Khái niệm, bản chất của tài chính doanh nghiệp

Tài chính doanh nghiệp

Qua quá trình nghiên cứu và phát triển lý thuyết về tài chính doanh nghiệp, đã có nhiều khái niệm khác nhau về TCDN được nêu ra. Theo GS. TS. Đinh Văn Sơn: “Tài chính doanh nghiệp là hệ thống các quan hệ kinh tế trong phân phối dưới hình thức giá trị của cải vật chất thông qua tạo lập và phân phối sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp để phục vụ kinh doanh và các yêu cầu chung khác của xã hội”. [38]

TS. Nguyễn Minh Kiều trong cuốn sách “Tài chính doanh nghiệp căn bản” định nghĩa: “Tài chính nói chung là hoạt động liên quan đến việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ. TCDN là hoạt động liên quan đến việc huy động hình thành nên nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn đó để tài trợ cho việc đầu tư vào tài sản của doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu đề ra”. [19]

Như vậy, có thể thấy có nhiều khái niệm khác nhau về TCDN. Tuy nhiên, những khái niệm này về cơ bản được thể hiện trên hai phương diện, đó là: [42, tr.9].

Về mặt nội dung, tài chính doanh nghiệp là hệ thống những quan hệ kinh tế dưới hình thái giá trị phát sinh trong quá trình hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp nhằm phục vụ cho các hoạt động của doanh nghiệp và góp phần đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp.

Nếu xét trên phạm vi hoạt động, các quan hệ TCDN bao gồm:

– Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với Nhà nước.

Quan hệ này được thể hiện là những quan hệ về cấp phát vốn và thu hồi vốn đối với các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như nộp các khoản thuế, lệ phí vào ngân sách.

– Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với các chủ thể kinh tế và các tổ chức xã hội khác.

Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với các chủ thể kinh tế khác rất đa dạng, bao gồm quan hệ của doanh nghiệp với các thị trường hàng hóa, thị trường sức lao động, thị trường tài chính… Đó là các quan hệ trong thanh toán, thưởng phạt vật chất khi doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế khác cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhau.

– Quan hệ tài chính trong nội bộ doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người lao động trong doanh nghiệp.

Đây là các quan hệ về phân phối vốn, phân phối thu nhập trong nội bộ doanh nghiệp, ví dụ như quan hệ về điều chuyển vốn giữa các bộ phận, chi nhánh của doanh nghiệp, quan hệ về thanh toán tiền lương, tiền thưởng cho cán bộ nhân viên của doanh nghiệp, chi trả cổ tức cho các cổ đông của doanh nghiệp.

Nếu xét theo nội dung kinh tế, các quan hệ TCDN được chia thành các nhóm như sau:

– Các quan hệ tài chính về khai thác, thu hút vốn: Thông qua quan hệ này, vốn kinh doanh của DN được tạo lập như quan hệ về vay vốn, nhận góp vốn dưới nhiều hình thức như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu,…

– Các quan hệ tài chính về đầu tư, sử dụng vốn kinh doanh

Đây là những quan hệ trong phân bổ, sử dụng vốn của doanh nghiệp để hình thành cơ cấu vốn kinh doanh phù hợp và sử dụng chúng nhằm phục vụ cho các mục tiêu kinh doanh. Những quan hệ này hầu hết xảy ra trong nội bộ doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp cũng có thể đầu tư vốn ra bên ngoài như mua cổ phiếu của công ty khác, góp vốn liên doanh, đầu tư vào công ty con…

– Các quan hệ tài chính về phân phối thu nhập và lợi nhuận

Quan hệ này bao gồm các quan hệ với nhiều đối tượng phân phối khác nhau như Nhà nước, người cho vay, cổ đông, các doanh nghiệp góp vốn liên doanh, quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp… Mối quan hệ với Nhà nước được thể hiện trong việc nộp thuế, quan hệ với người cho vay trong việc thanh toán lãi tiền vay, quan hệ với các cổ đông, các doanh nghiệp góp vốn trong thanh toán cổ tức, quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp thể hiện trong bù đắp chi phí của các yếu tố đầu vào, phân phối các quỹ của doanh nghiệp…

Về mặt hình thức, TCDN các quỹ tiền tệ trong quá trình tạo lập, phân phối hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ gắn liền với hoạt động của các doanh nghiệp, nhằm đạt tới mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp trong khuôn khổ của pháp luật.

Hai phương diện trên có sự khác biệt vì phương diện thứ nhất về mặt nội dung cho rằng TCDN là hệ thống các quan hệ kinh tế còn phương diện thứ hai về mặt hình thức cho rằng TCDN là hệ thống các dòng tiền phát sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ gắn với các hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét về bản chất, hai phương diện trên có sự tương đồng vì các quan hệ TCDN đều phản ánh sự dịch chuyển giá trị hay phản ánh sự vận động và chuyển hoá của các nguồn lực tài chính trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoạt động tài chính là một mặt hoạt động của doanh nghiệp nhằm đạt các mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra. Tình hình tài chính của doanh nghiệp liên quan và ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Có thể hiểu tình hình TCDN thể hiện tình trạng hay thực trạng tài chính doanh nghiệp tại một thời điểm, phản ánh kết quả của toàn bộ các hoạt động mà doanh nghiệp tiến hành. Các thông tin về tình hình tài chính là căn cứ quan trọng đối với các nhà quản lý doanh nghiệp trong việc kiểm soát và chỉ đạo các hoạt động của doanh nghiệp.

Nguồn: Luận án tiến sĩ “Phân tích tình hình tài chính các doanh nghiệp ngành thép niêm yết ở Việt Nam

Khái niệm, bản chất của tài chính doanh nghiệp

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 thoughts on “Khái niệm, bản chất của tài chính doanh nghiệp

  1. Pingback: Vai trò của tài chính doanh nghiệp – Hỗ trợ, tư vấn, chắp bút luận án tiến sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?