Hệ thống thuế của một nước thường phản ánh các giá trị chung của nước đó hoặc các giá trị của những người nắm quyền. Theo Omoruyi (1983) để tạo ra một hệ thống thuế, một nước phải đưa ra các tiêu chí lựa chọn liên quan đến việc phân bổ gánh nặng thuế. Ở các nước dân chủ, nơi người dân được quyền bầu chọn những người chịu trách nhiệm thiết lập hệ thống thuế, những tiêu chí này sẽ phản ánh hệ thống thuế mà người dân hoặc chính phủ muốn tạo ra. Ở những nước người dân không có nhiều ảnh hưởng đến hệ thống thuế, những tiêu chí xây dựng hệ thống thuế sẽ phản ánh quan điểm của những người nắm quyền. Nguồn lực thu được từ dân chúng thông qua thuế dùng để phục vụ các mục đích chi tiêu của chính phủ. Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước mà hệ thống thuế bao gồm nhiều loại thuế khác nhau. Để định hướng xây dựng và quản lý chính sách thuế, hệ thống thuế sắp xếp các loại thuế thành những nhóm khác nhau theo những tiêu thức nhất định tạo nên cấu trúc thuế của một nước.
Xem thêm: Khái niệm về quản lý thuếCác tài liệu nghiên cứu về thuế cũng đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về cấu trúc thuế – “tax structure”. Một trong những tác giả tiên phong giải thích thuật ngữ cấu trúc thuế là Hinrichs (1966), tác giả cho rằng cấu trúc thuế là các sắc thuế có mặt trong hệ thống thuế của một nước, đóng góp theo những tỷ trọng khác nhau tạo nên tổng số thu thuế. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia tỷ trọng đóng góp này khác nhau và vẫn chưa có hệ thống thuế nào tốt nhất được duy trì trong thời gian dài. Hay Hettich & Winer (1984) cho rằng thuật ngữ “cấu trúc thuế” thể hiện hai khía cạnh của hệ thống tài chính. Nó mô tả thành phần hoặc mô hình các khoản thu của chính phủ, tức là sự phân chia các khoản thu đó giữa các nguồn thuế khác nhau. Ngoài ra, nó còn đề cập đến các đặc điểm cơ cấu của một loại thuế cụ thể, chẳng hạn như định nghĩa căn cứ, mức độ và bản chất của các khoản khấu trừ, miễn trừ và biểu thuế suất. Sự phân chia các loại thuế này phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Còn theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cấu trúc thuế hay “hỗn hợp” thuế (tax “mix”) là tỷ trọng của các loại thuế chính trong tổng số thu thuế. Như vậy, theo cách định nghĩa này thì cấu trúc thuế một quốc gia sẽ bao gồm những nhóm sắc thuế chính như thuế đánh vào thu nhập, thuế đánh vào hàng hóa dịch vụ, thuế đánh vào tài sản. Cụ thể theo Bunn & Asen (2018) đã định nghĩa về từng loại thuế trong nghiên cứu của mình như sau:
Mục lục
1. Thuế thu nhập
+ Thuế thu nhập doanh nghiệp: là một loại thuế trực thu đánh vào lợi nhuận của một công ty. Hầu hết các nước trên thế giới đều đánh thuế đối với lợi nhuận doanh nghiệp, nhưng thuế suất và cơ sở tính thuế khác nhau đáng kể giữa các nước. Thuế TNDN làm giảm tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư của doanh nghiệp. Điều này làm tăng chi phí vốn, dẫn đến mức đầu tư và sản lượng kinh tế thấp hơn. Ngoài ra thuế TNDN có thể dẫn đến việc trả lương cho người lao động thấp hơn, lợi nhuận thấp hơn cho nhà đầu tư và giá cao hơn cho người tiêu dùng.
+ Thuế thu nhập cá nhân: là một trong những phương tiện phổ biến nhất để tăng doanh thu để tài trợ cho chính phủ. Thuế TNCN được đánh trên thu nhập của một cá nhân hoặc hộ gia đình (tiền lương hoặc thường là lãi vốn và cổ tức) để tài trợ cho các hoạt động chung của nền kinh tế. Các loại thuế này thường có tính lũy tiến, có nghĩa là tỷ lệ thu nhập của một cá nhân bị đánh thuế tăng lên khi cá nhân đó kiếm được nhiều thu nhập hơn. Đây là loại thuế có tính minh bạch cao. Người nộp thuế được biết về tổng số thuế của họ đã nộp vào một thời điểm nào đó, không giống như thuế tiêu dùng do một doanh nghiệp thu và nộp, một cá nhân có thể không biết về tổng gánh nặng thuế tiêu dùng của họ.
2. Thuế tiêu dùng
Thuế tiêu dùng được đánh vào các giao dịch mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Thuế tiêu dùng có thể ở dạng thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế quan và các loại thuế khác đối với hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
+ Thuế giá trị gia tăng: hầu hết các nước trên thế giới, thuế GTGT là loại thuế tiêu dùng chung phổ biến nhất. Thuế GTGT là một loại thuế đánh vào sự chênh lệch giữa số tiền mà người sản xuất trả cho nguyên liệu thô và lao động và số tiền mà người sản xuất tính cho thành phẩm. Do đó, thuế tiêu dùng này được đánh vào phần “GTGT” của hàng hóa và dịch vụ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng cuối cùng.
+ Thuế tiêu thụ đặc biệt: là thuế bán hàng áp dụng cho một loại hàng hóa cụ thể, thường là rượu, thuốc lá, xăng dầu hoặc ô tô. Một số loại thuế TTĐB được tính để ngăn cản hành vi hoặc mua một số hàng hóa được cho là có hại cho nền kinh tế. Các loại thuế TTĐB khác được áp dụng cho những người được hưởng lợi từ một chương trình hoặc cơ sở hạ tầng.
+ Thuế bảo vệ môi trường: là loại thuế đối với sản phẩm, hàng hóa khi được sử dụng sẽ gây tác động xấu đến môi trường.
3. Thuế ngoại thương
Thuế ngoại thương là cách gọi chung của các loại thuế đánh vào hàng hóa XNK. Thuế ngoại thương mang lại lợi thế về giá cho hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa tương tự được nhập khẩu và chúng làm tăng số thu thuế của chính phủ. Trong đó chủ yếu là thuế nhập khẩu là loại thuế đánh vào nhà nhập khẩu đối với hàng hóa vào nước này. Các khoản thuế được nhà nhập khẩu chuyển cho người tiêu dùng cuối cùng thông qua chi phí cao hơn. Số thuế tiêu dùng phải nộp thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, nước xuất xứ và một số yếu tố khác. Thuế nhập khẩu có thể được tính theo phần trăm giá trị của hàng hóa được nhập khẩu, hoặc dựa trên số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của hàng hóa được nhập khẩu. Ngoài ra trong thuế ngoại thương còn có các loại thuế GTGT, thuế TTĐB hoặc thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa XNK.
4. Thuế tài sản
Thuế tài sản là khoản thu của chính phủ đối với tài sản của một cá nhân hoặc doanh nghiệp. Các phương pháp và khoảng thời gian thu rất khác nhau giữa các loại thuế tài sản. Ví dụ, thuế di sản và thuế thừa kế được tính khi một cá nhân qua đời và việc chuyển nhượng di sản của người đó cho người thừa kế tương ứng. Mặt khác, thuế đánh vào tài sản bất động sản được trả theo khoảng thời gian ấn định – thường là hàng năm – trên giá trị của tài sản chịu thuế như đất và nhà. Nhiều loại thuế tài sản có tính biến dạng cao và gây ra phức tạp đáng kể cho người nộp thuế hoặc doanh nghiệp. Thuế bất động sản và thuế thừa kế tạo ra sự không khuyến khích việc làm thêm và tiết kiệm, gây thiệt hại cho năng suất và sản lượng. Thuế giao dịch tài chính làm tăng chi phí vốn, làm hạn chế dòng vốn đầu tư được phân bổ hiệu quả nhất. Thuế đánh vào của cải làm hạn chế nguồn vốn sẵn có trong nền kinh tế, điều này làm tổn hại đến sự đổi mới và TTKT trong dài hạn.
Đối với các nước đang phát triển, hệ thống thuế chưa phát triển toàn diện và luôn gặp khó khăn trong vấn đề mở rộng quy mô thu thuế một cách có hiệu quả và công bằng (Lee & ctg, 2005). Do đó, các nước này cần phải lựa chọn mô hình cấu trúc thuế cho phù hợp và các chiến lược cụ thể vì không thể có “một khuôn mẫu phù hợp cho mọi nước”, tức là phải điều chỉnh sao cho tỷ lệ các sắc thuế trong hệ thống thuế đạt được tối ưu nhưng vẫn đảm bảo công bằng và hiệu quả. Theo Omoruyi (2003), ngoài việc đảm bảo công bằng và hiệu quả thì một hệ thống thuế phải đưa ra các lựa chọn liên quan đến việc phân bổ gánh nặng thuế, số tiền công dân phải nộp cũng như cách chính phủ chi tiêu số tiền thuế thu được. Các vấn đề liên quan đến tài khóa này càng trở nên quan trọng khi các quốc gia trên thế giới đang bước vào giai đoạn hội nhập. Đặc biệt tại các nước đang phát triển, do cơ sở thuế trong nước có hạn, chính phủ phải đáp ứng nhu cầu tài khóa của mình bằng cách tính thuế suất cao đối với một nguồn thu thuế dễ đánh như thuế ngoại thương (Pupongsak, 2009). Đó là lý do tại sao thuế ngoại thương vẫn là nguồn tài chính quan trọng tại các quốc gia đang phát triển, trong khi các quốc gia phát triển đi theo xu hướng giảm tỷ trọng thuế ngoại thương. Tuy nhiên, nếu chính phủ hoạt động theo cơ chế tự do hóa để duy trì mục tiêu tăng trưởng, các chương trình cải cách thương mại và thuế sẽ làm sụt giảm nghiêm trọng thuế ngoại thương. Chắc chắn khi đó thuế nội địa là lựa chọn đầu tiên để chính phủ giải quyết vấn đề tài khóa bắt nguồn từ tự do thương mại vì nó là công cụ quan trọng nhất để tăng thu ngân sách, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển (Pupongsak, 2009). Các nhà kinh tế luôn tin rằng, để giảm thiểu thất thu thuế ngoại thương, một chiến lược tăng thuế trực thu và thuế gián thu trong nước, đặc biệt là tăng thu từ thuế hàng hóa và dịch vụ, bằng cách thực hiện cải cách thuế nội địa, từ đó tác động tiêu cực của TDHTM có thể được bù đắp hoặc giảm bớt. Trong nghiên cứu này, xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu xem xét tác động của TDHTM đến cấu trúc thuế và vai trò của TDHTM khi cấu trúc thuế tác động đến TTKT, tác giả lựa chọn cách phân chia cấu trúc thuế theo tác giả Tanzi (1988) bao gồm: thuế thu nhập (thuế TNCN và doanh nghiệp), thuế tiêu dùng (các loại thuế đánh vào hàng hóa nội địa: thuế TTĐB, thuế môi trường, thuế GTGT), thuế ngoại thương (các loại thuế đánh vào hàng hóa XNK: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế môi trường, thuế GTGT). Cấu trúc thuế này sẽ phản ánh rõ nét sự tác động của TDHTM đồng thời đây cũng là những sắc thuế chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống thuế. Đối với thuế tài sản, tác giả không xem xét vì sự tác động chưa rõ ràng của TDHTM cũng như hạn chế trong vấn đề khai thác dữ liệu.
Nguồn: Luận án Tài chính ngân hàng: “Cấu trúc thuế và tăng trưởng kinh tế dưới vai trò của tự do hóa thương mại tại các nước đang phát triển“
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT