Quan hệ lợi ích ở các bệnh viện công lập

quan-he-loi-ich-o-cac-benh-vien-cong-lap

– Vấn đề “lợi ích” từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu và cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về “lợi ích” dưới nhiều góc độ khác nhau. Theo Từ điển Tiếng Việt, lợi ích là “điều có ích, có lợi cho một tập thể người nhất định hay cho một cá nhân trong đó, trong mối quan hệ với tập thể người ấy” [3]. Theo tác giả Đặng Quang Định: “Lợi ích là cái phản ánh quan hệ nhu cầu giữa các chủ thể và dùng để thỏa mãn nhu cầu của các chủ thể xã hội (cá nhân, tập đoàn, giai cấp, tầng lớp…) trong những điều kiện lịch sử – xã hội nhất định [55, tr. 12]. Tiếp cận dưới góc độ kinh tế chính trị, lợi ích chính là sự thỏa mãn nhu cầu. Cụ thể hơn, lợi ích bắt nguồn từ nhu cầu, là cái để đáp ứng nhu cầu, nhu cầu làm nảy sinh lợi ích. Như vậy:

Thứ nhất, lợi ích chỉ tồn tại trong đời sống xã hội và luôn gắn với chủ thể nhất định, lợi ích không phải lài cái gì chung chung trừu tượng mang tính chủ quan mà cơ sở của lợi ích chính là nhu cầu khách quan của con người. Lợi ích gắn liền với những chủ thể nhất định có thể là một cá nhân, một tập thể hoặc toàn xã hội, trong xã hội có giai cấp thì lợi ích cũng mang tính giai cấp. Trong từng điều kiện, hoàn cảnh của đất nước mà lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần có vai trò khác nhau trong xã hội. Nhưng xuyên suốt quá trình phát triển của con người và đời sống xã hội thì lợi ích vật chất luôn đóng vai trò làm động lực thúc đẩy các hoạt động của cá nhân, tập thể cũng như xã hội.

Thứ hai, nhu cầu là cơ sở để hình thành lợi ích. Đó là những đòi hỏi chính đáng cần được đáp ứng của từng cá nhân, tập thể hay toàn xã hội.

 C.Mác nói: “Con người trước hết phải ăn, uống, ở và mặc đã, rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo” [28, tr. 28]. Như vậy hoạt động lịch sử đầu tiên là hoạt động sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người. Nhu cầu xuất hiện chính là động lực thúc đẩy con người hành động, nhu cầu nảy sinh cùng với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Khi nhu cầu được đáp ứng chính là lợi ích được thực hiện. Nhu cầu và lợi ích luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nhu cầu quyết định lợi ích, lợi ích xuất phát từ nhu cầu và có tác động trở lại nhu cầu.

Thứ ba, nhu cầu của con người ngày càng phong phú do xã hội ngày càng phát triển, nên lợi ích của con người cũng ngày càng đa dạng. Lợi ích hình thành trên cơ sở nhu cầu của con người trong quá trình hoạt động. Bất kể một hoạt động nào của con người cũng nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định, khi xuất hiện nhu cầu, đồng thời là khi con người hình thành nên động cơ lợi ích. Từ đó, hình thành nên các lợi ích khác nhau, có lợi ích thuộc về vật chất – tinh thần, có lợi ích thuộc về cá nhân – tập thể – xã hội. Các lợi ích có thể đồng thuận, có thể mâu thuẫn, xung đột với nhau tùy thuộc vào việc giải quyết và đáp ứng nhu cầu ở mỗi điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Nhu cầu ngày càng lớn, thì sự hấp dẫn của lợi ích đối với các chủ thể cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, con người không làm với tư cách là một cá nhân riêng lẻ, mà luôn thực hiện trong mối quan hệ với tập thể, cộng đồng xã hội. Do đó, thực chất các mối quan hệ xã hội dù được xem xét dưới bất cứ lĩnh vực nào đi nữa, cũng đều là quan hệ lợi ích, là quan hệ giữa người với người trong hoạt động để thỏa mãn nhu cầu của mình. Từ đó thôi thúc các chủ thể tham gia vào các mối quan hệ nhằm có được lợi ích thỏa mãn nhu cầu của mình.

– Quan hệ lợi ích

Lợi ích là sự thỏa mãn nhu cầu của con người mà sự thỏa mãn nhu cầu này phải được nhận thức và đặt trong mối quan hệ xã hội ứng với trình độ phát triển nhất định của nền sản xuất xã hội đó. Quan hệ xã hội cho dù được xem xét dưới góc độ nào đi nữa cũng là quan hệ lợi ích, là quan hệ giữa người với người trong hoạt động xã hội nhằm thỏa mãn những nhu cầu của cá nhân, tập thể, xã hội. Theo Giáo trình Kinh tế trị hệ Cao cấp lý luận chính trị: “Quan hệ lợi ích là những liên kết với mục tiêu lợi ích được xác lập một cách có ý thức trong quá trình tương tác giữa các thành viên trong xã hội dựa trên cơ sở kinh tế nhất định” [60, tr. 175]. Như vậy, quan hệ lợi ích là sự tương tác giữa con người với con người, giữa các cộng đồng người với nhau trong đời sống xã hội nhằm mục tiêu đạt được những lợi ích nhất định cho mỗi chủ thể trong mối liên hệ với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Chủ thể quan hệ lợi ích rất đa dạng, phong phú, có thể là quan hệ lợi ích giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, giữa tập thể với tập thể, giữa quốc gia với quốc gia…

Quan hệ lợi ích vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau tùy theo việc giải quyết các mối quan hệ lợi ích đó trong từng thời điểm, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Tính thống nhất của các quan hệ lợi ích được thể hiện ở chỗ: trong xã hội con người không thể hoạt động với tư cách là những cá nhân riêng lẻ mà cần có mối quan hệ với người khác, nên khi lợi ích của chủ thể này được thực hiện thì lợi ích của chủ thể khác cũng trực tiếp hoặc gián tiếp được thực hiện. Như vậy, khi các chủ thể cùng hành động vì mục tiêu chung hoặc mục tiêu của các chủ thể thống nhất với nhau thì lợi ích của các chủ thể đó thống nhất với nhau. Tính mâu thuẫn của các quan hệ lợi ích thể hiện ở chỗ: do các quan hệ lợi ích phong phú, đa dạng nên mỗi chủ thể lợi ích lại theo đuổi những mục tiêu lợi ích khác nhau và có những hành động, phương thức khác nhau để đạt được lợi ích của mình. Những hành động, phương thức khác nhau đó đến mức đối lập thì trở thành mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn xảy ra, việc thực hiện lợi ích của chủ thể này sẽ ngăn cản, thậm chí làm tổn hại tới việc thực hiện lợi ích của chủ thể khác. Do vậy, để lợi ích trở thành động lực của sự phát triển xã hội, đòi hỏi phải đảm bảo hài hòa các quan hệ lợi ích.

 – Quan hệ lợi ích ở các bệnh viện công lập

Bệnh viện công lập là tổ chức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản và tổ chức bộ máy theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn y tế. Hiện nay, trong nền KTTT định hướng XHCN và thực hiện tự chủ tài chính, cùng với đó là sự gia tăng về nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân nên các bệnh viện công lập ở Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ và đa dạng, các mối quan hệ lợi ích trong quá trình cung cấp và sử dụng dịch vụ y tế vì thế cũng có vai trò quan trọng hơn và luôn được xã hội quan tâm. Theo NCS: Quan hệ lợi ích ở các bệnh viện công lập là sự thiết lập mối quan hệ tương tác nhằm đạt được mục tiêu lợi ích chính đáng giữa các chủ thể trong quá trình cung cấp và sử dụng dịch vụ y tế.

Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh buộc các chủ thể phải có sự tương tác, liên kết với nhau và cùng nhau hành động để đạt được mục đích chung là sức khỏe của người bệnh, nên lợi ích của các chủ thể có sự gắn kết với nhau. Sự tương tác, hỗ trợ nhau của các chủ thể càng đạt hiệu quả cao thì lợi ích của các chủ thể càng được đảm bảo. Điều này được thể hiện khá rõ trong mối quan hệ lợi ích giữa thầy thuốc với bệnh nhân, khi thầy thuốc gần gũi, thân thiện, cảm thông với bệnh nhân và bệnh nhân tin tưởng vào thầy thuốc thì quá trình khám, chữa bệnh sẽ đạt được hiệu quả cao, bệnh nhân sẽ nhanh chóng khỏi bệnh, thầy thuốc sẽ có thu nhập tương xứng với lao động của mình. Ngược lại, nếu sự tương tác thầy thuốc – bệnh nhân không tốt thì hiệu quả khám, chữa bệnh không cao và lợi ích của cả hai bên đều không được đảm bảo.

Các chủ thể trong bệnh viện công lập có nhiều động cơ lợi ích khác nhau, nên cũng có nhiều mối quan hệ lợi ích khác nhau. Khi động cơ lợi ích lành mạnh sẽ tạo nên những mối QH lợi ích lành mạnh, phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội ở từng thời kỳ, giai đoạn nhất định, phù hợp với điều kiện của bệnh viện trong quá trình phát triển. Các mối quan hệ lợi ích này sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của bệnh viện nói riêng và của ngành Y tế đất nước nói chung, do chúng góp phần gắn kết các chủ thể lại với nhau tạo nên sức mạnh chung của bệnh viện và của Ngành. Ngược lại, khi động cơ lợi ích không lành mạnh sẽ tạo nên những mối quan hệ lợi ích không phù hợp với chuẩn mực, yêu cầu của xã hội tạo ra sự xung đột về lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển của các bệnh viện.

Nghiên cứu QH lợi ích trong các bệnh viện công lập cũng cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nhất định của đất nước và sự phát triển của bệnh viện. Trong thời kỳ đất nước ta thực hiện cơ chế tập trung bao cấp, quan hệ lợi ích giữa các bên chưa được thể hiện rõ ràng, mà chủ yếu tập trung vào sức khỏe của bệnh nhân. Khi xác định y tế là một ngành dịch vụ công, các bệnh viện công lập thực hiện tự chủ tài chính thì quan hệ lợi ích giữa các chủ thể cần được giải quyết hài hòa mới tạo nên động lực cho sự phát triển của các bệnh viện công lập.

Giải quyết hài hòa QH lợi ích ở các bệnh viện công lập là việc chủ thể mối quan hệ lợi ích đưa ra các giải pháp để đạt được sự phù hợp về lợi ích giữa các bên trên cơ sở khung khổ pháp luật nhằm thúc đẩy sự phát triển của bệnh viện. Như vậy, chủ thể giải quyết QH lợi ích trong các bệnh viện công lập là những cá nhân, tập thể có mối liên quan lợi ích tới nhau; phương thức để giải quyết quan hệ lợi ích là đưa ra những thỏa thuận, giải pháp hoặc quy định trên cơ sở quy định của pháp luật để các bên cùng nhận thức, thống nhất hành động và đạt được lợi ích mong muốn; mục đích nhằm chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho người dân.

Nguồn: Luận án Tiến sĩ Kinh tế chính trị “Quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các Bệnh viện Quân y (Qua thực tế Bệnh viện Quân y 103)

5/5 - (2 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?