Theo Đinh Xuân Hạng, Nghiêm Văn Bảy (2014) [8], NHTM là một loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện tất cả các hoạt động của ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, trong dài hạn, không chỉ đơn thuần là kiếm được càng nhiều lợi nhuận mà các nhà quản trị ngân hàng cần phải quan tâm đến vấn đề hiệu quả, các ngân hàng phải tính toán để sử dụng một cách tốt nhất đầu vào để đạt đầu ra như mong muốn theo Duan, Y. và cộng sự (2020) [56]. Hiệu quả là một phạm trù được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, kỹ thuật. Nó có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau.
Hiệu quả phản ánh mối liên hệ giữa việc sử dụng nguồn lực đầu vào giới hạn như (nhân công, vốn, và máy móc thiết bị…) với sản phẩm đầu ra cuối cùng”. Như vậy, theo khái niệm này, hiệu quả có thể hiệu là một doanh nghiệp sử dụng thành công các yếu tố đầu vào và tạo ra được các sản phẩm đầu ra nhằm đáp ứng một mục tiêu nào đó. Điều này nhất quán với quan điểm của nhà kinh tế học Farell khi ông cho rằng: “Khi nói về hiệu quả của một doanh nghiệp nghĩa là sự thành công trong việc sản xuất đầu ra cực đại từ một tập hợp các yếu tố đầu vào” (Farrell, 1957). Ngoài ra, trong nghiên cứu của mình, Farrell đã làm rõ khái niệm từng loại hiệu quả bao gồm: hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bố và hiệu quả kinh tế và mô hình hóa các loại hiệu quả này.
“Hiệu quả sản xuất diễn ra khi xã hội không thể tăng sản lượng một loạt hàng hóa mà không cần cắt giảm một loạt sản lượng hàng hóa khác theo Samuelson, W. F. và cộng sự (2021) [78]. Một nền kinh tế có hiệu quả nằm trên giới hạn khả năng sản xuất của nó. Beck, T. và cộng sự (2006) [44] đã định nghĩa hiệu quả hoạt động là sự kết hợp đúng đắn của con người, quá trình và công nghệ với nhau để nâng cao năng suất và giá trị của bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, đồng thời giảm chi phí hoạt động thường xuyên đến một mức mong muốn.
Như vậy, qua nhiều góc nhìn khác nhau, hiệu quả thể hiện mối liên quan giữa kết quả thu được và toàn bộ chi phí bỏ ra để tạo ra kết quả đó, phản ánh khả năng thu được lợi nhuận của hoạt động kinh tế đó. Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ thành công của doanh nghiệp chính là hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đó. Trên đây, nhóm nghiên cứu đưa ra quan điểm hiệu quả đối với một doanh nghiệp, vậy trong các ngân hàng thương mại, hiệu quả hoạt động kinh doanh được thể hiện như thế nào?
Ngân hàng thương mại trước tiên là một doanh nghiệp, giống như các doanh nghiệp khác mục đích mà họ theo đuổi trong quá trình huy động vốn và cung cấp vốn, cung cấp các dịch vụ và sản phẩm ngân hàng cho khách hàng đó là tối đa hóa lợi nhuận. Berger, A.N. và cộng sự (2005) [45] coi hiệu quả hoạt động của các NHTM thể hiện ở mối quan hệ giữa doanh thu đầu ra và chi phí sử dụng các nguồn lực đầu vào hay chính là khả năng biến các nguồn lực đầu vào thành các đầu ra tốt nhất trong hoạt động kinh doanh của các NHTM. Cụ thể ở việc các NHTM tạo ra doanh thu đầu ra lớn nhất với giá trị các nguồn lực đầu vào nhỏ nhất.
Theo Rose, P. và cộng sự (2015) [76], về bản chất NHTM vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận với mức rủi ro có thể chấp nhận được và khả năng sinh lời là mục tiêu được các ngân hàng quan tâm hơn vì thu nhập cao sẽ giúp bảo toàn vốn, tăng khả năng mở rộng thị phần, thu hút vốn đầu tư. Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực để đạt được mục tiêu, thể hiện mối tương quan giữa đầu ra và đầu vào để có được hiệu quả đặt ra cũng như khả năng giảm thiểu chi phí để tăng khả năng cạnh tranh với các tổ chức tài chính khác. Cũng đồng quan điểm trên, trong nghiên cứu của mình. “Hiệu quả kinh doanh của NHTM được xem xét theo năng xuất biến đổi của đầu vào thành đầu ra, phản ánh qua chất lượng nguồn lực với kết quả, đo lường bằng tỷ số giữa kết quả và hao phí nguồn lực”, Lê Thị Thúy (2020) [33].
Như vậy, nếu tiếp cận trên quan điểm về tài chính thì “Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại là biểu hiện của mối quan hệ giữa doanh thu và chi phí của ngân hàng”. Mối quan hệ này có thể phản ánh theo chỉ tiêu tuyệt đối (theo chiều sâu, chiều rộng); hoặc phản ánh qua chỉ tiêu tương đối (theo không gian và thời gian) giữa doanh thu và chi phí của ngân hàng thương mại.
Nếu đứng trên góc độ trách nhiệm xã hội và vấn đề quan hệ với khách hàng thì hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng lại được nhìn nhận một cách khác biệt. Các quan điểm tiếp cận trên góc độ ngân hàng có hiệu quả kinh doanh là những ngân hàng mang lại cho khách hàng nhiều sự trải nghiệm lại đưa ra những góc nhìn khác nhau theo Lê Thanh Tâm và cộng sự (2019) [29]. Lúc này, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng được đánh giá là mang lại mối quan hệ bền vững với khách hàng, và khách hàng sẽ mang lại bao nhiêu lợi nhuận cho ngân hàng.
Như vậy, với những nghiên cứu trên có thể đúc kết hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại là biểu hiện của mối quan hệ giữa doanh thu và chi phí của ngân hàng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và gắn kết bền vững với khách hàng. Đồng thời hiệu quả kinh doanh còn phản ánh sự đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế chung của Nhà nước, lợi ích của xã hội và phù hợp với các quy luật kinh tế khách quan.
Nguồn: Luận án Tài chính ngân hàng “Hiệu quả kinh doanh tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam“
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT