Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Hoa Kỳ

Mục lục

Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Hoa Kỳ

1. Đặc điểm môi trường

Hoa Kỳ là quốc gia có sức ảnh hưởng lớn đến thế giới trên nhiều lĩnh vực. Riêng đối với hoạt động kế toán, hệ thống kế toán của quốc gia này có sức ảnh hưởng đối với thị trường vốn toàn cầu và được nhiều quốc gia áp dụng. Do vậy, trong quá trình hội tụ, không có quốc gia nào có mức độ chi phối đến tổ chức chuẩn mực quốc tế như Hoa Kỳ. Trong cơ cấu tổ chức của hệ thống chuẩn mực quốc tế, Hoa Kỳ có 4 trong tổng số 15 thành viên của IASB, 5 trong số 20 thành viên Ban quản trị và các nhân viên hàng đầu của IFRS Foundation đều là của Hoa Kỳ (Ramanna, 2011). Mặt khác, thị trường vốn tại Hoa Kỳ có quy mô lớn nhất thế giới và các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ phải tuân thủ các qui định của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) nên FASB luôn ở thế chủ động trong các đàm phán với IASB liên quan đến qui định, nguyên tắc và các nội dung cơ bản nhằm thống nhất trong việc xây dựng bộ chuẩn mực toàn cầu chất lượng cao. Về văn hóa, nghiên cứu của Gray cho thấy Hoa Kỳ có khuynh hướng phát triển nghề nghiệp mạnh, tính linh hoạt, tính lạc quan và tính minh bạch cao (Robert et al, 1998).

2. Các yếu tố thể chế

(1) Các qui định pháp lý

Hệ thống kế toán Hoa Kỳ đặt trên nền tảng Luật Chứng khoán và Luật Giao dịch chứng khoán ban hành vào những năm 1930. Các đạo luật này thành lập SEC và quyền hạn của tổ chức này đối với các vấn đề kế toán. Từ năm 1973, SEC chỉ định Hội đồng Chuẩn mực kế toán tài chính Hoa Kỳ (FASB) là tổ chức có trách nhiệm thiết lập các chuẩn mực kế toán cho các công ty niêm yết.

(2) Tổ chức lập qui

Tổ chức ban hành các chuẩn mực kế toán tại Hoa Kỳ là FASB. FASB là một ủy ban độc lập có trách nhiệm xây dựng và ban hành các chuẩn mực kế toán tài chính.

Việc cung cấp tài chính, giám sát hoạt động và tuyển chọn thành viên cho FASB do Tổ chức kế toán tài chính Hoa Kỳ (FAF) thực hiện. Kinh phí hoạt động của FAF là sự đóng góp tự nguyện của các công ty kiểm toán, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng và những tổ chức và cá nhân có liên quan. Các khoản đóng góp hàng năm của mỗi tổ chức hoặc cá nhân bị giới hạn để bảo đảm tính độc lập của FAF (Nobes & Parker, 1995).

FASB được sự hỗ trợ từ hai bộ phận:

– Hội đồng Tư vấn chuẩn mực kế toán tài chính (FASAC) với chức năng tư vấn về mặt kỹ thuật cho FASB trong việc ban hành của chuẩn mực, thứ tự ưu tiên của các dự án hay những vấn đề về qui trình.

– Ban xử lý các vấn đề phát sinh (EITF) hỗ trợ FASB cải thiện chất lượng báo cáo tài chính trên cơ sở Báo cáo khuôn mẫu kế toán tài chính (SFAC). Ngoài ra, EITF sẽ ban hành các hướng dẫn chuẩn mực nhằm giảm sự khác biệt trong thực tế áp dụng của các doanh nghiệp.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Các lý thuyết cơ bản trong hội tụ kế toán quốc tế[/message]

(3) Qui trình ban hành chuẩn mực

Qui trình xây dựng hệ thống chuẩn mực gồm thứ tự sau (FASB, 2010):

– Hội đồng xác định những nội dung về chuẩn mực báo cáo tài chính từ những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đề nghị ban hành.

– Chủ tịch Hội đồng quyết định có nên bổ sung các dự án vào chương trình sau khi đã tham vấn các thành viên FASB. Những nội dung này được giám sát bởi Ban quản trị của FAF.

– Hội đồng xem xét các nội dung báo cáo tài chính trong một hay nhiều buổi họp công khai. Những nội dung này sẽ được phân tích và nhận định bởi các nhân viên FASB.

– Hội đồng ban hành dự thảo.

– Hội đồng tổ chức buổi họp bàn tròn để thảo luận công khai đối với dự thảo nếu xét thấy cần thiết.

– Các nhân viên FASB phân tích các bình luận, những thảo luận bàn tròn, và bất cứ những thông tin liên quan khác. Sau đó, Hội đồng cân nhắc các điều khoản được đề nghị trong buổi họp công khai.

– Hội đồng sẽ ban hành bổ sung và chỉnh sửa Bộ chuẩn mực kế toán (ASC).

(4) Hệ thống chuẩn mực kế toán

Hệ thống chuẩn mực kế toán của Hoa Kỳ bao gồm SFAC và ASC, các hướng dẫn, giải thích cũng như nội dung xử lý các vấn đề phát sinh, cụ thể như sau:

– Công bố SFAC bao gồm các khái niệm và nguyên tắc cơ bản của kế toán tài chính. [Phụ lục 7]

– ASC được tổng hợp theo nội dung trên cơ sở 168 chuẩn mực kế toán tài chính (SFAS) trước đây [Phụ lục 8]. Đây là cách làm của FASB nhằm khắc phục tính phân tán của các vấn đề trong nhiều chuẩn mực ban hành theo thời gian.

– Các hướng dẫn, giải thích của FASB (FASB Interpretations) nhằm để làm rõ các qui định cũng như những nội dung kinh tế. Các hướng dẫn, giải thích chuẩn mực đến nay đã ban hành 48 hướng dẫn. [Phụ lục 9]

– Các hướng dẫn xử lý vấn đề phát sinh (EITF) được ban hành để xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn của các doanh nghiệp. Hiện nay, EITF đã ban hành 516 các vấn đề phát sinh và được phân theo từng nhóm cụ thể. [Phụ lục 10]

3. Quá trình và phương thức hội tụ

Hoa Kỳ là một trong mười tổ chức nghề nghiệp tham gia thành lập IASC năm 1973. Tuy nhiên, phải đến thập niên 1990 Hoa Kỳ mới đẩy mạnh các hoạt động quốc tế về kế toán của mình xuất phát từ sự tăng trưởng rất nhanh của đầu tư xuyên quốc gia, trong đó thị trường chứng khoán Hoa Kỳ thu hút một lượng lớn các công ty nước ngoài niêm yết. Quá trình hội tụ kế toán của Hoa Kỳ được Herz, Chủ tịch FASB giai đoạn 2002 – 2010, trình bày trong một bài viết (Herz & Petrone, 2005) có thể tóm tắt như sau:

– Dự án quốc tế của FASB đầu tiên là “Kế hoạch đẩy mạnh hoạt động quốc tế 1991 của FASB” khởi đầu với các dự án hợp tác về kế toán với nhiều quốc gia như Canada, Anh, Úc, Mexico…

– Đến năm 1996, Dự án này được điều chỉnh và chiến lược mới của FASB là “thúc đẩy việc phát triển và chấp nhận một hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế tốt nhất”. Cũng vào năm này, FASB công bố một báo cáo so sánh giữa các chuẩn mực của IASC với chuẩn mực của Hoa Kỳ. Đồng thời trong báo cáo còn nêu rõ sự khác biệt về cơ cấu tổ chức và quy trình ban hành chuẩn mực giữa hai bên. Báo cáo này cũng cho rằng mặc dù Hoa Kỳ theo đuổi một chuẩn mực kế toán quốc tế chất lượng cao, nhưng chuẩn mực của IASC không phải là giải pháp.

– Năm 1999, FASB và FAF công bố báo cáo có tên “Thiết lập chuẩn mực kế toán quốc tế – Tầm nhìn tương lai”, trong báo cáo này xác định mục tiêu hướng đến một bộ chuẩn mực kế toán chất lượng cao được áp dụng toàn cầu. Báo cáo này khẳng định các chuẩn mực kế toán được sử dụng tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, dù do FASB hay một tổ chức quốc tế ban hành cũng phải đảm bảo chất lượng cao nhất có thể có. Báo cáo này cũng đưa ra các tiêu chuẩn của một bộ chuẩn mực chất lượng cao và tiêu chuẩn của tổ chức sẽ ban hành ra chúng.

– Năm 2000, FASB tham gia việc tái cấu trúc IASC và hình thành IASC Foundation cũng như IASB. Các quan điểm trong báo cáo FASB – FAF năm 1999 được đưa vào thành một phần quan điểm của Dự án tái cấu trúc và Hiến chương IASB năm 2001.

– Năm 2002, với sự ủng hộ của SEC, Thỏa thuận Norwalk được ký kết giữa IASB và FASB xác định sự hợp tác giữa hai tổ chức nhằm xây dựng một bộ chuẩn mực kế toán quốc tế chất lượng cao toàn cầu.

Trong mười năm qua, FASB và IASB đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện thỏa thuận trên. Báo cáo tiến độ tháng 4/2012 cho thấy so với kế hoạch đã điều chỉnh năm 2008, có 10/12 dự án ngắn hạn và 6/8 dự án dài hạn được hoàn thành. Các dự án hoàn thành được hai bên cùng điều chỉnh vào hệ thống chuẩn mực của mình (FASB & IASB, 2012). Trong báo cáo trên, cả hai tin rằng sẽ ban hành các chuẩn mực cuối cùng trong các dự án đã đề ra vào giữa năm 2013.

Quá trình hội tụ trên cho thấy mục tiêu của FASB hướng về sự hội tụ nhằm trước hết giải quyết bài toán của chính Hoa Kỳ, trong đó của cả FASB và SEC. Sự phát triển của các công ty nước ngoài niêm yết tại Hoa Kỳ đã làm tăng lên gánh nặng của việc điều chỉnh về báo cáo tài chính lập theo các chuẩn mực khác sang chuẩn mực của Hoa Kỳ. Việc tìm kiếm một bộ chuẩn mực chất lượng cao toàn cầu là một yêu cầu của chính Hoa Kỳ nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư đồng thời giảm nhẹ áp lực công việc giám sát. Tuy nhiên, câu hỏi là tại sao FASB chấp nhận một sự hội tụ với IASB, thay vì thúc đẩy thế giới chấp nhận chuẩn mực của Hoa Kỳ, vì lúc này trên thực tế chuẩn mực của Hoa Kỳ được xem là chuẩn mực quốc tế như Tweedie, Chủ tịch IASB giai đoạn 2001 – 2011 đã thừa nhận trong một bài báo (Tweedie & Seidenstein, 2005).

Cũng chính trong bài báo này, Tweedie đã giải thích lý do Hoa Kỳ chấp nhận việc hội tụ với IASB. Thứ nhất, IASB đã tiến hành việc tái cơ cấu và trở thành một tổ chức lập quy độc lập, có khả năng lấy được niềm tin của các thị trường vốn trên thế giới. Thứ hai, sự sụp đổ của Enron năm 2001 và các tai tiếng kế toán khiến Hoa Kỳ dễ chấp nhận các hệ thống kế toán khác với mình và cụ thể hơn, thừa nhận một số hạn chế của chính hệ thống kế toán Hoa Kỳ. Cuối cùng, việc kết hợp sẽ giúp FASB giải quyết những vấn đề mà trong nền kinh tế toàn cầu, họ không còn khả năng đơn phương giải quyết, đó là việc suy giảm lợi thế cạnh tranh của công ty Hoa Kỳ trên các thị trường chứng khoán khác khi các công ty nước ngoài được áp dụng những chuẩn mực thuận lợi cho họ hơn.

Một lý do khác là vai trò của EU trong quyết định hội tụ. Từ năm 1995, tổ chức này đã công bố chiến lược hòa hợp quốc tế về kế toán, trong đó xác định giữa hai bộ chuẩn mực kế toán cùng mang tính quốc tế của IASB và FASB, châu Âu lựa chọn chuẩn mực của IASB (European Commission, 1995). Năm 2000, EU quyết định từ năm 2005, các thị trường chứng khoán thuộc 27 quốc gia của EU bắt buộc sử dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (European Union Center of North Carolina, 2000). Quyết định này cùng với việc một số quốc gia thuộc khối Anglo-Saxon khác như Úc, Nam Phi sử dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đã nâng cao vị thế chính trị của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế trong cán cân với Hoa Kỳ trên thị trường vốn quốc tế.

Trong thời gian gần đây, một vài động thái của SEC cho thấy có sự thay đổi quan điểm của tổ chức này trong cách thức hội tụ của Hoa Kỳ. Như phần trên đã trình bày, SEC giữ vai trò bảo vệ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và do đó, quá trình hội tụ giữa FASB và IASB phải được sự ủng hộ của SEC. Trước năm 2010, sự ủng hộ này khá rõ nét:

– Năm 2005, Nicolaisen, Kế toán trưởng SEC thời điểm này, đã rất lạc quan và ủng hộ quá trình hội tụ với IASB (Nicolaisen, 2005). Đây chính là cơ sở cho việc hai tổ chức lập quy này triển khai mạnh mẽ hoạt động hội tụ trong những năm tiếp theo.

– Năm 2007, SEC cho phép các công ty niêm yết nước ngoài tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sử dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế mà không cần phải lập báo cáo chỉnh hợp.

– Năm 2008, trong công bố về khả năng cho phép các công ty niêm yết Hoa Kỳ sử dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, SEC dự kiến nếu những trở ngại trong quá trình hội tụ giải quyết được thì năm 2011, họ sẽ quyết định cho phép các công ty niêm yết sử dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào năm 2014 (Walter, 2008).

Tuy nhiên, tiến trình này không diễn ra theo dự kiến từ năm 2010:

– Tháng 2 năm 2010, SEC giao cho nhóm chuyên viên triển khai Kế hoạch công tác (Work Plan) xem xét các phương diện cần thiết cho việc tích hợp chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào hệ thống chuẩn mực kế toán Hoa Kỳ theo kế hoạch hội tụ đã nói ở phần trên.

– Tháng 10 năm 2010, Paul Beswick, Phó Kế toán trưởng SEC tại thời điểm này, đề xuất một phương thức hội tụ mới, gọi là “condorsement”. Đây là thuật ngữ kết hợp giữa hai từ “convergence” và “endorsement”, cho thấy sự kết hợp giữa phương thức hội tụ (convergence) với phê chuẩn (endorsement). Theo đó, sau khi các dự án hội tụ FASB – IASB hoàn thành, từng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế khi đưa vào hệ thống của Hoa Kỳ sẽ phải được phê chuẩn (Beswick, 2010).

– Năm 2011, Nhóm chuyên viên đưa ra một báo cáo trong đó giải thích về phương thức mới trên để lấy ý kiến (SEC, 2011). Theo đó, quá trình hội tụ mới sẽ bao gồm hai giai đoạn: thứ nhất là giai đoạn chuyển đổi, trong đó FASB sẽ xem xét từng chuẩn mực của IASB để đưa vào chuẩn mực của Hoa Kỳ và thứ hai là giai đoạn phê chuẩn, trong đó mỗi chuẩn mực mới của IASB sẽ được FASB xem xét, phê chuẩn trước khi được đưa vào hệ thống của Hoa Kỳ. Giai đoạn chuyển đổi dự kiến kéo dài từ 5 đến 7 năm.

– Tháng 7 năm 2012, Nhóm chuyên viên công bố Báo cáo cuối cùng (Final Report) kết thúc công việc đánh giá. Báo cáo này đánh giá tình trạng hội tụ hiện tại, những khoảng cách giữa hai hệ thống chuẩn mực và chỉ ra những vấn đề quan trọng phải xem xét trong quá trình hội tụ trước khi đi đến một quyết định cuối cùng về sự hội tụ giữa chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuẩn mực kế toán Hoa Kỳ (SEC, 2012). Điều này có nghĩa là việc hội tụ sẽ bị trì hoãn lại so với kế hoạch và không có một dự kiến tương lai nào được đưa ra.

Các báo cáo của SEC gây hoang mang cho nhiều tổ chức lập quy trên thế giới. Một số quốc gia như Nhật đã hoãn lại quá trình hội tụ để chờ xem diễn biến của quan hệ SEC và IASB (Yamaji et al, 2012). Tháng 10 năm 2012, IASB đã công bố Bản phân tích về Báo cáo của SEC, trong đó trao đổi về từng vấn đề và kết luận rằng mặc dù các nhận định của SEC là có giá trị, tuy nhiên những trở ngại trong việc hội tụ của Hoa Kỳ có thể vượt qua như nhiều quốc gia khác trên thế giới đã làm được (IFRS Foundation, 2012).

Ehoff & Fischer (2013) cho rằng có ba nguyên nhân dẫn đến quyết định trì hoãn của SEC là mặc dù có nhiều nỗ lực, vẫn còn những khoảng cách quan trọng giữa chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và các chuẩn mực Hoa Kỳ; chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế còn thiếu nhiều hướng dẫn áp dụng cho các ngành, lĩnh vực cụ thể; SEC lo ngại sự chuyển giao quyền lập quy sang IASB nếu hội tụ hoàn toàn với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Đây chính là lý do mà SEC dự định đưa nội dung phê chuẩn vào quá trình hội tụ.

Như vậy, quá trình hội tụ kế toán quốc tế của Hoa Kỳ bên cạnh các vấn đề kỹ thuật còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi quan hệ chính trị với IASB và với các quốc gia khác. Mặc dù vậy, do uy thế rất lớn của mình về sức mạnh kinh tế, thị trường vốn cũng như nguồn lực dồi dào trong việc phát triển chuẩn mực kế toán, Hoa Kỳ đã chi phối và tác động đến tiến trình hội tụ toàn cầu.

Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Hoa Kỳ

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

3 thoughts on “Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Hoa Kỳ

  1. Pingback: Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Pháp - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  2. Pingback: Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Pháp | Blog Chiro – Lê Nguyễn Nhân Lân

  3. Pingback: Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Trung quốc - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?