Quyết tâm giành lại thị phần sữa ngay trên sân nhà
Cùng với lúa gạo, rau quả, thịt cá, sữa ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong khẩu phần dinh dưỡng của người Việt. Nếu vài chục năm trước, trên thị trường nước ta hầu như chỉ có sữa ngoại, thì ngày nay đã có gần chục thương hiệu sữa nội.
Từ cuối năm 2009, tập đoàn TH mạnh mẽ bước vào lĩnh vực này và sử dụng công nghệ cao từ khâu trồng cỏ, nuôi bò, đến sản xuất sữa thành phẩm tới tay người tiêu dùng, thị trường sữa Việt Nam đã trở nên rất sôi động. Tất cả đều cố gắng phát triển, quảng bá, giành lại thị phần ngay trên quê hương “bờ xôi, ruộng mật” của chúng ta.
Vạn sự khởi đầu nan
Việt Nam không có ngành chăn nuôi bò sữa truyền thống, nên không có các giống bò đặc chủng, chuyên dụng. Vào những năm 1920 – 1925, người Pháp đưa mấy trăm con bò sữa Red Sindhi (bò Sin) và bò Ongle (bò Bô) vào nuôi thử ở Tân Sơn Nhất, Sài Gòn và Hà Nội để lấy sữa phục vụ các quan chức Pháp. Đầu những năm 1940, tại Sài Gòn, Chợ lớn hình thành vài trang trại nhỏ nuôi bò sữa, mỗi ngày chỉ sản xuất được khoảng 1.000 lít sữa và tổng sản lượng không quá 350 tấn/năm.
Đến những năm 1954 – 1960, ở miền Bắc, Nhà nước mới bắt đầu quan tâm chăn nuôi bò sữa. Một loạt nông trường quốc doanh như Mộc Châu (Sơn La), Ba Vì (Hà Tây), Than Uyên (Nghĩa Lộ), Tam Đường (Lào Cai), Hữu Nghị (Quảng Ninh), Hà Trung (Thanh Hóa) được giao nhiệm vụ nghiên cứu về giống và kỹ thuật nuôi bò sữa. Từ những năm 1970, Cu-ba bắt đầu viện trợ hàng nghìn con bò sữa giống Holstein Friensian (HF) về nuôi thử nghiệm tại nông trường Mộc Châu. Nhưng cũng phải đến sau ngày giải phóng – thống nhất đất nước, thì ngành bò sữa và công nghiệp chế biến sữa mới bắt đầu hình thành. Lần lượt các công ty sữa nội ra đời như “Sữa Mộc Châu” (1959), “Vinamilk” (1976), “FrieslandCampina” (1996), “Hanoi Milk” (2001), “Sữa Ba Vì” (2004). Thế nhưng, tốc độ phát triển rất chậm chạp. Ngay cả sau khi Chính phủ ta đã có chủ tr¬ương đẩy mạnh phát triển ngành sữa, với việc thông qua Quyết định 167/2001/QĐ/TTg về chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2001-2010, thì ngành này cũng chưa thể bứt lên, tăng trưởng vẫn cứ ì ạch, chỉ đạt 7-9%/năm.
Thế rồi, vào năm 2008, trên thị trường rộ lên tin dữ – ở Trung Quốc xuất hiện loại sữa chứa độc tố mê-la-min (melamine), làm hơn 53.000 trẻ em nhiễm bệnh (chủ yếu bệnh sỏi thận và suy thận), 12.800 trẻ phải nằm viện, trong đó 4 trẻ đã chết. Sản phẩm sữa này không chỉ giới hạn trong đường biên giới Trung Quốc, mà đã xuất sang một số nước khác, trong đó có cả Việt Nam. Đây không phải là trường hợp đầu tiên. Các loại sữa bẩn hay bất cứ thực phẩm nào chứa độc tố, thì người sản xuất đều bị lên án, bị phạt nặng, nhưng vẫn khó có thể ngăn chặn hoàn toàn hay chấm dứt vĩnh viễn.
Đến lúc đó thì các nhà sản xuất sữa Việt Nam càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, phải làm gì và làm thế nào để tạo ra những sản phẩm sữa sạch, vừa rẻ tiền hơn sữa ngoại lại vừa đạt chất lượng cao, tạo nguồn dinh dưỡng cần thiết để góp phần tăng cường tầm vóc, trí tuệ và sức lực cho người Việt, nhất là đối với các thế hệ tương lai. Mỗi công ty sữa có chiến lược riêng, những chính sách và bước đi phù hợp với điều kiện và nguồn lực của mình. Ai cũng muốn đóng góp tích cực và xứng đáng vào sự nghiệp chung xây dựng quê hương, đất nước. Đương nhiên, bất cứ nhà kinh doanh nào, tập thể công ty nào cũng mong muốn đạt được thu nhập cao. Cân đối các lợi ích sao cho hợp lý – ích quốc, lợi dân, bảo đảm lợi nhuận để công ty phát triển bền vững – đấy luôn luôn là bài toán không dễ giải.
Hiện nay, ở nước ta sữa và các sản phẩm từ sữa đang là một “thị trường nóng”. Sữa bột nhãn mác ngoại chiếm ưu thế khiến sữa nội rất khó cạnh tranh. Bởi thế, phần lớn các công ty sữa nội thường hướng vào khâu sản xuất sữa nước. Doanh thu từ các sản phẩm sữa nước năm 2012 tăng trưởng 21% so với năm 2011, các sản phẩm sữa bột có mức tăng trưởng còn cao hơn nữa, khoảng 23%. Năm 2012, tổng giá trị sữa và các sản phẩm sữa của nước ta ở mức 40 nghìn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD). Dự báo, năm nay và năm tới mức tăng sẽ lên tới 60 nghìn tỷ đồng/năm (tương đương gần 3 tỷ USD) và năm 2015 ước đạt 75-80 tỷ đồng (tương đương 3,7 – 4 tỷ USD).
Cho đến nay, thị trường sữa nội của Việt Nam phần lớn vẫn là sữa nước. Năm 2012, tổng doanh thu từ nhóm sữa nước (gồm cả sữa đặc có đường) lớn gấp 10 lần doanh thu từ nhóm sữa bột. Khách hàng tiêu thụ sản phẩm sữa nước chủ yếu là trẻ em, trong khi sữa bột hướng đến đối tượng là người trưởng thành. Tuy nhiên, trong nhóm sữa nước cũng cần phải xác định rõ khái niệm “sữa tươi”. Tính đến thời điểm giữa năm 2013, thị trường sữa của Việt Nam mới chỉ có khoảng 30% sản phẩm thực sự là sữa tươi nguyên chất 100% và 70% số còn lại là “sữa hoàn nguyên” với nguyên liệu là sữa bột được nhập khẩu từ nước ngoài. Bởi vậy, cần phân biệt giữa “sữa tươi tiệt trùng” với “sữa hoàn nguyên tiệt trùng”.
Sữa bột nguyên liệu nhập ngoại giá cả không ngừng leo thang. Trước thực tế đó thì xu hướng sữa tươi là sữa thu hoạch trực tiếp từ đàn bò chăn nuôi ở trong nước. Đó là sữa tươi hoàn toàn nguyên chất, có đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng cần thiết cho con người. Đây cũng chính là thông điệp “Sữa tươi sạch của TH”. Nếu muốn tạo ra các sản phẩm sữa tươi nguyên chất, có hương vị khác nhau và bổ sung những vi chất, cho đến các khoáng chất quan trọng khác giúp tăng cường tầm vóc, trí tuệ và thể lực của con người, cũng như cho các đối tượng ăn kiêng, thì đây là những bước đi kế tiếp và sẽ là con đường phát triển không ngừng của TH.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH (“TH Group”) xác định dứt khoát rằng: “Để phát triển không ngừng việc sản xuất sữa tươi nguyên chất, không thể có cách nào khác là phải trồng cỏ, nuôi bò”. Nghĩ và nhận thức sâu sắc như vậy, bà cùng với các đồng nghiệp quyết tâm thực hiện dự án xây dựng “Trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch”. Để một dự án lớn thành công, không thể không “tầm sư học đạo”. Nhìn ra khắp năm châu bốn biển, thấy Niu Di-lân (New Zealand), Ô-xtrây-li-a (Australia), Hoa Kỳ, Ca-na-đa (Canada), U-ru-guay (Uruguay), Ấn Độ, I-xra-en (Israel)… là những nước có ngành bò sữa phát triển tốt. Tập đoàn TH đã không tiếc tiền, tiếc sức, cử người lặn lội đi khắp nơi tìm hiểu và cuối cùng đã ký Hợp đồng Tư vấn chăn nuôi bò sữa với công ty A-phi-kim (Afikim) của I-xra-en với số tiền lên tới 50 triệu USD. Đồng thời, tuyển chọn và gửi những thanh niên có triển vọng sang Ấn Độ và I-xra-en đào tạo công nghệ cao về chuyên ngành chăn nuôi bò và chế biến sữa.
Khâu tư vấn đã xong, nhưng khâu tìm đất mới thực sự gian nan. Lãnh đạo và nhân viên tập đoàn TH đã lăn lội, đi lại nhiều lần đến tỉnh Hòa Bình, nhưng vẫn chưa được giao đất. Rất may, chính lúc ấy Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã mời bà Thái Hương, một người con sinh trưởng tại huyện Đô Lương, Nghê An, về quê hương khảo sát các điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, môi trường thiên nhiên và xã hội để gây dựng và phát triển đàn bò sữa.
Quả thực, trước đây ít người nghĩ rằng cao nguyên Bắc Phủ Quỳ, huyện Nghĩa Đàn, một vùng đất ba-dan khá bằng phẳng, màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng cỏ quy mô lớn lại là một địa danh có đủ điều kiện hoàn hảo cho dự án quy mô lớn của True Milk. Nơi đây còn có dòng sông Sào – nguồn nước vô tận và ổn định. Trên hai bờ sông trong mấy chục năm nay đã tồn tại nông trường 19-5 và một số nông trường khác. Đây chính là vùng “đất lành” để tập đoàn TH có thể bắt đầu xây “tổ ấm, rước những cô bò” thuần chủng, có phả hệ tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới về phát triển nguồn sữa sạch, chất lượng cao cho người Việt. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã giao cho tập đoàn TH hơn 37 nghìn ha, đủ diện tích rộng rãi và liên hoàn, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về trồng cỏ và các loại cây khác làm thức ăn cho đàn bò hàng trăm nghìn con. Hơn nữa, dòng sông Sào có nguồn nước rất ổn định để có thể chăm sóc tắm mát hàng ngày cho đàn bò. Nghĩa Đàn cũng không có nhà máy, xí nghiệp nào có thể gây ô nhiễm ảnh hưởng xấu đến đàn bò. Và đặc biệt đã có sự đồng thuận, ủng hộ, bảo vệ của chính quyền, che chở của nhân dân địa phương, một yếu tố không thể thiếu, vô cùng quan trọng trong công tác bảo vệ, thì những rủi ro, thách thức đối với đàn bò chắc chắn sẽ bị ngăn chặn và đẩy lùi.
Những thành công bước đầu
Sau khi đã chọn đúng những ông “thầy” ưu tú nhất của ngành bò sữa thế giới như: Công nghệ chăn nuôi bò và chế biến sữa của I-xra-en, chăm sóc thú y cho đàn bò của Niu Di-lân, mô hình quản lý tài chính của CHLB Đức, vào tháng 9-2009, tập đoàn TH bắt đầu dàn quân “xây dựng thần tốc” trang trại nuôi bò. Ngay cả người dân nơi đây cũng không ai có thể tưởng tượng nổi, máy móc vừa san nền, công nhân vừa lắp ráp xây dựng trại, cứ mỗi đêm qua đi lại đã mọc lên trên bờ sông Sào một căn trại diện tích rộng vài nghìn mét vuông, với mái cao chống bức xạ, bốn bề thoáng mát, nền đất sét trộn mùn cưa, bã mía dày 15 cm, vừa bảo đảm độ êm cho bò nằm, lại không lo trầy trướt móng chân bò. Chỉ mấy tháng, họ đã hoàn thành tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn cụm trang trại bò số 1, gồm 3 trại bò, mỗi trại có mấy chục chuồng san sát, liên hoàn, liền kề, sừng sững trên bờ sông Sào. Người dân tấm tắc khen: “Trang trại thật khang trang, những cô bò được chăm sóc ở đây cứ như tại khách sạn 5 sao!”
Người dân địa phương còn sửng sốt, bất ngờ hơn nữa, vào đêm 27-2-2010, hàng đoàn xe tải cỡ lớn chở gần 5 nghìn con bò HF Niu Di-lân về nhập trại với khẩu hiệu “Quyến tâm xây dựng quê hương!”, “Quyết tâm làm giàu xứ Nghệ!”. Đây là đàn bò đầu tiên được nhập về Nghĩa Đàn. Các đợt tiếp theo là những giống bò sữa thượng hạng từ Ca-na-đa, Ô-xtra-li-a… Trước khi nhập, chúng đã được xác định giống bò với phả hệ rõ ràng, tốt nhất. Tất cả đều được thụ tinh giới tính theo phương pháp công nghệ cao của Mỹ, bảo đảm 95% bê cái và khẳng định chắc chắn đã thành công mới đưa về Việt Nam. Mỗi khi nhập bò mới, chúng đều được cách ly và làm quen, thích nghi môi trường mới với quy trình chăm sóc đặc biệt. Cùng với việc nhập bò mới, tập đoàn TH liên tục nhập tinh bò. Trang trại Nghĩa Đàn hiện đã có hơn 30 nghìn con bò thuần chủng, trong đó 50% đã và đang cho sữa. Số còn lại là bò tơ, bê non và bò mới nhập.
Tròn 10 tháng sau ngày đàn bò Niu Di-lân đầu tiên nhập cảnh, vào ngày 26-12-2010, trang trại bò sữa Bắc Phủ Quỳ, Nghĩa Đàn, chính thức đưa dòng sữa TH hòa nhập thị trường. Đây là thời khắc quan trọng đánh dấu thành công bước đầu của tập đoàn TH. Theo lịch trình, đến năm 2015 trang trại bò sữa Nghĩa Đàn sẽ có 45 nghìn con, năm 2017 tăng lên hơn trăm nghìn con và đến năm 2020 hoàn thành dự án sẽ đạt tới 137 nghìn con, trong đó thường xuyên có từ 50-60% đàn bò cho sữa.
Để bảo đảm kế hoạch này và cũng là chìa khóa để tăng trưởng không ngừng nguồn sữa sạch, chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn dinh dưỡng của thế giới, “nhà bếp” – trung tâm sản xuất thức ăn cho bò và hệ thống cánh đồng cỏ nguyên liệu cung cấp đầu vào cho “nhà bếp” trở thành khâu vô cùng quan trọng. Đi thăm cánh đồng nguyên liệu thức ăn, quả thật chúng tôi đã choáng ngợp trước không gian mênh mông thẳng cánh cò bay, giữa những ngày thời tiết nóng bức lên tới 38-39 độ C, lại thêm gió Lào, thế mà ở đây vẫn một màu xanh mơn mởn của những đồng cỏ Môm-ba-xa (Mombasa, Ghi-nê), Mu-la-to (Mulato, Niu Di-lân) Ngô lai (Mỹ), Cao lương (Thái Lan), Hướng dương…, những thứ cỏ năng suất cao nhất thế giới hiện nay, đạt 150-200 tấn/năm và lượng prô-tê-in lên tới 15-20%.
Bí quyết để có được những đồng cỏ tươi tốt như vậy chính là dàn tưới tự động được điều khiển theo chế độ lập trình hóa của Mỹ. Hệ thống này có bộ phận cảm nhận độ ẩm của đất rất tinh vi, chính xác, nó điều khiển hệ thống phun nước vừa đủ độ ẩm theo chu kỳ sinh trưởng cây trồng. Dàn tưới “cánh tay” dài từ 250m – 550m, quay một vòng 360 độ/ngày, bảo đảm độ ẩm tối ưu cho hàng trăm héc-ta đồng cỏ. Cánh đồng rộng hàng nghìn héc-ta như vậy, nhưng nhờ có máy móc hiện đại, mỗi máy có thể vừa làm đất, vừa gieo trồng 50ha/ngày. Cây cỏ lại được gieo trồng thẳng hàng, đều đặn, đúng khoảng cách, bảo đảm thoáng mát cho cây phát triển. Khi thu hoạch cũng chỉ cần một máy vừa cắt, vừa băm nhỏ cỏ, năng suất 50 ha/ngày, phải có hàng chục xe tải hối hả nối đuôi chạy theo sau vận chuyển cỏ về kho. Cỏ được đóng bánh, lưu trữ, ủ chua theo công nghệ “riêng” của I-xra-en. Đây chính là “bí quyết” để bò tăng sản lượng sữa và đạt chất lượng cao. Hàng ngày các loại cỏ đã ủ chua được trộn theo công thức định tính và định lượng, được lập trình cho từng loại bò: bê non, bò tơ, bò sữa, bò chuẩn bị sinh nở, cho đến từng con bò mới nhập đang được chăm sóc theo chế độ cách ly.
Nguồn nước uống và công việc tắm mát cho bò hằng ngày cũng là một khâu quan trọng sống còn. Trang trại Nghĩa Đàn sử dụng công nghệ lọc nước a-mi-at (amiad) của I-xra-en. Nước bơm lên từ sông Sào qua hệ thống lọc a-mi-at theo 3 giai đoạn: lọc cát và các tạp chất, lọc trung tính bằng hàng trăm lớp màng thẩm thấu đặc biệt và cuối cùng khử mùi. Kết quả cho ra một thứ nước tinh khiết mà con người cũng có thể dùng để ăn uống.
Trang trại chăn nuôi hàng chục nghìn con bò như vậy, đương nhiên, không thể không nghĩ đến hệ thống xử lý nước thải. Mỗi cụm trang trại bò ở Nghĩa Đàn đều có trạm xử lý nước theo công nghệ A-qua (Aqua) của Hà Lan, mỗi ngày có thể xử lý 1.500 M3 nước thải. Sau 3 giai đoạn lọc cát, phân, tạp chất; khử mùi và hòa tan một thứ hóa chất thân thiện môi trường, nước thải ở đây trở thành nguồn nước trong vắt, hoàn toàn sạch, không mùi vị, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của thế giới về nước sạch và chỉ khi đó mới được đưa trở lại môi trường.
Bò được ăn uống rất vệ sinh, theo đúng chế độ chăm sóc của các bác sĩ thú y Niu Di-lân. Đàn bò ở đây được xét nghiệm máu, được kiểm tra sức khỏe toàn diện và tiêm chủng định kỳ. Họ không chỉ chăm sóc sức khỏe đàn bò, mà còn rất quan tâm hướng dẫn, đào tạo cho các bác sĩ thú y Việt Nam. Mỗi con bò đều được gắn ở chân một chíp điện tử a-phi-tác (Afitag), nhằm theo dõi toàn bộ hoạt động hàng ngày của bò. Nếu số bước đi của bò trong ngày giảm xuống, đấy là dấu hiệu bò bị viêm vú, cần được điều trị. Nếu số bước đi tăng lên đột biến, đó là dấu hiệu bò động dục, sắp hết chu kỳ cho sữa, chuẩn bị cho thụ tinh lứa mới… Tình trạng sức khỏe của từng cá thể bò đều được ghi lại hằng ngày và thông báo về Trung tâm dữ liệu. Căn cứ trên các dữ liệu đó và so sánh với các chuẩn mực đã được nghiên cứu, tổng kết của ngành bò sữa thế giới, các bác sĩ thú y sẽ kịp thời đưa ra những biện pháp chăm sóc cho từng con bò, cũng như toàn đàn.
Trước khi được đưa đến trung tâm vắt sữa, các cô bò được tắm mát và sấy khô bằng hệ thống hơi ấm tự động. Khi tắm và cả khi chúng đứng im trong chuồng vắt sữa, bò còn được nghe những bản giao hưởng du dương, nhẹ nhàng đã được nghiên cứu kỹ. Đây cũng là một yếu tố kích thích để tăng lượng sữa. Bò vào chuồng vắt sữa, chíp a-phi-tác thông báo lên đồng hồ điện tử gắn ở mỗi chuồng, nhận dạng và thông báo các dữ liệu về Trung tâm điều khiển để theo dõi số lượng sữa của từng cá thể, độ dẫn điện trong sữa và chất lượng sữa nói chung. Dòng sữa của mỗi tốp, gồm 60 con bò cùng ca vắt, theo đường ống được gom vào bồn chứa, sau khi đã trải qua 4 lần lọc các tạp chất và làm giảm nhiệt độ đột ngột trong khoảnh khắc 30 giây, từ 37 độ (thân nhiệt của bò) xuống còn 4 độ C. Từ đây sữa sẽ được chuyển bằng xe bồn-bảo ôn để đưa tới nhà máy chế biến, xử lý tiệt trùng ở 75 độ C, rồi làm giảm nhiệt độ đột ngột xuống 25-28 độ C, đóng gói, đưa ra thị trường. Toàn bộ quy trình vắt sữa từ bò, đến khi xử lý tiệt trùng, đóng gói, dòng sữa TH True Milk hoàn toàn không tiếp xúc với không khí bên ngoài, bảo đảm sạch tuyệt đối, chất lượng thơm ngon, duy trì hoàn hảo các dưỡng chất trong vòng 6 tháng, như khi vừa vắt từ bò, mà không hề cần đến các chất bảo quản.
Đến nay TH đã hoàn thành giai đoạn 1 “Dự án Nghĩa Đàn” với khoản đầu tư 350 triệu USD, trong tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD hoàn thành vào năm 2020. Bò sữa của TH là giống bò HF cao sản, cùng với quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc và chế độ dinh dưỡng tối ưu được áp dụng công nghệ cao của I-xra-en, sản lượng sữa mỗi con bò ở trang trại Nghĩa Đàn có thể đạt tới 30 – 40 lít/ngày, cá biệt có con đã đạt kỷ lục 65 lít sữa/ngày. Sản lượng vào cuối năm 2012 đạt hơn 300 tấn sữa/ngày và đang không ngừng tăng lên nhanh chóng./.
Quyết tâm giành lại thị phần sữa ngay trên sân nhà
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT