Cách thức sử dụng thuế thu nhập doanh nghiệp để tác động đến tái cơ cấu nền kinh tế

Chính sách tỷ giá

Cách thức sử dụng thuế thu nhập doanh nghiệp để tác động đến tái cơ cấu nền kinh tế

Thay đổi gánh nặng thuế. Gánh nặng thuế là sức chịu đựng của người nộp thuế trong phạm vi khả năng chịu thuế của mình. Thay đổi gánh nặng thuế có nghĩa là thay đổi sức chịu đựng thuế so với khả năng nộp thuế, biểu hiện bằng thay đổi mức thu thuế. Khi thay đổi gánh nặng thuế sẽ tác động đến hành vi tiết kiệm và tích luỹ của người nộp thuế, do đó ảnh hưởng đến quy mô và tốc độ đầu tư, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm. Thay đổi gánh nặng thuế được coi là một phương pháp quan trọng trong việc sử dụng thuế thu nhập doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo cơ cấu kinh tế phù hợp.

Áp dụng các mức thuế suất khác nhau. Thông qua việc quy định các mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau cho từng lĩnh vực, ngành nghề mà tác động đến việc khuyến khích hay hạn chế sự phát triển những ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo định hướng của Nhà nước. Phương pháp áp dụng thuế suất khác nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên cơ sở tác động lan truyền của thuế. Sự tác động này đã dẫn đến sự phân bổ lại nguồn lực xã hội, tập trung vào những ngành nghề, mặt hàng có mức thuế thấp. Việc đánh thuế TNDN theo thuế suất khác nhau đã có tác động phân hóa ngành nghề, lĩnh vực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế có lợi cho nền kinh tế.

Áp dụng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Các ưu đãi thuế là hình thức cho người nộp thuế được hưởng những điều kiện thuận lợi hơn khi nộp thuế. Tuỳ thuộc vào yêu cầu quản lý và yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ mà Nhà nước có thể mở rộng hay thu hẹp phạm vi, gia tăng mức độ cũng như giảm thấp quy mô và mức độ của các ưu đãi thuế để khuyến khích tăng tích luỹ vốn cho đầu tư phát triển ở các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư phát triển kinh tế, đổi mới công nghệ, kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả của sản xuất kinh doanh. Các hình thức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp rất đa dạng, có thể kể đến như:

– Miễn toàn bộ hoặc một phần thuế thu nhập đối với một số hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với các hoạt động cần tạo điều kiện phát triển trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thì có thể áp dụng hình thức ưu đãi này. Nhìn chung, khi thực hiện hình thức ưu đãi thông qua việc miễn toàn bộ hoặc một phần thuế thu nhập trong một thời kỳ nhất định, cần cân nhắc ba yếu tố quan trọng sau:

Thứ nhất, thời gian của kỳ ưu đãi thuế. Khi xác định độ dài của kỳ ưu đãi thuế cần phải cân nhắc cả hai mặt: một là sức hấp dẫn với các nhà đầu tư và mặt còn lại là chi phí đối với ngân sách nhà nước. Xu hướng những năm gần đây là kéo dài kỳ ưu đãi thuế.

Thứ hai, thời điểm bắt đầu có hiệu lực, trong đó, cần quan tâm đến: thời điểm sáp nhập hoặc đăng ký của doanh nghiệp, thời điểm bắt đầu sản xuất hoặc kinh doanh, thời điểm doanh nghiệp bắt đầu có thu nhập hoặc năm doanh nghiệp lần đầu tiên có lãi.

Thứ ba, mối liên hệ giữa các quy định về kỳ ưu đãi thuế với các quy định của hệ thống thuế thông thường, đặc biệt là với các quy định về khấu hao và chuyển lỗ. Trong đó, cần quan tâm đến các vấn đề: (i) có thể chấm dứt ưu đãi qua việc tăng trích khấu hao khi kỳ ưu đãi thuế chấm dứt hay không? (ii) nhiều khoản lỗ phát sinh trong kỳ ưu đãi thuế liệu có được chuyển lỗ không? và (iii) nếu có thì trong khoảng thời gian bao lâu?

Thời kỳ ưu đãi thuế ngắn thường có giá trị hạn chế hoặc không mấy thu hút đối với các nhà đầu tư tiềm năng và ít khi đạt hiệu quả trong việc thu hút đầu tư vào các dự án trung và dài hạn. Các dự án đầu tư trung dài hạn thường phải mất vài năm mới thể hiện có lãi mà tới lúc đó thì kỳ ưu đãi thuế thường đã kết thúc. Thời kỳ ưu đãi thuế ngắn thường có giá trị nhất đối với các dự án đầu tư dự tính có lãi nhanh và vì vậy thường hiệu quả trong thu hút đầu tư vào các hoạt động hướng tới xuất khẩu như dệt may. Thời kỳ ưu đãi thuế kéo dài có thể hấp dẫn đầu tư nhưng lại làm tăng chi phí đối với Nhà nước vì trong thời gian ưu đãi thuế Nhà nước không thu được thuế. Hơn nữa, ưu đãi thuế rất dễ dẫn đến việc bị lạm dụng và tạo ra các cơ hội cho việc tránh thuế.

– Giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số hoạt động. Có thể áp dụng giảm thuế suất thuế TNDN vĩnh viễn hoặc tạm thời cho một số hoạt động cụ thể cần khuyến khích phát triển trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Hình thức này có tác dụng tốt đối với việc thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư, có ảnh hưởng tích cực đến việc khuyến khích phát triển một số lĩnh vực nhất định, dễ dàng hơn trong quản lý và các chi phí về số thu minh bạch hơn. Tuy nhiên, hình thức này có thể có những hạn chế như:

+ Khó khăn trong việc phân định và quản lý lợi nhuận nào đạt tiêu chuẩn được hưởng mức thuế suất thấp.

+ Thường tạo cơ hội tránh thuế do các DN phải chịu thuế suất cao chuyển lợi nhuận sang các DN chịu thuế thấp hơn qua phương thức chuyển giá.

Đối với các nhà đầu tư hiện hữu thì đây là một khoản lợi “Trời cho” mà có thể gây bất công bằng cho những nhà đầu tư không cùng lĩnh vực.

– Giảm trừ thuế cho đầu tư là hình thức bổ sung hoặc thay thế cho kỳ ưu đãi thuế mà chính phủ một số nước áp dụng. Giảm trừ thuế cho đầu tư bao gồm hai dạng: khấu trừ đầu tư và khấu trừ thuế cho đầu tư. Khấu trừ đầu tư làm giảm thu nhập chịu thuế trong khi khấu trừ thuế cho đầu tư lại căn cứ vào số thuế phải nộp.

Có thể áp dụng khấu trừ đầu tư và khấu trừ thuế cho đầu tư cho tất cả các hình thức đầu tư vốn hoặc chỉ áp dụng giới hạn cho một số nhóm cụ thể như đầu tư vào máy móc hoặc thiết bị có công nghệ tiên tiến, hoặc đầu tư vốn vào một số hoạt động như nghiên cứu và phát triển hoặc trong trường hợp đầu tư vào một số ngành cần khuyến khích trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đôi khi tiêu chuẩn này chỉ giới hạn cho phần vốn góp vào vốn điều lệ của doanh nghiệp. Áp dụng hình thức này sẽ khuyến khích đầu tư bằng nguồn vốn chủ sở hữu.

Thông thường các nhà đầu tư thường thiên về các khấu trừ thuế đầu tư hơn là kỳ ưu đãi thuế xét về hầu hết các khía cạnh như:

Các ưu đãi này thường áp dụng trong thời gian hạn chế.

Chi phí của các ưu đãi thường gắn trực tiếp với số vốn đầu tư vì vậy không cần có ngưỡng tối thiểu để đạt tiêu chuẩn hưởng ưu đãi.

Dễ dàng xác định chi phí tối đa của các ưu đãi này.

Giảm trừ thuế cho đầu tư có thể là mức cố định hoặc tăng dần. Giảm trừ thuế cố định cho đầu tư là tỷ lệ cố định được hưởng trên chi phí đầu tư phát sinh từ nguồn vốn đủ tiêu chuẩn hưởng ưu đãi (vốn mục tiêu) trong một năm. Ngược lại, giảm trừ thuế tăng dần cho đầu tư là tỷ lệ cố định được hưởng từ chi phí đầu tư vượt trội đủ tiêu chuẩn hưởng ưu đãi trong năm. Chi phí này về đặc điểm là tính theo căn cứ trung bình và thường dao động (ví dụ là chi phí đầu tư trung bình của đối tượng nộp thuế trong ba năm trước đó). Mục đích của giảm trừ thuế tăng dần là cải thiện việc hướng các ưu đãi vào các khoản chi phí tăng dần mà nếu không có ưu đãi thì không phát sinh các chi phí này. Tuy nhiên hướng áp dụng ưu đãi này không được bảo đảm do các nhà đầu tư có thể đã dự tính tăng chi phí đầu tư vượt quá các ngưỡng trong các năm trước, đồng thời cũng mang lại lợi ích hạn chế hoặc thậm chí không có lợi cho các doanh nghiệp có mức đầu tư giảm trước khi được hưởng ưu đãi (có thể do họ mới mở rộng vốn đầu tư với quy mô lớn xong hoặc đang gặp khó khăn do thị trường suy thoái). Tuy nhiên có thể đây lại là thời điểm mà các nhà làm chính sách muốn bắt đầu các ưu đãi đầu tư.

Các khoản khấu trừ thuế chung và theo mục tiêu áp dụng đối với các dự án đủ điều kiện theo một tỷ lệ nhất định sẽ trực tiếp làm giảm thiểu nghĩa vụ thuế doanh nghiệp mà các nhà đầu tư phải nộp nếu như không có cơ chế này. Điểm khác biệt giữa cơ chế này và cơ chế giảm thuế là việc áp dụng khấu trừ thuế đầu tư không phụ thuộc vào mức thuế suất thuế thu nhập trong luật là bao nhiêu. Ngoài ra, khác với cơ chế giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị của cơ chế khấu trừ thuế đầu tư được xem như là một khoản trợ cấp trả trước cho các nhà đầu tư đối với chi phí huy động nguồn vốn và chỉ áp dụng đối với các hoạt động đầu tư mới.

Cơ chế này cho phép nhà đầu tư được hưởng mức giảm trừ về thuế suất thực tế cao hơn và chi phí áp dụng cũng thấp hơn nếu như tính đến sự tác động của thuế đối với chi phí cận biên và doanh thu cận biên. Cơ chế ưu đãi thông qua giảm mức thuế suất được áp dụng đối với cả những khoản vốn mới cũng như những khoản vốn đã được đầu tư trước đó.

– Khấu hao nhanh chi phí vốn là hình thức ưu đãi, quy định khấu hao với tỷ lệ cao hơn so với thông thường, dẫn tới trong những năm đầu sử dụng tài sản thì khấu hao tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập tính thuế tăng và hệ quả là thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp giảm.

– Ưu đãi đối với các khu kinh tế đặc biệt. Các khu kinh tế “đặc biệt” được thành lập với mục tiêu chủ yếu là để thu hút vốn đầu tư, thực hiện theo một số hình thức nhất định, và phục vụ cho một số mục tiêu cụ thể nào đó. Các khu này thường được gọi với nhiều tên khác nhau, trong đó những tên thường gặp là khu phi thuế quan, khu thương mại nước ngoài, khu thương mại tự do, cảng tự do, khu chế xuất (EPZ), khu thương mại quốc tế, khu kinh tế tự do và đặc khu kinh tế. Để khuyến khích đầu tư vào các khu kinh tế đặc biệt, thuế suất thuế TNDN ở các khu này có thể thấp hơn, hoặc thời gian ưu đãi thuế dài hơn[7].

Việc áp dụng các ưu đãi thuế có sự ưu tiên cho ngành nghề/lĩnh vực/ địa bàn này so với ngành nghề/lĩnh vực/ địa bàn khác sẽ có tác động tái phân bổ nguồn lực trong xã hội, góp phần tái cơ cấu vốn đầu tư, tái cơ cấu ngành kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế theo địa bàn. Khi xem xét về tác động của ưu đãi thuế, chúng ta cũng cần phải xem xét đến tác động lan truyền của thuế. Cụ thể:

Trước hết hãy giả định rằng tổng cung về vốn cho nền kinh tế là cố định và toàn bộ được sử dụng cho việc đầu tư vào các doanh nghiệp.

Với giả định như vậy, tác động của thuế đánh vào lợi nhuận của doanh nghiệp có thể phân tích theo từng giai đoạn như sau:

Thời gian đầu, gánh nặng thuế sẽ do chủ sở hữu vốn (chủ công ty và các cổ đông) gánh chịu. Vì cho dù họ muốn bán số vốn đã đầu tư vào công ty để chuyển sang khu vực không bị đánh thuế thì họ cũng không thể bán với giá ban đầu P0 (giá chưa có thuế). Sau khi có thuế, giá bán cổ phiếu chỉ còn là P0(1-t) vì người mua chỉ chấp nhận mua với giá mà sau khi nộp thuế, tỷ suất lợi nhuận vẫn đảm bảo như đầu tư vào khu vực không bị đánh thuế.

Trong thời gian dài hơn thì luồng vốn cung cấp cho công ty bị đánh thuế không thể cố định mà sẽ co giãn. Cụ thể là:

– Do tỷ suất lợi nhuận sau thuế giảm làm cho số vốn cung cấp vào công ty giảm, từ đó sản lượng sản xuất sản phẩm chịu thuế giảm (cung về sản phẩm giảm). Việc giảm sản lượng sản xuất sẽ kéo theo giá cả tăng và do vậy tỷ suất lợi nhuận của số vốn còn lại sẽ tăng lên.

– Khu vực không bị đánh thuế thì ngược lại: vốn cung cấp cho khu vực này sẽ tăng, làm cho sản lượng tăng, giá của sản phẩm sẽ giảm và tỷ suất lợi nhuận vốn giảm.

Sự tăng giảm lợi nhuận ở hai khu vực chỉ dừng lại khi chúng cân bằng nhau theo quy luật “tỷ suất lợi nhuận bình quân”.

Trên đây giả thiết là cung về vốn là cố định và toàn bộ được dùng để đầu tư cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu những giả thiết này không được đảm bảo thì vẫn có thể suy đoán được những tác động của chúng dựa trên những phân tích tương tự. Chẳng hạn, nếu cùng thời điểm nhà nước đánh thuế mà cung về vốn cho nền kinh tế tăng thì tác động lan truyền vẫn diễn ra theo chiều hướng như đã phân tích, song, tỷ suất lợi nhuận còn bị giảm đi nhiều hơn nữa và ngược lại…[18]

Tác động của ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tái cơ cấu nền kinh tế có thể được xem xét trên 3 góc độ: tác động đến tái cơ cấu đầu tư, tác động đến số thu ngân sách và tác động đến phân bổ nguồn lực trong xã hội.

– Tác động đến tái cơ cấu đầu tư. Với mục tiêu là khuyến khích và định hướng đầu tư, thực hiện các ưu đãi thuế dẫn đến những tác động đối với đầu tư, bao gồm đầu tư từ nước ngoài và hướng dẫn đầu tư trong nước. Đối với đầu tư nước ngoài: các ưu đãi thuế chính là một trong những yếu tố tác động đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài, và nhờ đó, vốn đầu tư trong nước trong từng địa bàn có thể tăng. Vốn đầu tư tăng sẽ kéo theo hàng loạt tác động đối với nền kinh tế như tăng công ăn việc làm, giảm thất nghiệp, phát triển các ngành bổ trợ cho sự phát triển của các ngành sản xuất chính mà các nhà đầu tư thực hiện. Ví dụ như nguồn nguyên liệu, các cơ sở đào tạo nhân công, các phụ liệu cung cấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư…Đối với đầu tư trong nước, với xu hướng ưu đãi hơn cho một số địa bàn khó khăn hoặc các ngành nghề, lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ, các ưu đãi thuế chính là một “phần thưởng” mà các nhà đầu tư được hưởng khi quyết định đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn được ưu đãi. Tác động dịch chuyển nguồn vốn được phân tích như trong hình 1.4 trên cho thấy, nguồn vốn sẽ được dịch chuyển đến những nơi được ưu đãi, giúp phát triển lĩnh vực, ngành nghề theo định hướng của Nhà nước, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu đầu tư.

-Tác động đến số thu ngân sách. Về lý thuyết, ưu đãi thuế được xem như một hình thức chi tiêu thuế nên nó sẽ làm giảm số thu cho Ngân sách. Tuy nhiên, tác động này chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Việc chi tiêu hợp lý hay nói cách khác, các quy định về ưu đãi thuế hợp lý sẽ có tác động khuyến khích, mở rộng đầu tư, và về dài hạn, có thể làm tăng thu cho ngân sách. Một khi thu ngân sách tăng, Nhà nước có nhiều nguồn lực để tài trợ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

– Tác động đến phân bổ nguồn lực trong xã hội. Với tác động thu hút vốn đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khó khăn, ít lợi thế, việc ưu đãi thuế giúp khắc phục được các thất bại thị trường, góp phần làm cho việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả hơn, có tác dụng tích cực hơn.

Cách thức sử dụng thuế thu nhập doanh nghiệp để tác động đến tái cơ cấu nền kinh tế

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?