Khắc phục bệnh thành tích, thiếu chính xác trong công tác thống kê

Khắc phục bệnh thành tích, thiếu chính xác trong công tác thống kê

Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thống kê, khắc phục bệnh thành tích, Luật Thống kê số 04/2003/QH11 được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 17-6-2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2004 thay thế Pháp lệnh Kế toán và Thống kê năm 1988. Ngày 04-02-2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê. Đây là các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong lĩnh vực thống kê, tạo thuận lợi cho hoạt động thống kê trong khuôn khổ pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thống kê.

Một số kết quả bước đầu 

Nghị định số 14/2005/NĐ-CP có tác động tích cực đến toàn bộ quá trình hoạt động thống kê từ công tác chuẩn bị đến khâu thu thập, xử lý, công bố, sử dụng thông tin thống kê và bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thống kê. Thực hiện Nghị định số 14/2005/NĐ-CP đã giúp cho nhiều tổ chức, cá nhân nhận thức được trách nhiệm cung cấp thông tin thống kê để phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội của đất nước, có tác dụng ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.

Việc xử phạt vi phạm theo Nghị định số 14/2005/NĐ-CP đã từng bước hình thành và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thống kê của các tổ chức và cá nhân có liên quan. Các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc theo dõi, ghi chép, tính toán các chỉ tiêu thống kê, chấp hành chế độ báo cáo thống kê kịp thời hơn, hạn chế việc can thiệp tùy tiện trong các báo cáo thống kê, bảo đảm tính trung thực, khách quan của số liệu thống kê.

Sau khi Nghị định số 14/2005/NĐ-CP được ban hành, hệ thống tổ chức thanh tra chuyên ngành thống kê từ Trung ương đến cấp tỉnh có cơ sở thực thi trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thống kê, bảo đảm pháp chế trong hoạt động thống kê. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thống kê giúp cho việc chấp hành chế độ báo cáo thống kê chính xác, trung thực, đầy đủ và kịp thời hơn.

Trong giai đoạn 2005 – 2012, ngành Thống kê đã thực hiện 1.361 cuộc thanh tra, kiểm tra chấp hành Luật Thống kê; xử phạt vi phạm hành chính 186 đơn vị, cá nhân vi phạm; trong đó phạt cảnh cáo 71 đơn vị, cá nhân và phạt tiền 115 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền là 214 triệu đồng. Các hành vi vi phạm Nghị định số 14/2005/NĐ-CP bị xử phạt phổ biến là: nộp chậm và không nộp báo cáo thống kê (chiếm 80% số đơn vị bị xử phạt); tính và áp dụng sai phương pháp thống kê (chiếm 15% số đơn vị bị xử phạt), số còn lại là vi phạm về việc sử dụng biểu mẫu thống kê, cung cấp không kịp thời thông tin thống kê, báo cáo sai sự thật…

Như vậy, sau 8 năm thực hiện Nghị định, số đơn vị thực hiện tốt chế độ báo cáo thống kê ngày càng tăng. Điều đó cho thấy, Nghị định đã góp phần nâng cao chất lượng, độ tin cậy của các chỉ tiêu thống kê, đặc biệt là số liệu các báo cáo kinh tế – xã hội tháng, quý, năm. Các cuộc tổng điều tra và điều tra cũng thường xuyên hơn, nhờ đó thông tin thống kê ngày càng phát huy tốt hơn vai trò quan trọng trong công tác hoạch định các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Những tồn tại, hạn chế 

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê thể hiện qua các nội dung sau:

Vi phạm trong điều tra thống kê: Một số Chi cục (phòng) Thống kê cấp huyện trong quá trình điều tra thống kê đã không tổ chức tập huấn cho điều tra viên, chỉ cử công chức hoặc thậm chí là nhân viên hợp đồng xuống xã để hướng dẫn, do đó, việc giải thích nội dung, phương pháp tính một số chỉ tiêu chưa cụ thể, chưa rõ ràng, dễ gây hiểu lầm dẫn đến số liệu điều tra thiếu chính xác.

Một số điều tra viên hạn chế về chuyên môn nhưng chủ quan, không thực hiện đúng quy trình phỏng vấn, đặc biệt đối với các câu hỏi có bước nhảy; không chú ý các câu kiểm tra dẫn đến ghi thừa, ghi thiếu hoặc không khai thác hết thông tin, áp sai giá một số mặt hàng. Có điều tra viên là công chức thống kê nhưng thực hiện sai quy định của phương án điều tra.

Thực tế, đã có tình trạng, điều tra viên không tới hộ hoặc doanh nghiệp để phỏng vấn thu thập thông tin mà tự ghi phiếu điều tra, giả mạo chữ ký chủ hộ, giả mạo chữ ký của đại diện doanh nghiệp. Cá biệt, một số điều tra viên tự ý chuyển nhiệm vụ điều tra cho người khác chưa qua tập huấn nghiệp vụ thực hiện.

Trong Tổng điều tra, một số giai đoạn của công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra ở một số địa phương chưa được thực hiện đúng quy trình: Công tác vẽ sơ đồ nền của xã, sơ đồ địa bàn điều tra chỉ vẽ các điểm dân cư mà thiếu các phần đất trống, trong các sơ đồ địa bàn thiếu các ký hiệu, sử dụng ký hiệu không đúng quy định hoặc thiếu giải thích các ký hiệu trên sơ đồ; công tác lập bảng kê tại địa bàn điều tra còn dựa vào sổ sách nên phản ánh không sát với thực tế. Còn có sự chênh lệch số liệu giữa điều tra và kiểm tra, phúc tra.

Vi phạm về chế độ báo cáo thống kê: Còn nhiều doanh nghiệp chấp hành chế độ báo cáo chưa nghiêm, hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra việc chấp hành chế độ báo cáo thống kê cơ sở đều vi phạm Luật Thống kê và Nghị định số 40/2004/NĐ-CP về các hành vi báo cáo chậm, không báo cáo, báo cáo thiếu kỳ, thiếu biểu, thiếu chỉ tiêu và báo cáo không chính xác (số liệu trong báo cáo thống kê chênh lệch nhiều so với số liệu trong báo cáo tài chính); lập báo cáo tài chính không đúng quy định về phương pháp tính do hạch toán một số khoản chi và chi phí không đúng chế độ dẫn đến chưa phản ánh đúng tổng lợi tức trước thuế của đơn vị.

Vi phạm sử dụng thông tin thống kê: Không ít người sử dụng thông tin thống kê chưa hiểu biết nội dung các chỉ tiêu thống kê; khi phân tích, nhận định, đánh giá sai lệch làm cho số liệu thống kê bị méo mó, phản ánh thiếu trung thực. Khi sử dụng số liệu thống kê không ghi rõ nguồn.

“Bệnh thành tích” trong báo cáo thống kê: Do nhận thức của lãnh đạo và công chức, viên chức về công tác thống kê chưa đầy đủ, chưa thấy hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thống kê trong việc đánh giá, hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp nên công tác thống kê còn nặng “bệnh thành tích”, còn mang tính “đối phó”, vì vậy có nhiều báo cáo số liệu thống kê thiếu trung thực.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị chưa chấp hành đầy đủ báo cáo quyết toán tài chính; không báo cáo hoặc không chấp hành đầy đủ, kịp thời phương án điều tra thống kê và chế độ báo cáo thống kê cơ sở; giám đốc, thủ trưởng đơn vị chưa thường xuyên kiểm tra người làm công tác thống kê; công chức, viên chức làm công tác thống kê cơ sở vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn lại thường xuyên có sự thay đổi, không ổn định. Ở một số đơn vị, người làm thống kê chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chưa tiếp cận công tác thống kê đầy đủ nên chưa nắm vững chế độ báo cáo thống kê do Nhà nước quy định. Hệ thống tổ chức thống kê chưa được thực hiện theo đúng quy định của Luật Thống kê. Có nơi, sự phối kết hợp giữa các phòng nghiệp vụ trong cùng một đơn vị để tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê chưa tốt. Vẫn còn một số tồn tại trong thực hiện phương án điều tra từ khâu chỉ đạo, triển khai, điều tra, giám sát đến tổng hợp suy rộng kết quả điều tra.

Văn bản quy phạm pháp luật không đồng bộ, thiếu thống nhất: Chế độ báo cáo thống kê cơ sở đã ban hành từ đầu những năm 2000, còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ nhưng chậm cải tiến, không đáp ứng thực tế. Chế độ báo cáo thống kê đối với khu vực hành chính các cấp, các đơn vị sự nghiệp không đồng bộ, thiếu thống nhất cả về nội dung báo cáo, chỉ tiêu thống kê, biểu mẫu và phương pháp thống kê. Chế độ báo cáo thống kê các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kho bạc, bảo hiểm, thể dục thể thao, tư pháp, tòa án, viện kiểm sát… chưa ban hành kịp thời, thiếu cơ sở pháp lý về thống kê cho những đối tượng này.

Việc thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về thống kê phải dựa vào chế độ báo cáo cơ sở, chế độ báo cáo tổng hợp, chế độ điều tra thống kê nhưng việc ban hành chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ và thống nhất, do vậy không đủ căn cứ pháp luật để tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thống kê; chưa tạo sự bình đẳng đối với mọi tổ chức và cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về thống kê.

Ở một số cuộc điều tra, chỉ tiêu thu thập thông tin còn quá nhiều và phức tạp, gây khó khăn cho việc thực hiện (cả điều tra viên và đối tượng được điều tra). Còn tình trạng trùng lặp, chồng chéo nội dung, thời gian, biểu mẫu của chế độ báo cáo và điều tra thống kê.

Việc phát hành phiếu điều tra và tổ chức thực hiện điều tra, ban hành biểu mẫu báo cáo thống kê của các ngành, lĩnh vực không thông qua ngành Thống kê thẩm định còn khá phổ biến; chưa có quy trình và chế tài trong việc thẩm định chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; chưa có quy chế công bố và cung cấp thông tin thống kê nên việc công bố, sử dụng, đăng tải thông tin thống kê còn tùy tiện và không bị xử lý.

Những nguyên nhân chủ yếu

Tình trạng vi phạm pháp luật về thống kê phổ biến và kéo dài là do các nguyên nhân chủ yếu:

– Cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp chưa quan tâm đúng mức trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện pháp luật về thống kê cũng như công tác thống kê. Sự ổn định và chuyên môn hóa cao của đội ngũ công chức làm công tác thống kê là điều kiện rất quan trọng đối với các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lực lượng trực tiếp thực hiện chế độ báo cáo thống kê ở cơ sở phần lớn không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ thống kê, hoạt động không chuyên nghiệp và thường xuyên thay đổi.

– Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về thống kê chưa được các cấp, các ngành và ngay cả ngành Thống kê tổ chức thực hiện thường xuyên. Chưa có hình thức tuyên truyền phù hợp để mọi tổ chức và cá nhân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi thực hiện công tác thống kê. Ở một số nơi, ý thức pháp luật của không ít người dân và ngay cả một số lãnh đạo các đơn vị về công tác thống kê còn yếu, coi việc báo cáo và cung cấp thông tin thống kê là việc của riêng hệ thống thống kê tập trung.

– Công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu, thiết kế và ban hành các chế độ báo cáo và điều tra thống kê ở một số lĩnh vực triển khai chậm, không theo kịp phương hướng đổi mới do chính ngành Thống kê đề ra. Khi Luật Thống kê có hiệu lực từ năm 2004 đến nay, chế độ báo cáo thống kê cơ sở chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, việc áp dụng chế độ báo cáo thống kê cơ sở đối với các đơn vị thiếu tính pháp lý. Mặc dù chế độ báo cáo thống kê đã được cải tiến nhiều lần, nhiều chế độ báo cáo được thay bằng điều tra nhưng nhìn chung cả hai hình thức thu thập số liệu là báo cáo thống kê và điều tra vẫn còn nhiều chồng chéo, nặng nề. Các văn bản pháp quy để thực hiện Luật Thống kê còn thiếu, chưa đồng bộ.

– Lãnh đạo và công chức thống kê các cấp chưa thực sự chủ động trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân thực hiện chế độ báo cáo thống kê của Nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở. Một trong những biểu hiện đó là ở nhiều địa phương chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chế độ báo cáo và điều tra thống kê. Đặc biệt, không ít nơi chưa triển khai thực hiện Nghị định 14/2005/NĐ-CP. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê của Nhà nước chưa tốt, như: Các cơ quan chủ quản của doanh nghiệp, cơ quan tài chính, thanh tra, thuế, cơ quan tuyên truyền và thông tin đại chúng.

– Lực lượng thanh tra viên, công chức làm thanh tra chuyên trách ở các Cục Thống kê còn mỏng, có nhiều biến động, số lượng công chức làm công tác thanh tra, thanh tra viên không tăng, thậm chí giảm so với các năm trước. Nhiều Cục Thống kê chưa có thanh tra viên hoặc cán bộ thanh tra chuyên trách. Công chức làm công tác thanh tra còn kiêm nhiệm nhiều công tác, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế;

Từ khi Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực, lực lượng Thanh tra viên chuyên ngành Thống kê giảm nhiều, không được bổ sung, công chức thống kê không muốn làm công tác thanh tra thống kê do khó khăn, vất vả và va chạm nhiều, sự quan tâm giải quyết về chế độ phụ cấp không rõ ràng hoặc không có; hoạt động thanh tra chuyên ngành Thống kê chủ yếu thực hiện trong hệ thống thống kê tập trung; mặt khác, mặc dù qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm của đơn vị nhưng các đoàn thanh tra còn ngại va chạm, nể nang, né tránh không xử lý hoặc mức xử phạt thấp hơn so với khung xử phạt đã quy định. Kỷ cương, pháp luật trong hoạt động thống kê có lúc, có nơi còn bị buông lỏng. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa được đẩy mạnh hoặc thực hiện thiếu kiên quyết. Nhiều hành vi vi phạm không được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nên dẫn đến việc coi thường pháp luật về thống kê, thậm chí có trường hợp tái phạm nhiều.

Một số kiến nghị, giải pháp thời gian tới

Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra và giám sát việc chấp hành Luật Thống kê. Để pháp luật về thống kê thực sự đi vào cuộc sống cần phải thường xuyên, liên tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi đối tượng chịu sự điều chỉnh để thực hiện; giúp họ hiểu rõ số liệu thống kê do các tổ chức, cá nhân cung cấp chỉ sử dụng cho mục đích đánh giá và hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan phải thường xuyên tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thống kê nhằm phát hiện, phòng ngừa các vi phạm.

Hai là, hoàn thiện đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản pháp quy về thống kê; tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê, các nghị định có liên quan về thống kê; ban hành chế độ báo cáo, điều tra thống kê và các văn bản pháp quy khác về thống kê kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; nghiên cứu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra thống kê.

Ba là, đổi mới hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát trong môi trường pháp luật về thống kê. Xác định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong hoạt động thống kê là trách nhiệm thường xuyên của các đơn vị nghiệp vụ chuyên ngành Thống kê các cấp. Công tác kiểm tra, giám sát hằng năm phải được lập kế hoạch chung, thống nhất và phê duyệt ngay từ tháng 12 năm trước. Kiện toàn bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành thống kê tại cơ quan Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê; tăng cường lực lượng công chức thanh tra chuyên ngành Thống kê, giải quyết chế độ, chính sách cho công chức thanh tra chuyên ngành Thống kê như Thanh tra viên. Tăng cường phối hợp giữa thanh tra, kiểm tra theo quyết định với giám sát, kiểm tra nghiệp vụ thường xuyên nhằm phát hiện và hỗ trợ, bổ sung cho nhau.

Phương thức thanh tra, kiểm tra theo quyết định là việc làm cần thiết khi có vi phạm pháp luật; nhất là khi phương thức giám sát, kiểm tra nghiệp vụ thường xuyên không được tiến hành đầy đủ hoặc tiến hành không có kết quả. Phối hợp thanh tra thống kê theo vùng (thành lập các đoàn thanh tra liên tỉnh). Trong trường hợp cần thiết, ngành Thống kê có thể thành lập các đoàn thanh tra liên tỉnh để tiến hành các cuộc thanh tra ở phạm vi rộng, đòi hỏi chất lượng thông tin cao, tầm quan trọng đặc biệt, nhất là đối với các cuộc tổng điều tra thống kê. Tăng cường thanh tra thống kê đối với các đối tượng cung cấp thông tin thuộc hệ thống cơ quan nhà nước; từng bước tiến hành thanh tra đối với các đối tượng thực hiện công bố thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê. Khi hoạt động thanh tra, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thực hiện nghiêm quy trình thanh tra theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 14/2005/NĐ-CP. Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị định số 14/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định để bảo đảm phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 14/2005/NĐ-CP:

– Về thẩm quyền xử phạt, đề nghị bổ sung chi tiết thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

– Về hành vi vi phạm, đề nghị bổ sung thêm hành vi không thực hiện đúng quy trình phương án điều tra thống kê đã quy định, vì hiện tượng này thường xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng số liệu điều tra, nhưng chưa có điều khoản nào để xử phạt.

– Đề nghị nâng mức xử phạt và có phương án điều chỉnh mức xử phạt cho phù hợp với các thay đổi về tình hình kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ đối với các hành vi vi phạm tương xứng với mức độ vi phạm, đủ điều kiện răn đe, nhất là đối với cơ quan, doanh nghiệp.

– Có giải thích cụ thể một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.

– Đề nghị quy định bổ sung về mức xử phạt đối với các hành vi sau: Công bố thông tin thống kê không đúng thẩm quyền; hoặc công bố thông tin thống kê chậm so với thời hạn quy định; cản trở việc tiếp cận các thông tin thống kê theo quy định được phép tiếp cận./.

Bùi Thủy
Tổng cục Thống kê

Khắc phục bệnh thành tích, thiếu chính xác trong công tác thống kê

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?