Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng KH&CN, nhất là cuộc CMCN lần thứ tư, việc xác định một lĩnh vực, một ngành là công nghệ cao rất khó khăn, đa dạng và phức tạp. Chính vì vậy, sự hiểu biết đa chiều về các góc độ khác nhau, các giai đoạn khác nhau, các tiêu chuẩn khác nhau để xác định các doanh nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện. Điều này đã tạo ra sự khó khăn trong việc thống nhất quan niệm về doanh nghiệp công nghệ cao.
Trước hết, nhiều quan niệm cho rằng doanh nghiệp CNC là một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, có tính năng của một doanh nghiệp sáng tạo. Theo phương pháp Oslo1, trong một khoảng thời gian nhất định (thường là ba năm), các doanh nghiệp CNC phải đưa được vào thị trường ít nhất một đổi mới kỹ thuật (một sản phẩm mới hoặc cải tiến đáng kể hoặc một quy trình công nghệ mới hoặc được cải tiến đáng kể). Đây là một công ty cung cấp năng lực cao để tạo, thực hiện và phổ biến các đổi mới khác nhau [86]. Một công ty đổi mới có thể tạo ra và tiếp thu những đổi mới, sáng tạo và liên tục thích ứng với những thay đổi xảy ra trong môi trường và nhằm mục đích đạt được vị trí dẫn đầu về công nghệ.
Một quan niệm khác lại cho rằng doanh nghiệp CNC là một công ty dựa trên tri thức, quản lý kiến thức một cách có ý thức và có hệ thống [111]. Đối với một công ty như vậy, kiến thức là một tài sản chiến lược. Các công ty dựa trên tri thức có thể quản lý kiến thức, phát triển và sử dụng các nguồn lực trí tuệ; họ cũng có thể cộng tác hiệu quả vì lợi ích của chính họ và những người khác, trong khuôn khổ các mạng lưới quan hệ đối tác sáng tạo đã được thiết lập (ví dụ: Thung lũng Silicon). Các doanh nghiệp CNC, với tư cách là các tổ chức có yêu cầu cao về khoa học đối với các yếu tố đầu vào, trình độ học vấn cao trong nhân sự và quản lý, tạo ra, thu thập và phân phối kiến thức mới có thể được định nghĩa là các công ty dựa trên tri thức. Việc tập trung vào quá trình liên tục tiếp thu, phát triển và áp dụng kiến thức làm cho các công ty này trở thành các tổ chức thông minh và học tập
Theo quan niệm của Tiến sĩ Charles K. Davis, trong một công trình xuất bản tại Đại học Indiana (Mỹ), một yếu tố khác quyết định khái niệm về doanh nghiệp công nghệ cao là CNTT hiện đại. Đây là cơ sở của hệ thống quản lý tri thức [66]. Trong các doanh nghiệp công nghệ cao, CNTT đã tích hợp các công nghệ khác nhau phần cứng, phần mềm, viễn thông, tin học viễn thông) và được sử dụng để thu thập, lựa chọn, phân tích, xử lý, lưu trữ, quản lý và chuyển thông tin cho người khác. Từ đó, theo quan niệm của tác giả Ronald Maier trong một bài báo được xuất bản tại nước Đức, doanh nghiệp công nghệ cao là một công ty sử dụng CNTT hiện đại, vì chúng làm tăng hiệu quả, năng suất và tính linh hoạt cũng như chi phí thấp hơn. Đồng thời, CNTT tiên tiến hỗ trợ các công việc R&D, hỗ trợ rút ngắn thời gian từ giai đoạn thiết kế và giới thiệu sản phẩm đến giai đoạn thâm nhập vào thị trường [83].
Tại Việt Nam, khoản 4 Điều 3 Luật Công nghệ cao 2008 quy định: “Doanh nghiệp CNC là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, có hoạt động R&D công nghệ cao”[37].
Không phải bất cứ doanh nghiệp nào tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao là trở thành doanh nghiệp CNC. Muốn được công nhận là doanh nghiệp CNC, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 của Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, đồng thời đáp ứng các tiêu chí sau:
(1) Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm của doanh nghiệp;
(2) Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động R&D của doanh nghiệp (bao gồm khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động R&D; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động R&D của doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động R&D; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam) trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hằng năm: (a) Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%; (b) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%; (c) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải đạt ít nhất 2%.
(3) Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện R&D có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động: (a) Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%; (b) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%; (c) Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này phải đạt ít nhất 5% [18].
Các doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao thành lập mới thuộc “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ở Việt Nam” [16] sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế nhập khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp đã và đang sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam thuộc danh mục trên sẽ được ưu tiên xét chọn tham gia thực hiện dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Tóm lại, trên cơ sở kế thừa các quan niệm nêu trên và dưới góc độ nghiên cứu của khoa học kinh tế chính trị, nghiên cứu sinh đã đưa ra khái niệm sử dụng trong luận án: Doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm sản xuất sản phẩm công nghệ cao hoặc cung ứng dịch vụ công nghệ cao, dựa trên trình độ xã hội hoá cao về lực lượng sản xuất, đội ngũ lao động chuyên nghiệp, đầu tư cho R&D lớn và phương thức quản lý hiện đại.
Nguồn: Luận Án Kinh Tế Chính Trị “Doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư“
Khái niệm doanh nghiệp công nghệ cao
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT