Những ưu điểm và nhược điểm của lạm phát mục tiêu

Hiệu quả đầu tư phát triển

Mục lục

Những ưu điểm và nhược điểm của lạm phát mục tiêu

1. Những ưu điểm của lạm phát mục tiêu

Chính sách lạm phát mục tiêu làm tăng sự tự chủ và linh hoạt của ngân hàng trung ương trong thực hiện mục tiêu kinh tế vĩ mô

Bernanke và Mishkin (1998) nhấn mạnh rằng chính sách lạm phát mục tiêu là một khuôn khổ chứ không phải là một nguyên tắc cứng nhắc trong điều hành chính sách tiền tệ mà NHTW nhất nhất phải tuân theo. Khuôn khổ này cho phép NHTW được quyền tự chủ và linh hoạt trong hành động nhưng không vượt ra ngoài một phạm vi đã định hay còn gọi là sự tự chủ hạn chế (constrained discretion). Theo đó, một khuôn khổ chính sách lạm phát mục tiêu kết hợp 2 yếu tố: thứ nhất là một mục tiêu cụ thể, chính xác cho lạm phát trong phạm vi thời gian trung hạn; và thứ hai là quyền chủ động phản ứng trước các cú sốc của nền kinh tế trong ngắn hạn. Sự tự chủ này dường như để bác lại ý kiến cho rằng, LPMT chỉ chú ý đến mục tiêu kiểm soát lạm phát mà bỏ qua những mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Lạm phát mục tiêu phát huy được hiệu quả kiểm soát kỳ vọng lạm phát và do vậy tăng cường ổn định lạm phát

Kỳ vọng lạm phát ngày càng có vai trò quan trọng trong chính sách tiền tệ. Khi kỳ vọng về lạm phát của người dân và doanh nghiệp tăng cao sẽ đẩy lương danh nghĩa tăng theo. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp thuê ít lao động hơn và kết quả làm cho tỷ lệ việc làm giảm xuống. Kỳ vọng về lạm phát tăng cao cũng khiến các doanh nghiệp định giá sản phẩm của mình cao hơn nhằm bù đắp chi phí về lương. Điều này tất yếu dẫn đến cầu về hàng hóa và dịch vụ giảm xuống. Kết quả cuối cùng là sản lượng của nền kinh tế suy giảm. Như vậy, tác động của các quyết định chính sách tiền tệ lên kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp trở thành một mối quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách.

Lạm phát mục tiêu được xem như một cách thức hiệu quả để neo giữ các kỳ vọng lạm phát ở mức thấp, kể cả khi những biến động trong ngắn hạn của cầu khiến cho tỷ lệ lạm phát vượt ra ngoài mức kỳ vọng đó. Điều này được giải thích là do sự tin tưởng của người dân và doanh nghiệp vào chính sách giảm lạm phát mà chính phủ cam kết theo đuổi . Vì vậy có thể nói, việc áp dụng LPMT giúp NHTW điều chỉnh kỳ vọng lạm phát của dân chúng theo mục tiêu lạm phát.

Lạm phát mục tiêu làm giảm tác động của các cú sốc

Trong thực tế, các quốc gia thường gặp phải những cú sốc xuất phát từ những nguyên nhân không lường trước. Những ví dụ minh họa cho trường hợp này là khủng hoảng dầu lửa những năm 1972-73 và sự tăng giá dầu những năm sau đó. Tác động của việc tăng giá dầu vào những năm 1980 được thấy làkhông lớn so với thời gian trước do chính sách tiền tệ CSLPMT đã neo tốt hơn kỳ vọng lạm phát, nhờ đó không tác động nhiều đến lạm phát cơ bản (Bernanke, 1998). Hay một ví dụ khác về cú sốc cung gây thiếu hụt hàng hóa trầm trọng. Nước Anh và Thụy Điển không sử dụng neo tỷ giá hối đoái sau khi rời bỏ Hệ thống tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) vào năm 1992 dẫn đến sự phá giá tiền tệ ở những nước này. Điều này lẽ ra sẽ kích thích lạm phát do các tác động trực tiếp khiến giá xuất khẩu và nhập khẩu cao hơn và kéo theo đó những tác động ở vòng xoáy thứ hai lên tiền lương và giá cả. Tuy nhiên, bằng chứng thực nghiệm ở những nước này cho thấy rằng việc thực thi LPMT đã giúp cắt đứt vòng xoáy tác động thứ hai vì tác dụng neo kỳ vọng lạm phát đã giúp người dân có suy nghĩ rằng cú sốc phá giá chỉ có tính chất tạm thời (Mishkin, 2000) [19]. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 vừa qua, bằng chứng thực tế cũng cho thấy các nước theo đuổiCSLPMT có khả năng chống chọi với khủng hoảng tốt hơn những nước không áp dụng LPMT.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Khái niệm, đặc điểm khuổn khổ chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu[/message]

Chính sách lạm phát mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng mà không làm tăng mức độ biến động của sản lượng

Khi thực hiện khuôn khổ lạm phát mục tiêu, mặc dù trong giai đoạn giảm lạm phát thường xuất hiện mức sản lượng thấp hơn bình thường, nhưng khi đã đạt được mức lạm phát thấp, sản lượng và việc làm sẽ quay về mức cao như cũ và sản lượng không biến động thêm nữa. Mishkin (2000) [5] kết luận là một khi đạt được mức lạm phát thấp,CSLPMT sẽ không tác động xấu đến nền kinh tế thực. Căn cứ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau khi lạm phát giảm đi ở nhiều quốc gia thực thi LPMT, có thể thấy rằng LPMT thúc đẩy phát triển kinh tế thực và giúp kiểm soát lạm phát.

Bernanke (2000) nhấn mạnh rằng lợi ích quan trọng nhất mà LPMT mang lại là thúc đẩy sự ổn định giá cả và kỳ vọng lạm phát được neo tốt; đến lượt mình thì sự ổn định giá cả và kỳ vọng lạm phát được neo tốt lại thúc đẩy ổn định sản lượng và việc làm một cách hiệu quả hơn. Vì vậy, một chiến lược CSLPMT được thiết lập và thực thi tốt sẽ đem lại kết quả tốt cho tăng trưởng GDP, việc làm cũng như kiểm soát lạm phát [6].

2. Những điểm hạn chế của LPMT

Những đặc điểm trên đây cũng là những ưu điểm của lạm phát mục tiêu, tuy nhiên chính sách lạm phát mục tiêu hoàn toàn không phải là “cây đũa thần”. Trong thực tế, có không ít các nghiên cứu phê phán khuôn khổ LPMT bởi những bất lợi mà khuôn khổ chính sách này đem lại, và họ cho rằng những ưu điểm của chính sách lại chính là nguyên nhân dẫn đến những nhược điểm của nó trong quá trình hoạt động:

(i) Theo nghiên cứu của Mishkin (1999) và Bernanke, et al. (1999) cho rằng CSLPMT là quá cứng nhắc và chưa hẳn là một khuôn khổ CSTT lý tưởng, việc tập trung đạt được mục tiêu duy nhất là lạm phát trong khi bỏ quên các mục tiêu khác như tăng trưởng và việc làm có thể làm tăng tính bất ổn của nền kinh tế. CSLPMT bị chỉ trích do quá chú trọng đến lạm phát, nên có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và loại trừ các mục tiêu khác như ổn định sản lượng. Theo thông báo của các quốc gia thực hiện CSLPMT cho thấy NHTW vẫn quan tâm đến tăng trưởng sản lượng một cách tổng thể, vấn đề thiểu phát và các tác động không mong muốn của thiểu phát đến nền kinh tế. Một số nhà kinh tế cũng cho rằng tính cứng nhắc của lạm phát mục tiêu có thể gây cản trở cho các nhà chức trách tiền tệ trong đối phó với các cú sốc tác động đến nền kinh tế. Tuy nhiên, có thể khẳng định CSLPMT không phải bao hàm các quy tắc đơn giản về xây dựng chính sách tiền tệ mà chính cơ chế này buộc các nhà hoạch định chính sách sử dụng toàn bộ thông tin hiện có để đạt được mục tiêu đề ra.

(ii) LPMT có thể làm suy yếu trách nhiệm giải trình của NHTW do có độ trễ nhất định trong quá trình truyền tải tác động từ các công cụ CSTT đến kết quả lạm phát nên lạm phát rất khó để kiểm soát, và điều này đặc biệt nghiêm trọng tại các nền kinh tế mới nổi, nơi có tỷ lệ lạm phát từ những mức rất cao. Khác với tỷ giá và cung tiền, kiểm soát lạm phát là vấn đề không dễ và công cụ chính sách thường chỉ cho thấy khả năng tác động của nó với một độ trễ dài nhất định. NHTW sẽ gặp khó khăn trong việc giải thích lý do để tạo dựng niềm tin. Theo quan điểm của Masson và các cộng sự (1997), chính sách lạm phát mục tiêu sẽ hiệu quả hơn nếu bắt đầu thực hiện sau khi thực hiện thành công các biện pháp giảm phát.

 (iii) LPMT cũng không thể ngăn cản được sự chi phối của chính sách tài khóa và sự linh hoạt của tỷ giá khi áp dụng LPMT cũng có thể dẫn đến những bất ổn về tài chính. Về dài hạn, thâm hụt ngân sách lớn sẽ dẫn đến việc tiền tệ hóa các khoản thâm hụt hay phá giá đồng tiền và gây ra lạm phát cao. Frankel (2012) cho rằng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng bị ảnh hưởng từ việc các NHTW đã quá chú trọng đến kiểm soát lạm phát hơn là quan tâm đến các dấu hiệu của bất ổn tài chính. Bên cạnh đó, một số quan điểm cũng lập luận rằng chính sách lạm phát mục tiêu có thể khiến các nhà hoạch định chính sách theo đuổi chính sách mở rộng quá mức. Tuy nhiên, như ưu điểm đã phân tích thì cơ chế này sẽ tăng trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của chính sách. Khi đó, trách nhiệm giải trình sẽ làm tăng chi phí của những sai lầm chính sách đối với các nhà hoạch định chính sách, tính minh bạch sẽ làm cho việc xây dựng chính sách mở rộng quá mức mà không có sự thông báo hoặc giải trình trở nên khó có thể diễn ra.

Những ưu điểm của chính sách lạm phát mục tiêu có thể trở thành yếu điểm của chính sách này nếu như NHTW các nước không chuẩn bị sẵn cho mình những nền tảng cần thiết và có lộ trình áp dụng đầy đủ một cách phù hợp, cũng như những nhược điểm vẫn có thời gian và cơ chế để hoàn thiện. Chính vì vậy, việc lựa chọn áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu thực sự có phải là một khuôn khổ thích hợp và hiệu quả không cần phải được nghiên cứu thấu đáo để có một câu trả lời thỏa đáng cho mỗi nước trong quá trình tìm kiếm một cơ chế điều hành mới, đặc biệt trong giai đoạn áp lực lạm phát gia tăng [7].

Những ưu điểm và nhược điểm của lạm phát mục tiêu

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?