và trong ngắn hạn luôn luôn phải được cân bằng thông qua các biện pháp kỹ thuật và công nghệ [46]. Ngoài ra, hạ tầng điện mang tính xương sống, có quan hệ mật thiết với phát triển kinh tế – xã hội và rộng hơn nữa, bảo đảm an toàn cung cấp điện là góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong trung và dài hạn.

Trong vận hành hệ thống điện, cần có một cơ quan kiểm soát và đơn vị điều hành hệ thống truyền tải, điều phối các đơn vị phát điện để đáp ứng nhu cầu dự kiến của hệ thống trên lưới truyền tải. Nếu điện năng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ không cân bằng, máy phát điện sẽ tăng tốc hoặc quay chậm lại làm cho tần số hệ thống tăng hoặc giảm. Nếu tần số nằm ngoài phạm vi đã xác định trước, người vận hành hệ thống sẽ phải thực hiện thao tác huy động thêm hoặc loại bỏ các tổ máy phát điện hoặc phụ tải. Do dó, thị trường điện là dạng thị trường có sự khác biệt, mang tính đặc thù so với các thị trường hàng hóa khác.

Từ đặc điểm của điện năng, theo NCS “Thị trường điện (còn gọi là thị trường điện lực/điện năng) là hệ thống cho phép nhà cung ứng điện và nhu cầu sử dụng gặp nhau được xác định bằng giá mua điện trên thị trường nhằm thoả mãn các lợi ích kinh tế của người mua và người bán”.

Thị trường điện là môi trường năng động với độ phức tạp ngày càng tăng, được thúc đẩy bởi quá trình tái cơ cấu trong những thập kỷ qua [42, 60, 63, 66]. Trong thị trường điện, cung là tổng năng lượng điện mà nhà sản xuất cung ứng cho thị trường ứng với từng mức giá, trong khi cầu là nhu cầu sử dụng điện ứng với từng mức giá, là sản lượng điện cần cung cấp cho các nhà truyền tải (cấp 1) – phân phối (cấp 2) và các nhà tiêu thụ. Về mặt lý thuyết, thị trường điện về cơ bản tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường: đường cầu và cung cắt nhau ở điểm cân bằng thị trường mà tại đó xác định được giá cả và số lượng. Giá cả có xu hướng thay đổi cho đến khi thị trường đạt trạng thái cân bằng – khi lượng cung cân bằng với lượng cầu. Quá trình này diễn ra liên tục, xác định các điểm cân bằng mới có ảnh hưởng đến sản lượng điện năng, chi phí sử dụng để sản xuất điện cũng như nhu cầu tiêu dùng như: theo giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc theo mùa. Tuy nhiên trong ngắn hạn, sự khác biệt giữa cung và cầu điện không thể hiện bằng sản lượng điện do sản xuất thường tương đương với nhu cầu. Sự khác biệt này về mặt tức thời được phản ánh qua các chỉ tiêu kỹ thuật quan trọng nhất như điện áp và tần số.

Sản lượng điện và giá cả có thể biến động tăng, giảm đồng thời đường cầu, cung điện năng luôn biến động tăng, giảm từ đó xác định điểm cân bằng mới trong các thời kỳ có ảnh hưởng đến sản lượng điện năng, chi phí sử dụng để sản xuất điện cũng như nhu cầu tiêu dùng theo các chu kỳ thời gian hoặc theo mùa.

b.Đặc điểm của thị trường điện

Do có những khác biệt lớn giữa điện năng và các loại hàng hóa thông thường, thị trường điện mang những đặc điểm tương đối đặc trưng.

Thứ nhất, điện hầu như không thể lưu trữ được: Cho đến nay, các công nghệ lưu trữ điện năng vẫn chưa cho phép tích trữ điện năng ở quy mô đủ lớn để có thể có “tồn kho điện năng”. Do đó, TTĐ vẫn phải được xây dựng, phát triển và vận hành dựa trên các nguyên tắc vật lý: khách hàng được cung cấp điện năng thông qua hệ thống mạng lưới đường dây truyền tải và phân phối để kết nối với nhà máy sản xuất một cách liên tục, tức thời và phải đảm bảo tin cậy. Nếu không duy trì được sự cân bằng vật lý giữa cung và cầu điện, hệ thống điện sẽ chịu những hậu quả nghiêm trọng và nặng nề. Do vậy, việc phát điện và tiêu thụ điện phải luôn luôn được cân bằng để duy trì tần số, điện áp và độ ổn định của mạng lưới điện đồng thời tránh được các sự cố mất điện đột ngột.

Thứ hai, do hầu như không thể lưu trữ, vận hành của TTĐ phải bám sát theo thay đổi của nhu cầu điện trong năm, trong mùa, tháng, ngày hay thậm chí hàng giờ để gửi tín hiệu huy động công suất phát và hình thành các giao dịch mua bán. Do yêu cầu về cân bằng giữa cung và cầu điện, điện năng chỉ được sản xuất ra khi có nhu cầu tiêu thụ. Để đảm bảo tính kinh tế, sẽ chỉ có một số nhà máy được huy động để sản xuất điện. Khi nhu cầu điện giảm xuống mức thấp, chỉ các nhà máy có hiệu quả cao nhất mới được huy động vào hệ thống. Do sản xuất thay đổi tăng hoặc giảm theo nhu cầu, giá điện cũng thay đổi trong ngày và làm cho sự biến thiên về chi phí sản xuất và giá bán điện không giống như các hàng hóa thông thường khác.

Thứ ba, truyền tải và phân phối điện bắt buộc phải thực hiện qua khâu trung gian qua lưới điện truyền tải và phân phối: không giống như các hàng hóa thông thường, điện sản xuất từ nhà máy không thể đưa trực tiếp đến từng khách hàng cụ thể. Khách hàng sử dụng điện chỉ đơn thuần tiếp cận và sử dụng điện năng được cấp cho họ tại nơi họ được đấu nối vào mạng lưới điện. Điện năng do toàn bộ các nhà máy sản xuất ra được tập hợp lại trên đường phân phối đến các tải tiêu thụ. Bên cạnh đó, điện năng là hàng hóa đặc biệt khi di chuyển trên đường dây truyền tải với tốc độ ánh sáng. Mặt khác, thị trường điện phải thực hiện các quyết định của đơn vị quản lý, điều hành/điều độ về cung – cầu trong thời gian rất ngắn. Bản thân TTĐ không thể tự thực hiện chức năng cân bằng cung – cầu mà cần phải có đơn vị điều độ thực hiện chức năng điều khiển và điều phối sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, lợi ích vật chất tổng thể của xã hội không cho phép xây dựng nhiều hơn một mạng lưới để nhiều đơn vị có thể cạnh tranh. Vì vậy, lưới truyền tải và phân phối ở mọi nơi trên thế giới đều mang tính độc quyền tự nhiên [39]. Tính chất độc quyền nếu không được điều tiết sẽ dẫn đến cửa quyền với nhiều hậu quả tiêu cực kèm theo.

Thứ tư, điện năng là sản phẩm thiết yếu phục vụ cho đời sống con người và phát triển kinh tế – xã hội đồng thời hạ tầng điện là hạ tầng xương sống của nền kinh tế. Do đó, việc vận hành TTĐ và mô hình hoạt động của ngành điện ngoài việc đảm bảo tính kinh tế, hiệu quả còn phải duy trì các tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ nhằm mang lại sự an toàn, tin cậy không chỉ cho khách hàng mà còn cho quốc gia, xã hội. Xét trên khía cạnh này, vận hành và phát triển TTĐ không thể tách rời việc bảo đảm an ninh hệ thống điện như một hạ tầng quan trọng của nền kinh tế và là một bộ phận của an ninh quốc gia.

Thứ năm, nhu cầu điện ít nhạy cảm với giá điện trong ngắn hạn. Điện là nhu cầu thiết yếu đối với cuộc sống hiện đại và có xu hướng ít nhạy cảm với giá. Người tiêu dùng ít có cơ hội điều chỉnh hành vi sử dụng điện của mình khi có biến động về giá, đặc biệt là khi giá tăng do họ ít có khả năng sử dụng sản phẩm khác thay thế cho điện. Tuy nhiên trong dài hạn, khách hàng có thể có nhiều lựa chọn hơn với sản phẩm thay thế. Ví dụ, các khách hàng là hộ gia đình tại các quốc gia ôn đới có thể tăng sử dụng dịch vụ cấp nhiệt thay vì dùng điện để sưởi ấm hoặc các khách hàng là cơ sở sản xuất công nghiệp có thể chọn giải pháp giảm tiêu thụ điện năng trong dây chuyền sản xuất hoặc sử dụng nhiên liệu thay thế để bù đắp cho nhu cầu điện bị giảm sút trước tác động của giá điện tăng.

Thị trường điện là một thị trường cho sản phẩm phổ biến là điện năng nhưng có những đặc điểm đặc thù về kỹ thuật. Do đó, cơ chế xây dựng, hình thành, quản lý và phát triển có sự khác biệt so với các thị trường khác. Các đặc điểm nêu trên là những yếu tố ảnh hưởng đến sự vận hành của TTĐ cạnh tranh tại bất kỳ quốc gia nào. Nhu cầu điện thay đổi theo từng giờ hoặc từng thời điểm, khác biệt qua từng ngày, từng tháng và từng năm. Mặt khác, điện năng là sản phẩm không thể lưu kho, do đó, việc phát điện và tiêu thụ điện phải luôn luôn được cân bằng để duy trì tần số, điện áp và độ ổn định của mạng lưới điện đồng thời tránh được các sự cố mất điện đột ngột.

Nguồn: Luận án Quản lý kinh tế “Phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam

5/5 - (1 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?