Mục lục
Phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư về mặt xã hội (SROI)
Phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư về mặt xã hội (SROI) trong dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước
Phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư về mặt xã hội (Social Return on Investment, SROI) là một phương pháp dựa trên quy trình phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư căn cứ trên các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường mà dự án tạo ra. Phương pháp này cho phép chúng ta phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư không chỉ đơn thuần về mặt lợi nhuận tài chính như phương pháp truyền thống mà còn giúp chúng ta phân tích, đánh giá những giá trị lợi ích vô hình khác mà dự án có thể mang lại như thời gian, sự tiện lợi.
Phương pháp SROI dựa trên 7 nguyên lý và 6 bước thực hiện để xây dựng khung phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án nói chung ở các khu vực khác nhau và dự án ứng dụng công nghệ thông tin nói riêng tại khu vực công. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ, nhưng ở Việt Nam thì SROI còn là cái tên khá mới và hầu như chưa được sử dụng trong phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư.
1. Phương pháp SROI
1.1 Lịch sử hình thành
SROI bắt nguồn từ Quỹ phát triển doanh nghiệp Robert (REDF, Roberts Enterprise Development Fund) năm 1996 nhằm phân tích, đánh giá các tác động xảy ra về mặt xã hội so với chi phí đầu tư của các tổ chức. Đến năm 2009, phương pháp SROI đã được bảo trợ của Chính phủ Vương quốc Anh (Carbinet Office) và đã có những phiên bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp SROI. Hiện tại, SROI đang được ứng dụng rộng khắp trên nhiều quốc gia và lục địa điển hình như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Úc, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, và Singapore.
1.2 Định nghĩa về phương pháp SROI
SROI là một phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án bao gồm các thông số liên quan đến giá trị kinh tế, xã hội và môi trường mà một dự án tạo ra, SROI cho phép chúng ta phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư một dự án thực sự, không nhất thiết đơn thuần là tiền hay lợi nhuận mà còn là những lợi ích mang lại giá trị thực tới đời sống con người, SROI nhấn mạnh tới giá trị xã hội được quy đổi thành tiền.
1.3 Phạm vi áp dụng SROI
Mặc dù SROI được khuyến nghị sử dụng sau khi kết thúc dự án (tham khảo bài viết “Giới thiệu tổng quan về phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước” số tháng 8/2014), nhưng SROI vẫn có thể được sử dụng tại giai đoạn trước, trong và sau dự án:
Trường hợp 1: Sử dụng SROI trước dự án (phân tích hiệu quả đầu tư, mang tính chất dự báo): SROI có thể được thực hiện trước khi triển khai dự án cho phép đưa ra những dự báo về giá trị xã hội có thể được tạo ra nếu dự án đạt được triển khai như mục tiêu và kết quả dự kiến. Điều này là một thông tin tham khảo tốt giúp các cơ quan quyết định đầu tư có những quyết định đúng hoặc những điều chỉnh kịp thời các vấn đề liên quan đến dự án, tránh những thất bại không đáng có.
Trường hợp 2: Sử dụng SROI trong quá trình triển khai dự án: Bằng việc đưa ra những phân tích, đánh giá về hiệu quả đầu tư vừa được tạo ra, trên cơ sở những thông tin này các chủ đầu tư có thể kiểm soát được tiến độ dự án và xác định được những điều chỉnh cần thiết (như vốn, đơn vị triển khai, …) cho dự án để hạn chế tối đa rủi ro mà dự án có thể gặp phải.
Trường hợp 3: Sử dụng SROI sau dự án (mang tính đánh giá hiệu quả đầu tư): Áp dụng SROI tại thời điểm kết thúc dự án nhằm đánh giá hiệu quả đầu tư mà dự án mang lại.
[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Phương pháp Đo lường giá trị (VMM)[/message]1.4 Nguyên lý xây dựng phương pháp SROI
SROI được phát triển dựa trên mô hình phân tích hạch toán xã hội và chi phí-lợi nhuận trong lý thuyết kinh tế và dựa trên bảy nguyên lý căn bản sau:
1.4.1 Nguyên lý 1: Xác định các bên liên quan
Nguyên lý này được SROI áp dụng để xác định các bên liên quan chịu ảnh hưởng của dự án. Đây là một nhân tố quan trọng để phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, các bên liên quan cần được xác định ngay từ khi hình thành dự án.
Ví dụ 1: UBND tỉnh A đầu tư một dự án triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh và huyện thuộc tỉnh A. Khi tiến hành phân tích và đánh giá hiệu quả đầu tư theo SROI, các bên liên quan của dự án này là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại (i) các sở, ban, ngành và UBND quận/huyện/thị xã; (ii) các sở, ban, ngành của tỉnh; (iii) UBND tỉnh.
1.4.2 Nguyên lý 2: Nắm rõ những gì thay đổi liên quan đến dự án
Hiểu và nắm rõ sự thay đổi liên quan đến dự án và đánh giá sự thay đổi nào là tích cực, những thay đổi nào là tiêu cực cũng như phân loại các thay đổi thuộc hoặc không thuộc mục tiêu của dự án để có sự điều chỉnh kịp thời trong quá trình phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư.
Ví dụ 2: Đối với dự án trên, khi đã được đầu tư, chúng ta phải xác định được những gì sẽ thay đổi đối với các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các sở, ban, ngành và các UBND. Điều đó có thể nhận biết được thông qua những thay đổi như giảm lượng tiêu thụ giấy, mực in, thư truyền thống, điện thoại trao đổi, etc., tại các sở, ban, ngành và các UBND.
1.4.3 Nguyên lý 3: Định giá
Nguyên lý này là một đặc trưng quan trọng của SROI, nó cho phép chúng ta quy đổi thành tiền các kết quả vô hình và hữu hình được hình thành từ dự án. Trong dự án tại tỉnh A, ngoài những giá trị hữu hình, các giá trị vô hình sẽ được SROI tính đến như thời gian xử lý công việc giảm xuống, tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm sẽ được quy đổi ra tiền trong quá trình phân tích và đánh giá hiệu quả đầu tư.
1.4.4 Nguyên lý 4: Chỉ nên tập trung định giá những thứ quan trọng
SROI chỉ tập trung phân tích, đánh giá những vấn đề thực sự quan trọng, nếu thiếu những vấn đề này thì cấp có thẩm quyền có thể đưa ra kết luận hay một quyết định sai lệch.
Ví dụ 3: Dự án tại tỉnh A đặt mục tiêu đạt được 100% gửi nhận văn bản, báo cáo công việc bằng phần mềm của các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện, sở ban ngành. Dựa vào mục tiêu này, khi phân tích và đánh giá hiệu quả đầu tư bằng SROI, chúng ta cần thu thập những thông tin liên quan như: Thực tế có đạt được tỉ lệ phần trăm khi dự án triển khai, các thông tin liên quan quan trọng khác như: thời gian in ấn, gửi nhận văn bản giấy, thời gian tra cứu, tìm kiếm văn bản, lượng tiêu thụ giấy, mực in, điện thoại trao đổi, lưu trữ, etc.
1.4.5 Nguyên lý 5: Tránh trùng lặp
Theo nguyên lý này, SROI chỉ tập trung vào các giá trị do dự án thực sự tạo ra, tránh trùng lặp mục tiêu do bên thứ 3 gây ra. Ví dụ giá trị kết quả từ dự án tại tỉnh A là giảm thời gian xử lý công việc, nhưng giảm thời gian xử lý công việc cũng có thể xuất phát từ việc cải cách thủ tục hành chính, do vậy khi tiến hành phân tích, đánh giá SROI cần cân nhắc cẩn thận nguyên lý này để số liệu được chính xác.
1.4.6 Nguyên lý 6: Minh bạch
SROI cần căn cứ trên nhưng thông tin phân tích minh bạch, những thông tin mang tính định tính cần phải được thống nhất trong quá trình phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư. Điều này giúp cho việc phân tích, đánh giá có kết quả tương đối sát và giúp cơ quan có thẩm quyền có căn cứ xem xét, đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
1.4.7 Nguyên lý 7: Kiểm tra lại kết quả
Phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư nói chung và SROI nói riêng có thể có những yếu tố mang tính chủ quan, do đó có sự giám định độc lập từ bên ngoài sẽ giúp đảm bảo rằng những quyết định dựa trên phân tích, đánh giá SROI là hợp lý. Kết quả phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư về mặt xã hội của một dự án cần được một đơn vị độc lập xem xét tính hợp lý cũng như độ tin cậy trong báo cáo SROI của dự án đó.
1.5 Các bước thực hiện phân tích và đánh giá theo SROI
Bước 1. Thiết lập phạm vi và xác định các đối tượng liên quan
Yếu tố quyết định khi phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án về mặt xã hội là xác định phạm vi, quy mô khi phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án. Ví dụ, chúng ta thực hiện phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư giai đoạn nào (trước, trong hay sau dự án); thời gian thực hiện phân tích, đánh giá; chi phí; xác định bên liên quan dự án; xác định phạm lấy số liệu.
Bước 2. Lập biểu đồ kết quả
Thông qua việc tương tác với các đối tượng liên quan, chúng ta sẽ phát triển một biểu đồ tác động, trong đó mô tả mối quan hệ giữa đầu vào, đầu ra và kết quả. Tại Bước 1, chúng ta đã xác định được các bên liên quan, trong khi bước này chúng ta cần xác định các thành phần liên quan như đầu vào, đầu ra và kết quả mà các bên liên quan đóng góp vào hay chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Ví dụ:
Bên liên quan | Đầu vào | Đầu ra | Kết quả |
Các sở, ban, ngành và các UBND các thuộc tỉnh A | Thời gian mà các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố bỏ ra để triển khai hệ thống phần cứng, phần mềm mạng văn phòng điện tử liên thông | 01 hệ thống phần mềm mạng văn phòng điện tử liên thông được lắp đặt tại các sở, ban, ngành và các UBND | Giảm thời gian, lượng tiêu thụ giấy, mực in, gửi đưa thư, điện thoại trao đổi và giảm chi phí liên quan đến lưu trữ, chi phí tổ chức hội họp, etc. |
Bước 3. Xác định kết quả và gán giá trị
Bước này sẽ tìm ra những dữ liệu để xác định kết quả mà chúng ta đã tính toán ở bước trên đã xảy ra, sau đó sẽ gán giá trị tài chính (quy đổi thành tiền) tới từng kết quả đó. Với kết quả được lấy tại Bước 2, để quy đổi giá trị kết quả giảm thời gian, giấy, mực in, gửi đưa thư, điện thoại trao đổi và giảm chi phí liên quan đến lưu trữ, chi phí tổ chức hội họp, etc. SROI tính chi phí văn phòng phẩm của các sở, ban, ngành và các UBND của tỉnh A giảm như thế nào sau khi dự án được đầu tư để quy đổi thành tiền giá trị kết quả trên.
Bước 4. Xác định tác động thực
Bước này dựa trên nguyên lý 5, giúp chúng ta xác định những vấn đề mà dự án thực sự có thể mang lại, tránh trùng lặp việc tính toán trên 2 lần, cụ thể hơn giả sử vấn đề X do đồng thời dự án Z và chương trình C tác động thì chúng ta phải tách X thành các vấn đề con, vấn đề nào thực sự do dự án Z tác động mới được đưa vào phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư.
Bước 5. Tính toán tỷ suất SROI
Sau khi đã thu thập được các thông tin và những dẫn chứng tại các bước trên, thì đến bước này chỉ cần tính tỷ suất SROI theo công thức cộng tổng tất cả những giá trị sinh ra từ dự án và chia cho tổng chi phí của dự án. Nếu tỷ suất SROI lớn hơn 1 có nghĩa là giá trị xã hội sinh ra từ dự án lớn hơn tổng giá trị được đầu tư vào dự án. Ví dụ: tỷ suất SROI được tính cho dự án của tỉnh A là 22,12 có nghĩa là với 1 đồng đầu tư vào dự án tỉnh A sẽ tạo có 22,12 đồng giá trị xã hội được tạo ra.
Bước 6. Báo cáo và đưa vào sử dụng
Tại bước này, kết quả phân tích, đánh giá SROI được chia sẻ, công bố với các bên liên quan, phục vụ cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và đưa ra quyết định.
2. Những ưu và nhược điểm của phương pháp SROI
2.1 Ưu điểm
– Điểm mạnh chính của phương pháp SROI là nó cung cấp một bức tranh toàn diện về giá trị được tạo ra (hoặc có thể bị giảm đi) từ dự án mà phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư truyền thống không tính được, nhất là đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
– Phương pháp SROI giúp chúng ta hiểu, quản lý và kết nối các giá trị xã hội mà dự án của của chúng ta tạo ra theo cách rõ ràng và nhất quán với công dân, doanh nghiệp, đơn vị thụ hưởng và nhà đầu tư.
– Do phương pháp SROI được xây dựng dựa trên các nguyên lý nên rất linh động, SROI giúp đánh giá sự ảnh hưởng rộng lớn của một dự án ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên các giá trị hữu hình và vô hình, ngoài ra cho phép cơ quan có thẩm quyền đưa ra những quyết định sáng suốt, hợp lý.
2.2 Hạn chế
– SROI không phù hợp cho khu vực tư với việc lấy lợi ích tài chính đơn thuần để xác định hiệu quả đầu tư;
– SROI được xây dựng dựa trên nguyên lý nên có thể có một số bước trong quá trình phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư cần phải có sự thống nhất, đồng thuận.
– SROI đòi hỏi thời gian và nguồn lực, việc phân tích, đánh giá cho một dự án có thể mất nhiều tháng để hoàn thành và đặc biệt có thể cần nguồn tài chính để hỗ trợ thực hiện phân tích này.
– Một số kết quả và tác động của một số dự án không thể dễ dàng quy đổi sang giá trị tiền.
3. Khả năng áp dụng đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam
Như đã phân tích tại bài báo trước, trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều nguồn lực tài chính được đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin thì việc nghiên cứu, đưa ra một phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư để áp dụng trong việc lập và thẩm định dự án ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước là tất yếu. Phương pháp SROI đã được sử dụng để phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án tại nhiều quốc gia, do đó việc áp dụng phương pháp này đối với các dự án tại Việt Nam nói chung và đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nói riêng là hoàn toàn có khả năng.
Tùy vào nhu cầu, phương pháp SROI có thể được sử dụng tại từng giai đoạn khác nhau, cụ thể trước dự án tức là phân tích SROI hỗ trợ cấp có thẩm quyền đưa ra quyết định đầu tư; hay trong dự án tức là phân tích SROI giúp Chủ đầu tư (hay đơn vị được giao triển khai dự án như Ban Quản lý dự án) theo dõi và kiểm soát được dự án để đưa ra những quyết định cải tiến kịp thời (nếu có); hoặc sau dự án, phân tích SROI cho thấy là kết quả của dự án có đạt được so với mục tiêu ban đầu không.
Tuy nhiên, để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của các dự án ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam, qua thời gian thử nghiệm và đánh giá trên nhiều dự án khác nhau, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần lưu ý một số điểm sau khi áp dụng phương pháp SROI:
(i) SROI quy đổi những giá trị sinh ra từ dự án thành tiền nên để làm được điều này việc lựa chọn những chỉ số kết quả (outcome indicators) và những ước lượng tài chính (financial proxies) phù hợp là rất quan trọng.
(ii) SROI tính đến một số yếu tố tác động khác lên kết quả hình thành từ dự án, nhưng khi thu thập được thông tin của các yếu tố này sẽ gặp các thách thức, nhất là rào cản có thể phải đối mặt có liên quan tới sự “khan hiếm” thông tin và tác động của các dự án ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam.
(iii) Như đã đề cập ở trên, một trong những hạn chế của phương pháp SROI là hao tốn thời gian và nguồn lực, để thu thập được những thông tin, số liệu phù hợp phục vụ phân tích SROI, thời gian và nguồn tài chính cần thiết có thể là khía cạnh mà chủ đầu tư dự án cần cân nhắc.
Kết luận
Phương pháp SROI là một công cụ phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư hữu ích hỗ trợ để đưa ra quyết định hay để trả lời cho câu hỏi dự án có thành công hay không. Phương pháp SROI cũng đã được thế giới sử dụng để đánh giá tính hiệu quả của các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Với việc nghiên cứu phương pháp này và thực nghiệm áp dụng trên nhiều dự án ứng dụng công nghệ thông tin khác nhau, nhóm nghiên cứu nhận thấy phương pháp này hoàn toàn khả thi khi áp dụng vào phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
– Ecorys (2014), Wellbeing Programme: An introduction to Social Return on Investment
– Malin Arvidon et all (2010), The ambitions and challenges of SROI
– The SROI Network (2012), A guide to Social Return on Investment
Phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư về mặt xã hội (SROI)
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT
Pingback: Phương pháp Đo lường giá trị (VMM) - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ