Kinh tế học về chi phí giao dịch (Transaction Cost Economics – TCE)

Kinh tế học về chi phí giao dịch (Transaction Cost Economics – TCE)

Kinh tế học về chi phí giao dịch (transaction cost economics – TCE) được phát triển đầu tiên bởi Williamson (1975, 1984, 1991) và được xem như một trong những phương pháp hữu hiệu trong việc nghiên cứu về mối quan hệ giữa bên mua và nhà cung cấp. Lý thuyết này có nội dung cốt lõi nhằm giải thích lý do tại sao các doanh nghiệp quyết định tự sản xuất ra các yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp của mình hoặc tiến hành thu mua các yếu tố đầu vào từ thị trường (Anderson, 1982; Walker và Weber, 1984). Các tác giả của lý thuyết TCE cho rằng phân tích chi phí giao dịch (transaction cost analysis – TCA) sẽ là một công cụ hữu hiệu nhằm giúp doanh nghiệp giải đáp vấn đề trên.

Phân tích TCA được xây dựng dựa trên hai giả định (Li, 2001; Krause, 1999). Giả định thứ nhất là các nhà quản trị sẽ có xu hướng hành xử mang tính cơ hội như làm sai lệch hay bóp méo thông tin, che dấu một số điều khoản trong hợp đồng hay tránh né thực hiện các hành vi cần thiết,…Giả định thứ hai là các nhà quản trị sẽ có xu hướng hành xử một cách duy lý dựa trên các thông tin sẵn có cũng như nhận thức của họ. Vấn đề đặt ra là có sự khác biệt về tính sẵn có của thông tin giữa người mua và người bán và đây sẽ là nguồn cơn dẫn đến sự cơ hội hay các hành vi duy lý bị hạn chế cũng như sự thiếu chắc chắn (Li, 2001).

Xuất phát từ các giả định này, các nhà nghiên cứu cho rằng trong quan hệ mua bán giữa các bên sẽ tồn tại một loại chi phí được gọi là chi phí giao dịch (Li, 2001; Krause, 1999). Một số loại chi phí giao dịch như chi phí vận hành quan hệ, chi phí thương lượng, thực thi, phối hợp, giám sát, điều chỉnh, thúc đẩy hay chấm dứt các thỏa thuận hợp tác (Frazier và cộng sự (1988), dẫn lại từ Krause, 1995). Ý tưởng chủ đạo của lý thuyết Kinh tế học về chi phí giao dịch (TCE) là tối ưu hóa các chi phí giao dịch này (Williamson, 1981) và lý thuyết này cũng chỉ ra rằng chi phí giao dịch bị chi phối bởi một số yếu tố như tần suất các giao dịch xảy ra, mức độ không chắc chắn của giao dịch và các tài sản cụ thể của cuộc giao dịch.

Căn cứ trên việc tính toán các chi phí giao dịch này, các nhà quản lý công ty sẽ đưa ra các quyết định liên quan đến việc thực hiện hành vi thu mua từ thị trường các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp hay tự mình sản xuất các yếu tố đầu vào này thông qua hoạt động tích hợp dọc. Dù vậy, như đã phân tích trong Chương 1, sự tích hợp theo chiều dọc sẽ làm triệt tiêu tính linh hoạt của doanh nghiệp do qui mô phình to và sự hạn chế về mặt nguồn lực. Điều đó dẫn đến một chiến lược mà Blois (1972) gọi là tích hợp giả (Quasi – Integration) theo đó nhằm giảm thiểu chi phí giao dịch trong khi vẫn giữ lại tính cơ động cho doanh nghiệp mua, các nhà nghiên cứu đã đề xuất các cách thức như trao đổi mang tính ràng buộc (Noordeweir và cộng sự, 1990), xây dựng các quan hệ hợp đồng lâu dài với nhà cung cấp (Walker và Poppo, 1991) cũng như các biện pháp khác nhằm thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa bên thu mua và nhà cung cấp (Speckman, 1988a). Các biện pháp này thực ra là nhằm hướng đến giảm thiểu tính không chắc chắn của giao dịch, gia tăng tần suất giao dịch và từ đó hạn chế các hành vi cơ hội trong quá trình hợp tác.

Như đã đề cập, phát triển nhà cung cấp là việc các doanh nghiệp mua sẽ đầu tư công sức, thời gian hay tài chính vào nhà cung cấp với mong muốn tạo lập một quan hệ khắng khít giữa hai bên. Việc đầu tư của doanh nghiệp mua vào nhà cung cấp sẽ tạo ra sự giao tiếp thường xuyên giữa các bên và bảo đảm sự thường xuyên cũng như chắc chắn cho các giao dịch giữa hai bên. Điều này, theo lý thuyết Kinh tế học về chi phí giao dịch (TCE), sẽ giúp giảm thiểu các chi phí giao dịch giữa các bên và thúc đẩy các bên tiến tới hình thành các liên minh hợp tác (Li, 2001). Minh chứng rõ nhất cho luận điểm trên là nghiên cứu của Dyer (1996) khi tiến hành nghiên cứu về các doanh nghiệp Nhật Bản và phát hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đã thu được những hiệu quả vượt trội khi tiến hành đầu tư vào các nhà cung cấp (Li, 2001). Đi sâu tìm hiểu về kết quả này, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy quan hệ vô cùng khắng khít giữa bên doanh nghiệp mua và nhà cung cấp thông qua cái gọi là “keiretsu” (một dạng tập đoàn theo mô hình Nhật Bản) (Asanuma, 1989; Nishiguchi, 1994). Và từ đó, Asanuma (1989) và Nishiguchi (1994) phát hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đã cùng lúc đạt được hai mục tiêu là giảm chi phí giao dịch và gia tăng được các tài sản vô hình thông qua đầu tư vào nhà cung cấp và hai tác giả này gọi đó là một trong số các nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Phát hiện này của Asanuma (1989) và Nishiguchi (1994) là nguồn cổ vũ cho các hoạt động phát triển nhà cung cấp của doanh nghiệp mua.

Nguồn: Luận án tiến sĩ “Mối quan hệ giữa các hoạt động phát triển nhà cung cấp và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp mua: Trường hợp các doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?