Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Pháp

mua bán và sáp nhập

Mục lục

Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Pháp

1. Đặc điểm môi trường

Pháp là một quốc gia lớn tại châu Âu và được xem là một trong những đại diện của khối châu Âu lục địa, với các đặc điểm kinh tế, pháp lý và văn hóa khác nhiều với các nước Anglo-Saxon như Hoa Kỳ, Anh… Thị trường chứng khoán của Pháp năm 2011 có giá trị vốn hóa khoảng 2.500 tỷ USD bằng 88% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) (thấp hơn so với Hoa Kỳ: 15.600 tỷ USD bằng 104% GDP và Anh: 3.300 tỷ USD bằng 136% GDP)2. Hệ thống pháp lý của Pháp theo điển luật và thuế giữ vai trò quan trọng trong kế toán. Về văn hóa, các giá trị của Gray (1988) cho thấy Pháp có khuynh hướng phát triển nghề nghiệp và tính bảo mật trung bình, trong khi tính thống nhất và tính thận trọng cao (Robert et al, 1998). Pháp tham gia EU nên chịu sự điều chỉnh của các quy định về kế toán của EU và quá trình hội tụ kế toán của Pháp đặt trong khuôn khổ các qui định của EU.

2. Các yếu tố thể chế

(1) Các qui định pháp lý

Các qui định pháp lý về kế toán tại Pháp bao gồm Luật Kế toán (chủ yếu được tích hợp trong Luật Thương mại và chịu chi phối một phần bởi Luật Thuế), các nghị định, các hướng dẫn và các qui định của Ủy ban Chứng khoán Pháp. Tổng hoạch đồ kế toán Pháp (PCG) là trung tâm của hệ thống kế toán Pháp cũng được ban hành dưới hình thức văn bản pháp lý.

(2) Tổ chức lập qui

Nguồn giá trị vốn hóa thị trường từ website của World Federation of Exchanges, số liệu GDP lấy từ website của Central Intelligence Agency (Hoa Kỳ), tỷ lệ do tác giả tự tính. Tổ chức có trách nhiệm lập quy tại Pháp trước đây là Hội đồng Kế toán quốc gia (CNC), trực thuộc Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Ủy ban Quy định kế toán (CRC). Vào ngày 22/1/2009, Ủy ban Chuẩn mực kế toán (ANC) ra đời từ sự hợp nhất của hai tổ chức CNC và CRC. ANC có chức năng (ANC, 2010):

– Thiết lập chuẩn mực kế toán dưới hình thức các quy định cho khu vực tư nhân.

– Đưa ra các ý kiến về các vấn đề về luật pháp hay quy định liên quan đến kế toán áp dụng cho khu vực này do các cơ quan chức năng ban hành.

– Tham gia các hoạt động của tổ chức kế toán quốc tế, bao gồm việc chấp nhận các chuẩn mực quốc tế tại châu Âu

– Thúc đẩy và tham gia các hoạt động nghiên cứu kế toán.

Quá trình hình thành ANC là một phần của quá trình hội tụ kế toán quốc tế của Pháp, sẽ được trình bày sâu hơn ở phần sau.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm : Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Hoa Kỳ[/message]

(3) Hệ thống chuẩn mực và quy trình ban hành

Pháp không có hệ thống chuẩn mực kế toán theo kiểu các quốc gia Anglo- Saxon. Thay vào đó, PCG đóng vai trò trung tâm của hệ thống kế toán và báo cáo tài chính của Pháp, bao gồm các thuật ngữ, các quy định về đánh giá, nguyên tắc kế toán cần tuân thủ, hệ thống tài khoản kế toán và quan hệ của tài khoản với báo cáo tài chính, mẫu báo cáo tài chính, cách thức xử lý những trường hợp đặc biệt, phương pháp lập báo cáo hợp nhất và các hướng dẫn về kế toán quản trị. Các doanh nghiệp sản xuất và thương mại bắt buộc phải tuân thủ PCG trong khi các doanh nghiệp khác như nông nghiệp, ngành thủ công… không bắt buộc tuân thủ PCG. Hệ thống này không có một quy trình ban hành rõ ràng. Khi cần thiết, nó được chỉnh sửa, bổ sung và sau một số năm, được tái ban hành (Robert et al, 1998).

Năm 2005, sau khi EU yêu cầu tất cả các thị trường chứng khoán châu Âu áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, hệ thống kế toán Pháp là sự kết hợp bởi: Qui định trong Tổng hoạch đồ được áp dụng cho báo cáo tài chính riêng, Qui định CRC 99-02 áp dụng cho báo cáo tài chính hợp nhất đối với những doanh nghiệp không phải là đại chúng và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế liên quan báo cáo tài chính hợp nhất cho những công ty đại chúng. (Degos & Ouvrad, 2008)

3. Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế

Pháp đã tham gia quá trình hội tụ kế toán thông qua EU từ cuối thập niên 1970. Luật Kế toán và PCG được điều chỉnh bổ sung phản ảnh các quy định kế toán trong các Chỉ thị (Directive) của Quốc hội châu Âu. Các mốc chính của quá trình này bao gồm (Degos & Ouvrard, 2008):

– Năm 1982, PCG 1982 được ban hành, bổ sung những yêu cầu của Chỉ thị số 4. Nội dung chính của chỉ thị này là yêu cầu nâng cao tính trung thực của các báo cáo tài chính.

– Năm 1983, Luật Kế toán được ban hành tích hợp trong Luật Thương mại. Các nguyên tắc trong Luật Kế toán khá tương đồng với PCG.

– Năm 1986, ban hành PCG 1986 đã được điều chỉnh bổ sung những yêu cầu của Chỉ thị số 7 liên quan đến báo cáo tài chính hợp nhất.

– Năm 1999, ban hành Quy định CRC 99-02 hướng dẫn về báo cáo hợp nhất mới và PCG 1999 được điều chỉnh phù hợp.

– Trong giai đoạn 2002 – 2004, EU đưa ra các quy định về kế toán để thúc đẩy quá trình hội nhập với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (các quy định số 10062002, 2001165 và 200351). Trên nền tảng đó, hệ thống kế toán Pháp tiếp tục được điều chỉnh thông qua các quy định của CRC.

– Từ năm 2005, các công ty niêm yết của Pháp áp dụng toàn bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nhưng các chuẩn mực này được EU thực hiện theo phương thức “phê duyệt”. Như vậy, ở Pháp tồn tại đồng thời ba hệ thống kế toán như đã nói ở trên.

Trong mong muốn cải cách hệ thống kế toán theo hướng hội nhập quốc tế và đơn giản hóa tổ chức, Bộ kinh tế, tài chính và công nghiệp Pháp chỉ đạo sáp nhập CNC và CRC thành một tổ chức lập quy là ANC với 16 thành viên và các Ủy ban Tư vấn, Ủy ban Chuẩn mực quốc tế và Ủy ban Chuẩn mực khu vực tư nhân. ANC có hai ủy ban phụ trách hai lĩnh vực khác nhau: Ủy ban Chuẩn mực cho khu vực tư và Ủy ban Chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu của Ủy ban này vừa giúp đơn giản hóa các quy định vừa cập nhật được hệ thống chuẩn mực quốc tế. ANC cũng được mong đợi sẽ có nguồn tài chính để nâng cao hiệu quả hoạt động (Degos, 2010).

Năm 2010, ANC công bố kế hoạch chiến lược 2010 – 2011, trong đó bao gồm ba nội dung cơ bản (ANC, 2010):

– Về lâu dài, ANC sẽ phát triển mô hình ban hành chuẩn mực của Pháp và thúc đẩy một mô hình đặc thù của châu Âu, đạt được một sự cân bằng hợp lý và cùng tồn tại một cách hòa hợp giữa chuẩn mực quốc gia, chuẩn mực trong khu vực và chuẩn mực quốc tế.

– Về trung hạn, ANC sẽ tiếp tục cải thiện PCG và hiện đại hóa khi cần thiết.

– Về ngắn hạn, ANC sẽ xem xét các chuẩn mực kế toán cho DNNVV, để đảm bảo tính đơn giản, đáng tin cậy và bền vững. Hướng tiếp cận là chấp nhận sự tồn tại song song hai hệ thống, một là của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và một là của Pháp, đồng thời cũng cho phép doanh nghiệp chọn lựa. Bên cạnh đó, khi áp dụng chuẩn mực quốc tế cho DNNVV, ANC đưa ra đề nghị cần phân biệt ba loại doanh nghiệp: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ không niêm yết và doanh nghiệp niêm yết.

Trong cuộc hội thảo năm 2011 về chuẩn mực kế toán quốc tế tại Paris giữa ANC với IASB, Jérôme Haas, Chủ tịch ANC đã đề nghị cần có một sự cân bằng trong quy trình xử lý giữa tổ chức lập quy quốc tế và tổ chức lập quy quốc gia nhằm hình thành những chuẩn mực thích hợp, hiện thực và phổ cập để phục vụ cho nhu cầu thực tế có thể hiểu và áp dụng đúng đắn. Bên cạnh đó, cũng cần sự cân bằng trong các khái niệm cơ bản của kế toán, giữa các định nghĩa trừu tượng và các mô tả hiện thực (ANC, 2011).

Trong một nỗ lực đóng góp quan điểm của châu Âu vào tiến trình phát triển chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, gần đây Pháp, Đức, Anh, Ý và Nhóm tư vấn báo cáo tài chính châu Âu (EFRAG) đã phát hành chuỗi bản tin về khuôn mẫu lý thuyết kế toán. Từ tháng 4/2013 đến tháng 9/2013, đã có 7 bản tin được đưa ra liên quan đến nhiều khái niệm kế toán như tính thận trọng, tính đáng tin cậy của thông tin tài chính, tình huống chưa rõ ràng, ứng dụng mô hình kinh doanh trong báo cáo tài chính…

Có thể thấy phương thức hội tụ của Pháp trước đây hướng đến hai mục tiêu chính là tuân thủ quá trình này của EU trong phạm vi bắt buộc và đồng thời bảo vệ hệ thống hiện hữu của mình và chỉ nâng cấp dần khi cần thiết. Để thực hiện mục tiêu này, Pháp duy trì tồn tại ba hệ thống áp dụng cho ba đối tượng khác nhau, trong đó việc hội tụ với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế chỉ diễn ra đối với báo cáo hợp nhất các công ty đại chúng. Đối với các doanh nghiệp không phải đại chúng, các quy định kế toán chỉ được điều chỉnh theo hướng hội tụ khi cần thiết và thích hợp.

Trong giai đoạn hội tụ kế toán quốc tế sâu hơn, Pháp vẫn có khuynh hướng địa phương hóa chuẩn mực quốc tế để phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của quốc gia, đặc biệt là đối với DNNVV. Quan điểm này dựa trên một khảo sát được CNC tiến hành một cuộc điều tra ý kiến của 10.000 doanh nghiệp để góp ý cho dự thảo về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho DNNVV năm 2010 với kết quả phần lớn các doanh nghiệp hài lòng với hệ thống hiện tại của Pháp và họ sẽ sẵn sàng lựa chọn chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nếu họ cần thâm nhập thị trường vốn (CNC, 2007).

Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Pháp

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 thoughts on “Quá trình và phương thức hội tụ kế toán quốc tế của Pháp

  1. Pingback: Thực tiễn về cách thức hội tụ kế toán quốc tế của một số các quốc gia trong khu vực châu Á | Blog Chiro – Lê Nguyễn Nhân Lân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?