Mối quan hệ giữa phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế

xây dựng nông thôn mới

Mục lục

Mối quan hệ giữa phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế

Các nhà kinh tế học khi tham gia giải quyết vấn đề Phát triển bền vững tập trung vào ba vấn đề chính: (i) Liệu có sự tương thích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường và đảm bảo xã hội hay không? Nói cách khác, liệu việc bảo vệ môi trường và bảo đảm xã hội có phải là cản trở đối với quá trình tăng trưởng kinh tế? (ii) Sự mất cân bằng trong Phát triển bền vững được giải thích như thế nào về mặt kinh tế học? (iii) Để đảm bảo Phát triển bền vững, chính phủ cần phải làm gì?

Trên thực tế, có không ít nhà kinh tế phát triển có quan điểm rằng bảo vệ môi trường, đảm bảo công bằng xã hội là những hàng hoá xa xỉ và việc đưa ra những điều kiện, những quy định cho sự Phát triển bền vững có thể làm cho tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của vấn đề môi trường đối với chất lượng cuộc sống và đe doạ sự phát triển về lâu dài, những quan điểm phản đối Phát triển bền vững đã trở nên yếu ớt. Việc tranh luận về tính tương thích của tăng trưởng kinh tế và Phát triển bền vững, từ đó được thay bằng việc mổ xẻ những nguyên nhân kinh tế của sự mất cân bằng trong Phát triển bền vững, những yếu tố tác động đến sự xuống cấp của chất lượng môi trường, của công bằng xã hội… Từ những nghiên cứu, đánh giá thực tế về chất lượng môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các nhà kinh tế học đã đưa ra một loạt những giải pháp kinh tế nhằm duy trì sự Phát triển bền vững.

1. Tính tương thích của phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế

Phát triển bền vững bao gồm trong nó ba khía cạnh: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Tuy không phải là bỏ qua vấn đề công bằng xã hội, nhưng các nhà kinh tế học trong môn kinh tế phát triển khi xem xét vấn đề Phát triển bền vững thường mổ xẻ quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Về tương quan này, các nhà kinh tế học phát triển có nhiều quan điểm tương đối khác biệt. Quan điểm đầu tiên cho rằng tài nguyên là có hạn, và vì vậy, các nguồn lực phát triển kinh tế cũng là có hạn và chính vì thế các nền kinh tế không thể phát triển vượt quá giới hạn tài nguyên. Theo quan niệm này, với mô hình phát triển kinh tế truyền thống, sự phát triển kinh tế không sớm thì muộn cũng dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống sinh thái toàn cầu. Từ quan niệm này, giải pháp của vấn đề không phải là cách nào khác mà là hạn chế một cách quyết liệt việc tiêu dùng tất cả các tài nguyên dù đó là tài nguyên có thể tái tạo được hay không tái tạo được và chỉ có như vậy, các thế hệ sau mới có thể có cơ hội để tiếp cận với các nguồn tài nguyên phục vụ cho nhu cầu của mình.

Một quan niệm khác của kinh tế học lại cho rằng tài nguyên là có hạn, nhưng nó không phải là có hạn theo nghĩa tuyệt đối, mà có hạn theo nghĩa tương đối. Khi tài nguyên trở nên khan hiếm, một mặt con người sẽ tìm ra những tài nguyên khác để thay thế và mặt khác họ cũng sẽ có những giải pháp sử dụng một cách có hiệu quả các tài nguyên có sẵn. Một định luật trung tâm của kinh tế học môi trường về mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và mức độ phá huỷ môi trường được biểu diễn qua mô hình đường cong Kuznets [87]. Đường cong này có hình chữ U ngược hàm ý rằng, mức độ phá huỷ môi trường sẽ tăng lên cùng với quá trình phát triển kinh tế (mức GDP theo đầu người) và khi kinh tế phát triển đến mức độ nhất định, mức độ phá huỷ sẽ giảm xuống và chất lượng môi trường sẽ được cải thiện. Điều này có nghĩa là trong giai đoạn đầu của phát triển, con người do nhu cầu tiêu dùng gia tăng đã khai thác quá mức các tài nguyên cho nền sản xuất vật chất, vì vậy, chất lượng môi trường sẽ giảm xuống. Khi đời sống vật chất của con người gia tăng, nhu cầu về chất lượng cuộc sống cũng gia tăng và lúc này con người có đủ điều kiện vật chất và kỹ thuật để có thể đưa ra những giải pháp vừa phát triển kinh tế vừa giảm thiểu mức độ huỷ hoại môi trường. Quan niệm về quan hệ giữa môi trường và tăng trưởng này đã được chứng minh qua số liệu thống kê của các nước, tuy nhiên, cũng còn nhiều những quan điểm khác nhau về mối quan hệ này.

Ở một cách tiếp cận khác có tính chất thực tiễn nhiều hơn, theo một số nhà kinh tế môi trường, dường như không có sự dung hợp giữa phát triển kinh tế và Phát triển bền vững. Theo các tác giả này, mô hình phát triển kinh tế hiện nay mà loài người trải qua là mô hình khai thác tài nguyên để phục vụ tiêu dùng của con người và vì vậy sự phát triển kinh tế thường dẫn đến việc phá huỷ môi trường. Quan niệm này được bắt nguồn từ thực tế ở một số nước thuộc thế giới thứ Ba – nơi mà sự phát triển kinh tế đã có những tiến bộ đáng kể nhưng đi cùng với nó là chất lượng môi trường bị xuống cấp. Suy luận một cách ngược lại, người ta cho rằng sự xuống cấp của môi trường là cái giá của sự phát triển và việc kiểm soát quá chặt chẽ vấn đề môi trường có thể làm hạn chế quá trình phát triển (và hậu quả có thể lại làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội như tình trạng thất nghiệp và nghèo đói gia tăng). Tuy nhiên, các nhà kinh tế môi trường có quan điểm này cho rằng giải pháp cho tình thế này là việc hướng sự phát triển kinh tế vào sự Phát triển bền vững, tức là nền kinh tế vẫn được khuyến khích phát triển nhưng có tính đến vấn đề môi trường và vấn đề tài nguyên thiên nhiên. Nghiên cứu sinh đồng thuận với quan niệm này. Quan niệm này cũng được thống nhất và phát động bởi Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hợp quốc với định nghĩa về Phát triển bền vững được nhắc lại nhiều lần: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau” [89].

2. Nguyên nhân của sự không bền vững trong phát triển

Dù có quan niệm khác nhau về mặt lý thuyết về tính tương thích giữa phát triển kinh tế và Phát triển bền vững, các nhà kinh tế đều thừa nhận rằng trên thực tế, môi trường đang bị phá huỷ một cách nghiêm trọng và cần phải tìm ra căn nguyên của vấn đề và từ đó đưa ra những giải pháp nhằm duy trì sự Phát triển bền vững. Về phương diện kinh tế học, sự phá huỷ môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội được quy lại thành hai nhóm nguyên nhân chính: (i) Các chính sách phát triển kinh tế đã coi nhẹ (bỏ qua) những quan tâm về vấn đề môi trường và xã hội, và (ii) sự thất bại của thị trường trong việc bảo đảm sự Phát triển bền vững.

(1) Sự bất cập của các chính sách kinh tế vĩ mô trong việc bảo vệ môi trường và gia tăng phúc lợi xã hội

Trong cuộc chiến chống lại nghèo nàn và lạc hậu, nhiều quốc gia đã nỗ lực phi thường nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn. Tất cả các giải pháp có thể huy động được các nguồn lực cho phát triển đều được đưa ra thực hiện, kết quả là nền kinh tế của nhiều nước đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ngày nay người ta thấy rằng phương thức huy động tối đa các nguồn lực cho tăng trưởng đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề Phát triển bền vững.

Chính sách khuyến khích xuất khẩu là một ví dụ. Hầu hết các nước chậm phát triển đều quan niệm xuất khẩu là một chìa khoá cho sự phát triển và cùng với quan niệm này, hàng loạt các chính sách khuyến khích xuất khẩu đã được áp dụng trên thực tế, bất chấp những giá về môi trường là thế nào. Con đường xuất khẩu ban đầu của các nước chậm phát triển không phải là con đường nào khác ngoài việc khai thác tối đa những tài nguyên có sẵn và phát triển các hàng hoá nông sản. Khai thác các tài nguyên rừng, khoáng sản đã được triển khai trên quy mô lớn, cùng với đó các trang trại gia tăng quy mô, diện tích canh tác được mở rộng thông qua việc phá rừng hoặc khai thác cạn kiệt đất đai hiện có. Chất lượng môi trường đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng của chính sách này, ở nhiều quốc gia rừng đã bị triệt phá, nguồn nước và chất lượng nước bị giảm sút nghiêm trọng.

Các chính sách công nghiệp hoá cũng có những tác động không tốt đến vấn đề môi trường. Hầu hết các quốc gia khi bước vào tiến trình công nghiệp hoá đều có khả năng tài chính hạn chế, các công nghệ thực hiện công nghiệp hoá đều là kỹ thuật lạc hậu, không đảm bảo vấn đề chất lượng môi trường. Năng lượng sử dụng nhiều làm ô nhiễm không khí, nước thải không được xử lý làm ô nhiễm các dòng sông… Tiến trình công nghiệp hoá và quá trình đô thị hoá thường diễn ra đồng thời, việc hình thành các đô thị lớn không đi liền với việc xây dựng hạ tầng đã làm cho môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của các đô thị trở nên bị ô nhiễm nặng nề.

Sự tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô đến sự suy giảm chất lượng môi trường cũng được thể hiện qua kênh các vấn đề xã hội. Nói chung, quá trình phát kinh tế của nhiều nước, mặc dù mức sống trung bình có gia tăng, nhưng tình trạng nghèo đói lại trở nên phổ biến, bất bình đẳng xã hội gia tăng. Thực tế ở nhiều nước, mặc dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng đều đặn, nhưng một tầng lớp xã hội bị bỏ rơi và lâm vào tình cảnh đói nghèo. Người ta cho rằng, tầng lớp dân cư nghèo khó đã làm cho vấn đề môi trường thêm phần nghiêm trọng. Tình trạng phá rừng hoặc khai thác quá mức đất đai thường phổ biến ở các cộng đồng dân cư nghèo hoặc các nước nghèo, hậu quả là tình trạng lũ lụt, hạn hán đang phổ biến và ngày càng trở nên trầm trọng ở nhiều quốc gia.

Sự tồn tại của một bộ phận khá lớn dân cư sống trong tình trạng nghèo khổ đã làm cho cuộc sống của họ phải lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên nguyên thuỷ. Do nghèo khó, người ta không đủ điều kiện tiếp cận đến các nguồn năng lượng an toàn như điện, năng lượng mặt trời, mà phải dùng các nguồn nguyên liệu nguyên thuỷ như than, củi. Nghèo khó cũng làm cho họ không có đủ điều kiện tài chính để tổ chức cuộc sống vệ sinh hơn và tình trạng chất thải được phóng uế bừa bãi ra môi trường sống cũng khá phổ biến trong các cộng đồng người nghèo.

Như vậy, phát triển bền vũng phụ thuộc mạnh mẽ vào việc xoá đói giảm nghèo và công bằng xã hội. Tuy nhiên, việc cải thiện các quan hệ xã hội lại phụ thuộc mạnh mẽ vào các chính sách phát triển kinh tế. Tuy rằng, sự công bằng xã hội có được phải dựa vào nhiều chính sách khác nhau, nhưng các chính sách kinh tế vĩ mô đóng vai trò trung tâm. Chỉ khi người nghèo được tiếp cận đến các cơ hội phát triển, đến các cơ hội nâng cao thu nhập thì lúc đó môi trường mới được bảo vệ tốt hơn, và chỉ lúc đó các giải pháp bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường mới có thể thực thi một cách hiệu quả.

(2) Khủng hoảng kinh tế và sự giảm sút của chất lượng môi trường

Suy thoái hay khủng hoảng kinh tế là một hiện tượng của kinh tế thị trường, khi điều đó xảy ra, hậu quả của nó không chỉ là sự giảm sút trong tăng trưởng kinh tế, mà còn có sự giảm sút về môi trường tự nhiên và các điều kiện xã hội. Nền kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều những biến động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường như các cuộc đại khủng hoảng những năm 1930 ở Mỹ hay cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây gần hai thập kỷ.

Khi suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế xảy ra, các cân bằng tài chính bị đảo lộn, lạm phát gia tăng, ngân sách thâm thủng, đồng tiền mất giá… Để chống các mất cân đối do khủng hoảng kinh tế gây nên, biện pháp đầu tiên được áp dụng là cắt giảm chi tiêu công. Rất nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng khi chi tiêu của chính phủ bị cắt giảm, nhưng người ta thường chứng kiến việc cắt giảm mạnh mẽ trong các vấn đề như bảo vệ môi trường, trợ cấp xã hội. Chất lượng môi trường và các bảo đảm xã hội có xu hướng giảm sút cùng với việc cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động này. Cùng với những chương trình cắt giảm chi tiêu công, các biện pháp tăng thuế và cắt giảm trợ cấp cũng được áp dụng trên nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm cả lĩnh vực môi trường và xã hội. Khi nền kinh tế đang vận hành bình thường, để bảo vệ môi trường các biện pháp trợ cấp sử dụng phế liệu, trợ cấp sử dụng ít năng lượng… được áp dụng. Nhưng khi khủng hoảng nổ ra, do ngân sách bị eo hẹp, các loại trợ cấp cũng sẽ bị giảm xuống cùng với các hoạt động tiết kiệm ngân sách khác, và như vậy, đây cũng là một nguy cơ của vấn đề chất lượng môi trường giảm xuống khi khủng hoảng xảy ra. Những biện pháp khôi phục nền kinh tế cũng luôn được áp dụng đi liền với các biện pháp chống suy thoái, khủng hoảng kinh tế như vừa nêu. Khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu luôn là những biện pháp được lựa chọn cho việc khôi phục kinh tế. Có nhiều giải pháp khuyến khích đầu tư và xuất khẩu khác nhau, nhưng việc nới lỏng các điều kiện, những ràng buộc về môi trường có thể cũng sẽ được áp dụng.

(3) Sự thất bại của thị trường trong việc bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội

Người ta đã chứng kiến sự xuống cấp của môi trường, xã hội không chỉ trong điều kiện kinh tế suy thoái mà cả khi nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt. Ô nhiễm môi trường, thiên tai, lũ lụt không chỉ xảy ra ở những nước kém phát triển mà còn ở những nước phát triển, nơi có mức thu nhập khá cao. Như vậy, sự xuống cấp của môi trường, xã hội trong điều kiện suy thoái kinh tế cũng chỉ là một phần của vấn đề. Sự thật, những hậu quả gần đây về chất lượng môi trường không phải là do ý chí chủ quan hoặc là sự vô tình của con người, các nhà kinh tế cho rằng vấn đề này là do sự thất bại của thị trường trong việc bảo vệ môi trường.

Kinh tế học giải thích sự suy giảm chất lượng môi trường trong nền kinh tế thị trường là do việc không bao hàm chi phí ngoại sinh vào chi phí sản xuất. Chi phí ngoại sinh là chi phí mà người sản xuất không phải chịu, mặc dù xã hội vẫn phải trả giá cho nó. Khi có một khoản kinh phí mà người sản xuất không phải tính đến trong quá trình sản xuất, thì thông thường khoản chi phí đó thường được sử dụng mang tính chất lạm dụng quá mức. Kinh tế học coi đây là một dạng thất bại của thị trường, cái mà đã không hoạt động có hiệu quả để đảm bảo chi phí sản xuất cân bằng với giá trị đầu ra và vì sự thất bại của thị trường trong việc điều tiết này đã dẫn đến việc môi trường tự nhiên bị phá huỷ. Ví dụ một nhà máy sản xuất giấy nằm ở vùng thượng nguồn của một con sông, trong quá trình sản xuất, nhà máy này đã sử dụng nhiều hoá chất và chất thải của quá trình sản xuất đã làm ô nhiễm nguồn nước ở phía hạ lưu. Chi phí để khôi phục chất lượng nguồn nước dưới hạ lưu lại do người hạ lưu chịu chứ không phải người sản xuất giấy chịu. Chính vì không phải chịu chi phí này nên người sản xuất giấy sẵn sàng dùng và thải các loại hoá chất ra dòng sông và vì vậy làm huỷ hoại môi trường dưới hạ lưu.

Sự thất bại của thị trường trong PTBV cũng được hiểu là tình trạng thiếu hoặc không có thị trường. Thị trường dường như không hoạt động trong vấn đề bảo vệ môi trường hoặc nếu có thì đó là những thị trường không hoàn thiện. Sự thực là không tồn tại cơ chế lợi ích khuyến khích các cá nhân, các công ty tham gia kinh doanh bảo vệ môi trường. Môi trường được hiểu trong kinh tế học là một hàng hoá công cộng, tức là một loại hàng hoá mà tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận và sử dụng. Một khó khăn trong việc quản lý hàng hoá công cộng là làm thế nào người tiêu dùng trả tiền cho hàng hoá này vì người tiêu dùng luôn có một tâm lý sử dụng miễn phí đối với các hàng hoá công cộng. Không có cơ chế lợi ích rõ ràng, thị trường bảo vệ môi trường luôn là một thị trường kém phát triển và không hoàn thiện, ít người sẵn sàng tham gia cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường.

Thị trường là không hoàn thiện trong bảo vệ môi trường và thị trường hoạt động cũng không hoàn thiện trong việc duy trì các bảo đảm xã hội, như nghèo đói và công bằng xã hội. Do những điều kiện khác nhau, con người có những khả năng tiếp cận đến các cơ hội việc làm và thu nhập khác nhau, vì vậy sự khác biệt về thu nhập là không tránh khỏi trong phát triển kinh tế thị trường. Các dịch vụ xã hội như cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế, sức khoẻ… cũng thường được hiểu là những hàng hoá công cộng, chính vì vậy thị trường của những dịch vụ xã hội cũng luôn kém phát triển, làm cho vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong nhiều quốc gia và cộng đồng. Sự nghèo khó này đến lượt mình lại tác động một cách tiêu cực đến việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường như đã phân tích ở trên.

3. Những can thiệp của chính phủ trong phát triển bền vững

Sự thất bại của thị trường luôn đồng nghĩa với việc cần có những can thiệp trực tiếp của con người và ngày nay sự can thiệp của con người vào vấn đề môi trường và xã hội đang trở nên phổ biến. Mức độ can thiệp có thể khác nhau tuỳ từng chương trình và mục tiêu. Ở tầm vĩ mô, những can thiệp của chính phủ vào vấn đề Phát triển bền vững được thể hiện ở chỗ các chính phủ đã đưa những vấn đề bảo vệ môi trường, duy trì bảo đảm xã hội như là những nội hàm của các chương trình phát triển kinh tế. Hầu hết các chính phủ đã nhận thức rõ ràng rằng việc bỏ qua các vấn đề môi trường và vấn đề xã hội về lâu dài sẽ có những tác động tiêu cực đến sự phát triển cũng như phúc lợi xã hội. Nhiều chương trình riêng biệt đã được hình thành như chương trình phủ xanh đất trống, chương trình bảo vệ sinh thái, các chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình giúp đỡ những người yếu thế… đã được ban hành và thực hiện ở nhiều quốc gia. Ở tầm vĩ mô, đây chính là các biện pháp nhằm thiết lập và duy trì Phát triển bền vững ở các quốc gia.

Cùng với các chương trình bảo vệ môi trường, bảo đảm xã hội, trên thực tế đã có nhiều các chính sách cụ thể được ban hành và thực hiện nhằm đảm bảo sự Phát triển bền vững về lâu dài. Trong lĩnh vực môi trường, các nhà kinh tế đã có nhiều chính sách nhằm bảo vệ môi trường, các chính sách này có thể chia thành ba nhóm sau:

(1) Các biện pháp hành chính và kiểm soát: Cơ chế hành chính với những biện pháp xử phạt rõ ràng luôn được nhiều nước áp dụng trong việc BVMT. Để thực hiện biện pháp này, người ta phải đưa ra được các chuẩn mực, chỉ số về môi trường để vừa kiểm soát vừa ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Đây là biện pháp rất quan trọng, trong khi các biện pháp kinh tế, giáo dục luôn có tác dụng hạn chế.

(2) Các biện pháp trao quyền: Như đã đề cập ở trên, tình trạng ô nhiễm môi trường thường bắt đầu từ vấn đề chi phí ngoại sinh, do người sản xuất đã không đưa toàn bộ chi phí môi trường vào quá trình sản xuất và xã hội phải gánh chịu hậu quả của quá trình này với việc chất lượng môi trường giảm sút. Để giải quyết tình trạng này, một giải pháp được đưa ra là trao quyền giải quyết cho những đối tượng liên quan để tự họ cùng đi đến một thoả thuận bảo đảm quyền lợi của các bên.

(3) Các biện pháp dựa trên lợi ích kinh tế:

– Thuế (phí): Thuế môi trường là một khoản thu dựa theo khối lượng chất thải mà một người hoặc doanh nghiệp thải ra. Giống như lao động hay các nguồn đầu vào vật chất khác, khi người ta phải trả một giá nào đó thì người ta có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm và có hiệu quả, vì vậy, thuế (phí) sẽ khuyến khích các đối tượng sử dụng hạn chế các nguồn nguyên liệu có thể gây ô nhiễm môi trường.

– Trợ cấp hạn chế chất thải: cùng với việc thu thuế (phí), phương pháp trợ cấp cũng được áp dụng khá phổ biến. Trợ cấp hạn chế chất thải là khoản tiền mà Chính phủ sẽ trả cho doanh nghiệp trên mỗi đơn vị chất thải mà đơn vị đó đã hạn chế thải ra môi trường.

– Chuyển nhượng cô-ta chất thải: theo đó một đơn vị sản xuất, trong một đơn vị thời gian, theo luật, được cho phép thải ra môi trường một khối lượng chất thải nhất định mà không bị đánh thuế, nếu doanh nghiệp không sử dụng hết cô-ta chất thải này thì cô-ta đó có thể được chuyển nhượng cho những doanh nghiệp khác có nhu cầu.

Mối quan hệ giữa phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?