Nội dung quản lý nhà nước đối với thu – chi ngân sách địa phương

Khái niệm chính sách tiền tệ

Mục lục

Nội dung quản lý nhà nước đối với thu – chi ngân sách địa phương

a). Ban hành các văn bản pháp luật về thu – chi ngân sách địa phương

Ở Việt Nam, văn bản pháp lý cao nhất về thuế là các Luật thuế. Luật thuế do Quốc hội ban hành và các cơ quan hành pháp trung ương có thẩm quyền sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, cấp địa phương tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực thi các chính sách thuế.

Đối với các khoản thu từ phí và lệ phí thì theo quy định HĐND cấp tỉnh được bành các Nghị quyết quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; Xem xét, cho ý kiến để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.

Về quản lý thu ngân sách địa phương được HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể trong phân cấp nguồn thu.

Để tổ chức QLNN đối với thu ngân sách ở địa phương, UBND và các cơ quan chức năng như: Tài chính, thuế, hải quan, kho bạc, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các văn bản do trung ương ban hành và các Nghị quyết của HĐND.

Cục thuế hướng dẫn và triển khai thực hiện thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Chính quyền ĐP ban hành các định mức, tiêu chuẩn chi thường xuyên; các tiêu chí để phân bổ chi đầu tư; ban hành các văn bản nhằm triển khai, hướng dẫn các văn bản của trung ương.

b). Tổ chức thực thi quá trình thu – chi ngân sách địa phương

b1). Lập Kế hoạch (Dự toán) thu-chi ngân sách địa phương

Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng phương thức lập khuôn khổ (khung) tài chính trung hạn, lập NS theo kết quả đầu ra có gắn kết với khuôn khổ chi tiêu trung hạn.

Lập ngân sách theo kết quả đầu ra là phương thức soạn lập NS dựa vào cơ sở tiếp cận những thông tin đầu ra để phân phối và đánh giá sử dụng nguồn lực tài chính nhằm hướng vào đạt được những mục tiêu chiến lược phát triển của chính phủ.

Khuôn khổ tài chính trung hạn giúp các cơ quan quản lý có cái nhìn toàn diện về khả năng tài chính của quốc gia, của địa phương trong giai đoạn trung hạn (từ 03 đến 05 năm), để từ đó quyết định phân bổ nguồn lực có hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể.

Khuôn khổ tài chính trung hạn (được dịch từ cụm thuật ngữ tiếng Anh: Medium term financial framework- viết tắt là MTFF) là kế hoạch tổng thể về dự báo các nguồn lực tài chính có thể huy động được và việc phân bổ các nguồn lực đó một cách có hiệu quả cho các mục tiêu kinh tế-xã hội trong giai đoạn trung hạn (có thể là 3 năm hoặc 5 năm) [56, tr 144] [message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Ngân sách địa phương là gì? Khái niệm và vai trò của Ngân sách địa phương[/message]

Khuôn khổ chi tiêu trung hạn (được dịch từ cụm từ tiếng Anh: Medium term expenditure framework, viết tắt là MTEF) là một khuôn khổ chi tiêu và chính sách chiến lược cho toàn chính phủ, trong đó các bộ trưởng và các bộ chủ quản được trao trách nhiệm lớn hơn trong quyết định phân bổ và sử dụng nguồn lực, đòi hỏi những người có thẩm quyền ra quyết định phải cân đối giữa khả năng đáp ứng về tổng thể với các ưu tiên chính sách của đất nước. MTEF bao gồm một hạn mức nguồn lực từ trên xuống, một dự toán các chi phí thực hiện hiện hành trong trung hạn từ dưới lên và cuối cùng là sự gắn khớp giữa những mức chi phí đó với mức nguồn lực sẵn có. [56, tr 144]

Bảng 2.1: So sánh giữa lập ngân sách truyền thống và lập ngân sách có MTEF

Lp NS truyền thống Lp NS có MTEF
Lập NS cho từng năm Lập NS cho nhiều năm (3-5 năm)
Tách rời giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển Tổng nguồn lực phân bổ cho chi đầu tư và chi thường xuyên
Tách rời giữa chi trực tiếp từ NSNN và nguồn khác ngoài NS Tổng hợp các nguồn NSNN và ngoài NSNN được coi như NSNN
Phân bổ cố định hàng năm Phân bổ linh hoạt giữa các năm
Đàm phán hàng năm về tổng kinh phí được phân bổ Chỉ đàm phán về những gì thay đổi bổ sung so với dự tính khi lập MTEF
Mối  liên  hệ  kế  hoạch  NS  với  chính sách, kế hoạch quốc gia, địa phương và kế hoạch ngành thường không rõ ràng Gắn  bó  hơn  giữa  kế  hoạch  NS  với chính sách, kế hoạch trung và dài hạn của quốc gia và địa phương cũng như của ngành

Nguồn: [56, trang 146]

Ở Việt Nam, DT thu- chi NSĐP được lập hàng năm và thường được lập theo phương pháp tăng thêm một tỷ lệ phần trăm nhất định so với số ước thực hiện của năm hiện hành. Vì vậy, một số chỉ tiêu DT thu NSĐP chưa sát với thực trạng kinh tế-xã hội của một số ĐP, ở một số thời điểm. DT NSNN được lập hàng năm có ưu điểm là tính chính xác cao hơn so với kế hoạch tài chính trung hạn (do thời gian dự báo ngắn), dễ làm, dễ thực hiện, nhưng có hạn chế là tập trung vào các nhu cầu cụ thể của từng năm, dẫn tới phân tán nguồn lực, khó tập trung vào các ưu tiên chiến lược trong trung và dài hạn của nền kinh tế; thiếu tính linh hoạt, chủ động trước các biến động lớn về kinh tế, xã hội, môi trường.

Từ những bất cập của kế hoạch tài chính hàng năm nên Việt Nam đã thực hiện thí điểm lập kế hoạch tài chính và chi tiêu trung hạn 03 năm. Các văn bản quy định như Quyết định 432/QĐ-TTg ngày 21/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo khả thi Dự án “Cải cách quản lý tài chính công”, Thông tư 55/2008/TT-BTC ngày 20/6/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thí điểm xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2009- 2011.  Thực hiện thí điểm tại 6 Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và 3 địa phương: Hà Nội, Bình Dương và Vĩnh Long. Dự án kết thúc vào năm 2010 nên việc áp dụng thí điểm xây dựng kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn chỉ thực hiện tới năm 2008. Năm 2009 và 2010, các bộ, địa phương tham gia thí điểm tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống biểu mẫu, mô hình áp dụng, nghiệm thu bộ tài liệu biểu mẫu dưới dạng sổ tay hướng dẫn để phục vụ cho việc đào tạo các nhóm đối tượng khác nhau trong tương lai.

Nhìn chung, ở Việt Nam DT NSNN nói chung và ngân sách địa phương nói riêng hiện đang được lập hàng năm, kết hợp phương pháp phân bổ từ trên xuống và tổng hợp từ dưới lên. Lập NS chủ yếu dựa trên cơ chế kiểm soát chi phí đầu vào. Trong thời gian tới, Luật NSNN 2015 có hiệu lực từ năm NS 2017, định hướng lập NSNN có sự thay đổi theo hướng quản lý NS theo kết quả hoạt động và gắn kết với kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính-NSNN 03 năm.

b2). Thực hiện Kế hoạch (Dự toán) thu-chi ngân sách địa phương

Cơ quan thu, cơ quan tài chính phối hợp với KBNN tổ chức quản lý, tập trung đầy đủ và kịp thời các khoản thu vào ngân sách địa phương.

Trong khâu tổ chức thực hiện kế hoạch chi ngân sách địa phương, công tác QLNN bao gồm các nội dung:

+ Cấp phát các khoản chi ngân sách địa phương

+ Kiểm soát chi ngân sách địa phương;

+ Điều chỉnh DT chi ngân sách địa phương (nếu có).

Trên cơ sở DT được giao các đơn vị DT sử dụng kinh phí theo kế hoạch. Mọi khoản chi được kiểm soát qua KBNN. Cơ quan tài chính có trách nhiệm bố trí nguồn để thực hiện kịp thời các khoản chi theo DT.

b3). Quyết toán thu-chi ngân sách địa phương

Quyết toán ngân sách địa phương là khâu cuối cùng trong chu trình NS, nhằm đánh giá cả quá trình thực hiện nhiệm vụ NS trong một năm tài chính trên các nội dung: tình hình thực hiện DT; tình hình chấp hành các Luật, chính sách, chế độ của Nhà nước; đánh giá tác động của các hoạt động thu-chi NSĐP đối với việc thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế-xã hội của địa phương trong một năm;… Vì vậy, sau khi năm NS kết thúc, các khoản thu- chi NSĐP phải được quyết toán đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ theo quy định.

c). Kiểm tra, giám sát quá trình thu-chi ngân sách địa phương

Kiểm tra, giám sát quá trình thu là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý thu nhằm bảo đảm các đối tượng nộp thuế, phí, lệ phí tuân thủ đúng pháp luật.

HĐND sẽ giám sát việc thực hiện dự toán thu do HĐND quyết định.

HĐND là cơ quan quyền lực ở địa phương thực hiện sự giám sát quá trình thu- chi NS ở địa phương, giám sát sự tuân thủ thực thi pháp luật trong quá trình tổ chức thu-chi NS, giám sát sự tuân thủ dự toán thu-chi đã được HĐND quyết định.

Giám sát còn được thực hiện bởi các tổ chức, đoàn thể và cá nhân.

Kiểm tra được thực hiện bởi các cơ quan kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, cơ quan thanh tra nhà nước.

Nội dung quản lý nhà nước đối với thu – chi ngân sách địa phương

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

2 thoughts on “Nội dung quản lý nhà nước đối với thu – chi ngân sách địa phương

  1. Pingback: Kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh về quản lý nhà nước đối với thu-chi ngân sách địa phương - Hỗ trợ, tư vấn, chắp bút luận án tiến sĩ

  2. Pingback: Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng về quản lý nhà nước đối với thu-chi ngân sách địa phương - Download Luận Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?