Lý thuyết nguồn lực (RBV) được Penrose khởi xướng vào năm 1959 khi bà cho rằng các nguồn lực bên trong doanh nghiệp chính là một trong những nguồn gốc tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp (Penrose, 1959).
Quan điểm này được tiếp nối bởi Wernerfelt (1984) và sau đó là Dierickx và Cool (1989), Barney (1991) và Wemerfelt (1995). Cốt lõi chính của RBV là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao một số các doanh nghiệp lại có thể thu được lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng ngành trên cơ sở phân tích các nguồn lực bên trong của doanh nghiệp (Wemerfelt, 1984; Barney, 1986a). Nguồn lực của doanh nghiệp được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Theo đó, nguồn lực của doanh nghiệp được chia thành ba loại chính sau: các nguồn lực vốn hữu hình (physical capital resources), nguồn lực vốn con người (human capital resources) và nguồn lực vốn tổ chức (organizational capital resources) (Barney, 1991). Trong đó, nguồn lực vốn hữu hình bao gồm nhà máy, xí nghiệp, vị trí và nguyên vật liệu; Nguồn lực vốn con người như tri thức, trực giác, khả năng phán đoán, kinh nghiệm và khả năng học hỏi của người lao động và nguồn lực vốn tổ chức bao gồm cấu trúc bộ máy tổ chức, hệ thống phối hợp trong tổ chức, các quan hệ phi chính thức bên trong doanh nghiệp và với bên ngoài doanh nghiệp (Barney, 1991).
Một cách tiếp cận khác, Grant (1991) đã chia nguồn lực doanh nghiệp thành 2 loại chính: nguồn lực hữu hình (tangible resource) và nguồn lực vô hình (intangible resource). Theo đó, nguồn lực hữu hình bao gồm các nguồn lực về tài chính như vốn tự có, khả năng huy động vốn; Nguồn lực vật chất hữu hình như qui mô sản xuất, vị trí nhà máy, sự tinh vi về sản xuất, nguyên liệu đầu vào hay tính linh hoạt, uyển chuyển của hệ thống nhà máy. Nguồn lực vô hình của doanh nghiệp như bí quyết công nghệ hay danh tiếng của doanh nghiệp. Theo đó, bí quyết công nghệ như sở hữu trí tuệ, bằng phát minh sáng chế; Danh tiếng bao gồm các yếu tố như nhãn hiệu nổi tiếng, độ tin cậy, quan hệ tốt với nhà cung cấp, khách hàng, chính quyền; Nguồn lực về nhân sự như kiến thức, kỹ năng, lòng trung thành và khả năng thích hợp của nhân viên với doanh nghiệp. Như vậy có thể thấy cả Barney (1991) và Grant (1991) đều cho rằng quan hệ với nhà cung cấp chính là nguồn lực vô hình của doanh nghiệp.
Với giả định rằng các doanh nghiệp cùng ngành sẽ vận dụng các chiến lược kinh doanh khác nhau và không thể sao chép được do mỗi doanh nghiệp sẽ sở hữu các nguồn lực khác nhau, các tác giả của lý thuyết RBV đã thống nhất rằng nguồn lực của doanh nghiệp chính là nhân tố quyết định đến lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Wernerfelt (1984) còn cho rằng nếu doanh nghiệp tận dụng tốt một vài nguồn lực đặc biệt nào đó của doanh nghiệp thì có thể tạo ra được các rào cản về nguồn lực (resources position barriers) vốn dĩ sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện được hiệu quả hoạt động của mình. Tuy nhiên không phải nguồn lực nào cũng có thể giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Chỉ có những nguồn lực nào hội đủ được 4 yếu tố: có giá trị, hiếm, không thể bắt chước được và không thể thay thế được (Dierickx và Cool, 1989; Barney, 1991) thì mới có khả năng tạo lập và duy trì lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu về RBV cho thấy lý thuyết này giúp giải thích một câu hỏi rất quan trọng chính là tại sao doanh nghiệp mua lại tham gia vào hoạt động phát triển nhà cung cấp. Lý thuyết chuỗi cung ứng cho thấy, trong một chuỗi cung ứng, hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thành viên của chuỗi cung ứng đó và hiện nay cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đơn lẻ với nhau đã nhường chỗ cho cạnh tranh giữa các chuỗi cung ứng với nhau (Kannan và cộng sự, 2010).
Sự thật là nếu doanh nghiệp có một nhà cung cấp không thể cung cấp các yếu tố đầu vào đạt chuẩn chất lượng, giá cả hợp lý và giao hàng đúng hạn thì doanh nghiệp đó cũng không thể nào đáp ứng được mong đợi của khách hàng cuối cùng về chất lượng, giá cả hay khả năng giao hàng. Và trong trường hợp một thành viên nào đó trong chuỗi sở hữu một hay nhiều các nguồn lực đặc biệt có khả năng giúp gia tăng hiệu quả hoạt động hoặc lợi thế cạnh tranh và nếu nguồn lực này được chuyển giao cho các thành viên trong chuỗi thì hiệu quả hoạt động của cả chuỗi cung ứng sẽ nhanh chóng được cải thiện (Pamela, 2000).
Như vậy, có thể thấy rằng, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có sở hữu một hoặc một số các nguồn lực đặc biệt trong một số lĩnh vực như sản xuất, chất lượng hay phát triển sản phẩm mới sẽ thu được nhiều lợi ích nếu có thể chuyển giao hay chia sẻ thành công các nguồn lực này với các nhà cung cấp của mình thông qua các hoạt động phát triển nhà cung cấp.
Ở một khía cạnh khác, việc các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động phát triển nhà cung cấp sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mua và nhà cung cấp có cơ hội tiếp cận lẫn nhau nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn khi mà tần suất tương tác lẫn nhau tăng lên thông qua hoạt động phát triển nhà cung cấp. Và đây chính là nền tảng xây dựng nên quan hệ đối tác về thu mua giữa doanh nghiệp mua và nhà cung cấp (Ellram, 1990). Theo lý thuyết RBV, quan hệ này cũng là một dạng nguồn lực và với nguồn lực này doanh nghiệp mua có thể tận dụng hiệu quả các năng lực lõi của nhà cung cấp trong việc xây dựng nên lợi thế cạnh tranh.
Nguồn: Luận án tiến sĩ “Mối quan hệ giữa các hoạt động phát triển nhà cung cấp và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp mua: Trường hợp các doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh“
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT
Pingback: Khái niệm thực tiễn quản trị nguồn nhân lực - Luận Văn A-Z