Xét về bản chất, dưới góc độ kinh tế chính trị, thu NSNN là quá trình Nhà nước sử dụng quyền lực để huy động một bộ phận giá trị của cải xã hội hình thành quỹ ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước (Dương Đăng Chinh và Phạm Văn Khoan, 2009, tr.79). Thu NSNN được hiểu là hệ thống những quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và xã hội phát sinh trong quá trình Nhà nước huy động các nguồn tài chính để hình thành nên quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của mình. Thu NSNN là sự phân chia nguồn tài chính quốc gia giữa Nhà nước với chủ thể trong xã hội dựa trên quyền lực Nhà nước, nhằm giải quyết hài hòa các lợi ích kinh tế, xuất phát từ yêu cầu tồn tại và phát triển của bộ máy Nhà nước cũng như yêu cầu thực hiện các chức năng nhiệm vụ kinh tế xã hội của Nhà nước. Thu NSNN chỉ bao gồm những khoản tiền Nhà nước huy động vào ngân sách mà không bị ràng buộc bởi trách nhiệm hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp. Ngoài ra, thu NSNN còn có các khoản thu trong quan hệ kinh tế quốc tế với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế.
Thu ngân sách nhà nước là tiền đề cần thiết để duy trì quyền lực chính trị và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Mọi khoản thu của Nhà nước đều được thể chế hóa bởi các chính sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước. Việc xác định các khoản thu phải trên cơ sở giải quyết hài hoà giữa lợi ích Nhà nước với lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Thu ngân sách nhà nước chủ yếu gắn liền với các hoạt động kinh tế trong xã hội. Mức độ phát triển kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm là tiền đề và là yếu tố khách quan hình thành nên các khoản thu ngân sách nhà nước và quyết định mức độ động viên các khoản thu của ngân sách nhà nước.
Trên phương diện pháp lý, theo Luật NSNN số 83/2015/QH13 của Việt Nam, thu ngân sách nhà nước bao gồm toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí; toàn bộ các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện, các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nướcthực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, thu NSNN là việc Nhà nước dùng quyền lực của mình để tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quỹ ngân sách nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Nhà nước có thể huy động nguồn thu từ mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội bằng cách thu thuế và các khoản thu khác theo luật định nên thu NSNN có phạm vi tác động rất rộng. Nó tác động đến mọi chủ thế khác nhau, mọi ngành, mọi cấp, ở các địa phương và trên cả nước. Thu NSNN gắn chặt với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, bởi mục tiêu của thu NSNN là để Nhà nước có nguồn lực duy trì hoạt động và cung cấp các dịch vụ công cho xã hội.
Nguồn: Luận án Tài chính – Ngân hàng “Cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng thu ngân sách nhà nước bền vững ở Việt Nam“
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT