Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Trung quốc

kiểm toán

Mục lục

Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Trung quốc

1. Đặc điểm môi trường

Kinh tế Trung quốc gần đây đã vươn lên đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ và tốc độ phát triển kinh tế bình quân hàng năm là 15%. Trung quốc là quốc gia hướng về xuất khẩu và có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới với 1.500 tỷ USD hàng năm. Thị trường chứng khoán Trung quốc phát triển nhanh chóng với giá trị vốn hóa năm 2011 là 3.412 ngàn tỷ USD nhưng chỉ mới ở tỷ lệ 47% 3 (tỷ lệ thực tế còn thấp hơn vì số liệu GDP chính thức công bố của Trung quốc thấp hơn sức mua thực do đồng Nhân dân tệ được định giá ở mức thấp).

Hệ thống pháp lý của Trung quốc thiên về phía kiểm soát của Nhà nước. Áp dụng lý thuyết Hofstede-Gray, hệ thống kế toán Trung quốc có khuynh hướng nghề nghiệp thấp, tính thống nhất và bảo mật cao (Robert et al, 1998).

Quá trình hội tụ kế toán của Trung quốc là một quá trình giải quyết mâu thuẫn giữa mong muốn tận dụng lợi thế toàn cầu hóa (huy động vốn, xuất khẩu…) và yêu cầu giữ vững kiểm soát của nhà nước.

2. Các yếu tố thể chế

(1) Các qui định pháp lý

Qui định pháp lý của Trung quốc thể hiện bởi Luật Kế toán và các qui định bởi Ủy ban Chứng khoán Trung quốc:

– Luật Kế toán của Trung quốc được ban hành đầu tiên năm 1995 và được sửa đổi vào ngày 1/7/2000. Luật Kế toán qui định các nguyên tắc kế toán áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước.

– Ủy ban Chứng khoán Trung quốc (CSRC) được thành lập vào tháng 7/1992 với vai trò và chức năng tương tự SEC của Hoa Kỳ. Hơn nữa, CSRC ban hành những yêu cầu về việc công bố thông tin đối với các doanh nghiệp niêm yết.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Hoa Kỳ[/message]

(2) Tổ chức lập qui

Luật Kế toán giao cho Bộ Tài chính trách nhiệm thiết lập chuẩn mực kế toán và các qui định kế toán liên quan. Năm 1998, Bộ Tài chính thành lập Ủy ban Chuẩn mực kế toán Trung quốc (CASC) nhằm tư vấn liên quan đến việc ban hành và hướng dẫn hệ thống chuẩn mực kế toán (World Bank, 2009). Năm 2003, CASC được tái cấu trúc, bao gồm 26 thành viên do Bộ Tài chính chỉ định từ các cơ quan nhà nước, giới học giả, các tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyết định ban hành chuẩn mực kế toán vẫn thuộc về Bộ Tài chính.

(3) Qui trình ban hành chuẩn mực

Qui trình chuẩn mực kế toán Trung quốc bao gồm các bước cơ bản sau (World Bank, 2009):

Nguồn giá trị vốn hóa thị trường từ website của World Federation of Exchanges, số liệu GDP lấy từ website của Central Intelligence Agency (Hoa Kỳ), tỷ lệ do tác giả tự tính.

– Xây dựng dự án mới: bộ phận chịu trách nhiệm về kế toán của Bộ Tài chính Trung quốc xây dựng dự án mới cho việc thiết lập chuẩn mực kế toán trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế. Sau đó, dự án này sẽ được chuyển đến các thành viên của CASC và các bộ phận liên quan để cho ý kiến. Trên cơ sở các ý kiến phản hồi, bộ phận chịu trách nhiệm về kế toán của Bộ Tài chính sẽ phát thảo đề cương cho việc thiết lập chuẩn mực kế toán mới.

– Công bố dự thảo chuẩn mực kế toán: bộ phận chịu trách nhiệm về kế toán của Bộ Tài chính sẽ thành lập Tổ dự thảo chuẩn mực kế toán để chuẩn bị dự thảo chuẩn mực kế toán trên cơ sở đề cương thiết lập chuẩn mực kế toán mới. Bản dự thảo sẽ được gởi đến CASC để nhận ý kiến phản hồi.

– Lấy ý kiến công chúng: sau khi bản dự thảo chuẩn mực kế toán đã được chấp thuận của CASC, bộ phận chịu trách nhiệm về kế toán của Bộ Tài chính sẽ công bố bản dự thảo chuẩn mực kế toán ra công chúng để lấy ý kiến rộng rãi trên website của CASC.

– Trình bày dự thảo chuẩn mực kế toán sau cùng: trên cơ sở tổng hợp ý kiến nhận được, Tổ dự thảo chuẩn mực kế toán sẽ chuẩn bị bản dự thảo chuẩn mực kế toán sau cùng. Sau khi bản dự thảo chuẩn mực kế toán cuối cùng được chấp nhận, CASC sẽ đề nghị Bộ Tài chính Trung quốc ban hành chuẩn mực kế toán.

(4) Hệ thống chuẩn mực

Hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Trung quốc (ASBE) hiện nay được ban hành năm 2006 bao gồm một chuẩn mực cơ bản và 38 chuẩn mực kế toán có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 được áp dụng đối với tất cả các công ty niêm yết Trung quốc [Phụ lục 11].

Để tiếp tục hội tụ hơn nữa với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, năm 2010 Bộ Tài chính đã ban hành lộ trình tiếp tục hội tụ hệ thống chuẩn mực kế toán Trung quốc với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không niêm yết của Trung quốc vẫn áp dụng Hệ thống kế toán doanh nghiệp được ban hành năm 2001.

3. Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế

Trung quốc có truyền thống sử dụng hệ thống kế toán thống nhất được ban hành bởi Bộ Tài chính từ nhiều năm phục vụ cho mục tiêu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Quá trình cải cách kế toán theo thông lệ quốc tế diễn ra từ năm 1985 khi Trung quốc ban hành các quy định kế toán và hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho công ty liên doanh giữa Trung quốc với nước ngoài. Đến năm 1992, Trung quốc ban hành Hệ thống kế toán doanh nghiệp với mục đích hợp nhất các hệ thống kế toán và định hướng hội nhập với thông lệ quốc tế. Trong một dự án với sự trợ giúp của Ngân hàng thế giới và công ty kiểm toán Deloitte, Trung quốc dự kiến sẽ thay đổi Hệ thống kế toán doanh nghiệp 1992 bằng 30 chuẩn mực kế toán trong vòng ba năm. Tuy nhiên, đến năm 2000, chỉ có 10 chuẩn mực được ban hành (Robert et al, 2005).

Các chuẩn mực được ban hành nhưng không có những hướng dẫn cụ thể về cách áp dụng trong khi các doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ Hệ thống kế toán doanh nghiệp 1992. Điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng về thông tin kế toán và được giải quyết một phần bằng việc ban hành Hệ thống kế toán doanh nghiệp 2001. Hệ thống này bao gồm ba phần, phần 1 là các nguyên tắc kế toán cơ bản, phần 2 quy định hệ thống tài khoản kế toán và báo cáo tài chính và phần 3 minh họa cách thức xử lý kế toán đối với các khoản mục chủ yếu của báo cáo tài chính (Xiao et al, 2004).

Năm 2006, như đã trình bày trong phần trên, ASBE được ban hành tiếp cận khá gần với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và trong những năm sau đó, theo lộ trình hội tụ của Bộ Tài chính, Trung quốc tiếp tục điều chỉnh các chuẩn mực đã ban hành.

Nỗ lực hội tụ của Trung quốc được giải thích trước hết bằng mong muốn gia tăng những lợi thế trong thu hút nguồn vốn từ thị trường vốn nước ngoài. Với sự phát triển quá nhanh chóng của nền kinh tế trong khi thị trường chứng khoán trong nước còn hạn chế, các doanh nghiệp của Trung quốc đã huy động một nguồn vốn rất lớn từ thị trường nước ngoài. Vào năm 2009, giá trị vốn hóa của 65 công ty Trung quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán New York là 1.100 tỷ USD, lớn hơn 50% giá trị vốn hóa của thị trường Trung quốc vào thời điểm này. Lý do thứ hai giải thích nỗ lực trên là nhằm bảo đảm sự cạnh tranh của Trung quốc trên thị trường xuất khẩu khi được xếp vào quốc gia có nền kinh tế thị trường. Một trong những điểm quan trọng để đánh giá một quốc gia có nền kinh tế thị trường hay không là báo cáo tài chính được kiểm toán có được lập phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế hay không (Ramanna, 2011).

Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống chuẩn mực kế toán Trung quốc nói chung còn một khoảng cách đáng kể với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế:

– Thứ nhất, bản thân các chuẩn mực Trung quốc còn cho phép những lựa chọn giữa các chính sách kế toán. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy khi được chọn chính sách kế toán, các công ty Trung quốc chọn chính sách truyền thống của Trung quốc hơn là các chính sách kế toán phù hợp với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (Olesen & Cheng, 2011).

– Thứ hai, có những vấn đề Trung quốc không đồng ý thay đổi chuẩn mực theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Phân tích của Ramanna (2011) cho thấy đó là hoàn nhập đánh giá tổn thất, áp dụng giá trị hợp lý và thuyết minh về các bên liên quan. Riêng vấn đề các bên liên quan, Trung quốc đã trao đổi, phối hợp với IASB để đạt được thắng lợi là IASB đã loại trừ một phần yêu cầu thuyết minh các bên thứ ba đối với doanh nghiệp có liên quan đến nhà nước. Ramanna (2011) cho rằng Trung quốc đã tiến hành một quy trình song song để vừa được tiếng là hội tụ quốc tế vừa bảo toàn được đặc thù Trung quốc, đó là vừa loại trừ một số quy định của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ra khỏi chuẩn mực quốc gia, một mặt hợp tác với IASB để tác động đến chuẩn mực quốc tế dựa trên ưu thế kinh tế và chính trị của mình.

Như vậy, phương thức hội tụ của Trung quốc về cơ bản mang tính chủ động và thực dụng. Sự chủ động thể hiện nỗ lực thúc đẩy quá trình ban hành chuẩn mực phù hợp với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và hợp tác với IASB. Sự thực dụng thể hiện qua việc triển khai trong thực tế để bảo vệ lợi ích quốc gia cao nhất, trong đó hệ thống kế toán được chia thành hai khu vực:

– Các công ty niêm yết áp dụng theo chuẩn mực kế toán Trung quốc và các chuẩn mực này ngày càng hội tụ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế trong chừng mực mà nhà nước thấy hợp lý.

– Các doanh nghiệp không niêm yết vẫn áp dụng Hệ thống kế toán doanh nghiệp, đặt trên nền tảng của hệ thống tài khoản và báo cáo tài chính thống nhất.

Phương thức hội tụ kế toán quốc tế trên phản ảnh sự lựa chọn của Trung quốc trong bối cảnh vừa phải đáp ứng xu thế toàn cầu hóa vừa phải đảm bảo những đặc điểm và yêu cầu riêng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, còn những nguyên nhân khác như:

– Birt et al (2011) cho rằng xuất phát từ tính thận trọng bắt nguồn từ văn hóa Trung quốc, việc thiếu các chuyên gia kế toán đủ năng lực và mong muốn của chính quyền trong việc duy trì sự kiểm soát của mình

– Xiao et al (2004) giải thích các cơ quan quản lý Trung quốc cho rằng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế không phù hợp với doanh nghiệp nhà nước (một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Trung quốc), lo lắng về khả năng không quản lý được thuế và không tự tin về việc soạn thảo và ban hành chuẩn mực kế toán, thay cho hệ thống kế toán thống nhất cũ. Tác giả cũng cho rằng việc tồn tại song song hai hệ thống là cần thiết vì Hệ thống kế toán doanh nghiệp đã gắn với người kế toán Trung quốc từ rất lâu nên việc từ bỏ chúng và thay đổi bằng một hệ thống chuẩn mực theo kiểu chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế sẽ khó thực hiện.

Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Trung quốc

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?