Lược sử quá trình hội tụ kế toán quốc tế

Phân tích tài chính

Mục lục

Lược sử quá trình hội tụ kế toán quốc tế

Quá trình hình thành và phát triển các chuẩn mực quốc tế về kế toán đã diễn ra từ năm 1973 nhưng khái niệm hội tụ kế toán quốc tế được chính thức nhắc tới từ khi Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) được cải tổ để hình thành Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) năm 2001. Phần dưới đây khái lược lại quá trình hội tụ kế toán quốc tế phân thành hai giai đoạn là giai đoạn tạo tiền đề hội tụ và giai đoạn hội tụ.

1. Giai đoạn tạo tiền đề hội tụ kế toán quốc tế (1973 – 2000)

Năm 1973, sau nhiều nỗ lực của các tổ chức nghề nghiệp kế toán trên thế giới, IASC hình thành với mục đích xây dựng và ban hành các chuẩn mực kế toán vì lợi ích công chúng được chấp nhận và tuân thủ trên thế giới cũng như hướng đến việc cải thiện và hòa hợp về các quy định liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính (IASC, 1998a).

Trong 15 năm đầu (1973-1987), IASC ban hành được 26 chuẩn mực kế toán và có ảnh hưởng không đáng kể đến chuẩn mực các quốc gia cũng như thực tiễn áp dụng (Zeff, 2012). Năm 1987, Tổ chức quốc tế các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán (IOSCO) đề nghị IASC đổi mới các chuẩn mực của mình để có thể đạt được sự ủng hộ của tổ chức này trên các nội dung:

– Loại bỏ sự cho phép nhiều lựa chọn.

– Bảo đảm chuẩn mực đầy đủ các quy định chi tiết cũng như các yêu cầu về thuyết minh trên báo cáo tài chính.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Khái niệm hội tụ kế toán quốc tế[/message]

Trong 10 năm sau đó (1988-1997), cùng với việc nâng cao chất lượng các chuẩn mực kế toán quốc tế theo yêu cầu của IOSCO cũng như nhu cầu phát triển thị trường vốn quốc tế, vai trò của IASC và các chuẩn mực của tổ chức này ngày càng tăng lên. Năm 1995, Liên minh châu Âu (EU) đã xem việc hướng đến các chuẩn mực quốc tế như một định hướng chiến lược cho việc phát triển hòa hợp kế toán (European Commission, 1995). Trong giai đoạn này, IASC đã tiếp tục ban hành bảy chuẩn mực kế toán (Deloitte, 2013).

Để đáp ứng vai trò trên, IASC nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi chiến lược phát triển các chuẩn mực quốc tế để được sự thừa nhận lớn hơn của thế giới. Năm 1997, IASC thành lập Nhóm công tác chiến lược để soạn thảo chiến lược đổi mới của mình. Bản công bố lấy ý kiến năm 1998 thừa nhận rằng trong quá khứ, IASC đã chủ yếu chỉ làm công việc hòa hợp, nghĩa là chọn lựa cách xử lý kế toán có sẵn tại một số quốc gia, tìm kiếm sự thừa nhận quốc tế đối với các cách xử lý này với một vài sửa đổi. Cách tiếp cận này không phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới và IASC cần thay đổi (IASC, 1998c). Năm 1999, Nhóm công tác chiến lược đã công bố báo cáo trong đó đề xuất cải cách cơ cấu tổ chức và hoạt động, theo đó hướng đến việc xây dựng một bộ chuẩn mực quốc tế chất lượng cao cho thị trường vốn và thúc đẩy việc hội tụ kế toán toàn cầu giữa các chuẩn mực quốc gia với chuẩn mực quốc tế (IASC, 1999). Thực hiện báo cáo này, IASC đã tiến hành việc cải tổ và năm 2001,
IASB đã được thành lập.

Trong gần 30 năm của giai đoạn này, IASC đã đạt được những thành công nhất định. Tính đến cuối năm 2000, IASC có 156 thành viên là tổ chức nghề nghiệp đến từ 114 quốc gia. Trong thời gian trên, IASC ban hành được Khuôn mẫu lý thuyết kế toán và 41 chuẩn mực kế toán quốc tế, trong đó có 31 chuẩn mực có hiệu lực đến cuối năm 2000. IASC cũng đã hoàn thành thỏa thuận với IOSCO với kết quả là năm 2000, Ủy ban Kỹ thuật của IOSCO khuyến cáo các cơ quan quản lý thị trường vốn các nước cho phép các công ty nước ngoài được lựa chọn chuẩn mực kế toán quốc tế thay cho chuẩn mực kế toán quốc gia (Doupnik & Perera, 2007). Năm 2001, Tổ chức quốc tế về phát triển kế toán (IFAD) đã tiến hành khảo sát các quốc gia áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, kết quả có 8 trong tổng số 62 quốc gia được khảo sát áp dụng toàn bộ chuẩn mực kế toán quốc tế hoặc chỉ áp dụng đối với các công ty niêm yết (IFAD, 2001).

Như vậy, giai đoạn 1973-2000 những tiền đề cho việc hội tụ kế toán quốc tế đã được chuẩn bị thông qua việc hình thành và phát triển tổ chức lập quy quốc tế và các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, mục tiêu đi đến một bộ chuẩn mực kế toán thống nhất cho toàn thế giới phải chờ đến giai đoạn kế tiếp.

2. Giai đoạn hội tụ kế toán quốc tế (từ năm 2001 đến nay)

Năm 2001, IASB mới được thành lập thay thế chức năng ban hành chuẩn mực của IASC. Cũng trong năm này, Tổ chức Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC Foundation) đã hình thành với chức năng giám sát hoạt động, cơ cấu và chiến lược cũng như tài trợ cho IASB.

Mục tiêu hoạt động của IASB thay đổi đáng kể so với IASC, trong đó hướng đến việc hình thành một bộ chuẩn mực báo cáo tài chính toàn cầu, chất lượng cao phục vụ cho các nhà đầu tư trên thị trường vốn cũng như các bên liên quan để đưa ra quyết định kinh tế; đồng thời thúc đẩy quá trình hội tụ chuẩn mực kế toán quốc gia với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IASC Foundation, 2010). Thuật ngữ “hội tụ” bắt đầu được dùng chính thức để thay thế cho thuật ngữ “hòa hợp” trước đây.

IASB một mặt giữ lại các chuẩn mực kế toán quốc tế hiện hành, một mặt ban hành các chuẩn mực mới là chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Các chuẩn mực kế toán quốc tế hiện hành cũng được xem xét lại, chỉnh sửa và ban hành dưới tên chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế khi thích hợp. Trong hơn mười năm qua, đã có 14 chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế được ban hành và nhiều chuẩn mực kế toán quốc tế được chỉnh sửa, bổ sung. Khuôn mẫu lý thuyết cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS Framework) cũng được ban hành mới năm 2010.

Thuật ngữ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế được sử dụng theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các chuẩn mực do IASB ban hành. Một trong những cột mốc trong giai đoạn này là thỏa thuận Norwalk 2002 với Hội đồng Chuẩn mực kế toán tài chính Hoa Kỳ (FASB) về việc hai bên hợp tác phát triển các chuẩn mực kế toán chất lượng cao cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính trong nước cũng như xuyên quốc gia. Sau đó, hàng loạt dự án hội tụ giữa hai hệ thống chuẩn mực có ảnh hưởng lớn nhất thế giới này đã được tiến hành. Đồng thời, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế được chấp nhận ngày càng nhiều hơn tại các thị trường vốn trên thế giới. Từ năm 2005, tất cả các thị trường vốn thuộc EU phải áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho việc lập báo cáo tài chính.
Quy định tương tự tại thị trường Canada (2011), Hàn quốc (2011), Nga (2012) và Mexico (2012). Hoa Kỳ đã cho phép các công ty nước ngoài niêm yết tại nước này sử dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế mà không cần chỉnh hợp từ 1/1/2008.

Vài năm gần đây, những trở ngại mới xuất hiện từ một số quốc gia mà điển hình là Hoa Kỳ. Tháng 7 năm 2012, Nhóm chuyên viên công tác của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) công bố báo cáo đánh giá tình trạng hội tụ hiện tại, và chỉ ra những vấn đề quan trọng phải xem xét trong quá trình hội tụ trước khi đi đến một quyết định cuối cùng về sự hội tụ giữa chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuẩn mực kế toán Hoa Kỳ (SEC, 2012). Điều này có nghĩa là việc hội tụ giữa hai hệ thống sẽ bị trì hoãn lại so với kế hoạch và không có một dự kiến tương lai nào được đưa ra. Ngay sau đó, một số quốc gia đã hoãn lại quá trình hội tụ để chờ xem diễn biến của quan hệ Hoa Kỳ và IASB như Nhật (Yamaji et al, 2012), Singapore (ASC, 2012a). Trong một khảo sát mới nhất của IASB đối với 81 quốc gia bao gồm nhóm các nước có nền kinh tế lớn (G-20) và 61 quốc gia khác về việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Kết quả cho thấy có 14/20 quốc gia thuộc nhóm G-20 yêu cầu áp dụng hoàn toàn chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho thị trường vốn, 6 quốc gia còn lại là Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ, Saudi Arab, Trung quốc, Indonesia chỉ cho phép áp dụng một cách giới hạn về đối tượng hoặc chuẩn mực. Kết quả cũng cho thấy có 70/81 quốc gia yêu cầu hoặc cho phép áp dụng toàn bộ hoặc một phần chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, trong đó chỉ có 3 quốc gia áp dụng hầu như hoàn toàn chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (Australia, New Zealand và Hong Kong) và 27 quốc gia thuộc EU yêu cầu áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho công ty niêm yết với một số loại trừ (IASB, 2013).

Như vậy, hội tụ của kế toán quốc tế là một quá trình trải qua nhiều giai đoạn, trong đó từ mục tiêu ban đầu là đi tìm sự hòa hợp, đã chuyển sang hướng đến sự hội tụ. Tương ứng với nó, chuẩn mực quốc tế được định hình lại, nhắm đến một mục tiêu tham vọng hơn “một hệ thống toàn cầu chất lượng cao” nhưng với một phạm vi hẹp hơn “thị trường vốn quốc tế”. Mặc dù vậy, quá trình hội tụ cũng đầy thăng trầm với những giai đoạn tiến triển rất nhanh và những giai đoạn chững lại. Những hệ lụy gần đây do quyết định của Hoa Kỳ cho thấy ảnh hưởng của những quốc gia lớn đến quá trình hội tụ là một điều không thể bỏ qua.

Lược sử quá trình hội tụ kế toán quốc tế

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?