Khái niệm phát triển bền vững công nghiệp

bảo vệ môi trường

Khái niệm phát triển bền vững công nghiệp

Trên đây chúng ta đã nói nhiều về những khái niệm, định nghĩa về PTBV nói chung, nhưng đó là những khái niệm mang tính tổng quát. Công nghiệp là lĩnh vực đặc thù, vì vậy để hiểu rõ hơn phạm vi, nội dung cụ thể của phát triển bền vững công nghiệp, cần có những tiếp cận gần gũi hơn, mang tính đặc trưng hơn. Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) trong nhiều năm đã cố gắng đưa ra các giải thích làm rõ hơn khái niệm này nhằm giúp định hướng cho các hành động. Định nghĩa đầu tiên về phát triển bền vững công nghiệp – Ecologically Sustainable Industrial Development (ESID) được đưa ra vào những năm 80 cho rằng phát triển bền vững công nghiệp là một cách tiếp cận đối với phát triển công nghiệp, cho phép giải quyết hài hoà giữa tăng dân số, tăng trưởng công nghiệp và BVMT.

Với khái niệm này, những vấn đề cốt lõi nhất của phát triển công nghiệp đã được đề cập đến là: tăng trưởng công nghiệp, tăng dân số và BVMT. Phát triển công nghiệp tất yếu sinh ra phát thải ô nhiễm, phát triển cũng đồng nghĩa với những hy sinh nhất định về môi trường, đó là hai nội dung không thể tách rời, hết sức mâu thuẫn nhưng luôn tồn tại trong bất kỳ sự phát triển nào. Bên cạnh đó, công nghiệp góp phần quan trọng giải quyết vấn đề dân số bằng cách thoả mãn ngày càng cao các nhu cầu của họ. Song chính nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của dân cư buộc sản xuất công nghiệp phải tạo ra nhiều sản phẩm hơn và hệ quả là làm gia tăng quá trình khai thác tài nguyên và tác động xấu tới môi trường là không thể tránh khỏi. Làm thế nào để hài hoà giữa các vấn đề hết sức mâu thuẫn nhưng thống nhất và đâu là giới hạn của sự bền vững cần phải tìm kiếm, đó là mấu chốt của tiếp cận PTBV. Nhưng như vậy đã đủ chưa cho việc hướng dẫn các hành động đáp ứng của công nghiệp. Rõ ràng vẫn còn những khái niệm hết sức trừu tượng và hoàn toàn không dễ hiểu đối với công nghiệp với tư cách là một phân ngành kinh tế có những quan tâm và lợi ích riêng rất cụ thể. Hơn nữa, BVMT có nội dung rất rộng, vậy đâu là những tác động môi trường đặc trưng của công nghiệp cần phải ưu tiên. Những vấn đề đặt ra ngày càng nhiều trong tiến trình tiếp cận với bản chất của khái niệm.

Khắc phục nhược điểm trên, tại Hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) tháng 10/1991, một khái niệm mới được đưa ra với những nội dung cụ thể hơn và bám sát hơn các khái niệm gốc. Khái niệm phát triển bền vững công nghiệp được UNIDO tiếp tục phát triển như là: “Những mô hình (pattern) công nghiệp hoá hướng vào các lợi ích về kinh tế và xã hội của thế hệ hiện tại và các thế hệ sau mà không làm tổn hại tới quá trình sinh thái nền”. Tại hội nghị này, những tiêu chí cụ thể hơn cũng đã được đề cập đến, trong đó có 3 tiêu chí quan trọng của quá trình phát triển bền vững công nghiệp:

– Bảo vệ năng lực sinh thái

– Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực con người, nguyên vật liệu và năng lượng.

– Công bằng trong chia sẻ gánh nặng về môi trường, xã hội và các thành quả công nghiệp hoá.

Đã có một bước tiến quan trọng trong việc làm rõ các nội dung của khái niệm. Trong định nghĩa này đã gợi mở hướng tiếp cận thông qua những mô hình công nghiệp hoá có cân nhắc. Đó là các mô hình hướng vào các lợi ích kinh tế và xã hội của thế hệ hiện tại và các thế hệ sau mà không để lại những hậu quả về môi trường sinh thái. Ở đây, những lợi ích tương lai được nhấn mạnh song song với lợi ích trước mắt, một sự phát triển trong tổng hoà các lợi ích và tư duy cân bằng hơn. Rõ ràng, một sự phát triển không thể bền vững nếu không tạo ra được năng lực đáp ứng hiện tại và có được những bảo đảm, khả năng duy trì tăng trưởng trong tương lai. Những vấn đề đặt ra đã trở nên ngày càng cụ thể hơn với công nghiệp như sử dụng hiệu quả các nguồn lực con người, nguyên vật liệu và năng lượng, công bằng trong chia sẻ gánh nặng về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, liệu có tồn tại một mô hình chung cho phát triển công nghiệp bền vững như định nghĩa đã nêu và đâu là mô hình tốt nhất để tham khảo? Rất tiếc một mô hình lý tưởng như vậy dường như không có. Các chuyên gia đều cho rằng sẽ khó có một mô hình chung cho các nước và về cơ bản các khái niệm trên vẫn chỉ là nguyên lý và mỗi nước vẫn phải chọn cho mình một cách đi riêng thích hợp nhất với hoàn cảnh.

Đối với Việt Nam, nhiều người cho rằng phát triển bền vững công nghiệp đơn giản là khả năng tồn tại lâu dài. Tồn tại đồng nghĩa với duy trì được lợi ích doanh nghiệp và quốc gia. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được điều đó thì câu trả lời trở nên phức tạp và bắt đầu khác nhau. Các ý kiến chung cho rằng phát triển bền vững công nghiệp là quá trình hài hoà các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Khó khăn ở chỗ công nghiệp là một thực thể kinh tế, không dễ tách được đâu là mục tiêu xã hội và môi trường. Trong thực tiễn triển khai, đã có sự nhầm lẫn giữa tiêu chí và mục tiêu làm phát sinh một chiến lược riêng về phát triển bền vững, tồn tại song song và độc lập với các chiến lược phát triển với các mục tiêu riêng rẽ về kinh tế, xã hội và môi trường. Có quan niệm cho rằng phát triển bền vững là sự tổng hợp của ba chiến lược phát triển kinh tế, chiến lược phát triển xã hội và chiến lược BVMT. Song liệu có thể cộng dồn một cách cơ học ba vấn đề đó được không? Trên thực tế, nhiều hoạt động công nghiệp vốn tự thân đã hàm chứa các nội dung bền vững đan xen rất khó phân biệt. Như vấn đề giảm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu rất phổ biến trong sản xuất thực chất là vấn đề kinh tế hay môi trường do tính đa mục tiêu vừa hướng tới hiệu quả của sản xuất nhưng đồng thời lại làm giảm phát thải. Những vấn đề cải thiện điều kiện, môi trường làm việc của công nhân, phát triển công nghiệp nông thôn lâu nay vẫn đang được hiểu như là vấn đề môi trường và kinh tế hơn là xã hội. Rõ ràng phát triển bền vững công nghiệp không thể là phép cộng máy móc của những vấn đề tách rời mà chỉ có thể lồng ghép hoặc được nhấn mạnh hơn do tính chất và đặc trưng rất riêng của sản xuất công nghiệp.

Thực ra PTBV không phải là mục tiêu mặc dù có vẻ như mọi quá trình hành động phát triển đang hướng đến đó. PTBV là một cách phát triển, bản chất là một tiêu chuẩn hay thước đo đối với quan điểm và hành động. Trong các định nghĩa của UNIDO, PTBV được giải thích như là một cách tiếp cận hay mô hình đối với phát triển công nghiệp. Với tư cách là thước đo hay tiêu chuẩn hay cách tiếp cận, PTBV được đem ra soi rọi các chiến lược đã có, xem xét các quan điểm, hành động dưới góc nhìn rộng hơn, với những yêu cầu đòi hỏi toàn diện hơn mà có thể trước đây nhiều khía cạnh chưa được tính đến. PTBV giống như sự bổ sung các điều kiện của bài toán phát triển, đặt ra các tiêu chí nhằm sàng lọc và kiểm chứng các quan điểm và hành động giúp tìm kiếm các lựa chọn tốt hơn, cân bằng được nhiều mục tiêu hơn không chỉ là những lợi ích kinh tế duy nhất. PTBV chính vì vậy góp phần tạo ra nhiều hơn các đảm bảo cho phát triển lâu dài. Một chiến lược phát triển công nghiệp được xét qua lăng kính hay sàng lọc bởi tiêu chí của PTBV có thể phải thay đổi, làm mới, bổ sung và điều chỉnh, song đó vẫn chỉ là chiến lược phát triển. Ở đây sự điều chỉnh hữu cơ xảy ra bên trong nội hàm của chiến lược không phải là phép cộng 3 nội dung chiến lược.

Rõ rệt nhất có thể thấy, trước đây nguồn lực (tự nhiên và xã hội) chỉ được xem xét thuần tuý như một hình thức đầu vào của quá trình sản xuất, được đánh giá đơn giản là “đủ hay thiếu” như một nhu cầu đối với phát triển công nghiệp, thì nay trong cách tiếp cận mới nguời ta bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến cách thức khai thác và sử dụng chúng sao cho ít “ảnh hưởng nhất”, tiết kiệm nhất và lâu dài hơn đem lại hiệu quả tổng thể cao nhất. Cũng như vậy, sản xuất trước đây mới chỉ tập trung mục tiêu sản phẩm và lợi nhuận thì nay đã cân nhắc nhiều hơn đến ảnh hưởng của phát thải và ô nhiễm, cố gắng tìm kiếm các tiếp cận thân thiện hơn. Những vấn đề phân bố công nghiệp ngày nay được xem xét toàn diện hơn, bởi mỗi phương án hàm chứa các nội dung và những tác động kinh tế, xã hội và môi trường khác nhau phản ánh các xu hướng lựa chọn. Sự phân bố sai lệch có thể ảnh hưởng đến tương lai phát triển lâu dài của doanh nghiệp xét trên khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội cần phải cân nhắc đến. Cũng từ trong cách nhìn mới, người ta bỗng nhận thấy rằng cùng một đầu vào nhưng bằng những cách thức hay lựa chọn khác nhau vẫn có thể vừa đảm bảo tăng trưởng nhưng phát thải ô nhiễm lại ít hơn, góp phần lớn hơn trong giải quyết những vấn đề xã hội. Chính vì vậy, sự lựa chọn càng ngày càng nghiêng về những cách thức mới bền vững.

Từ những phân tích trên đây, nghiên cứu sinh đưa ra khái niệm về phát triển bền vững công nghiệp như sau: phát triển bền vững công nghiệp là phát triển công nghiệp một cách ổn định, lâu dài trên cơ sở đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng, giải quyết các vấn đề xã hội và BVMT.

Khái niệm phát triển bền vững công nghiệp

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm
Bạn cần hỗ trợ?