Quan niệm về phát triển doanh nghiệp công nghệ cao

Quan niệm về phát triển doanh nghiệp công nghệ cao

Mục lục

Quan niệm về phát triển doanh nghiệp công nghệ cao

Dưới góc độ tiếp cận của khoa học kinh tế chính trị, luận án cũng đã đưa ra quan niệm: Phát triển doanh nghiệp công nghệ cao là hoạt động chủ động, tích cực của các chủ thể thông qua việc vận dụng tổng thể, đồng bộ các cách thức, biện pháp nhằm làm thay đổi theo hướng gia tăng về số lượng, mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng, ngày càng hoàn thiện về cơ cấu của các doanh nghiệp công nghệ cao, cơ sở nghiên cứu công nghệ cao… nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, có khả năng liên kết cùng hợp tác, cùng cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần phát triển khu công nghệ cao theo mô hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, dẫn dắt quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ mới trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (IoT).

Quan niệm này bao gồm những nội dung cơ bản sau:

Mục đích phát triển doanh nghiệp công nghệ cao

Mục đích phát triển doanh nghiệp CNC nhằm thu hút, thành lập, phát triển các tổ chức nghiên cứu có năng lực nghiên cứu mạnh, có khả năng tạo ra nhiều sáng chế có tiềm năng thương mại hóa và các thế hệ doanh nghiệp công nghệ mới thường xuyên đổi mới công nghệ, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao, có khả năng tham gia hiệu quả và bền vững vào các công đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tỷ lệ giá trị sản xuất trong các sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, phát triển doanh nghiệp CNC nhằm góp phần phát triển khu công nghệ cao trở thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các ngành công nghệ cao ngày càng trở nên phổ biến, trở thành động lực chủ yếu góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ mới, tham gia vào phát triển bền vững quốc gia.

Chủ thể phát triển doanh nghiệp công nghệ cao

Muốn đạt được mục tiêu phát triển trên, do đặc thù hệ thống chính trị của một số quốc gia như Việt Nam, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao cần có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân như tổ chức Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các Viện, trung tâm nghiên cứu và các Trường Đại học của các quốc gia, với các vai trò cụ thể như sau:

Một là, tổ chức Đảng có vai trò lãnh chỉ đạo đề ra đường lối, chủ trương… làm cơ sở cho việc tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi nhằm phát triển doanh nghiệp CNC ở khu CNC. Nhà nước thực hiện chức năng quản lý thông qua tổ chức quản lý từ cấp trung ương như Chính phủ, các Bộ và cơ quan ngang Bộ xuống địa phương, thực hiện định hướng; tạo môi trường và điều hoà, phối hợp; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động phát triển doanh nghiệp CNC. Chính phủ đưa dự án phát triển các khu công nghệ cao, các dự án thu hút, thành lập và tài trợ cho các viện nghiên cứu công lập, các dự án thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao nổi tiếng về khu CNC của các địa phương vào danh mục các dự án ưu tiên cao trong việc bố trí ngân sách đầu tư phát triển nhằm thực hiện chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng của quốc gia, ở từng địa phương và thích ứng với cuộc CMCN lần thứ tư.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, các Cơ quan ngang bộ, chính quyền các địa phương tham gia xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển khu CNC ở các địa phương; ưu tiên phân bổ Ngân sách Nhà nước, vốn ODA, triển khai các chương trình phát triển của Chính phủ tại các khu công nghệ cao trong quốc gia. Các Bộ, các cơ quan ngang bộ trong phạm vi Quyền hạn của mình ban hành các chính sách, phân bổ nguồn lực, thu hút các nguồn lực, triển khai các dự án liên quan, lồng ghép các chương trình, dự án do cơ quan phụ trách vào các chương trình, dự án thích hợp với từng khu công nghệ cao; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ theo dõi, đánh giá việc xây dựng và triển khai các chương trình, dự án liên quan ở các khu CNC.

Cấp uỷ, chính quyền các địa phương, đặc biệt là các sở liên quan đến phát triển doanh nghiệp CNC và Ban Quản lý khu CNC ở các tỉnh, thành với vai trò là cơ quan giúp việc cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành trong việc đề ra các chủ trương, chính sách cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành chính sách chung của các cơ quan quản lý cấp trung ương phù hợp với đặc điểm địa phương; lập kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ cao của địa phương. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và quản lý các dự án đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm CNC và cung ứng dịch vụ CNC.

Hai là, các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư có thể tiến hành đầu tư, duy trì và phát triển các doanh nghiệp CNC ở các khu công nghệ cao; thông qua mạng lưới các doanh nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của mình, kết nối các doanh nghiệp, các tổ chức ở khu công nghệ cao vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn quản lý cho các dự án ươm tạo, khởi nghiệp, thương mại hóa CNC; đầu tư ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao, phát triển, mở rộng các công ty được ươm tạo, đầu tư tăng vốn cho các công ty đang hoạt động, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mang tính thương mại, hỗ trợ các công ty niêm yết vốn trên các thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế.

Ba là, các trường đại học và các viện, trung tâm nghiên cứu công lập sẽ giữ vai trò hạt nhân ở các khu CNC, là yếu tố chủ chốt hình thành các cụm ngành công nghiệp, là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và ở các địa phương, là nền tảng để kinh tế Khu vực tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng vào trong các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Một số viện, trung tâm nghiên cứu/trường đại học chủ chốt có thể cử đại diện làm ủy viên Hội đồng phát triển các khu CNC. Các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu công/tư/hoặc nước ngoài có thể thiết lập các cơ sở hoạt động; chia sẻ các tài nguyên và trao đổi chuyên gia KH&CN với các doanh nghiệp; đóng góp vào quá trình phát triển nguồn nhân lực CNC; thực hiện thương mại hóa công nghệ và hỗ trợ phát triển kinh doanh. Các trường đại học/viện, trung tâm nghiên cứu cũng có thể thành lập và sở hữu các công viên nghiên cứu, trung tâm ươm tạo, sở hữu và phát triển các doanh nghiệp CNC ở các khu CNC trong quốc gia.

Cách thức và biện pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ cao

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và bối cảnh tác động mạnh mẽ của CMCN lần thứ tư, để phát triển doanh nghiệp CNC cần sử dụng đồng bộ các cách thức, biện pháp sau đây:

Thứ nhất, trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, mục tiêu phát triển các khu CNC và định hướng phát triển các ngành CNC của quốc gia và của từng địa phương, cùng với hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước ban hành, Chính phủ sẽ đưa các dự án thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao nổi tiếng về khu công nghệ cao của các địa phương vào danh mục các dự án ưu tiên cao trong việc bố trí ngân sách đầu tư phát triển nhằm thực hiện chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng của quốc gia, ở từng địa phương và thích ứng với cuộc CMCN lần thứ tư. Các Bộ, các Cơ quan ngang bộ, chính quyền các địa phương tham gia xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển khu CNC ở các địa phương; ban hành các chính sách, quy định phân bổ và thu hút các nguồn lực, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ theo dõi, đánh giá việc xây dựng và triển khai các chương trình, dự án liên quan ở các khu CNC.

Thứ hai, các Sở, các cơ quan chuyên môn và Ban Quản lý khu CNC ở các địa phương đề ra quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành CNC trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Theo đó, Ban Quản lý khu CNC tham mưu với chính quyền địa phương ban hành những chính sách, quy định hỗ trợ, có kế hoạch thu hút các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế; huy động các nguồn lực phát triển nguồn nhân lực và KH&CN; phát triển thị trường… nhằm phát triển các doanh nghiệp CNC. Đồng thời, Ban Quản lý khu CNC ban hành hướng dẫn để hỗ trợ nhà đầu tư tham khảo xây dựng hồ sơ dự án đầu tư vào khu công nghệ cao. Bên cạnh đó, Ban Quản lý khu CNC phối hợp với Sở Công thương và Sở KH&CN thẩm định các doanh nghiệp, dự án tham gia sản xuất sản phẩm CNC và cung ứng dịch vụ CNC để đánh giá sự phù hợp, xét chọn công nghệ, sản phẩm các loại hình dự án đầu tư vào khu CNC.

Thứ ba, trước xu thế cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường toàn cầu, đổi mới công nghệ thường xuyên của kỷ nguyên số, phát triển doanh nghiệp CNC cần được triển khai thực hiện thông qua hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động công nghệ cao của các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư dự án CNCo trong nước và quốc tế. Từ đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư đều phải tự thân đầu tư cho các hoạt động R&D, thương mại hóa công nghệ cao, mở rộng quy mô đầu tư sản xuất sản phẩm CNC và cung ứng dịch vụ CNC, tham gia hiệu quả chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Thứ tư, phát triển doanh nghiệp CNC thông qua sự hợp tác, liên kết giữa khu công nghệ cao với các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức hoạt động CNC, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, các cá nhân trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu, thương mại hóa các công nghệ mới, hợp tác sản xuất, đào tạo, tuyển chọn và sử dụng nhân lực CNC, phối hợp trong việc ươm tạo, chuyển giao CNC hoặc thành lập các doanh nghiệp CNC ở khu CNC.

Nguồn: Luận Án Kinh Tế Chính Trị “Doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Quan niệm về phát triển doanh nghiệp công nghệ cao

5/5 - (1 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?