Vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tái cơ cấu nền kinh tế

cấu trúc vốn

Vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tái cơ cấu nền kinh tế

Để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thành công đòi hỏi phải có các nguồn lực về tài chính, trí tuệ, tài nguyên,… và sử dụng nhiều công cụ khác nhau, trong đó có công cụ thuế và đặc biệt là thuế TNDN có vai trò quan trọng cho tái cơ cấu nền kinh tế.

Về lý thuyết, thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những sắc thuế quan trọng nhất trong hệ thống thuế nó thực hiện vai trò của hệ thống thuế nói chung, đó là: Huy động nguồn lực cho NSNN và Thực hiện điều tiết kinh tế vĩ mô.

(i) Huy động nguồn lực cho NSNN là chức năng vốn có đầu tiên ngay từ khi thuế xuất hiện và phát triển cho tới ngày nay. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình kinh tế xã hội ở mỗi quốc gia trên thế giới mà nguồn thu cho ngân sách nhà nước có khác nhau, song tựu chung lại thì sẽ bao gồm những bộ phận như: tài nguyên, tài sản, thuế, phí và lệ phí, trong đó số thu từ thuế thường chiếm khoảng 80 – 90% tổng số thu NSNN hàng năm ở rất nhiều các quốc gia trên thế giới.

(ii) Điều tiết kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, đặc biệt là kinh tế hàng hóa thì nhà nước đã đóng vai trò ngày càng lớn trong quản lý, điều hành nền kinh tế nhằm hạn chế những bất cập của kinh tế thị trường. Để thực hiện vai trò này, nhà nước đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau, song trong đó tài chính, thuế là một trong những công cụ rất mạnh và có hiệu quả cao. Với hệ thống nhiều sắc thuế, mỗi một sắc thuế lại có những tác động lớn tới những mặt khác nhau của đời sống kinh tế, nên thuế có vai trò lớn trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, bằng biện pháp giảm thuế suất, mở rộng ưu đãi thuế có thể thúc đẩy đầu tư, đẩy mạnh sản xuất để có tăng trưởng cao vượt qua khó khăn về tăng trưởng. Khi lạm phát có dấu hiệu tăng cao, thuế có thể tác động làm giảm giá hàng tiêu dùng, giảm chi phí sản xuất và tác động làm cho lạm phát giảm. Thuế có vai trò lớn trong việc tác động tới quan hệ tích lũy – tiêu dùng, đầu tư – tiết kiệm, cân đối tiền – hàng, thúc đẩy xuất khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước, kiểm soát và định hướng tiêu dùng, thực hiện công bằng xã hội, khuyến khích hay hạn chế sự phát triển của một ngành, một sản phẩm cụ thể cũng như có tác động làm cho nền kinh tế phát triển hài hòa, bền vững. Đó chính là vai trò quan trong của thuế mà các chính phủ đã khai thác, sử dụng để phục vụ cho thực hiện các chức năng của nhà nước là quản lý, kiểm soát nền kinh tế, khắc phục những thiếu sót của kinh tế thị trường.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, với vị trí là một trong những sắc thuế quan trọng nhất của hệ thống thuế nên nó có đầy đủ những chức năng, vai trò của hệ thống thuế nói chung. Bên cạnh đó, điểm mạnh của sắc thuế này còn thể hiện qua việc nội dung sắc thuế này có quy định rất rõ về: (i) thuế suất phổ thông (hiện nay ở Việt nam là 20%), thuế suất ưu đãi (dưới 20%) và (ii) những quy định về miễn giảm thuế (miễn cao nhất là 4 năm và giảm 50% trong thời hạn 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế); (iii) quy định cho phép chuyển lỗ trong thời hạn 5 năm; (iv) quy định về trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ từ lợi nhuận trước thuế và rất nhiều các quy định khác nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn kinh doanh vào những ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư phát triển. Những quy định đó đã tạo những điều kiện tốt cho hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý, cơ cấu đầu tư phù hợp hay nói cách khác là góp phần thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, việc có những quy định về miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đã có tác động tích cực khuyến khích những ngành nghề, những lĩnh vực phát triển theo định hướng và chính sách phát triển kinh tế của nhà nước, nhưng nếu không cẩn trọng thì điều đó lại tạo ra môi trường đầu tư bất bình đẳng và bị các doanh nghiệp lợi dụng tạo ra cơ cấu kinh tế mất cân đối hay nói cách khác là tạo ra sự méo mó trong nền kinh tế, làm suy giảm hiệu quả, hiệu lực của chính sách.

Về cơ chế tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp tới nền kinh tế. Thuế thu nhập doanh nghiệp là sắc thuế trực thu, nên việc tăng giảm thuế sẽ ngay lập tức tác động tới thu nhập cũng như lợi ích của nhà đầu tư. Ví dụ, khi chính phủ tăng thuế, nhà đầu tư sẽ phải nộp thuế nhiều hơn, thu nhập sẽ giảm đi và trong trường hợp đó sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư gia tăng tích lũy, tăng tiết kiệm để mở rộng đầu tư. Đặc biệt, nếu lợi ích thu được từ đầu tư không đảm bảo theo như kỳ vọng do tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, họ sẽ cân nhắc hoặc thu hẹp và thậm chí là dừng đầu tư, gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất thay vì đầu tư sản xuất…Khi đầu tư bị thu hẹp sẽ có tác động tới cân đối cung cầu làm cho hàng hóa trên thị trường khan hiếm, giá cả sẽ biến động theo chiều hướng tăng, thất nghiệp gia tăng, thu ngân sách nhà nước giảm… và có khả năng dẫn tới bất ổn định trong nền kinh tế. Ngược lại, khi giảm thuế sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tăng tích lũy vốn, tăng tiết kiệm và mở rộng đầu tư để có lợi nhuận nhiều hơn và điều đó cũng làm cho kinh tế sẽ phát triển mạnh hơn. Như vậy, khi thuế thu nhập doanh nghiệp thay đổi sẽ dẫn tới sự thay đổi của đầu tư, tiết kiệm; tích lũy, tiêu dùng và các cân đối quan trọng trong nền kinh tế và điều đó cũng sẽ dẫn tới những thay đổi về cơ cấu của nền kinh tế.

Ngoài ra, trong thực tiễn nghiên cứu tác động của thuế tới nền kinh tế cũng có nhiều đề cập tới đường cong Laffer. Theo đó, đường cong Laffer là sự miêu tả mối quan hệ giữa các mức thuế suất áp dụng với tổng số thuế thu được. Khi thuế suất thay đổi sẽ tạo ra độ co giãn đối với thu nhập chịu thuế, hay nói cách khác là thu nhập chịu thuế sẽ thay đổi theo các mức thuế suất khác nhau (thuế suất có thể thay đổi trong khoảng giao động từ 0% đến 100%). Như vậy, tổng số thuế thu được sẽ có các mức là 0 khi thuế suất bằng 0% và 100%, đồng thời cũng sẽ có tổng mức thuế thu được là cực đại khi thuế suất ở một mức độ nào đó. Đường cong Laffer (với tổng mức thuế thu được là Q và mức thuế suất là t) được thể hiện như sau:

Mối quan hệ giữa tổng số thuế thu được và thuế suất được giải thích là:

(i) Trường hợp không thu thuế (đồng nghĩa với áp dụng thuế suất bằng 0%) thì tổng số thuế thu được là bằng 0, do: số thuế thu được = cơ sở thuế x thuế suất).

(ii) Trường hợp khi áp dụng mức thuế suất 100% thì tổng số thuế thu được cũng bằng 0, do những đối tượng nộp thuế bị thu toàn bộ số thu nhập nhận được từ sản xuất kinh doanh và do vậy họ sẽ không thực hiện kinh doanh nữa, thu nhập chịu thuế bằng 0 và tổng số thu cũng bằng 0.

Hơn nữa, khi thay đổi thuế suất từ 0% đến 100% sẽ có các mức thuế thu được khác nhau và trong số đó sẽ có mức thu lớn nhất. Tuy nhiên, trong thực tế thì hầu như không thể tìm được mức thuế suất nào là có thể đem lại tổng số thuế thu được là cực đại.

Việc nghiên cứu và những kết luận về đường cong Laffer trong thực tiễn cũng còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, song vấn đề không thể phủ nhận đó là, đường cong Laffer đã chứng minh về những tác động của thay đổi thuế suất tới việc tạo ra thu nhập chịu thuế hay nói cách khác là những tác động của thuế suất tới sản xuất kinh doanh, tới nền kinh tế, cơ cấu nền kinh tế.

Cụ thể và chi tiết hơn, vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tái cơ cấu nền kinh tế còn được thể hiện thông qua những nội dung sau:

– Thuế thu nhập doanh nghiệplà khoản thu lớn của NSNN, tạo nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Nhu cầu chi tiêu của NSNN ngày càng tăng, trong đó có khoản chi phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu chi tiêu tăng lên đó yêu cầu đặt ra đối với thuế  nói chung và đối với thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng là phải huy động kịp thời số thu, bao quát hết số thu cần thiết và bồi dưỡng nguồn thu cho NSNN. Ở các nước phát triển thuế TNDN công ty thông thường chiếm khoảng từ 20% đến 25% tổng số thu từ thuế. Ở Việt Nam, tỷ trọng thuế TNDN trong tổng số thu ngân sách nhà nước hàng năm chiếm khoảng 25 – 30%. Với việc đóng góp số thu lớn, nhà nước có thể sử dụng nguồn lực này để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư phát triển các ngành, vùng kinh tế trọng điểm, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, tạo tiền đề phát triển kinh tế bền vững.

– Thuế thu nhập doanh nghiệp góp phần định hướng, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Vai trò này thể hiện như sau:

+ Thuế TNDN tác động đến quy mô và cơ cấu nền kinh tế. Thuế  TNDN được sử dụng để góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý theo yêu cầu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn. Trong từng thời kỳ phát triển, nhà nước có thể ban hành và áp dụng các chế độ thuế phân biệt, thuế ưu đãi đối với các ngành kinh tế khác nhau, thúc đẩy sự phát triển các ngành thuộc diện ưu tiên, khuyến khích, tạo động lực cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Nói cách khác, đối với những ngành nghề cần khuyến khích phát triển, có thể áp dụng các ưu đãi thuế, áp dụng thuế suất thấp nhằm thu hút vốn đầu tư; ngược lại là tăng thuế.

Như vậy, bằng việc điều chỉnh chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo định hướng phân biệt có thể góp phần thúc đẩy một ngành, một lĩnh vực phát triển, đồng thời hạn chế những ngành phát triển quá nóng, gây mất cân đối nền kinh tế. Những điều chỉnh về thuế suất, diện và mức độ ưu đãi đã có tác động lớn tới nền kinh tế và góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo ngành, theo vùng, theo khu vực sở hữu.

+ Thuế thu nhập doanh nghiệp có tác động lớn tới hình thành vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Vốn của doanh nghiệp hàng năm được bổ sung từ nhiều nguồn, song trong đó một bộ phận rất quan trọng là từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Quy mô vốn bổ sung từ lợi nhuận lớn hay nhỏ là phụ thuộc trước hết vào quy mô lợi nhuận của doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh hàng năm. Tăng quy mô lợi nhuận của doanh nghiệp có thể thực hiện thông qua nhiều cách, song quan trọng nhất là (i) Tăng quy mô lợi nhuận thông qua mở rộng sản xuất kinh doanh; (ii) Tăng quy mô lợi nhuận thông qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và (iii) tăng quy mô lợi nhuận thông qua việc giảm điều tiết thu thuế TNDN của Nhà nước. Trong các phương thức tăng quy mô vốn của doanh nghiệp này thì việc hạ thấp mức động viên thuế TNDN là thuộc chủ trương của Nhà nước. Chính phủ thực hiện giảm thuế TNDN sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nhanh tích luỹ và tích tụ vốn. Như vậy, việc thay đổi chính sách thuế TNDN sẽ tác động ảnh hưởng đến quy mô và tốc độ tích luỹ vốn, do đó tác động đến quá trình tái cơ cấu đầu tư, tác động đến mức độ tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế.

+ Thuế thu nhập doanh nghiệp có tác động đến điều tiết việc làm và thất nghiệp. Khi nền kinh tế có dấu hiệu trì trệ hoặc trong tình trạng suy thoái, thì Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, tăng quy mô các khoản chi tiêu của chính phủ, giảm thuế TNDN để khuyến khích tăng tích lũy, tăng đầu tư, tạo việc làm và tác động làm tăng tổng cầu, tăng cung của nền kinh tế, tạo điều kiện cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo đà cho phát triển. Nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, cơ cấu mới được hình thành một cách bền vững hơn, hợp lý hơn và tạo điều kiện cho kinh tế phát triển ổn định và bền vững[50].

Vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tái cơ cấu nền kinh tế

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

2 thoughts on “Vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tái cơ cấu nền kinh tế

  1. Pingback: Các điều kiện cần thiết để phát huy vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tái cơ cấu nền kinh tế - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  2. Pingback: Kinh nghiệm của Trung quốc trong sử dụng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?