Hệ thống báo cáo tài chính

Mục lục

Hệ thống báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính là những báo cáo tổng hợp nhất về tình hình tài sản, các khoản nợ, nguồn hình thành tài sản, tình hình tài chính cũng như kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp. Nói cách khác, báo cáo tài chính là phương tiện trình bày khả năng sinh lợi và thực trạng tài chính của doanh nghiệp cho những người quan tâm.

Hệ thống báo cáo tài chính có những vai trò sau đây:

– Cung cấp những chỉ tiêu kinh tế tài chính cần thiết, giúp kiểm tra phân tích một cách tổng hợp toàn diện có hệ thống tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của doanh nghiệp.

– Cung cấp thông tin, số liệu để kiểm tra, giám sát tình hình hạch toán kinh doanh, tình hình chấp hành chính sách chế độ kế toán  – tài chính của doanh nghiệp.

– Cung cấp thông tin và số liệu để phân tích đánh giá tình hình, khả năng về tài chính – kinh tế của doanh nghiệp, giúp cho công tác dự báo và lập kế hoạch tài chính ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp.

Hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp được lập với mục đích sau:

– Tổng hợp và trình bày một cách tổng quát và toàn diện tình hình biến động về tài sản, công nợ và nguồn vốn chủ sở hữu, tình hình kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán.

– Cung cấp các thông tin kinh tế tài chính chủ yếu cho việc đánh giá, phân tích tình hình kết quả hoạt động kinh doanh, thực trạng tài chính của doanh nghiệp trong kỳ hoạt động vừa qua, làm cơ sở để đưa ra các quyết định kinh tế trong tương lai. Thông tin của báo cáo tài chính là căn cứ quan trọng trong việc đề ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào doanh nghiệp của chủ sở hữu, các nhà đầu tư, các chủ nợ hiện tại và tương lai của doanh nghiệp.

Nhìn chung, hệ thống báo cáo tài chính kế toán của doanh nghiệp ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều cũng phải trình bày 4 báo cáo chủ yếu sau:

– Bảng cân đối kế toán, mẫu số B01-DN.

– Báo cáo kết quả kinh doanh, mẫu số B02-DN.

– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, mẫu số B03-DN.

– Bản thuyết minh báo cáo tài chính, mẫu số B04-DN.

  • Bảng cân đối kế toán (Mẫu số B01-DN)

Khái niệm và ý nghĩa của Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh một cách tổng quát toàn bộ tài sản hiện có của đơn vị tại một thời điểm nhất định, thao hai cách phân loại và kết cấu nguồn vốn kinh doanh và nguồn hình thành vốn kinh doanh.

Số liệu trên bảng cân đối kế toán cho biết toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp theo cơ cấu tài sản, nguồn vốn. Căn cứ vào bảng cân đối kế toán có thể nhận xét, đánh giá tình hình của doanh nghiệp.

Về mặt kinh tế, qua xem xét phần tài sản, cho phép đánh giá tổng quát năng lực và trình độ sử dụng vốn. Khi xem xét phần nguồn vốn, người sử dụng thấy được thực trạng sử dụng tài chính của doanh nghiệp.

Về mặt pháp lý, phần tài sản thể hiện số tiềm lực mà doanh nghiệp có quyền quản lý, sử dụng lâu dài gắn với mục đích thu được các khoản lợi ích trong tương lai. Phần nguồn vốn cho phép người sử dụng bảng cân đối kế toán thấy được trách nhiệm của doanh ngiệp về tổng số vốn đã đăng ký kinh doanh với Nhà nước, về số tài sản được hình thành bằng vốn vay ngân hàng và vốn vay đối tượng khác cũng như trách nhiệm phải thanh toán các khoản nợ với người lao động, với người cho vay, với nhà cung cấp, với cổ đông, với ngân sách Nhà nước…

Nguồn số liệu của bảng cân đối kế toán

Khi lập bảng cân đối kế toán,nguồn số liệu được lấy từ:

– Bảng cân đối kế toán ngày 31/12 năm trước

– Số kế toán tổng hợp và chi tiết (số cái và sổ chi tiết) các tài khoản có số dư cuối kỳ phản ánh tài sản, công nợ và nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Kết cấu của bảng cân đối kế toán (Mẫu số B01-DN)

Bảng cân đối kế toán được thể hiện dưới dạng bảng cân đối số dư các tài khoản kế toán và sắp xếp trật tự các chỉ tiêu theo yêu cầu quản lý. Bảng cân đối kế toán được chia làm 2 phần là phần “Tài sản” và phần “Nguồn vốn”.

– Phần “Tài sản” cho biết toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo đang tồn tại dưới dạng các hình thái và trong tất cả các giai đoạn, các khâu của quá trình kinh doanh. Trên cơ sở tổng số tài sản và kết cấu tài sản hiện có mà có thể đánh giá một cách tổng quát quy mô tài sản, năng lực và trình độ sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Tài sản được chia hai mục là :

  1. Tài sản ngắn hạn.
  2. Tài sản dài hạn.

– Phần “Nguồn vốn” phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản của doanh nghiệp đến cuối kỳ hạch toán. Các chỉ tiêu ở phần nguồn vốn được sắp xếp theo từng nguồn hình thành tài sản của đơn vị ( nguồn vốn của bản thân doanh nghiệp –  vốn chủ sở hữu, nguồn vốn đi vay, nguồn vốn chiếm dụng…).

Nguồn vốn được chia làm hai mục:

  1. Nợ phải trả
  2. Nguồn vốn chủ sở hữu

Tính chất cơ bản của Bảng cân kế toán là tính chất cân đối giữa tài sản và nguồn vốn, được thể hiện như sau:

Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn

Ngoài các chỉ tiêu phản ánh trong bảng cân đối kế toán, còn có các chỉ tiêu ngoài Bảng cân đối kế toán như: Tài sản thuê ngoài; vật tư, hàng hóa nhận giữ hộ, nhận gia công; hàng hóa nhận bán hộ, nhận ký gửi; nợ khó đòi đã xử lý; ngoại tệ các loại; hạn mức kinh phí còn lại.

  • Báo cáo kết quả báo cáo sản xuất kinh doanh

Khái niệm và ý nghĩa.

Báo cáo kết quả kinh doanh (BCKQKD) là một báo cáo tài chính kế toán tổng hợp phản ánh tổng quát doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh trong một kỳ kế toán.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho thấy các đối tượng khác nhau tham gia tài trợ cho hoạt động của công ty, quyền ưu tiên trong việc thu hồi tài sản khi công ty phá sản của các đối tượng khác nhau, cho thấy cấu trúc lợi nhuận được phân bổ cho các đối tượng khác nhau của công ty và cho thấy cấu trúc nguồn thu và nguồn chi của công ty.

Nguồn số liệu trong BCKQKD

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được lập dựa trên nguồn số liệu sau:

– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh kỳ trước

– Sổ kế toán trong kỳ của các tài khoản từ loại 5 đến loại 9

Đặc điểm cần lưu ý của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh xét trên góc độ tài chính.

– Không thể hiện được dòng tiền thực thu và thực chi.

– Doanh thu, chi phí bị tác động nhiều bởi phương pháp hạch toán do đó lợi nhuận hoạt động ghi trong báo cáo chưa thực sự phản ánh bản chất kinh tế lợi nhuận của công ty so với các doanh nghiệp khác.

  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Khái niệm

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo tài chính cung cấp những thông tin và những luồng tiền vào, ra của tiền và coi như tiền, những khoản đầu tư ngắn hạn có tính chất lưu động cao, có thể nhanh chóng và sẵn sàng chuyển đổi thành tiền.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo trình bày tình hình số tiền dư đầu kỳ, tình hình các dòng tiền thu vào, chi ra và tình hình số sư tiền cuối kỳ của công ty.

Ý nghĩa

– Cho thấy sự lưu chuyển tiền mặt cho 3 hoạt động chính của một doanh nghiệp đó là hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

– Cho thấy khả năng tạo ra tiền mặt hiện nay và trong tương lai của doanh nghiệp.

– Cho thấy khả năng trả nợ và khả năng chi trả cổ tức bằng tiền mặt của doanh nghiệp.

– Cho thấy sự thay đổi tài sản ròng của công ty.

– Cho thấy nhu cầu tài trợ từ nguồn tài chính bên ngoài của công ty.

Kết cấu

Những luồng tiền vào, ra và các khoản coi như tiền được tổng hợp và chia thành 3 nhóm: lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động đầu tư và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính.

Doanh nghiệp phải báo cáo dòng tiền hoạt động theo một trong hai phương pháp sau:

– Phương pháp trực tiếp

– Phương pháp gián tiếp

Còn đối với dòng tiền đầu tư và dòng tiền tài trợ thì lập theo phương pháp trực tiếp

Đặc điểm cần lưu ý của báo cáo lưu chuyển tiền tệ xét dưới góc độ tài chính.

Tiền mặt tạo ra từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng vì hoạt động chính tạo ra tiền mặt cho một doanh nghiệp chính là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó, mặt khác hoạt động tài chính tạo ra tiền nhưng nếu hoạt động kinh doanh chính không tạo ra tiền mặt thì sẽ không thể tồn tại hoạt động tài chính.

  • Thuyết minh báo cáo tài chính

Khái niệm

Bản thuyết minh báo cáo tài chính là một bộ phận hợp thành không thể tách rời của báo cáo tài chính doanh nghiệp dùng để mô tả mang tính tường thuật hoặc phân tích chi tiết các thông tin số liệu đã được trình bày trong bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Ý nghĩa

Thuyết minh báo cáo tài chính được lập nhằm cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh chưa có trong hệ thống các báo cáo tài chính, đồng thời giải thích thêm một số chỉ tiêu mà trong các báo cáo tài chính chưa được trình bày, giải thích một cách rõ ràng, cụ thể.

Ngoài ra, để phục vụ cho yêu cầu quản lý kinh tế tài chính, yêu cầu chỉ đạo mà các ngành, các công ty, các tập đoàn sản xuất, các liên hiệp xí nghiệp, các công ty liên doanh có thể quy định thêm các báo cáo tài chính kế toán khác. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu đề tài, chúng ta sẽ đề cập đến bảng cân đối kế toán mẫu số B01-DN.

Hệ thống báo cáo tài chính

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

One thought on “Hệ thống báo cáo tài chính

  1. Pingback: Phương pháp phân tích tình hình tài chính tại doanh nghiệp - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?