Đánh giá việc áp dụng quản trị rủi ro trong thủ tục hải quan điện tử ở Việt Nam

Phát triển sản phẩm bancassurance

Mục lục

Đánh giá việc áp dụng quản trị rủi ro trong thủ tục hải quan điện tử ở Việt Nam

1 Những kết quả đã đạt được

Về mặt pháp lý

– Bổ sung nội dung quy định áp dụng quản trị rủi ro trong Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế năm 2012; trong đó đã giải thích cụ thể khái niệm quản lý rủi ro, quy định các nội dung, nguyên tắc áp dụng quản trị rủi ro trong quản lý thuế; đồng thời dẫn chiếu việc áp dụng quản trị rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế, như: Khai thuế, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh khoản, hoàn thuế…

– Cụ thể hóa các nội dung quy định về thông tin hải quan; Xây dựng, thu thập, xử lý, khai thác hệ thống thông tin hải quan; Trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan hải quan và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tại Chương VII Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định TTHQ, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan.

– Xây dựng, trình Bộ ký ban hành Quyết định 48/2008/QĐ-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định áp dụng QTRR trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Quyết định này đã thể hiện khá toàn diện các nội dung quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Về tổ chức hoạt động nghiệp vụ

Ngành Hải quan đã tổ chức thực hiện công tác quản lý rủi ro bao gồm 02 trụ cột chính, đó là: Thu thập, xử lý thông tin và áp dụng kỹ thuật quản trị rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Về xây dựng, quản lý, áp dụng tiêu chí QTRR:

Căn cứ vào Quyết định số 48/2008/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã thực hiện áp dụng 04 loại tiêu chí quản trị rủi ro, bao gồm: Tiêu chí quy định, tiêu chí phân tích, tiêu chí tính điểm và tiêu chí lựa chọn ngẫu nhiên kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Kết quả cụ thể như sau:

– Năm (05) tháng đầu năm 2013 (từ ngày 01/01-31/5/2013) toàn ngành đã áp dụng 4.065 tiêu chí quy định và tiêu chí phân tích, trong đó:

+ Tổng cục đã áp dụng 710 tiêu chí (507 tiêu chí quy định bao gồm tiêu chí loại trừ và 203 tiêu chí phân tích);

+ Cục Hải quan đã áp dụng: 3.355 tiêu chí phân tích.

Về thu thập, xử lý thông tin hải quan:

– Cho đến nay, toàn ngành đã tổ chức thu thập, cập nhật 19.941 hồ sơ doanh nghiệp; 2.526 hồ sơ rủi ro, tạo cơ sở cho việc theo dõi, đánh giá quá trình tuân thủ của doanh nghiệp; quản lý các nguy cơ vi phạm pháp luật hải quan;

– Tăng cường quan hệ phối hợp, hợp tác trao đổi, cung cấp thông tin hải quan với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan, cụ thể:

+ Tổng cục Hải quan triển khai công tác trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành trên cơ sở 06 Thông tư liên tịch đã được ký kết nêu trên.

+ Thúc đẩy các quan hệ đa phương và song phương về trao đổi thông tin tình báo; hợp tác hỗ trợ đào tạo kỹ thuật về thu thập, xử lý thông tin và quản lý rủi ro; thực hiện cơ chế chia sẻ thông tin tình báo trong khu vực (RILO)… bước đầu đã tạo ra những cơ sở quan trọng trong hợp tác quốc tế về thông tin tình báo và quản lý rủi ro.

+ Thiết lập quan hệ hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa cơ quan hải quan với các hiệp hội ngành hàng; qua đó giúp cho cơ quan hải quan chủ động kiểm soát trước các nguy cơ rủi ro, đồng thời tạo thông thoáng đối với các doanh nghiệp tuân thủ.

Phân tích, xác định trọng điểm kiểm tra trong thông quan và sau thông quan đối với hàng hóa XNK:

– Tổ chức công tác thu thập, phân tích rủi ro đối với doanh nghiệp và hàng hóa để xác định trọng điểm kiểm tra trong thông quan. Trong năm 2012, toàn ngành đã phân tích, xác định trọng điểm kiểm tra đối với 1.874.063 tờ khai XK, NK; 5 tháng đầu năm, toàn ngành đã phân tích, xác định trọng điểm kiểm tra đối với 939.340 tờ khai XK, NK.

– Mỗi năm, các đơn vị chuyên trách quản trị rủi ro thực hiện rà soát, phân tích hàng triệu tờ khai qua đó xác định các lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan để chuyển kiểm tra sau thông quan.

Quản lý tuân thủ doanh nghiệp:

– Trên cơ sở hồ sơ doanh nghiệp được thu thập, cập nhật, kết hợp với tích hợp thông tin trên hệ thống của ngành Hải quan, trong những năm qua, Ban quản trị rủi ro đã thực hiện quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin quản trị rủi ro tiến hành đánh giá hàng ngày đối với trên 50 ngàn doanh nghiệp hoạt động XNK theo các hình thức sau đây:

+ Đánh giá doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan;

+ Đánh giá rủi ro doanh nghiệp;

+ Đánh giá điều kiện ân hạn thuế.

– Ban quản trị rủi ro quản lý ứng dụng hệ thống để quản lý doanh nghiệp nợ thuế, cưỡng chế thuế;

– Đơn vị chuyên trách quản trị rủi ro tại các cấp thực hiện theo dõi, phân tích đánh giá hoạt động của doanh nghiệp theo các chuyên đề trọng điểm, bao gồm:

+ Doanh nghiệp hủy tờ khai;

+ Doanh nghiệp hoạt động tạm nhập – tái xuất;

+ Doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh;

+ Doanh nghiệp có nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại…

Theo dõi, đánh giá và hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ hải quan:

– Xây dựng, ứng dụng hệ thống để thu thập, cập nhật thông tin phản hồi về kết quả kiểm tra trong thông quan;

– Xây dựng các chỉ số, tổ chức theo dõi, đánh giá hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ hải quan;

Quản lý vận hành hệ thống thông tin hải quan:

– Ngành Hải quan thực hiện quản lý, ứng dụng 09 hệ thống thông tin, dữ liệu hải quan; trong đó Ban quản lý rủi ro thực hiện quản lý, ứng dụng 04 hệ thống: hệ thống thông tin quản lý rủi ro; hệ thống thông tin doanh nghiệp; hệ thống thông tin vi phạm và hệ thống thông tin trước về hàng hóa, phương tiện trước khi đến cảng.

– Lực lượng chuyên trách quản lý rủi ro thực hiện quản lý, vận hành hệ thống thông tin quản lý rủi ro để phục vụ kiểm tra điều kiện, chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan và đánhgiá rủi ro phân luồng trong thông quan hàng hóa.

Tóm lại, cho đến nay, về cơ bản ngành Hải quan đã triển khai khá toàn diện các hoạt động thu thập, xử lý thông tin và áp dụng kỹ thuật quản trị rủi ro phù hợp với tiêu chuẩn chung của Hải quan thế giới và thực tiễn của Việt Nam; Trong từng mặt công tác, đã hình thành các hoạt động nghiệp vụ có tính chuyên sâu. Quản lý rủi ro đã và đang từng bước thẩm thấu sâu và tạo nền tảng cho việc tiến hành các hoạt động nghiệp vụ trong thủ tục hải quan, đồng thời cung cấp thông tin, dữ liệu hỗ trợ cho các hoạt động nghiệp vụ hải quan khác.

Về công nghệ và tổ chức bộ máy

– Lực lượng chuyên trách quản trị rủi ro đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006; cho đến nay, lực lượng này đã từng bước được kiện toàn theo mô hình 03 cấp, với 845 cán bộ, công chức (CBCC). Hầu hết đội ngũ này được trang bị kiến thức nghiệp vụ cơ bản về quản trị rủi ro; một bộ phận trong số này đã được đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ chuyên sâu. Cụ thể như sau:

– Tại cơ quan Tổng cục: Ban Quản lý rủi ro hải quan, có 04 Tổ (tương đương cấp Phòng), với 57 CBCC.

– Cục Hải quan hiện tổ chức theo 03 mô hình: 10 Cục Hải quan có Phòng quản trị rủi ro, 13 Cục Hải quan có bộ phận quản trị rủi ro chuyên trách trực thuộc Phòng Tham mưu CBL và xử lý; và 11 Cục Hải quan có bộ phận quản trị rủi ro chuyên trách trực thuộc Phòng Nghiệp vụ. Tổng số CBCC tại cấp Cục là: 202 người.

– Chi cục Hải quan: có bộ phận quản trị rủi ro nằm trong đơn vị làm thủ tục hải quan. Tổng số CBCC cấp Chi cục hiện có trong toàn ngành là: 586 người

Hiệu quả thực tế mang lại cho công tác hải quan và cho doanh nghiệp

– Việc áp dụng quản lý rủi ro đã đạt được hiệu quả trong việc phân luồng tờ khai, kết quả phân luồng tờ khai tương đối chính xác. Điều này giúp loại bỏ việc kiểm tra tràn lan hàng hóa xuất nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan, giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, giảm chi phí và công sức.

– Quản lý rủi ro đã làm rút ngắn thời gian thông quan đối với lô hàng xuất khẩu. Thời gian thông quan hiện nay đối với 01 lô hàng xuất khẩu không vi phạm tối thiểu là 5-10 phút, tối đa từ 40 – 60 phút, đối với 01 lô hàng nhập khẩu không vi phạm tối thiểu là 5-15 phút, tối đa từ 120 – 150 phút).

– Việc áp dụng quản lý rủi ro trong quy trình thủ tục hải quan điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo chi cục trong việc quản lý, xử lý tờ khai.

– Việc áp dụng quản lý rủi trong quy trình thủ tục hải quan điện tử góp phần nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ của cộng đồng doanh nghiệp.

2 Một số vấn đề còn tồn tại

Về mặt pháp lý

– Cho đến nay, các nội dung quy định về quản lý rủi ro trong hệ thống các văn bản pháp luật về hải quan vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng, chưa đủ tầm cho việc triển khai áp dụng QTRR đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cụ thể:

– Luật Hải quan, khoản 1a Điều 15 quy định: “Kiểm tra hải quan được thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan để bảo đảm quản lý nhà nước về hải quan và không gây khó khăn cho hoạt động XK, NK”. Nội dung trên chưa chính thức hóa việc áp dụng quản trị rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan cũng như chưa thể hiện được nội dung, cách thức thực hiện quản trị rủi ro của ngành Hải quan.

– Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (năm 2012) quy định các nội dung áp dụng quản trị rủi ro trong quản lý thuế; tuy nhiên, việc quản lý thu thuế chỉ là một phần chức năng, nhiệm vụ của ngành Hải quan. Việc áp dụng quản trị rủi ro trong quản lý hàng hóa XNK, người, phương tiện XNC cần được bổ sung các quy định pháp luật cần thiết.

– Quyết định số 48/2008/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quy định về nguyên tắc, nội dung, biện pháp và trách nhiệm áp dụng QTRR trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Song, tầm pháp lý của văn bản này chưa cao; một số nội dung còn hạn chế ở quy định khung, chưa cụ thể hóa các công việc cần thực hiện trong công tác quản trị rủi ro.

– Đặc biệt, các văn bản pháp luật nói trên chưa quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan Hải quan. Điều này dẫn đến thiếu hành lang pháp lý trong việc tổ chức thu thập thông tin doanh nghiệp phục vụ quản lý, đánh giá chấp hành pháp luật của doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK.

Những vấn đề trên đã làm hạn chế về nhận thức và tổ chức thực hiện công tác quản trị rủi ro; đồng thời đây cũng là những khó khăn khi cơ quan hải quan triển khai các cơ chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc các Bộ, ngành liên quan cũng như trong quan hệ hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp.

Về quy trình nghiệp vụ quản lý rủi ro

Do hạn chế về nội dung quy định của pháp luật nêu trên nên hệ thống quy trình, quy định của ngành Hải quan về quản lý rủi ro cũng có những hạn chế tương tự, chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý rủi ro:

– Thiếu các quy định, cơ chế thống nhất về thu thập, cập nhật thông tin trong nội bộ ngành Hải quan;

– Chưa có quy trình quy định các nội dung cụ thể và cách thức thực hiện thu thập thông tin từ các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp;

– Các quy trình hướng dẫn thực hiện các biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro không còn phù hợp, như: áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro; xây dựng, quản lý hồ sơ rủi ro; quản lý tuân thủ doanh nghiệp…

Về thu thập, xử lý thông tin hải quan

Thông tin, dữ liệu đóng vai trò hết sức quan trọng trong quản lý hải quan hiện đại: là yếu tố quyết định cho áp dụng tự động hóa hải quan, là cơ sở cho việc áp dụng các kỹ thuật quản trị rủi ro, là căn cứ cho việc đưa ra các quyết định quản lý của cơ quan hải quan. Tuy vậy, thời gian qua công tác này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến những hạn chế, bất cập, gây cản trở không nhỏ trong việc triển khai thủ tục hải quan điện tử cũng như đáp ứng tiến trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa của ngành Hải quan, cụ thể:

– Về cơ chế: Thực trạng công tác thu thập, xử lý thông tin đang bị phân tán, chồng chéo; các biện pháp thu thập, xử lý thông tin đang trong quá trình định hình, chưa rõ nét. Hiện nay, trong ngành Hải quan đang tồn tại 03 hệ thống dọc thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về thu thập, xử lý thông tin, cụ thể: lực lượng quản trị rủi ro chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin phục vụ quản trị rủi ro; mảng thu thập, xử lý thông tin thuộc lực lượng kiểm soát hải quan thực hiện thu thập, xử lý thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại; mảng thu thập, xử lý thông tin thuộc lực lượng kiểm tra sau thông quan thực hiện phân tích rủi ro để lựa chọn kiểm tra sau thông quan. Thực tế tổ chức công tác này ở các cấp đơn vị đang có sự chồng chéo; nhiều thông tin quan trọng phục vụ quản lý rủi ro chưa được thu thập, cập nhật, quản lý. Cụ thể như: việc thu thập, quản lý thông tin doanh nghiệp đều do cả 03 đơn vị nêu trên thực hiện; Việc đánh giá rủi ro doanh nghiệp do cả 2 đơn vị quản trị rủi ro và kiểm tra sau thông quan thực hiện; thường thì kết quả đánh giá của 2 đơn vị có sự khác nhau… Thông tin về phương tiện xuất nhập cảnh, tổ chức, cá nhân… chưa được thu thập một cách đầy đủ.

Cơ chế thu thập, trao đổi, phản hồi thông tin trong phạm vi ngành chưa đi vào nền nếp, hiệu quả thấp; thiếu sự liên thông và chia sẻ thông tin. Tại một số cấp, đơn vị còn hiện tượng cục bộ, cát cứ thông tin. Việc tổ chức phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa ngành Hải quan với các cơ quan, đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập.

– Về thông tin, dữ liệu:

+ Hệ thống thông tin, dữ liệu còn phân tán dẫn đến việc xử lý dữ liệu không đảm bảo thời gian thực hiện, kết quả xử lý còn thiếu tính thống nhất, thậm chí đôi khi thiếu chính xác.

+ Dữ liệu trên hệ thống thông tin nghiệp vụ, đặc biệt là danh mục mã số hàng theo biểu thuế, theo chế độ chính sách quản lý, chưa được chuẩn hóa. Điều này làm hạn chế rất lớn đến việc xử lý dữ liệu tự động trong thủ tục hải quan điện tử;

+ Việc quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu còn lỏng lẻo, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong ngành: có những thời điểm sử dụng cả 02 danh mục biểu thuế cũ (đã hết hiệu lực) và mới; dữ liệu trên hệ thống khi xử lý còn sai lệch nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu cho việc nhận biết và kiểm soát…

– Về sản phẩm thông tin nghiệp vụ:

+ Còn nghèo nàn, thiếu tính dự báo định hướng cho ngành Hải quan trong công tác quản lý;

+ Các thông tin nghiệp vụ còn nhỏ lẻ, thiếu tính bao quát; ít thông tin có tính chiều sâu;

+ Các sản phẩm thông tin được tạo ra nhưng phần lớn vẫn bị cát cứ ở các đơn vị tác nghiệp, chưa có sự chia sẻ kịp thời cho các đơn vị nghiệp vụ liên quan để chủ động ứng phó trên từng lĩnh vực công tác.

Những tồn tại nêu trên đã dẫn đến tình trạng đơn vị hải quan tại các cấp thường bị động, thiếu thông tin phục vụ công tác quản lý. Điều này cũng làm hạn chế đến chất lượng, hiệu quả công tác chung của toàn ngành.

Về tổ chức triển khai áp dụng quản lý rủi ro

Hiện nay, việc áp dụng quản trị rủi ro trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK thương mại còn hạn chế về chất lượng, hiệu quả, cụ thể:

– Tiêu chí quản trị rủi ro còn cứng nhắc chủ yếu dựa trên chế độ chính sách và quy trình, quy định. Tỷ trọng tiêu chí phân tích còn quá thấp so với Bộ tiêu chí được áp dụng trên hệ thống (chiếm khoảng 12% tổng số tờ khai được lựa chọn kiểm tra theo tiêu chí). Việc đánh giá, điều chỉnh, bổ sung tiêu chí chưa linh hoạt, kịp thời;

– Năng lực phân tích, đánh giá rủi ro còn hạn chế, thiếu tính dự báo; khả năng đối phó với các nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại còn chậm, thậm chí bị động. Công tác đánh giá và xử lý những rủi ro trong chính sách, quy trình, thủ tục cũng như việc sử dụng nguồn lực của ngành Hải quan chưa được quan tâm thực hiện; trong khi chất lượng đánh giá rủi ro chiến thuật và tác nghiệp còn yếu, tỷ lệ phát hiện vi phạm từ kiểm tra thực tế hàng hoá có chuyển biến tích cực nhưng chưa cao (khoảng 2%);

– Công tác xây dựng, quản lý, ứng dụng hồ sơ doanh nghiệp, hồ sơ rủi ro còn mang tính hình thức; thông tin chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời. Việc thu thập thông tin doanh nghiệp còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất, chồng chéo giữa các đơn vị;

– Hoạt động đo lường, đánh giá tuân thủ trong hoạt động XNK mới được thực hiện ở một số công việc đơn lẻ, chưa hình thành một công tác nghiệp vụ cơ bản trong quy trình tổng thể về quản trị rủi ro; do vậy chưa phát huy được vai trò định hướng cho các hoạt động nghiệp vụ hải quan cũng như việc điều tiết hỗ trợ cho công tác đánh giá rủi ro của ngành Hải quan;

– Hoạt động theo dõi, đánh giá chấp hành pháp luật của doanh nghiệp mới được thực hiện qua bộ tiêu chí “cứng”, thiếu tính đầy đủ, khoa học; chủ yếu dựa vào thông tin trên hệ thống, hầu như chưa có sự tham gia của cán bộ, công chức vào việc đánh giá này. Kết quả đánh giá còn thiếu tính chính xác. Hiện nay ngành Hải quan chưa có một quy trình đầy đủ cho việc quản lý, theo dõi, đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp;

Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý rủi ro

– Hệ thống thông tin, dữ liệu còn phân tán, chưa được nâng cấp, xây dựng kịp thời. Hầu hết thông tin từ các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành chưa được kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin của ngành Hải quan.

– Việc đầu tư, xây dựng phát triển các hệ thống ứng dụng thông tin còn dàn trải, chồng chéo, thiếu sự quy hoạch tổng thể thống nhất; đặc biệt khi xây dựng đã để xảy ra tình trạng một số hệ thống có sự sao chép giống nhau về chức năng, cách thức quản lý vận hành. Ví dụ như: hệ thống thống thông tin quản trị rủi ro (Riskman) – hệ thống thông tin nghiệp vụ của chống buôn lậu (Ci02) – hệ thống thông tin kiểm tra sau thông quan (STQ01) cùng tồn tại hồ sơ doanh nghiệp, cùng có chức năng đánh giá rủi ro… Điều này gây khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện; lãng phí về nguồn nhân lực; lãng phí ngân sách nhà nước trong việc xây dựng hệ thống.

– Phần mềm hệ thống chưa đồng bộ; còn nhiều bất cập trong quá trình xây dựng chưa được chỉnh sửa nâng cấp kịp thời. Hệ thống còn thiếu công cụ cho việc truy cập, khai thác, phản hồi thông tin, dữ liệu và phục vụ phân tích, đánh giá rủi ro.

– Hạ tầng mạng còn yếu; hiện tượng lỗi, tắc nghẽn hệ thống, dữ liệu bị thất lạc hoặc sai lệch vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Việc xử lý dữ liệu rủi ro không đảm bảo yêu cầu thời gian.

Về Tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách quản lý rủi ro

– Đánh giá thực trạng cho thấy, mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chuyên trách quản lý rủi ro tại các cấp hiện nay chưa cao, khó đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cũng như tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan. Việc không phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, thiếu sự liên thông kết nối chia sẻ thông tin qua một đầu mối quản lý chuyên ngành thống nhất của cách thức tổ chức nêu trên đã dẫn đến sự phân tán, không gắn kết trong các hoạt động nghiệp vụ; đặc biệt tồn tại những “khoảng trống” trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các đơn vị. Điều này cũng dẫn đến sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực; gây khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động thu thập, xử lý thông tin và áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro.

– Cán bộ, công chức làm công tác quản trị rủi ro tại hầu hết đơn vị hải quan các cấp chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Đa phần là mới tuyển dụng hoặc mới luân chuyển công tác nên kiến thức, kinh nghiệm về quản trị rủi ro còn hạn chế; thậm chí, một bộ phận không nhỏ CBCC chuyên trách nhưng chưa có hiểu biết đầy đủ về công tác này.

– Công tác luân chuyển cán bộ chưa phù hợp, chủ yếu thiên về công tác tổ chức, sắp xếp nhân sự trong khi chưa tính đến nhu cầu công việc của từng cấp, đơn vị, đặc thù trong từng lĩnh vực chuyên môn, cũng như yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kinh nghiệm của CBCC thông qua luân chuyển. Điều này dẫn đến việc luân chuyển CBCC về đơn vị quản trị rủi ro nhưng chưa có sự chuẩn bị đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị rủi ro cho số này. Ngược lại, có nhiều CBCC sau khi được đào tạo và tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm về quản trị rủi ro lại được chuyển đổi sang đơn vị khác.

– Công tác chỉ đạo, điều hành quản trị rủi ro giữa các cấp, đơn vị còn kém hiệu quả. Một số văn bản chỉ đạo còn chồng chéo, không thống nhất, thậm chí không đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.

Hiệu quả thực tế mang lại cho công tác hải quan và cho doanh nghiệp

– Việc áp dụng không đồng bộ hệ thống quản lý rủi ro giữa thủ công và điện tử làm phát sinh những bất cập, ảnh hưởng đến kết quả xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử. Nếu áp dụng toàn bộ hệ thống quản lý rủi ro của hải quan thủ công cho hải quan điện tử thì kết quả không chính xác, hệ thống xử lý rất chậm; ngược lại nếu áp dụng phối hợp giữa 2 hệ thống thì cán bộ công chức gặp khó khăn trong việc làm thủ tục, phải đối chiếu thông tin từ 3 hệ thống thay vì chỉ một hệ thống như hải quan thủ công, điều này làm giảm hiệu quả công việc của công tác hải quan.

– Việc áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong phân luồng hàng hóa chưa đưa ra được mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa (kiểm tra sác xuất 5, 10 hay 100%). Đây là nội dung tương đối phức tạp vì vậy hiện tại vẫn do cán bộ hải quan đề xuất trên cơ sở kinh nghiệm và thực tế hồ sơ dẫn tới sự thiếu khách quan và thiếu hiệu quả.

– Quản lý rủi ro chưa được áp dụng trong các nghiệp vụ khác của ngành hải quan như quản lý hành khách xuất nhập cảnh, quản lý phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, … điều này gây ra những ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả quản lý rủi ro trong phân luồng hàng hóa. Ví dụ việc có đầy đủ thông tin về quá trình xuất nhập cảnh của chủ doanh nghiệp sẽ giúp đánh giá rủi ro của hàng hóa do doanh nghiệp xuất khẩu/nhập khẩu chính xác hơn.

Đánh giá việc áp dụng quản trị rủi ro trong thủ tục hải quan điện tử ở Việt Nam

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?