Thương mại điện tử là gì? Khái niệm về thương mại điện tử
Sự phát triển và bùng nổ của hệ thống mạng Internet và công nghệ thông tin đã tạo nền tảng cơ sở cho sự ra đời của thương mại điện tử, đánh dấu những thay đổi đáng kinh ngạc trong hoạt động thương mại trên toàn cầu. Từ những năm 1960, ứng dụng thương mại đầu tiên của máy tính đã được thực hiện với hình thức là máy ghi và thanh toán điện tử. Như vậy có thể thấy máy tính đã được áp dụng vào thương mại trước khi internet ra đời. Vào khoảng những năm 1970 – 1980, các doanh nghiệp liên tục mở rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh như: gửi nhận các đơn đặt hàng, hóa đơn và thông báo vận chuyển bằng phương thức điện tử qua dịch vụ trao đổi thông điệp dữ liệu điện tử (EDI). Thương mại điện tử bắt đầu phát triển mạnh mẽ vào những năm 1990 sau khi internet ra đời. Như vậy, dù không còn xa lạ gì với thế giới, nhưng phải đến những năm gần đây TMĐT mới được du nhập vào Việt Nam và ngày càng trở nên phổ biến.
Mặc dù đã xuất hiện khá lâu nhưng đến thời điểm này vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về TMĐT. Thuật ngữ “Thương mại điện tử” là cụm từ được dịch ra trong tiếng anh là “electronic commerce” (viết tắt là e-commerce), thể hiện bản chất của thương mại điện tử được công nhận rộng rãi đó là sự kết hợp của hai yếu tố “thương mại” (“commerce”) và điện tử (“electronic”). Nói cụ thể hơn, TMĐT được hiểu là một lĩnh vực mà các hoạt động thương mại được hỗ trợ bởi các phương tiện, công cụ điện tử.
Tuy nhiên, ngay chính định nghĩa của hai yếu tố này không hoàn toàn thống nhất do những quan niệm khác nhau về phạm vi và quy mô của chúng,1 vì vậy cũng chưa có một khái niệm chung trên toàn thế giới về TMĐT. Trong lĩnh vực pháp luật, có hai định nghĩa chính về TMĐT được ghi nhận đó là TMĐT theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp.
Theo nghĩa rộng, TMĐT là toàn bộ các hoạt động thương mại được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử nói chung như fax, điện thoại, các hệ thống máy tính kết nối với nhau thông qua mạng lưới như Internet… Đây là định nghĩa được ghi nhận tiêu biểu trong Luật mẫu về thương mại điện tử năm 1996 của Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) và Sáng kiến của Châu Âu về Thương mại Điện tử.
Trong Luật mẫu của UNCITRAL về thương mại điện tử, TMĐT là việc sử dụng “thông tin dưới dạng một thông điệp dữ liệu trong khuôn khổ các hoạt động thương mại”. Theo đó, “thương mại” trong TMĐT được hiểu trong một phạm vi rất rộng, bao gồm mọi vấn đề phát sinh từ mối quan hệ mang tính chất thương mại dù có hay không có hợp đồng như các giao dịch liên quan đến cung cấp hoặc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ; thỏa thuận phân phối, đại diện hoặc đại lý thương mại, ủy thác hoa hồng, cho thuê dài hạn, xây dựng các công trình, tư vấn, đầu tư, cấp vốn, liên doanh; … các hình thức khác về hợp tác công nghiệp hoặc kinh doanh; chuyên chở hàng hóa hay hành khách bằng đường biển, đường không, đường sắt hoặc đường bộ. Đồng thời, phương tiện điện tử cũng được khái quát theo yếu tố chung nhất là thông điệp dữ liệu, “thông tin được tạo ra, gửi đi tiếp nhận hoặc lưu trữ bằng phương tiện điện tử, quang học và các phương tiện tương tự, bao gồm, nhưng không hạn chế ở, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), thư điện tử, điện báo hoặc fax”.2 Thông điệp dữ liệu chính là phần nội dung, cốt lõi được trao đổi thông qua các phương tiện điện tử nói chung cho thấy phạm vi và quy mô rộng lớn của yếu tố “điện tử” trong TMĐT chứ không phải chỉ thông qua một số phương tiện điện tử nhất định nào.
Theo định nghĩa của Ủy ban Châu Âu, TMĐT là việc thực hiện hoạt động kinh doanh qua các phương tiện điện tử3. Cụ thể, thương mại trong TMĐT gồm nhiều hành vi, trong đó có các hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ qua phương tiện điện tử, giao nhận các nội dung kỹ thuật số trên mạng, chuyển tiền điện tử, mua bán cổ phiếu điện tử, vận đơn điện tử, đấu giá thương mại, hợp tác thiết kế, mua sắm công cộng, tiếp thị trực tiếp người tiêu dùng và các dịch vụ bán hàng. Ngoài thương mại hàng hóa, TMĐT được thực hiện đối với cả kinh doanh hàng hóa hữu hình và kinh doanh dịch vụ, bên cạnh đó còn bao gồm cả những hoạt động truyền thống, công ích và các hoạt động kinh doanh mới như siêu thị ảo. Tương tự như quy định của Luật mẫu, Ủy ban Châu Âu cũng nêu ra thuật ngữ “dữ liệu điện tử” cho thấy phạm vi bao trùm của phương tiện điện tử trong TMĐT. Các hoạt động thương mại sẽ được thực hiện dựa trên việc xử lý và truyền dữ liệu điện tử dưới dạng chữ, âm thanh và hình ảnh.
Có thể kết luận rằng, TMĐT hiểu theo nghĩa rộng là việc toàn bộ các hoạt động tài chính và thương mại được thực hiện nhờ cơ sở dữ liệu được truyền tải thông qua tất cả các phương tiện điện tử chứ không chỉ qua hệ thống mạng Internet. Không thể phủ nhận tính bao trùm, tổng quát vấn đề của định nghĩa này vì thực tiễn đây là một hoạt động có phạm vi rộng lớn và có tốc độ phát triển nhanh chóng. Theo định nghĩa này, TMĐT không phải là vấn đề mới mẻ và đã tồn tại từ rất lâu với sự ra đời sơ khai của những phương tiện như telex, fax…
Theo nghĩa hẹp, TMĐT bao gồm những hoạt động thương mại được thực hiện thông qua mạng Internet. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã ghi nhận định nghĩa TMĐT theo xu hướng này.
Định nghĩa về TMĐT được WTO đưa ra đó là: “TMĐT bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hóa thông qua mạng internet”. Thương mại ở trong định nghĩa này đã có phạm vi hẹp xoay quanh việc sản xuất, mua bán và thanh toán sản phẩm dựa trên phương tiện điện tử là mạng Internet.
Thuật ngữ “thương mại điện tử” đã được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) giải thích như sau: “Thương mại điện tử là việc bán hoặc mua hàng hóa, dịch vụ giữa thương nhân, hộ gia đình, cá nhân, chính phủ, các tổ chức công cộng hoặc tổ chức tư nhân, được thực hiện thông qua mạng máy tính. Hàng hóa, dịch vụ được đặt hàng trên mạng, nhưng việc thanh toán và giao hàng có thể được thực hiện trên mạng hoặc được thực hiện trực tiếp”6. Như vậy, theo OECD, giao dịch thương mại điện tử trước hết là giao dịch mua bán và có thể diễn ra giữa thương nhân với thương nhân, thương nhân với người tiêu dùng hay thương nhân với chính phủ, nhưng quan trọng là nó phải được thực hiện thông qua mạng internet chứ không phải là dạng giao dịch truyền thống thông qua hợp đồng trên giấy. Khái niệm này đã giới hạn phạm vi của phương tiện được sử dụng trong thương mại điện tử chỉ bao gồm có mạng internet, không bao gồm các phương tiện khác như điện thoại, truyền hình, fax….
Trên thực tế, các phương tiện thực hiện TMĐT (hay còn gọi là phương tiện điện tử) bao gồm: điện thoại, fax, truyền hình, điện thoại không dây, các mạng máy tính có kết nối với nhau và mạng internet. Tuy nhiên, TMĐT được thực hiện chủ yếu qua internet và chỉ thực sự phát triển khi mạng internet được phổ cập. Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây, các giao dịch được thực hiện thông qua nhiều phương tiện điện tử đa dạng hơn, đặc biệt là giao dịch thông qua các thiết bị điện tử di động. Do đó không nên gói gọn thương mại điện tử chỉ là những giao dịch được thực hiện qua mạng internet mà nên mở rộng phạm vi các loại phương tiện điện tử rộng hơn nữa.
Trong pháp luật Việt Nam, NĐ 52/2013/NĐ-CP đã đưa ra định nghĩa về hoạt động thương mại điện tử tại khoản 1 Điều 3 như sau: “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng nhiều phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”. Có thể nhận thấy, quan điểm này của pháp luật Việt Nam có những điểm tương đồng với định nghĩa rộng của TMĐT khi không giới hạn phạm vi của các hoạt động thương mại hay chỉ tập trung vào nền tảng Internet khi Luật Giao dịch điện tử đã quy định: “Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự”. Đời sống của người dân ngày càng cao, công việc của họ ngày càng bận rộn, họ có nhu cầu rất lớn cho việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ qua internet hay qua điện thoại. Để phục vụ cho những nhu cầu này, doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào việc xây dựng hệ thống bán hàng qua mạng internet hay bán hàng qua truyền hình nhằm mục đích quảng cáo các loại hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp rồi ký kết các hợp đồng với NTD, tất cả đều được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử. Như vậy, khái niệm “thương mại điện tử” theo pháp luật Việt Nam đã không bó hẹp phạm vi các phương tiện thực hiện giao dịch mà bao gồm nhiều loại phương tiện khác nhau, từ truyền hình, điện thoại, fax cho đến mạng internet. Phạm vi điều chỉnh như vậy là phù hợp với tình hình của Việt Nam hiện nay, khi điện thoại di dộng, tivi và máy tính có kết nối internet ngày càng phổ biến, tham gia vào hầu hết các hoạt động của người dân, từ học tập, giải trí cho đến mua sắm tiêu dùng.
Nguồn: Luận án Luật kinh tế “Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở Việt Nam“
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT