Hiện nay, về mặt khái niệm, nhiều thuật ngữ được sử dụng trong nhiều công trình nghiên cứu để mô tả một khu vực cụ thể để ươm tạo và phát triển công nghệ cao như công viên nghiên cứu (research park), công viên công nghệ (technology park), công viên khoa học (science park), trung tâm đổi mới kinh doanh (business innovation center), trung tâm công nghệ cao (center for advanced technology), thành phố khoa học (science city),… Trong khuôn khổ của luận án này, các thuật ngữ sẽ được quy chung về một khái niệm duy nhất là khu công nghệ cao.
Theo Link và Scott, khu công nghệ cao là một cụm các tổ chức dựa trên công nghệ đặt cơ sở trong hoặc gần khuôn viên trường đại học để hưởng lợi ích từ cơ sở tri thức và nghiên cứu đang thực hiện tại trường đại học đó. Trường đại học không chỉ chuyển giao tri thức mà còn mong muốn phát triển tri thức một cách hiệu quả hơn nhờ sự liên kết với các cá nhân, các công ty, các tổ chức đang tham gia hoạt động trong khu công nghệ cao đó [80]. Định nghĩa này đã có sự tương đồng với các định nghĩa cho rằng khu CNC là một khu vực có cơ sở vật chất liên quan đến đổi mới sáng tạo, song định nghĩa này lại nhấn mạnh đến vai trò của trường đại học và chuyển giao tri thức. Đây là đặc trưng khá phổ biến xuất hiện trong các khu CNC ở Hoa Kỳ.
Ngân hàng Thế giới và UNCTAD (United Nations Conference on Trade and Development) đã sử dụng khu CNC với thuật ngữ chung là đặc khu Kinh tế (Special Economic Zone – SEZ), là khu vực địa lý nơi có các quy tắc kinh doanh khác nhau và có nhiều ưu đãi được sử dụng để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp từ nhiều ngành sản xuất, công nghệ và dịch vụ [106; 98].
Tổ chức UKSPA (United Kingdom Science Park Association) sử dụng một định nghĩa đã được trích dẫn nhiều về khu CNC, được mô tả là các cụm doanh nghiệp dựa trên tri thức, nơi hỗ trợ và tư vấn được cung cấp để hỗ trợ sự phát triển của các công ty [97]. Theo UKSPA, khu công nghệ cao là một sáng kiến chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kinh doanh nhằm mục đích: (1) Khuyến khích và hỗ trợ việc khởi nghiệp và ươm tạo các doanh nghiệp tri thức, dẫn dắt bởi sự đổi mới; (2) Cung cấp một môi trường mà các doanh nghiệp lớn và quốc tế có thể phát triển các tương tác cụ thể và chặt chẽ với một trung tâm sáng tạo kiến thức cụ thể vì lợi ích chung; (3) Có liên kết hoạt động chính thức với các trung tâm sáng tạo tri thức như các trường đại học, các viện giáo dục bậc cao và các tổ chức nghiên cứu [96].
Tổ chức IASP (International Association of Science Parks and Areas of Innovation) đã xác định khu CNC là một tổ chức do các chuyên gia quản lý dựa trên sự kết hợp năng động giữa chính sách, cơ sở vật chất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao đáp ứng sáu tiêu chí sau: (1) Kích thích dòng chảy tri thức và công nghệ giữa doanh nghiệp và trường đại học; (2) Thiết lập thông tin liên lạc giữa các công ty, doanh nhân và kỹ thuật viên; (3) Nuôi dưỡng văn hóa đổi mới, sáng tạo và chất lượng; (4) Tập trung vào các công ty và tổ chức nghiên cứu cũng như con người; (5) Công cụ tạo ra các công ty dựa trên công nghệ mới; (6) Thiết lập mạng lưới toàn cầu của các công ty đổi mới sáng tạo và các tổ chức nghiên cứu để đưa người thuê tiếp cận với thị trường và công nghệ quốc tế [74]. Theo IASP, khu công nghệ cao hoạt động nhằm góp phần gia tăng sự giàu có của cộng đồng bằng cách thúc đẩy văn hoá đổi mới, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và các tổ chức tri thức có liên quan [73]. Đây cũng là một quan niệm cho rằng khu công nghệ cao phải có sự liên kết, hợp tác giữa các công ty, doanh nghiệp với các tổ chức nghiên cứu như trường đại học, các viện nghiên cứu, trung tâm công nghệ.
Tổ chức AURP (Association of University Research Parks) đã cho rằng khu CNC là môi trường vật chất có thể tạo ra, thu hút và giữ chân các công ty KH&CN cũng như những nhân tài phù hợp với sự tài trợ của các tổ chức nghiên cứu bao gồm các trường đại học, cũng như các phòng thí nghiệm nghiên cứu công, tư và liên bang. Khu công nghệ cao là khu vực địa lý tạo điều kiện vật chất để triển khai việc liên kết, hợp tác cho luồng các ý tưởng giữa các cá nhân, tổ chức đã tạo ra sự đổi mới như trường đại học, phòng thí nghiệm liên bang, các tổ chức R&D phi lợi nhuận và các công ty ở cả trong khu công nghệ cao và khu vực xung quanh khu công nghệ cao [58].
Tại Việt Nam, Quy chế khu CNC (Ban hành kèm theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ) đã giải thích từ ngữ tại Điều 2. Chương 1 như sau: “Khu công nghệ cao là khu kinh tế – kỹ thuật đa chức năng, có ranh giới xác định, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, nhằm R&D và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao”[12]. Định nghĩa này cũng được áp dụng và bổ sung thêm trong Điều 31. Chương V. Luật Công nghệ cao 2008: “Khu công nghệ cao là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao”[37].
Từ các cách quan niệm trên, trong luận án này, nghiên cứu sinh quan niệm: Khu công nghệ cao là cơ sở hoặc khu vực kinh tế – kỹ thuật đa chức năng nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển công nghệ cao, thông qua tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu, ươm tạo và ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.
Nguồn: Luận Án Kinh Tế Chính Trị “Doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư“
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT