Mục lục
Phương pháp Đo lường giá trị (VMM)
Phương pháp đo lường giá trị – VMM (Value Measuring Method): Hướng tiếp cận mới cho phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT tại Việt Nam
VMM (Value Measuring Method) – Phương pháp Đo lường giá trị là một phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án CNTT đang được áp dụng tại Hoa Kỳ. Tài liệu hướng dẫn phương pháp, VMM How-To-Guide and VMM Highlights, được công bố bởi Uỷ ban về Phương pháp thực hành tốt nhất của Hội đồng CIO Hoa Kỳ (CIO Council’s Best Practice Committee) vào tháng 10 năm 2002.
VMM giúp đánh giá định lượng các giá trị hữu hình và vô hình của dự án đầu tư, đồng thời thông qua phân tích giá trị, chi phí và rủi ro để đánh giá lựa chọn phương án đầu tư. Quy trình thực hiện phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư theo phương pháp VMM gồm 4 bước: Bước 1- Xây dựng khung ra quyết định; Bước 2- Phân tích các phương án đầu tư; Bước 3- Tập hợp thông tin; Bước 4- Trao đổi và lập tài liệu.
I. Lịch sử hình thành phương pháp VMM
Phương pháp VMM được nghiên cứu, hình thành, công bố và áp dụng tại Hoa Kỳ.
Tháng 07 năm 2001, Cơ quan Quản lý An sinh xã hội (SSA), hợp tác với Cơ quan Quản lý Dịch vụ chung (GSA), đảm nhận nhiệm vụ phát triển một phương pháp đánh giá giá trị của các dịch vụ điện tử. Mục tiêu là xây dựng một phương pháp vừa thực dụng trong triển khai, vừa tuân thủ được các quy định hiện hành của Liên bang và hướng dẫn của Cơ quan Quản lý và Ngân sách (OMB).
Công ty tư vấn Booz Allen Hamilton, hợp tác với Trường Quản lý công John F.Kenedy thuộc Đại học Harvard (John F.Kenedy School of Government), đã được yêu cầu thực hiện một cuộc nghiên cứu mà kết quả cuối cùng là báo cáo về “Xây dựng phương pháp đo lường giá trị của dịch vụ điện tử” (Building a Methodology for Measuring the Value of E-service) phát hành vào tháng 01 năm 2002. Đây là phiên bản đầu tiên của VMM.
Tháng 10 năm 2002, Uỷ ban về Phương pháp thực hành tốt nhất của Hội đồng CIO phát hành hai tài liệu VMM How-To-Guide and VMM Highlights.
Tháng 04 năm 2003, Hội đồng về Hoạt động chính quyền xuất sắc (the Council for Excellence in Government), hợp tác với Uỷ ban về Phương pháp thực hành tốt nhất của Hội đồng CIO, OMB,và GSA, đã chính thức giới thiệu VMM.
[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư về mặt xã hội (SROI)[/message]II. Tổng quan về VMM
1. Khái niệm
VMM là phương pháp giúp đánh giá định lượng các giá trị hữu hình và vô hình của dự án đầu tư, đồng thời thông qua phân tích giá trị, chi phí và rủi ro để đánh giá lựa chọn phương án đầu tư. Mục tiêu của VMM là định dạng, nắm được và đo lường những giá trị liên quan tới các dịch vụ điện tử mà không thể tính được nếu dùng phương pháp tính toán hiệu quả đầu tư (ROI) truyền thống, tính toán đầy đủ các chi phí, nhận dạng và cân nhắc các rủi ro.
VMM hỗ trợ người ra quyết định lựa chọn giữa các phương án đầu tư, cung cấp thông tin cần thiết cho quản lý hiệu quả và tối đa hoá lợi ích đầu tư đối với Chính quyền, người sử dụng trực tiếp (như người dân, tổ chức chính quyền khác, người lao động), và đối với toàn bộ xã hội. VMM có thể được sử dụng trong suốt quá trình dự án, từ khi hình thành ý tưởng, lập dự án cho đến quản lý dự án, điều chỉnh chi phí, đánh giá lại mục tiêu và kết quả.
2. Các bước chính của quy trình thực hiện phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư theo phương pháp VMM
Mỗi phương pháp đo lường giá trị của một dự án đầu tư cần có đủ 3 thành phần chính: Một khung ra quyết định (khung đánh giá), dự kiến kết quả đạt được và dự toán chi phí. Với VMM, để tạo nên đủ 3 thành phần nêu trên, VMM yêu cầu quy trình thực hiện gồm 4 bước:
Bước 1: Xây dựng khung ra quyết định
Bước 2: Phân tích các phương án đầu tư
Bước 3: Tập hợp thông tin
Bước 4: Trao đổi và lập tài liệu
Dưới đây là bảng tóm tắt từng công đoạn chi tiết trong các bước của trong quy trình phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư theo phương pháp VMM.
STT | Các bước | Nội dung thực hiện |
1 | Bước 1: Xây dựng khung ra quyết định (khung đánh giá) | |
1.1 | Nhận dạng và xác định cấu trúc giá trị | |
1.1.1 | Nhận định các yếu tố giá trị và xác định mức độ ưu tiên | Xác định trọng số ưu tiên của 5 yếu tố giá trị: Lợi ích của khách hàng trực tiếp; Lợi ích xã hội; Lợi ích cho hoạt động của Chính phủ/Lợi ích tạo dựng nền tảng; Lợi ích về chiến lược/chính trị; Lợi ích về tài chính |
1.1.2 | Xây dựng thước đo cho mỗi yếu tố giá trị và xác định mức độ ưu tiên | Xác định các thước đo, chuẩn đo giá trị chi tiết cho từng yếu tố giá trị; xác định trọng số ưu tiên cho mỗi thước đo, chuẩn đo; xây dựng thang đo chuẩn hoá. |
1.2 | Nhận dạng và xác định cấu trúc rủi ro | |
1.2.1 | Liệt kê nhân tố rủi ro | Liệt kê các nhân tố rủi ro dựa trên 8 loại rủi ro của dự án ứng dụng công nghệ thông tin do OMB (Cơ quan Quản lý và Ngân sách Hoa Kỳ) đưa ra. |
1.2.2 | Xác định giới hạn rủi ro chấp nhận được | Xác định đường giới hạn rủi ro chấp nhận được đối với chi phí và giá trị
(Có thể bỏ qua bước này) |
1.3 | Nhận dạng và xác định cấu trúc chi phí | Xây dựng khung chi tiết các chi phí của dự án theo quy định và phân chia vào 3 mục lớn: Nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, Mua sắm và thực hiện đầu tư; vận hành và bảo trì. |
1.4 | Lập tài liệu thuyết minh | Xây dựng tài liệu thuyết minh cho các bước ở trên như các giả thuyết về bối cảnh, các giả thiết về kinh tế, kỹ thuật, các tiêu chuẩn, các giá trị giả định |
2 | Bước 2: Phân tích các phương án đầu tư | |
2.1 | Nhận dạng và xác định các phương án | Xác định các phương án triển khai dự án khác nhau để đạt mục tiêu dự kiến của dự án. Mỗi phương án bao gồm biện pháp kỹ thuật, chi phí và cách quản lý khác nhau.
Cần đưa ra ít nhất 2 phương án, trong đó có 01 phương án cơ sở – Base Case. Base Case có nghĩa là phương án duy trì các hệ thống, quy trình, cách làm hiện tại mà vẫn đạt được chất lượng dịch vụ nhất định nhằm thỏa mãn khách hàng. |
2.2 | Ước tính giá trị và chi phí | |
2.2.1 | Thu thập dữ liệu | Thu thập dữ liệu thực tế để có thông tin phục vụ tính toán chi phí và giá trị của từng phương án |
2.2.2 | Thiết lập các biểu mẫu VMM trên cơ sở khung quyết định và các giả thiết | Tạo lập bảng biểu cần thiết để tính toán số liệu trong các bước, đặt công thức |
2.2.3 | Điền dữ liệu vào mẫu | Điền dữ liệu thu thập được, dữ liệu giả định vào mẫu |
2.2.4 | Chuẩn hoá dữ liệu | Sau khi đã có giá trị về kết quả hoạt động đối với từng phương án, dùng thang chuẩn hoá đã có ở bước 1.1.2 để quy ra điểm giá trị. |
2.2.5 | Phân tích độ bất định và độ nhạy cảm | Dùng mô hình dự báo kinh tế để phân tích
(Có thể bỏ qua bước này) |
2.3 | Phân tích rủi ro | |
2.3.1 | Thiết lập thang đo mức độ tác động và xác suất của rủi ro | Xác định mức độ, xác suất và mức ảnh hưởng của rủi ro đến chi phí và giá trị |
2.3.2 | Nhận dạng các rủi ro | Từ danh sách các nhân tố rủi ro đã liệt kê ở bước 1.2.1, xác định những rủi ro nào sẽ tác động vào nhân tố chi phí và yếu tố giá trị của từng phương án |
2.3.3 | Nhận dạng các nhân tố bị tác động bởi rủi ro | Nhận dạng các nhân tố chi phí và yếu tố giá trị bị tác động bởi rủi ro, xác định xác suất và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố rủi ro lên từng yếu tố giá trị và nhân tố chi phí.
Mức rủi ro, xác suất, ảnh hưởng thường được xác định theo 3 mức Cao, Trung bình, Thấp |
2.3.4 | Tính toán chi phí điều chỉnh theo hệ số rủi ro và giá trị điều chỉnh theo hệ số rủi ro | Chi phí bị tăng và giá trị bị giảm do rủi ro |
2.4 | Tiếp tục bổ sung tài liệu thuyết minh | |
3 | Bước 3: Tập hợp thông tin | |
3.1 | Tính tổng dự toán theo vòng đời dự án (Life cycle costs) | Tổng chi phí đầu tư ban đầu (Chuẩn bị đầu tư, Thực hiện đầu tư) cũng như chi phí Quản lý, vận hành các năm tiếp theo trong suốt thời gian sản phẩm dự án hoạt động. |
3.2 | Tính chỉ số hiệu quả đầu tư ROI (BCR, SIR, IRR, NPV) | Có thể lựa chọn tính một trong các chỉ số sau:
Tỷ số lợi ích trên chi phí BCR: Benefit to cost Ratio Tỷ số tiết kiệm trên đầu tư SIR: Saving to investment Ratio Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR: Internal Rate of Return Giá trị hiện tại ròng NPV: Net present Value |
3.3 | Tính điểm giá trị | Tính tổng điểm giá trị của từng phương án. Điểm này chính là giá trị bình quân gia quyền của các điểm đã được “chấm” ở bước 2.2.4 |
3.4 | Tính điểm rủi ro | Tính điểm rủi ro của chi phí và giá trị (phản án tỷ lệ chi phí tăng lên hoặc giá trị giảm đi do rủi ro) |
3.5 | So sánh giá trị, chi phí và rủi ro | |
3.5.1 | So sánh giá trị và chi phí | So sánh giá trị/chi phí của các phương án. Phương án nào có giá trị mang lại/1 đồng chi phí lớn hơn phương án đó hiệu quả hơn |
3.5.2 | So sánh giá trị và chi phí với rủi ro | Kiểm tra xem giá trị và chi phí của từng phương án nằm trong hay nằm ngoài vùng rủi ro chấp nhận được
(Có thể bỏ qua bước này) |
4 | Bước 4: Trao đổi và lập tài liệu | |
4.1 | Trao đổi về giá trị của dự án với người dùng và các bên liên quan | |
4.2 | Chuẩn bị tài liệu thuyết minh bảo vệ dự toán ngân sách | |
4.3 | Hoàn thành các báo cáo theo mục tiêu | |
4.4 | Bài học thu được |
3. Kết quả đầu ra của phương pháp VMM
Mỗi bước của quy trình VMM cần hoàn thành nhiều bảng biểu số liệu khác nhau nhưng tựu chung lại, kết quả đầu ra sẽ có 3 bảng chính: Bảng tính giá trị, Bảng tính chi phí và Bảng so sánh giá trị với chi phí.
Ví dụ, sử dụng VMM để phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư Dự án “Xây dựng hệ thống quản lý văn bản điều hành cho các Sở, ngành, UBND huyện tại tỉnh X”, ta so sánh 2 phương án:
– Phương án Base Case: Phương án giữ nguyên hiện trạng, không đầu tư.
– Phương án A: Phương án có đầu tư hệ thống quản lý văn bản điều hành cho các Sở, ngành, UBND huyện (giúp giảm thời gian xử lý công việc và giảm chi phí giấy tờ).
Kết quả cuối cùng sẽ gồm 3 bảng như sau:
Bảng 1: Bảng tính giá trị
STT | Yếu tố giá trị | Trọng số | Phương án Base Case | Phương án A | ||||
Điểm | Điểm trọng số | Điểm trọng số điều chỉnh sau rủi ro | Điểm | Điểm trọng số | Điểm trọng số điều chỉnh sau rủi ro | |||
1 | Lợi ích của khách hàng trực tiếp | 21% | 14,000 | 0,570 | 0,516 | 22,000 | 0,951 | 0,825 |
1.1 | Cho phép CBCC quản lý, xử lý văn bản hiệu quả hơn | 11% | 10,000 | 0,360 | 0,312 | 14,000 | 0,468 | 0,379 |
1.1.1 | Thời gian bình quân 1 cán bộ tiếp nhận và xử lý một văn bản | 6% | 4,000 | 0,229 | 0,199 | 4,000 | 0,229 | 0,185 |
1.1.2 | Thời gian bình quân 1 cán bộ sử dụng lưu trữ 01 văn bản | 2% | 4,000 | 0,071 | 0,061 | 5,000 | 0,088 | 0,071 |
1.1.3 | Thời gian bình quân 1 cán bộ sử dụng để tìm kiếm 01 văn bản | 3% | 2,000 | 0,060 | 0,052 | 5,000 | 0,151 | 0,122 |
1.2 | Tạo sự thoải mái, thuận tiện cho CBCC trong công việc | 11% | 4,000 | 0,210 | 0,204 | 8,000 | 0,483 | 0,446 |
1.2.1 | Tỷ lệ CBCC sử dụng phần mềm QLVBĐH trong công việc | 8% | 2,000 | 0,168 | 0,163 | 5,000 | 0,420 | 0,391 |
1.2.2 | Mức độ hài lòng của CBCC với chức năng của phần mềm QLVBĐH | 2% | 2,000 | 0,042 | 0,041 | 3,000 | 0,063 | 0,056 |
2 | Lợi ích xã hội | 21% | 2,000 | 0,420 | 0,377 | 3,000 | 0,630 | 0,510 |
2.1 | Tăng hiệu quả dịch vụ công nhờ văn bản được trao đổi nhanh hơn giữa các cơ quan nhà nước và sự chấp thuận CKS | 21% | 2,000 | 0,420 | 0,377 | 3,000 | 0,630 | 0,510 |
2.1.1 | Thời gian xử lý thủ tục liên thông | 21% | 2,000 | 0,420 | 0,377 | 3,000 | 0,630 | 0,510 |
3 | Lợi ích cho hoạt động của Chính phủ/Lợi ích tạo dựng nền tảng | 33% | 9,000 | 0,767 | 0,708 | 16,000 | 1,365 | 1,195 |
3.1 | Nâng cao hiệu suất gửi, nhận, tra cứu văn bản giữa các cơ quan | 20% | 5,000 | 0,507 | 0,455 | 10,000 | 0,975 | 0,819 |
3.1.1 | Thời gian gửi, nhận văn bản giữa 2 cơ quan | 12% | 3,000 | 0,351 | 0,315 | 5,000 | 0,585 | 0,491 |
3.1.2 | Thời gian tra cứu đường đi của văn bản giữa 2 cơ quan | 8% | 2,000 | 0,156 | 0,140 | 5,000 | 0,390 | 0,328 |
3.2 | Tin học hóa hoạt động gửi, nhận văn bản của các cơ quan | 13% | 4,000 | 0,260 | 0,253 | 6,000 | 0,390 | 0,376 |
3.2.1 | Tỷ lệ các cơ quan HCNN cấp tỉnh, huyện sử dụng hệ thống phần mềm tin học để gửi nhận văn bản, báo cáo tiến độ thực hiện công việc và trao đổi thông tin với nhau. | 7% | 2,000 | 0,130 | 0,126 | 3,000 | 0,195 | 0,189 |
3.2.2 | Tỷ lệ văn bản của các cơ quan HCNN từ tỉnh đến huyện và được gửi, nhận qua hệ thống mạng tin học | 7% | 2,000 | 0,130 | 0,126 | 3,000 | 0,195 | 0,187 |
4 | Lợi ích về chiến lược/chính trị | 11% | 2,000 | 0,212 | 0,210 | 3,000 | 0,318 | 0,305 |
4.1 | Đáp ứng yêu cầu của CT 15/CT-TTg | 11% | 2,000 | 0,212 | 0,210 | 3,000 | 0,318 | 0,305 |
4.1.1 | Mức độ đáp ứng yêu cầu của CT 15 | 11% | 2,000 | 0,212 | 0,210 | 3,000 | 0,318 | 0,305 |
5 | Lợi ích về tài chính | 15% | 2,000 | 0,151 | 0,137 | 2,000 | 0,151 | 0,129 |
5.1 | Tổng chi phí tiết kiệm được | 15% | 2,000 | 0,151 | 0,137 | 2,000 | 0,151 | 0,129 |
5.1.1 | Chi phí tiết kiệm được trong nội bộ đơn vị | 8% | 1,000 | 0,076 | 0,069 | 1,000 | 0,076 | 0,065 |
5.1.2 | Chi phí tiết kiệm được trong hoạt động giữa các cơ quan | 8% | 1,000 | 0,076 | 0,069 | 1,000 | 0,076 | 0,065 |
Tổng cộng | 100% | 29,000 | 2,120 | 1,948 | 46,000 | 3,415 | 2,965 |
Bảng 1 cho thấy, phương án có đầu tư sẽ mang lại giá trị (lợi ích) cao hơn phương án không đầu tư (2,965 điểm so với 1,948 điểm). Rủi ro làm giảm giá trị mang lại của các phương án.
Bảng 2: Bảng tính chi phí (triệu đồng)
Chi phí | |||||||
Phương án Base Case | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | Tổng cộng |
Nghiên cứu chuẩn bị đầu tư | |||||||
Mua sắm và thực hiện đầu tư | |||||||
Vận hành và bảo trì | 675 | 675 | 675 | 675 | 675 | 675 | 4.050 |
Tổng cộng | 675 | 675 | 675 | 675 | 675 | 675 | 4.050 |
Phương án A | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | Tổng cộng |
Nghiên cứu chuẩn bị đầu tư | 173 | 173 | |||||
Mua sắm và thực hiện đầu tư | 3.620 | 3.620 | |||||
Vận hành và bảo trì | 362 | 362 | 362 | 362 | 362 | 1.810 | |
Tổng cộng | 3.793 | 362 | 362 | 362 | 362 | 362 | 5.603 |
Chi phí điều chỉnh theo Rủi ro | |||||||
Phương án Base Case | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | Tổng cộng |
Nghiên cứu chuẩn bị đầu tư | |||||||
Mua sắm và thực hiện đầu tư | |||||||
Vận hành và bảo trì | 776 | 776 | 776 | 776 | 776 | 776 | 4.658 |
Tổng cộng | 776 | 776 | 776 | 776 | 776 | 776 | 4.658 |
Phương án A | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | Tổng cộng |
Nghiên cứu chuẩn bị đầu tư | 204 | 204 | |||||
Mua sắm và thực hiện đầu tư | 4.272 | 4.272 | |||||
Vận hành và bảo trì | 427 | 427 | 427 | 427 | 427 | 2.136 | |
Tổng cộng | 4.476 | 427 | 427 | 427 | 427 | 427 | 6.612 |
Bảng 2 cho thấy: Với phương án không đầu tư, chi phí vận hành và bảo trì hàng năm sẽ là 675 triệu đồng. Tổng chi phí cho 6 năm hoạt động của phương án không đầu tư là 4.050 triệu đồng. Còn với phương án có đầu tư, sẽ mất chi phí đầu tư cho năm đầu tiên là 3.793 triệu đồng, nhưng chi phí vận hành, bảo trì hàng năm sẽ giảm xuống còn 362 triệu đồng. Tổng chi phí cho 1 năm đầu tư cộng với 5 năm hoạt động của phương án có đầu tư là 5.603 triệu đồng. Rủi ro làm tăng chi phí của các phương án.
Bảng 3: Bảng so sánh giá trị với chi phí của hai phương án
Bảng 3.1: So sánh Giá trị/Chi phí | ||
Phương án Base Case | Phương án A | |
Chi phí | 4.050 | 5.603 |
Chi phí điều chỉnh theo rủi ro | 4.658 | 6.612 |
Giá trị | 2,12 | 3,41 |
Giá trị điều chỉnh theo rủi ro | 1,95 | 2,97 |
Giá trị mang lại trên 1 tỷ đồng chi phí | 0,42 | 0,45 |
Bảng 3.1 cho thấy Phương án A sử dụng chi phí cao hơn và mang lại hiệu quả cao hơn. Giá trị mang lại trên 1 tỷ đồng chi phí của Phương án A cao hơn Phương án Base Case nghĩa là Phương án A mang lại hiệu quả cao hơn Phương án Base Case.
Bảng 3.2: Ảnh hưởng của rủi ro đến chi phí và giá trị | ||
Phương án Base Case | Phương án A | |
Chi phí | 4.050 | 5.603 |
Chi phí điều chỉnh theo rủi ro | 4.658 | 6.612 |
Điểm rủi ro chi phí | 15% | 18% |
Giá trị | 2,12 | 3,41 |
Giá trị điều chỉnh theo rủi ro | 1,95 | 2,97 |
Điểm rủi ro giá trị | -8% | -13% |
Bảng 3.2 cho thấy Rủi ro sẽ làm tăng 15% chi phí và giảm 8% giá trị của Phương án Base Case. Rủi ro sẽ làm tăng 18% chi phí và giảm 13% giá trị của Phương án A. Phương án A chịu tác động của rủi ro cao hơn so với Phương án Base Case.
Hệ số SIR = (Chi phí Vận hành và bảo trì của phương án Base Case – Chi phí Vận hành và bảo trì của Phương án A)/Chi phí mua sắm và thực hiện đầu tư của Phương án A= 0,59
Hệ số SIR cho thấy 1 đồng đầu tư vào Phương án A sẽ giúp tiết kiệm 0,59 đồng chi phí vận hành và bảo trì hàng năm.
Từ 3 bảng kết quả đầu ra VMM, người chịu trách nhiệm ra quyết định sẽ có thông tin để cân nhắc lựa chọn giữa hai phương án: Phương án Base Case (giữ nguyên hiện trạng, không đầu tư) và Phương A (có đầu tư). Từ những thông tin này, có thể đưa ra những nhận định sơ bộ như sau:
Nhận định 1: Phương án A sẽ mang lại lợi ích cao hơn nhưng xét về hiệu quả đầu tư (lợi ích mang lại so với chi phí) thì không thực sự thuyết phục. Phương án A chịu ảnh hưởng bởi rủi ro nhiều hơn. Phương án A giúp tiết kiệm được chi phí vận hành và bảo trì hàng năm nhưng trong 6 năm thì phần tiết kiệm này chưa đủ bù đắp được chi phí đầu tư bỏ ra.
Nhận định 2: Nếu mục đích đầu tư hướng tới làm tăng giá trị (tăng hiệu quả công việc, tăng sự hài lòng) thì nên đầu tư, có nghĩa là lựa chọn Phương án A). Nếu mục đích đầu tư hướng tới làm giảm chi phí thì không nên đầu tư, có nghĩa là lựa chọn Phương án Base Case.
Nhận định 3: Để giúp cho Phương án A đạt hiệu quả đầu tư cao hơn thì cần giảm chi phí đầu tư, tăng thời gian vòng đời sản phẩm dự án.
Qua ví dụ trên, ta đã thấy cách VMM giúp người lập dự án tính toán, chứng minh được hiệu quả đầu tư của các phương án đầu tư một cách định lượng, nhờ đó người ra quyết định có cơ sở so sánh các phương án đầu tư, lựa chọn có đầu tư dự án hay không, đầu tư theo phương án nào là hiệu quả nhất.
III. Ưu điểm và hạn chế của VMM
1. Ưu điểm:
- a) VMM tính đến quan điểm của mọi bên liên quan đến quá trình lập và thực hiện dự án đầu tư .
VMM yêu cầu xây dựng cấu trúc giá trị chi tiết cho 5 yếu tố giá trị: Người sử dụng trực tiếp; Xã hội; Hoạt động/ nền tảng công nghệ của chính quyền; Chiến lược/Chính trị; Tài chính ngân sách.
Đối với mỗi yếu tố giá trị, VMM yêu cầu:
- Xác định mức độ ưu tiên của từng yếu tố;
- Xác định những lợi ích dự án dự kiến mang lại đối với từng yếu tố;
- Xác định thước đo và chuẩn đo đánh giá mức độ giá trị của những lợi ích này.
Các bên có liên quan đến dự án (người ra quyết định, chuyên gia phân tích, kỹ thuật viên, cán bộ chuyên môn, chuyên viên mua sắm, người hoạch định chính sách, giám đốc dự án, đại diện khách hàng, và các bên có liên quan khác) cần tham gia trong suốt quá trình thực hiện VMM, đặc biệt ở bước xác định giá trị. Nhờ đó lợi ích của dự án được đánh giá một cách toàn diện, khách quan, không chỉ tính đến lợi ích hữu hình về tài chính mà còn tính đến cả những lợi ích vô hình mang lại cho hoạt động của Chính phủ và xã hội.
- b) VMM đã thành công trong việc nhận biết một cách toàn diện và định lượng ảnh hưởng của mỗi phương án đầu tư
Bằng việc xây dựng thước đo và thang chuẩn hoá, VMM cho phép quy đổi giá trị của các lợi ích khác nhau (được đo lường bởi các đơn vị tính khác nhau) về một thang điểm duy nhất, nhờ đó có thể tính được tổng giá trị của dự án và cho phép so sánh giá trị của các phương án đầu tư khác nhau.
VMM yêu cầu cần xây dựng ít nhất 2 phương án đầu tư khác nhau cho một dự án, trong đó có một phương án là Base Case (phương án cơ sở), nghĩa là phương án giữ nguyên hiện trạng, không tiến hành đầu tư. Với mỗi phương án, VMM yêu cầu phân tích, đánh giá mối tương quan của 3 phương diện giá trị, chi phí và rủi ro, từ đó giúp người ra quyết định trả lời câu hỏi dự án có mang lại lợi ích so với chi phí đáng để đầu tư hay không và phương án nào có hiệu quả đầu tư cao nhất. Việc so sánh, lựa chọn được dựa trên số liệu định lượng nên có tính thuyết phục cao.
- c) VMM nắm bắt được ảnh hưởng của rủi ro và các yếu tố bất định đối với dự án và quá trình phân tích
Rủi ro là một yếu tố quan trọng được xem xét trong phương pháp VMM. Việc so sánh, đánh giá giá trị và chi phí của các phương án đầu tư trong VMM phải được dựa trên giá trị và chi phí đã điều chỉnh theo rủi ro.
Trong VMM, rủi ro là yếu tố làm tăng chi phí và làm giảm giá trị của dự án. Rủi ro được đánh giá chi tiết cho từng lợi ích dự kiến của dự án đối với mỗi yếu tố giá trị. Rủi ro được tính toán trên cơ sở xác suất xảy ra, mức độ ảnh hưởng Cao, Trung bình, hoặc Thấp.
Bên cạnh rủi ro, phương pháp VMM còn đề cập đến việc phân tích các yếu tố bất định ảnh hưởng đến dự án bằng cách sử dụng mô hình phân tích Monte-Carlo.
2. Hạn chế:
Để đạt được sự toàn diện, khách quan khi lượng hoá các yếu tố định tính, nhiều bước trong quy trình của VMM cần sự tham gia của các bên có liên quan đến dự án (người ra quyết định, chuyên gia phân tích, kỹ thuật viên, cán bộ chuyên môn, chuyên viên mua sắm, người hoạch định chính sách, giám đốc dự án, đại diện khách hàng, và các bên có liên quan khác).
Ở giai đoạn lập dự án, VMM định lượng, tính toán giá trị, chi phí, rủi ro của dự án dựa trên nhiều số liệu thống kê, khảo sát, giả thiết khi thực hiện. Ở giai đoạn thực hiện dự án và kết thúc dự án, việc đánh giá hiệu quả dự án cũng phải dự trên việc điều tra, thu thập các số liệu thực tế dự án đã đạt được.
Với hai đặc điểm trên, VMM là một phương pháp hao tốn nhiều thời gian, chi phí và nhân lực khi triển khai. Đây là hạn chế lớn nhất của phương pháp này.
Hạn chế thứ hai là nhiều bước phân tích, đánh giá của VMM hoàn toàn do chuyên gia phân tích thực hiện. Vì vậy, tính chính xác, hợp lý của kết quả đánh giá phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của chuyên gia.
IV. Khả năng áp dụng phương pháp VMM trong phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án CNTT tại Việt Nam
Như đã nhận định ở bài trước, hiện nay chưa có một văn bản chính thức nào của cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn phương pháp cụ thể để phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án CNTT trong cơ quan nhà nước, vì vậy chủ đầu tư, đơn vị lập dự án chủ yếu dựa trên các phân tích định tính, thiếu phân tích định lượng nên nội dung về phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư trong báo cáo đầu tư còn mờ nhạt. Với hiện trạng này, cần thiết phải lựa chọn một phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án CNTT phù hợp với điều kiện Việt Nam để chính thức hướng dẫn, áp dụng.
Phương pháp VMM nếu áp dụng tại Việt Nam có những điểm phù hợp và những điểm chưa phù hợp như sau:
1. Phù hợp
- VMM vốn được xây dựng để đo lường giá trị dịch vụ điện tử nên thích hợp dùng cho đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT.
- VMM được các cơ quan chính phủ của Hoa Kỳ xây dựng, được kiểm nghiệm và hoàn thiện nhiều dự án CNTT trong thực tế, được Uỷ ban về Phương pháp thực hành tốt nhất của Hội đồng CIO chính thức giới thiệu và khuyến nghị sử dụng. Vì vậy, nó có giá trị thực tiễn và giá trị pháp lý cao, phù hợp cho đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước.
- VMM quy đổi giá trị những lợi ích hữu hình và vô hình của dự án về cùng đơn vị đo, cho phép so sánh các phương án đầu tư khác nhau dựa trên kết quả định lượng, giúp giải quyết hiện trạng đánh giá hiệu quả đầu tư chủ yếu dựa trên yếu tố định tính đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay.
- VMM yêu cầu phải so sánh các phương án đầu tư khác nhau, trong đó bắt buộc có một phương án cơ sở (nghĩa là giữ nguyên hiện trạng, không đầu tư gì). Bất kỳ khoản đầu tư nào cũng phải chứng minh được nó mang lại giá trị/chi phí cao hơn việc duy trì hiện trạng thì mới nên được đầu tư. Điều này giúp trả lời bài toán “Có đầu tư hay không” chứ không chỉ “Đầu tư theo phương án nào”. Với tình hình nguồn vốn đầu tư phát triển còn eo hẹp ở Việt Nam hiện nay, để tránh lãng phí nguồn lực, rất cần thiết phải chỉ ra và loại bỏ những dự án mặc dù có mang lại một số lợi ích nhất định nhưng xét về hiệu quả tổng thể thì chưa xứng đáng được đầu tư.
- VMM không chỉ có thể áp dụng ở giai đoạn lập dự án mà còn áp dụng được trong các giai đoạn tiếp theo của dự án. Trong VMM, chi phí, giá trị và rủi ro có mối liên hệ tương quan với nhau. Trong quá triển khai, khi có biến động xảy ra, bằng cách sử dụng khung tính toán chi phí, giá trị, rủi ro đã lập, ta có thể biết được biến động đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào, đồng thời, có thể cân nhắc điều chỉnh yếu tố nào để cho dự án vẫn đảm bảo được giá trị dự kiến. Khi dự án kết thúc đi vào vận hành, bằng việc thu thập số liệu thực tế, ta có thể tính được hiệu quả thực sự của dự án, so sánh với hiệu quả dự kiến khi lập dự án, từ đó đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm về lập và thực hiện dự án. Với hiện trạng đầu tư dự án ở Việt Nam (thường bị chậm tiến độ, hay điều chỉnh, dự án sau khi đầu tư mang lại hiệu quả không rõ ràng), VMM sẽ cung cấp thêm thông tin cho người có thẩm quyền trong giải quyết vấn đề điều chỉnh dự án và đánh giá kết quả đầu tư.
2. Chưa phù hợp:
- Cả chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập dự án lẫn cơ quan thẩm định, ra quyết định đều chưa có nhiều những chuyên gia đủ trình độ và kinh nghiệm để thực hiện phân tích, đánh giá dự án theo VMM. Trong khi đó, nhiều bước trong VMM lại phụ thuộc nhiều vào ý kiến chuyên gia.
- Việc thành lập và duy trì hoạt động của hội đồng gồm người ra quyết định, chuyên gia phân tích, kỹ thuật viên, cán bộ chuyên môn, chuyên viên mua sắm, người hoạch định chính sách, giám đốc dự án, đại diện khách hàng và các bên có liên quan khác để tham gia vào các bước của VMM ở Việt Nam hiện nay là khá khó khăn.
- Để thu được đủ số liệu thống kê phục vụ đánh giá theo VMM, khối lượng công tác khảo sát lập dự án và công tác giám sát, đánh giá đầu tư sẽ phải gia tăng nhiều hơn.
- Định mức chi phí cho lập dự án đầu tư và giám sát, đánh giá dự án đầu tư ở Việt Nam hiện nay còn thấp, trong khi VMM là phương pháp yêu cầu chi phí, thời gian và nhân lực lớn.
Kết luận
Phương pháp VMM có nhiều ưu điểm vượt trội so với những phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư theo lợi ích – chi phí truyền thống. Mặc dù được xây dựng và phát triển tại Hoa Kỳ, VMM vẫn có tính phù hợp và tính khả thi cao khi áp dụng trong môi trường Việt Nam. Áp dụng VMM có thể giúp giải quyết nhiều hạn chế trong công tác phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án CNTT ở Việt Nam hiện nay. Những điểm chưa phù hợp mặc dù có nhưng không phải là không thể khắc phục được. Khi triển khai VMM tại Việt Nam, trong thời gian đầu, có thể đơn giản hoá một số bước để giảm bớt nhân lực, thời gian, chi phí, từng bước tích luỹ kinh nghiệm và gây dựng đội ngũ chuyên gia cho tương lai.
Tài liệu tham khảo
- US CIO Council. 2002. VMM-Value Measuring Methodology Highlights
- US CIO Council. 2002. VMM-Value Measuring Methodology How-To-Guide
- Booz Allen Hamilton. Building a Methodology for Measuring the Value of E-service
- Council for Excellence in Government: Benefits Assessment Workshop. 2003. Value Measuring Methodology
- Booz Allen Hamilton. 2005. Geopatial Interoperabilyty Return on Investment Study
- US Department of Transportation. 2008. Next Generation 9-1-1 System Initiative
Phương pháp Đo lường giá trị (VMM)
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT