Các lý thuyết cơ bản trong hội tụ kế toán quốc tế

phân tích tài chính

Mục lục

Các lý thuyết cơ bản trong hội tụ kế toán quốc tế

1. Lý thuyết thông tin hữu ích cho việc ra quyết định

Lý thuyết thông tin hữu ích (decision usefulness theory) là lý thuyết kế toán chuẩn tắc được sử dụng như một lý thuyết nền tảng để xây dựng khuôn mẫu lý thuyết kế toán hiện nay của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuẩn mực kế toán nhiều quốc gia. Lý thuyết này nhấn mạnh nhiệm vụ cơ bản của báo cáo tài chính là cung cấp thông tin hữu ích và thích hợp cho các đối tượng sử dụng trong việc ra quyết định kinh tế. Lý thuyết thông tin hữu ích cũng đề cập đến khái niệm cân bằng lợi ích – chi phí, là một khía cạnh quan trọng cần quan tâm khi thiết lập các chuẩn mực (Godfrey et al, 2003).

Áp dụng vào lĩnh vực hội tụ kế toán quốc tế, lý thuyết này giải thích mục tiêu của quá trình hội tụ kế toán quốc tế là xây dựng các chuẩn mực chất lượng cao giúp cho các nhà đầu tư và các đối tượng khác ra quyết định kinh tế đúng đắn hơn. Các tổ chức lập quy cũng cần xem xét khía cạnh chi phí của quá trình hội tụ (ví dụ chi phí chuyển đổi) và lợi ích mang lại (tác động cung cấp thông tin hữu ích hơn khi hội tụ quốc tế).

2. Các lý thuyết về lập quy

Các lý thuyết lập quy tranh luận về vai trò của việc lập quy và tổ chức lập quy. Theo đó, lý thuyết lợi ích xã hội (public-interest theory) cho rằng cần thiết lập các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội trong việc điều chỉnh sự không hiệu quả của thị trường, qua đó bảo vệ lợi ích chung của xã hội. Tuy nhiên, các lý thuyết nhóm lợi ích (interest-group theory) và lý thuyết lợi ích cá nhân (private-interest theory) hoài nghi về sự khách quan của các tổ chức lập quy, khi cho rằng các tổ chức này có thể bị chi phối bởi nhóm lợi ích hoặc lợi ích cá nhân của những người có chức năng lập quy (Godfrey et al, 2003).

Áp dụng vào lĩnh vực hội tụ kế toán, các lý thuyết này giải thích vai trò của việc đưa ra các thể chế phù hợp của Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế để đảm bảo sự độc lập của tổ chức này trong việc xây dựng các chuẩn mực quốc tế.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Khái niệm hội tụ kế toán quốc tế[/message]

3. Các lý thuyết về sự đa dạng của kế toán quốc gia

Các lý thuyết về sự đa dạng của kế toán quốc gia nhằm giải thích sự khác biệt về kế toán giữa các quốc gia xuất phát từ các đặc điểm riêng của mỗi quốc gia. Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nghiên cứu. Qua thời gian, ngày càng thêm nhiều nhân tố được nhận diện và đi sâu vào phân tích. Phần trình bày dưới đây tóm tắt những nhân tố theo bốn nhóm chính gồm kinh tế, pháp lý, văn hóa và chính trị.

(1) Nhóm nhân tố kinh tế

Nhóm này bao gồm nhân tố liên quan đến nền kinh tế nói chung và đặc điểm của doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc gia:

– Sự phát triển của nền kinh tế có quan hệ với kế toán. Một nền kinh tế phát triển đòi hỏi công cụ kế toán hữu hiệu nhằm tạo niềm tin cho giao dịch cũng như sử dụng vốn hiệu quả (Enthoven, 1965).

– Hệ thống kế toán phát triển theo định hướng phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế quốc gia. Ví dụ hệ thống kế toán của Úc trước đây rất gần với Anh do mối quan hệ thuộc địa trong quá khứ nhưng càng ngày càng tách biệt do những giao dịch thương mại tăng lên của Úc với Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á (Robert et al, 1998).

– Lạm phát ảnh hưởng đến hệ thống kế toán quốc gia thông qua việc phát triển hay không các phương pháp kế toán đối phó với sự thay đổi lớn về chỉ số giá (Tweedie & Whittington, 1984).

– Nguồn cung cấp tài chính tác động đến cách thức và mức độ cung cấp thông tin kế toán. Tại các quốc gia mà nguồn tài chính cho doanh nghiệp chủ yếu từ thị trường vốn, hệ thống kế toán hướng đến việc công bố thông tin nhiều hơn, kiểm toán và trình bày hợp lý (Nobes & Parker, 1995).

– Cấu trúc doanh nghiệp cũng được xem là một nhân tố có ảnh hưởng đến kế toán. Khi quy mô kinh doanh và mức độ phức tạp của hoạt động doanh nghiệp tăng lên, hệ thống kế toán đòi hỏi phát triển những công cụ tương ứng (Robert et al, 1998). Báo cáo tài chính tập đoàn, hợp nhất kinh doanh, công cụ tài chính… là những ví dụ chứng minh cho luận điểm trên.

(2) Nhóm nhân tố pháp lý

Pháp lý cũng là những nhân tố được ghi nhận sớm về ảnh hưởng đến hệ thống kế toán quốc gia. Nhóm này bao gồm những nhân tố sau:

– Hệ thống pháp luật được xem là một yếu tố tác động lớn đến hệ thống kế toán. Các quốc gia thuộc nhóm thông luật (common law) thường ít ban hành những quy định chi tiết về kế toán hơn các quốc gia thuộc hệ thống điển luật (code law) (Nobes & Parker, 1995).

– Hệ thống thuế cũng như quan hệ giữa thuế và kế toán là một nhân tố tác động đáng kể đến hệ thống kế toán. Robert et al (1998) chia thành ba nhóm quốc gia: nhóm có hệ thống kế toán và hệ thống thuế hoàn toàn độc lập như Hoa Kỳ, Anh; nhóm có hệ thống kế toán và hệ thống thuế chung một hệ thống, trong đó hệ thống thuế quy định chi tiết và kế toán phải theo các quy định của thuế, ví dụ như Pháp, Đức và nhóm có hệ thống thuế đơn giản được dựa trên thông tin của hệ thống kế toán như các quốc gia đang phát triển trong khối thịnh vượng chung.

– Tổ chức nghề nghiệp được nhiều tác giả như Robert et al (1998), Nobes & Parker (1995)… xem như một nhân tố có tác động đến hệ thống kế toán quốc gia. Tuy nhiên, một số tác giả coi đây là một yếu tố về văn hóa (Gray, 1988).

(3) Nhóm nhân tố văn hóa

Lý thuyết Gray dựa trên nền tảng nghiên cứu của Hofstede (1984) về các khuynh hướng văn hóa. Trong nghiên cứu này, Hofstede đã xác định có bốn khuynh hướng văn hóa của các quốc gia ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đó là: chủ nghĩa cá nhân/tập thể, khoảng cách quyền lực, né tránh/không né tránh những vấn đề chưa chắc chắn và nam tính/nữ tính1. Trên cơ sở đó, Gray đã phát triển và hình thành nhóm nhân tố ảnh hưởng đến các giá trị kế toán bao gồm: phát triển nghề nghiệp/kiểm soát theo luật định, thống nhất/linh hoạt, thận trọng/lạc quan và bảo mật/công khai.

Lý thuyết của Gray được nhiều nhà nghiên cứu khác sử dụng như Nobes (1998), Haniffa & Cooke (2002), Noravesh et al (2007), Borker (2012)… Mặc dù vậy, một số nghiên cứu thực nghiệm cho thấy thiếu bằng chứng cho lý thuyết của Gray và cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm (Finch, 2009).

(4) Nhóm nhân tố chính trị

Nhân tố chính trị liên quan đến vai trò của Nhà nước. Một số tác giả đề cập đến nhân tố này dưới dạng các thể chế chính trị trong đó Nhà nước can thiệp nhiều hay ít vào nền kinh tế (Robert et al, 1998). Một số khác nhìn nhận chúng như một sự liên quan chặt chẽ trong mối quan hệ chính trị – kinh tế như quan hệ giữa Hoa Kỳ với Canada và Mexico hoặc giữa Anh với các thuộc địa cũ (Doupnik & Perera, 2007).

Trong những năm gần đây, nhân tố chính trị được nhắc tới dưới dạng các chính sách của quốc gia trong tiến trình hội tụ quốc tế nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia. Zeff (2007) phân tích quan hệ chính trị giữa EU, Hoa Kỳ và IASB trong việc ra quyết định về hội tụ kế toán. Ramanna (2011) phân tích cách thức ba quốc gia Canada, Trung quốc và Ấn độ trong việc lựa chọn chiến lược tiếp cận và ghi nhận chiến lược này phụ thuộc vào quan hệ sức mạnh giữa quốc gia với IASB.

Các lý thuyết về sự đa dạng kế toán quốc gia là cơ sở cho việc xem xét các đặc điểm của mỗi quốc gia tác động thế nào đến hệ thống kế toán của quốc gia đó. Trong giai đoạn hội tụ, các lý thuyết này được dùng để xem xét cách thức các quốc gia chọn lựa phương thức hội tụ của mình.

Các lý thuyết cơ bản trong hội tụ kế toán quốc tế

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm
Bạn cần hỗ trợ?