Vai trò của doanh nghiệp công nghệ cao trong phát triển kinh tế – xã hội

Vai trò của doanh nghiệp công nghệ cao trong phát triển kinh tế - xã hội

Mục lục

Vai trò của doanh nghiệp công nghệ cao trong phát triển kinh tế – xã hội

Cùng với việc đóng vai trò là các chủ thể nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao còn là đầu tàu giữ vai trò hỗ trợ, bổ sung cho các doanh nghiệp khác tạo thành mối liên kết, hợp tác với các chủ thể liên quan trong việc phát triển của khu công nghệ cao và phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia. Dưới góc độ nghiên cứu của khoa học kinh tế chính trị, vai trò của doanh nghiệp công nghệ cao được thể hiện cụ thể như sau:

Một là, thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất.

Để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, doanh nghiệp công nghệ cao cần thiết phải ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất vào trong quá trình sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

Trong doanh nghiệp công nghệ cao, quá trình sản xuất chuyển từ cơ giới hóa sang tự động hóa, tài sản cố định được đổi mới thường xuyên, đã tạo nên cuộc cách mạng về phát triển tư liệu lao động cho xã hội. Thông qua ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao đã tạo ra quy trình sản xuất thông minh với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, được cập nhật phần mềm để thêm tính năng mới mà không cần phải thay mới chi tiết hay bộ phận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp CNC với quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao cũng đã góp phần thay đổi căn bản đối tượng lao động sử dụng vào quá trình sản xuất. Điều này đã giúp nền sản xuất xã hội vượt quá những giới hạn về tài nguyên thiên nhiên cũng như sự phụ thuộc của sản xuất vào các nguồn năng lượng truyền thống.

Do ứng dụng công nghệ cao trong quy trình sản xuất hiện đại nên doanh nghiệp CNC đã góp phần phát triển nguồn nhân lực cho nền sản xuất xã hội. Đó là đội ngũ nhân lực thường xuyên học hỏi, năng động và linh hoạt với sự đổi mới công nghệ mau chóng trong bối cảnh CMCN lần thứ tư. Doanh nghiệp CNC có đội ngũ cán bộ quản lý có kinh nghiệm và năng lực cao trong phương thức quản lý có sự thay đổi thích ứng với sự tác động mạnh mẽ của CMCN lần thứ tư, xu thế cạnh tranh của kinh tế toàn cầu. Quá trình sản xuất của doanh nghiệp CNC còn cần đội ngũ nhân lực tham gia vào các hoạt động R&D trong nội bộ doanh nghiệp, trong liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ cao khác, các trường đại học, các viện và các trung tâm nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Quy trình sản xuất thông minh trong doanh nghiệp CNC đã tác động mạnh mẽ đến quá trình điều chỉnh cấu trúc và vai trò của các nhân tố trong lực lượng sản xuất xã hội. Các thành tựu mới nhất của KH&CN đều là sức mạnh đã được vật hóa của tri thức. Trong doanh nghiệp CNC, sản phẩm của tri thức được sử dụng phổ biến cùng với quy trình sản xuất hiện đại đã làm biến đổi vai trò của máy móc và con người, ranh giới phân định các nhân tố trong lực lượng sản xuất đều mang tính tương đối.

Hai là, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội.

Doanh nghiệp CNC cần đầu tư một lượng vốn lớn cho giai đoạn R&D, nhưng do sự không chắc chắn của công nghệ và thị trường, đặc điểm đầu tư nhiều, rủi ro cao đã làm tăng hoàn cảnh khó khăn về tài chính của doanh nghiệp. Do đó, với việc không ngừng củng cố và nâng cao vị thế chủ đạo trong đầu tư đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, việc huy động vốn thông qua nhiều kênh để tăng cường đầu tư cho R&D nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và thúc đẩy chuyển đổi thành tựu KH&CN đã trở thành một vấn đề cấp bách đối với hầu hết các doanh nghiệp CNC hiện nay. Từ đó, doanh nghiệp CNC được hình thành bởi sự đầu tư chung của các nhà đầu tư hoặc tổ chức khác nhau quan tâm đến dự án này và các nhà đầu tư có thể đầu tư vào một số dự án không liên quan đến hoạt động của chính họ mà không có bất kỳ hạn chế bên ngoài nào. Điều này cho thấy doanh nghiệp công nghệ cao có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chế độ sở hữu, thực hiện đa dạng hóa sở hữu, lấy sở hữu tư nhân làm động lực đồng thời phát huy sức mạnh và ưu thế tối đa của sở hữu nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước.

Quan hệ tổ chức – quản lý của doanh nghiệp công nghệ cao cũng có sự thay đổi lớn. Sự thay đổi nhanh chóng của môi trường bên ngoài, cạnh tranh khốc liệt và sự tích hợp thông tin nội bộ cao đòi hỏi doanh nghiệp công nghệ cao phải là một tổ chức có cơ chế nội bộ học hỏi và đổi mới. Học cách biến đổi kiến thức thành lực lượng sản xuất thực sự, và không ngừng tạo ra kiến thức mới đã trở thành hoạt động chính của mọi người. Nhà quản lý cũng cần thay đổi phương thức tổ chức – điều hành doanh nghiệp.

Mô hình làm việc theo nhóm được hình thành, đã làm thay đổi cơ cấu tổ chức trong doanh nghiệp công nghệ cao.Điều này đã hình thành môi trường văn hóa bình đẳng góp phần thúc đẩy trao đổi ý tưởng hiệu quả, cởi mở và trở thành nguồn gốc cho sự đổi mới của doanh nghiệp công nghệ cao. Lĩnh vực quản lý đã tạo ra một bầu không khí tổ chức thúc đẩy sự học hỏi liên tục của nhân viên và hình thành khả năng cạnh tranh cốt lõi của sự đổi mới liên tục của tổ chức.

Trong nền sản xuất hiện đại, doanh nghiệp công nghệ cao sử dụng nhiều vốn nhân lực, cần niềm đam mê và sự đổi mới thường xuyên. Môi trường văn hóa bình đẳng của doanh nghiệp công nghệ cao đã thể hiện sự tôn trọng đối với nhân viên của họ. Doanh nghiệp công nghệ cao sẽ điều chỉnh phương thức phân phối công bằng, tạo động lực kinh tế kích thích đội ngũ nhân lực tri thức gắn bó lâu dài và cống hiến cho doanh nghiệp. Đây cũng là sự hỗ trợ cho sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp công nghệ cao.

Vai trò của doanh nghiệp công nghệ cao trong phát triển kinh tế - xã hội
Vai trò của doanh nghiệp công nghệ cao trong phát triển kinh tế – xã hội

Ba là, thúc đẩy đổi mới thường xuyên chiến lược kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế.

Sự thay đổi của quy trình sản xuất hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất làm cho các doanh nghiệp công nghệ cao phải xây dựng chiến lược kinh doanh xuất phát từ nguồn lực, trong đó, nguồn lực chủ yếu là công nghệ, trí tuệ đổi mới, sáng tạo. Trên cơ sở đó, xây dựng định hướng chiến lược và hoạch định kế hoạch phát triển một cách hiệu quả nhất, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp CNC.

Phương thức quản trị doanh nghiệp CNC dựa trên áp dụng các phần mềm và quy trình trong quản lý, tiến hành số hóa các quá trình quản trị, quá trình kinh doanh, bán hàng sẽ tiết giảm được chi phí quản lý, điều hành. Làn sóng công nghệ mới giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng, tạo giá trị gia tăng bằng chất lượng chứ không phải bằng tài chính, khoáng sản hay lao động phổ thông, đồng thời có thể sử dụng công nghệ để tối ưu việc sử dụng các nguồn lực bên ngoài.

Thể chế quản lý kinh doanh trong các doanh nghiệp cũng có những biến đổi lớn với việc sử dụng CNC để cải tiến quản lý sản xuất, thay đổi hình thức tổ chức doanh nghiệp. Đây là bước khởi đầu được ưu tiên hơn so với việc tổ chức lại một quan niệm quản lý mới cho các nhà lãnh đạo, góp phần chuyển đổi chiến lược phát triển doanh nghiệp thành công.

Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhà nước của các quốc gia ngày càng chú trọng phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, điều tiết và phối hợp quốc tế được tăng cường. Bên cạnh đó, sự hình thành các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế cũng tạo ra những chủ thể mới trong điều tiết quan hệ kinh tế quốc tế. Do đó, phương thức quản trị, điều hành của chính phủ cũng đã có sự thay đổi nhanh chóng để thích ứng với sự phát triển của công nghệ mới, dựa trên hạ tầng công nghệ số để tối ưu hóa hệ thống giám sát và điều hành xã hội theo mô hình “chính phủ điện tử”, “đô thị thông minh”… Bộ máy hành chính nhà nước cần phải cải tổ theo hướng minh bạch và hiệu quả.

Bốn là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp công nghệ cao đóng vai trò là chủ thể nghiên cứu, sản xuất và phát triển đa dạng hóa các ngành công nghệ cao. Những thành tựu mới nhất của KH&CN đã tác động đến phân công lao động xã hội, làm xuất hiện nhiều ngành nghề mới, lĩnh vực mới. Cơ cấu trong nội bộ các ngành, nghề, lĩnh vực kinh tế cũng có sự thay đổi. Khi cơ cấu sản xuất thay đổi theo hướng tăng năng suất và hiệu quả sẽ có khả năng tạo ra sự thay đổi cơ cấu tiêu dùng do thu nhập tăng. Theo đó, cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng và vị trí GDP của ngành công nghiệp và dịch vụ tăng dần, còn tỷ trọng và vị trí GDP của ngàng nông nghiệp giảm dần. Thông qua mở rộng ứng dụng những thành tựu mới nhất về KH&CN, doanh nghiệp CNC góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế và hiệu quả cao.

Đồng thời, các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp CNC góp phần tăng năng suất các nhân tố tổng hợp, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới, hiện đại đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào của các doanh nghiệp CNC, từ đó góp phần làm tăng thu nhập dẫn đến tăng tiêu dùng của dân cư và tăng đầu tư cho cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, công nghệ cao góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế quốc dân trên thị trường quốc tế và khu vực.

Các thành tựu mới của KH&CN được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị… của doanh nghiệp CNC.

Doanh nghiệp CNC với quy trình sản xuất ứng dụng thành tựu công nghệ hiện đại nhất dựa trên tri thức của con người, nên sử dụng rất ít nguyên liệu, năng lượng tự nhiên, nâng cao chất lượng và năng suất lao động xã hội. Do vậy, trong thời đại ngày nay, doanh nghiệp công nghệ cao đã tạo điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng chủ yếu dựa vào các động lực không có trần giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trí tuệ, chất xám, công nghệ hiện đại trở thành yếu tố đầu vào cạnh tranh của các doanh nghiệp CNC, đóng vai trò nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân.

Nguồn: Luận Án Kinh Tế Chính Trị “Doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Vai trò của doanh nghiệp công nghệ cao trong phát triển kinh tế – xã hội

5/5 - (1 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?