Quá trình hình thành và phát triển các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập

Trung Tâm Y Tế

Mục lục

Quá trình hình thành và phát triển các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập

Trung tâm đại học dân lập Thăng Long tại Hà Nội được thành lập năm 1988, tiền thân của Đại học Thăng Long ngày nay, cũng là cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đầu tiên ở nước ta. Với sự thành công của 5 năm thí điểm, trên cơ sở Trung tâm ĐHDL Thăng Long, vào tháng 8-1994, Trường ĐHDL Thăng Long chính thức được thành lập. Đây chính là trường cao đẳng và đại học ngoài công lập đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, thể hiện tư tưởng đổi mới của Đảng ta trong lĩnh vực GD&ĐT. Lịch sử phát triển các trường NCL tại Việt Nam có thể chia làm hai giai đoạn chủ yếu như sau.

Giai đoạn 1: Từ năm 1995-2000 là giai đoạn đầu của sự bùng nổ các trường dân lập, điển hình là các trường ĐHDL Đông Đô, ĐHDL Phương Đông, ĐHDL Thăng Long, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐHDL Hải Phòng, ĐHDL Hùng Vương, ĐHDL Văn Lang. Các trường trong giai đoạn này chủ yếu là do các nhà giáo có uy tín, những người từng lãnh đạo các trường ĐH công lập thành lập. Sự xuất hiện của các trường này đã đem lại một sinh khí mới cho môi trường giáo dục ĐH lúc đó, nhưng việc phát triển quá nóng và yếu kém trong quản trị đã dẫn tới không đảm bảo chất lượng.

Giai đoạn 2: Từ năm 2001-2015 được đánh dấu bởi sự công nhận các trường ĐH tư thục. Trong giai đoạn bùng nổ 2005-2009, số trường đã tăng từ 35 lên 77 và hiện nay là 90 trường, tức là gấp đôi chỉ trong 05 năm. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự có mặt của trường ĐH quốc tế và các nhà đầu tư từ các doanh nghiệp như các trường ĐH RMIT, ĐH FPT, ĐH Tân Tạo…

Những trường ĐH mang dấu ấn doanh nghiệp này đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và quản trị, nhưng không phải trường nào cũng thành công. Các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập thành công là các trường thể hiện được sự khác biệt của mình với cả các trường công lập và NCL khác, những khác biệt này đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết của xã hội mà các trường công lập kém năng động không đáp ứng được. Một trong những yếu tố giúp các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập thành công là nhờ quản trị chuyên nghiệp. Thể hiện của việc quản trị tốt là việc có một hệ thống tài chính lành mạnh. Một điều nữa giúp những trường cao đẳng và đại học ngoài công lập thành công chính là các trường này đã xây dựng được môi trường sư phạm lành mạnh. Nhiều trường NCL đã nêu cao tính “thực học – thực nghiệp” hay “học thật”… nhờ đó làm tăng uy tín của nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh và xã hội.

Xem thêm: Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ảnh hưởng đến phát triển các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập ở Việt Nam

Tuy nhiên, các trường như vậy không nhiều, phần lớn các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập vẫn đang phải vật lộn với các bài toán ngắn hạn trước mắt. Những chính sách vĩ mô không ổn định, đánh giá sai lầm về đầu tư giáo dục vì lợi nhuận đã khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất ổn và suy nghĩ ngắn hạn. Nhược điểm chính của các trường ĐH công lập hiện nay là thiếu động lực để đổi mới, trong lúc nhược điểm chính của các trường NCL là tầm nhìn ngắn hạn. Nếu khắc phục được, thì chính các trường NCL là nơi có động lực mạnh mẽ nhất để cải thiện chất lượng dạy và học- yếu tố quyết định chất lượng NNL của nước ta hiện nay.

Về số lượng các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập

Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xã hội hóa giáo dục đạt được những kết quả bước đầu… Cùng với các trường công lập, các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập đã và đang thể hiện được vai trò, chức năng của mình trong việc nâng cao chất lượng NNL nước ta. Hệ thống các trường ĐH và CĐ không ngừng phát triển. Từ một trung tâm thí điểm là Trung tâm ĐH dân lập Thăng Long năm 1988, thì đến năm học 2014- 2015 cả nước có 90 trường cao đẳng và đại học ngoài công lập, trong đó bao gồm 61 trường ĐH và 29 trường CĐ.

Bảng 3.1. Số liệu về các trường ĐH và CĐ Việt Nam giai đoạn 2004-2015

Năm học Cả nước Công lập Ngoài công lập
Tổng số Đại học Cao đẳng Tổng số Đại học Cao đẳng Tổng số Đại học Cao đẳng
2004 – 2005 230 93 137 201 71 130 29 22 7
2005 -2006 255 104 151 221 79 142 34 25 9
2006 -2007 322 139 183 275 109 166 47 30 17
2007 – 2008 369 163 206 282 100 182 87 63 24
2008 – 2009 393 170 223 295 101 194 98 69 29
2009 -2010 403 176 227 300 103 197 103 73 30
2010 – 2011 414 191 223 306 113 193 108 78 30
2011 – 2012 419 195 224 337 125 212 82 66 12
2012 – 2013 424 198 226 343 134 209 81 64 17
2013-2014 415 195 238 344 135 226 89 61 28
2014-2015 423 198 226 344 135 226 90 61 29

Nguồn: [3][4]

Theo Hiệp hội các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập, năm 2014 cả nước có 90 trường NCL (gồm 61 trường ĐH và 29 trường CĐ), chiếm khoảng 22,2% tổng số các trường ĐH – CĐ trên toàn quốc. Quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ NCL ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ sinh viên. Hiện nay, số lượng sinh viên ĐH – CĐ chính quy của các cơ sở giáo dục ĐH NCL là 314.054 sinh viên, chiếm khoảng 14,4% tổng số sinh viên cả nước.

Sự hình thành và phát triển của các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập, đã góp phần quan trọng cho sự phát triển về cơ sở vật chất của nền giáo dục ĐH và CĐ cả nước. Đa số các trường NCL chủ yếu được thành lập theo phương thức xây dựng mới hoàn toàn cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ cán bộ, giảng viên. Nhiều trường đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy hiện đại, chú trọng đầu tư chương trình, tăng cường hợp tác quốc tế để triển khai hiệu quả nhiều chương trình đào tạo tiên tiến. Đến nay có khoảng 30 trường đã xây dựng được trụ sở khang trang, đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc đầu tư khá lớn về vật chất, các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập đã huy động được đông đảo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao tham gia sự nghiệp đào tạo NNL có trình độ cho đất nước.

 Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục ĐH và CĐ.

 Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục hạn chế, mô hình giáo dục ĐH NCL đã phát huy có hiệu quả tiềm năng của xã hội, huy động được nguồn lực đầu tư lớn từ nhiều thành phần và các nhà đầu tư khác nhau. Hệ thống các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập đã chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước trong việc đầu tư phát triển giáo dục đào tạo; tạo điều kiện đáp ứng tốt hơn nhu cầu được tiếp cận giáo dục ĐH của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao năng lực đào tạo của giáo dục ĐH và phát triển NNL có trình độ cho đất nước. Tổng số vốn điều lệ đăng ký thành lập các trường này năm 2009 là 1.555 tỷ đồng. Năm 2008 tổng thu học phí từ các trường NCL là 1.850 tỷ đồng. Tổng số tiền đã huy động được trong đạt gần 30 ngàn tỉ đồng, gấp 6 lần tổng số tiền phát hành trái phiếu giáo dục lần đầu [4]. Có thể xem đấy là khoản tài chính mà các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập đã gánh cho ngân sách nhà nước.

Sự phát triển mạng lưới của các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập đã góp phần giải quyết tình trạng phân bố không đồng đều về giáo dục ĐH và CĐ tại các vùng miền. Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành phố có trường ĐH (đạt tỷ lệ 63%); có 60/63 tỉnh, thành có trường CĐ (đạt tỷ lệ 95%) và có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường CĐ hoặc ĐH (đạt tỷ lệ 98%, trừ tỉnh Đắk Nông chưa có trường ĐH, CĐ nào).

Từ sự phát triển của hệ thống các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập trên đây, chúng ta có thể khẳng định, công tác xã hội hoá giáo dục nước ta ngày càng được đẩy mạnh, nguồn lực trong xã hội đầu tư cho giáo dục được huy động ngày càng nhiều. Sự phân bố các cơ sở giáo dục ĐH đã dần rộng khắp trên phạm vi cả nước. Điều này là hết sức quan trọng trong việc đào tạo NNL tại chỗ có chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của từng địa phương và cả nước.

Về quy mô đào tạo của các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập

Cùng với sự phát triển về quy mô cũng như mạng lưới các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập là số lượng học sinh đăng ký và nhập học vào khối các trường NCL tăng nhanh.

Về giáo dục ĐH, niên khóa 2000 – 2001 khối các trường ĐH NCL có số lượng sinh viên là 89.464 người, đến năm học 2006 – 2007 số lượng học sinh viên trong khối các trường ĐH NCL là 157170 người, năm học 2010 – 2011 là 189531 người và năm học 2011-2012 là 228.667 người (Bảng 3.2). So với các con số tương ứng của khối ĐH công lập, ta thấy, tỷ lệ của khối ĐH NCL chỉ khoảng 12,1% – 15.5% trong khoảng thời gian từ năm 2001-2012. Trong đó, tỷ trọng cao nhất là 15.5% vào năm học 2006-2007 [3].

Về giáo dục CĐ, niên khóa 2000 – 2001 khối các trường NCL có số lượng sinh viên là 14,801 người chỉ bằng 8,6% so với khối công lập, đến năm học 2006 – 2007 số lượng học sinh viên trong khối các trường CĐ NCL là 36,301 người và chỉ bằng 11,0% so với khối công lập, năm học 2010 – 2011 các chỉ số tương ứng là 144,390 người và bằng 24.8% so với khối công lập, năm học 2011-2012 với tổng số là 160, 425 người nhưng chỉ chiếm 24,5% so với khối công lập [3] [4].

Bảng 3.2. Số sinh viên ĐH CĐ qua một số năm

ĐVT: Người; %

Năm học 2000-2001 2006-2007 2007-2008 2008-2009 2009-2010 2010-2011 2011-2012
Tổng số 918.228 1.540.201 1.603.484 1.719.499 1.935.739 2.162.106 2.179.243
Đại học 731.505 1.173.147 1.180.547 1.242.778 1.358.861 1.435.887 1.524.447
Công lập 642.041 1.015.977 1.037.115 1.091.426 1.185.253 1.246.356 1.295.780
NCL 89.464 157.170 143.432 151,.352 173.608 189.531 228.667
Tỷ lệ NCL/CL (%) 13,9 15,5 13,8 13,9 14,6 15,2 15,0
Cao đẳng 186.723 367.054 422.937 476.721 576.878 726.219 654.796
Công lập 171.922 330.753 377.531 409.884 471.113 581.829 494.371
NCL 14.801 36.301 45.406 66.837 105.765 144.390 160.425
Tỷ lệ NCL/CL (%) 8,6 11,0 12,0 16,3 22,5 24,8 24,5

Nguồn: [3]

Như vậy, khác với giáo dục ĐH, tỷ lệ giữa giáo dục CĐ NCL so với khối công lập tăng nhanh hơn rất nhiều. Điều đó chứng tỏ, khối các trường NCL có vai trò rất lớn đối với giáo dục CĐ. Chúng ta cần lưu ý rằng trong giáo dục CĐ bao gồm cả CĐ nghề, một loại hình giáo dục nghề nghiệp rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây chính là một trong những mục tiêu quan trong đối với việc nâng cao chất lượng NNL của nước ta hiện nay.

Xem thêm : Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

Hiện khối trường NCL đang đào tạo 1.143 ngành với 522 ngành đào tạo trình độ CĐ, 582 ngành trình độ ĐH, 36 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ và 3 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sỹ.

Cùng với quy mô trường thì số sinh viên của hệ này cũng tăng mạnh. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT tại “Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ NCL”, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 14/3/2014 tại Hà Nội, thì tỷ lệ tăng sinh viên bình quân hàng năm của các trường ĐH, CĐ NCL trong giai đoạn 2000 – 2010 là 12,39%, cao hơn tỷ lệ tương ứng của các trường ĐH công lập (là 9,05%). Hiện số sinh viên ĐH, CĐ chính quy của các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập là trên 314.000 sinh viên, chiếm tỷ lệ 14% số sinh viên của cả nước [4].

Việc gia tăng quy mô đào tạo đã góp phần giảm thiểu sự chênh lệch về tỷ lệ sinh viên trên dân số nước ta so với các nước trên thế giới và khu vực. Năm 2005, tỷ lệ sinh viên vào ĐH ở nước ta là 16%, trong khi con số này ở Trung Quốc là 17%, Indonesia 19%, Thái Lan 43%. Hiện nay, nhờ quy mô đào tạo ĐH, CĐ tăng dần qua các năm, tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân cũng tăng, năm 1997 là 80 sinh viên/1 vạn dân, năm 2006 là 166,5 sinh viên/1 vạn dân, năm 2009 là 195 sinh viên/1 vạn dân, đến năm 2010 có thể đạt 200 sinh viên/1 vạn dân theo đúng định hướng Nghị quyết số 14 của Chính phủ và Quyết định số 121 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu so với các nước, thì tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân của Việt Nam còn rất thấp: năm 2005 Thái Lan có 374 sinh viên/1vạn dân; Chi Lê có 407 sinh viên/1 vạn dân, Nhật Bản có 316 sinh viên/1 vạn dân, Pháp có 359 sinh viên/1 vạn dân, Anh có 380 sinh viên/1 vạn dân, Úc có 504 sinh viên/1 vạn dân, Mỹ có 576 sinh viên/1 vạn dân và Hàn Quốc có 674 sinh viên/1 vạn dân [3].

Như vậy, việc hình thành và phát triển các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực giáo dục ĐH, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội và và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong giáo dục ĐH ở Việt Nam.

Các trường đã tạo công việc cho hàng nghìn cán bộ và giảng viên, huy động được nguồn lực to lớn của xã hội để hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, sự ra đời của các trường ĐH, CĐ NCL cũng đã có tác động mạnh mẽ đến hệ thống các trường công lập trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Quá trình hình thành và phát triển các trường cao đẳng và đại học ngoài công lập

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?