Mục lục
Những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực nữ miền núi
Việc phát triển nguồn nhân lực nữ miền núi thực chất là quá trình một mặt dựa vào năng lực chủ quan, một mặt dựa vào những nhân tố khách quan tác động tới sự tồn tại và phát triển của người phụ nữ miền núi. Có thể thấy những nhân tố cơ bản sau đây thường xuyên tác động đến việc phát triển nguồn nhân lực nữ miền núi:
i) Giáo dục – đào tạo.
Do vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển trí tuệ và nhân cách của con người nên nhân tố này đang được coi là phương thức phát triển nhanh chất lượng nguồn nhân lực. Giáo dục cơ sở là nền tảng để phát triển các kỹ năng cần thiết để tham gia vào các hoạt động kinh tế có hàm lượng chất xám cao. Những ai không điều kiện tiếp cận đến giáo dục có nguy cơ bị loại khỏi cơ hội mới, tụt lại.
Các quốc gia hiện nay đều coi đầu tư cho giáo dục – đào tạo là đầu tư cho phát triển, đầu tư trực tiếp vào nguồn lực con người. Đối với nguồn nhân lực nữ miền núi, sự tác động của giáo dục – đào tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì không chỉ liên quan đến 1/2 nguồn nhân lực mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của lực lượng lao động trong tương lai. Điều này xuất phát từ mối liên hệ giữa học vấn của phụ nữ với sự phát triển của xã hội theo tác động dây chuyền giữa trẻ em gái – người mẹ – thế hệ tương lai. Các nghiên cứu cho thấy việc học tập của phụ nữ mang lại những lợi ích đặc biệt quan trọng cho gia đình và xã hội. Tuy vậy nhân lực nữ miền núi còn khó khăn trong tiếp cận giáo dục đào tạo, cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái đến trường còn gặp rất nhiều rào cản. Thực tế cho thấy nguồn nhân lực nữ miền núi còn nhiều hạn chế về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn. Đường giao thông không thuận tiện, cơ sở hạ tầng thấp kém, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt và củi đốt, nguồn nước xa nhà, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thời gian để làm việc nhà nhiều đã lấy đi cơ hội học hành của nhân lực nữ và trẻ gái, gánh nặng công việc gia đình hầu hết đặt lên vai nhân lực nữ và trẻ em gái, quan niệm trọng nam khinh nữ còn tồn tại…nên nhân lực nữ ít có cơ hội đến trường, tỷ lệ mù chữ cao. Nhân lực nữ miền núi nếu có điều kiện tiếp cận với giáo dục cơ sở sẽ có nhiều cơ hội mới, sẽ có nền tảng để phát triển các kỹ năng linh hoạt, là điều cần thiết để tham gia vào các hoạt động kinh tế có hàm lượng chất xám cao. Nếu không nhân lực nữ miền núi sẽ ngày càng tụt hậu sau và bị gạt ra ngoài lề trong quá trình phát triển.
[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Phát triển nguồn nhân lực nữ[/message]Những nghiên cứu cũng cho thấy người mẹ có học vấn càng cao thì sinh ít con hơn. Quan trọng hơn, học vấn của mẹ còn có tác động trực tiếp đến việc học của con. Con của người mẹ có học vấn cao hơn có nhiều cơ hội được đến trường hơn, người mẹ mù chữ hoặc trình độ học vấn thấp ít quan tâm đến con và khó dạy con học. Người mẹ không đi học có tỷ lệ con được tiêm chủng thấp, tỷ lệ tử vong và suy dinh dưỡng cao.
Việc nâng cao địa vị phụ nữ miền núi và tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững đất nước phụ thuộc rất nhiều vào sự kiên trì thực hiện quốc sách giáo dục và đào tạo. Giảm khoảng cách về giới trong giáo dục – đào tạo sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện nguồn nhân lực trước mắt cũng như lâu dài.
ii) Đặc điểm tự nhiên – sinh học.
Phụ nữ gắn liền với việc sinh con duy trì sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Việc sinh con vì thế là hiện tượng xã hội, nhưng trước hết cũng là hiện tượng tự nhiên, sinh học. Song, chức năng sinh học đó được thực hiện trong mối liên hệ chặt chẽ và chịu sự tác động của nhiều nhân tố như gia đình, môi trường kinh tế, môi trường giáo dục, môi trường cộng đồng. Không quan tâm đúng mức đến các nhân tố tự nhiên – sinh học của nhân lực nữ sẽ không chỉ mất mát hiện tại về năng suất, hiệu quả lao động, tác động tiêu cực đến việc phát triển trí lực của phụ nữ mà còn là những cái giá phải trả trong một vài thế hệ tương lai của dân tộc xét về mặt giống nòi và phát triển bền vững đất nước. Phát triển nguồn nhân lực nữ vì thế cần thấy được những đặc điểm riêng về mặt tự nhiên – sinh học của phụ nữ để có những giải pháp và chính sách xã hội hợp lý.
iii) Sức khỏe và chăm sóc y tế:
Sức khỏe tốt là điều kiện thiết yếu đối với phúc lợi, là nguồn lực quan trọng giúp nhân lực nữ miền núi hưởng thụ thành quả của quá trình phát triển. Do cấu tạo cơ thể của nhân lực nữ khác với nam (nhân lực nữ thường thấp, bé, nhẹ cân hơn) và do đặc điểm sinh lý cũng khác nam (phải sinh con và nuôi con) nên nhìn chung sức khoẻ của nhân lực nữ thường yếu hơn so với nam. Vì vậy việc đầu tư vào y tế và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng đối với nguồn nhân lực nữ miền núi là quan trọng và hết sức cần thiết. Nguồn nhân lực nữ miền núi khỏe mạnh sẽ lao động dẻo dai hơn, làm ra được nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng hơn, người mẹ khỏe mạnh có xu hướng sinh ra những trẻ em khỏe mạnh.
Nguồn nhân lực nữ miền núi thường có tuổi thọ thấp hơn các vùng khác, do tình trạng bệnh tật cao, việc tiếp cận các dịch vụ y tế kém do thiếu khả năng chi trả, tỷ lệ nạo phá thai cao, sinh đẻ khó, sảy thai, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có tỷ lệ cao, việc mang thai thường xuyên và khó khăn, sự chăm sóc người mẹ khi mang thai và sinh nở không đầy đủ…Nhân lực nữ miền núi có sức khỏe kém còn do vấn đề tệ nạn mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS lan tràn.
iv) Chính sách xã hội
Chính sách xã hội là một công cụ quan trọng của quản lý nhà nước nhằm thực hiện và điều chỉnh các mối quan hệ của con người xoay quanh mối quan hệ lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Chính sách xã hội đúng đắn là động lực to lớn khơi dậy tiềm năng của con người, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động phát huy năng lực sáng tạo của mình đóng góp cho sự phát triển của cá nhân và cộng đồng xã hội. Ngược lại, nếu hệ thống chính sách không phù hợp, thiếu đồng bộ thì sẽ trở thành rào cản kìm hãm năng lực và tư duy sáng tạo của mỗi con người. Đối với nhân lực nữ miền núi chính sách xã hội phải phản ánh được lợi ích và nguyện vọng của họ. Chính sách xã hội phù hợp với phụ nữ khi nó tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển năng lực của mình trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, đảm bảo công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế. Miền núi thường là vùng có cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nên việc chính phủ đưa ra những chính sách phát triển hạ tầng cũng góp phần to lớn vào phát triển nguồn nhân lực nữ trong vùng, giúp họ gia tăng khả năng tiếp cận với các nguồn lực sản xuất.
Về giáo dục : việc đầu tư xây dựng thêm cơ sở giáo dục làm gần thêm đường đến trường, giảm chi phí cơ hội của việc đi học, tăng khả năng được đi học và nâng cao kết quả học tập của nhân lực nữ miền núi và trẻ em gái. Vấn đề đaò tạo đội ngũ giáo viên, thẩm định chương trình giáo dục, chỉnh lý chương trình giáo dục phù hợp là điều quan trọng để thu hút nhân lực nữ .
Về các dịch vụ tài chính: do nhân lực nữ miền núi có trình độ văn hóa thấp và thiếu các hình thức thế chấp (đất đai và các tài sản khác), hồ sơ và thủ tục xin vay phức tạp đã làm cho họ khó tiếp cận với các khoản tín dụng và các dịch vụ tài chính. Việc chính phủ thông qua các tổ chức tài chính tạo điều kiện cho việc tiết kiệm và vay nợ của nhân lực nữ bằng cách đề ra các qui tắc và thủ tục vận hành làm giảm bớt khó khăn mà họ gặp phải, chẳng hạn, dùng tín chấp thay cho các loại hình thế chấp truyền thống, đơn giản hóa thủ tục ngân hàng, giảm khoảng cách mà nhân lực nữ cần di chuyển…
Về khuyến nông: nhân lực nữ miền núi thường khó tiếp xúc với dịch vụ khuyến nông, về đào tạo, về công nghệ sản xuất hiện đại, về các thông tin sản xuất, nếu chính phủ đưa ra những chính sách tạo điều kiện cho nhân lực nữ tiếp cận quá trình này thì khả năng nhân lực nữ thu lợi từ hoạt động khuyến nông tăng đáng kể.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản giúp nhân lực nữ và trẻ em gái tiết kiệm thời gian, thúc đẩy nhân lực nữ tiến bộ hơn trong tiếp cận nguồn lực. Việc tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm giảm thời gian nhân lực nữ phải bỏ ra cho việc chăm sóc tại nhà cho các thành viên bị ốm trong gia đình. Việc đầu tư nâng cấp nguồn nước sinh hoạt, nguồn chất đốt, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, điện… cũng giúp cho nhân lực nữ tiết kiệm thời gian, giảm bớt thời gian dành cho công việc chăm sóc gia đình, giúp nhân lực nữ có thời gian học tập, nghỉ ngơi đầu tư phát triển tiềm năng của họ.
v) Truyền thống văn hoá dân tộc.
Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc là nhân tố quan trọng, là môi trường lành mạnh để hình thành và phát triển nguồn lực con người. Một dân tộc, một quốc gia có truyền thống tốt, những tập quán lành mạnh, có nền văn hoá phát triển cao chính là cơ sở điều kiện tốt để xây dựng nguồn nhân lực vừa có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, vừa có thái độ, tinh thần, tác phong làm việc tốt. Ngược lại, nếu một dân tộc, một quốc gia có những phong tục, tập quán lạc hậu thì sẽ kìm hãm sự vươn lên của chính quốc gia, dân tộc đó. Mặt khác, những đặc trưng văn hoá – xã hội của một dân tộc còn là cơ sở cho việc sử dụng nguồn nhân lực hợp lý và hiệu quả cao. Liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực nữ miền núi hiện nay, bên cạnh việc phát huy các giá trị văn hoá, truyền thống dân tộc đề cao vai trò của nhân lực nữ, quan tâm đến sự phát triển của nhân lực nữ, thì phải loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, lối tư duy theo kiểu “trọng nam, khinh nữ ” để tạo điều kiện cho sự phát triển mọi mặt của nhân lực nữ vì mục tiêu phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.
vi) Gia đình.
Gia đình là nhân tố liên quan mật thiết và tác động thường xuyên đến việc phát triển nguồn nhân lực nữ. Theo quan điểm duy vật, nhân tố quyết định trong lịch sử, suy cho đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng bản thân sự sản xuất đó có hai loại. Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống. Những trật tự xã hội là do hai loại sản xuất đó quyết định: một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình. Có thể khẳng định rằng gia đình là tổ chức xã hội đầu tiên có khả năng nhất trong việc chăm lo cho sự phát triển của mỗi con người trên cả ba phương diện: thể chất, trí tuệ và tình cảm tâm lý. Sự tác động của gia đình được diễn ra ngay từ khi đứa trẻ còn trong bào thai đến khi ra đời và sự tác động này tồn tại trong suốt quá trình sinh trưởng. Do chức năng sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái mà phụ nữ luôn luôn gắn liền với gia đình. Đề cập sự tác động của gia đình đến nguồn nhân lực nữ cần phải hiểu đây là sự tác động hai chiều. Gia đình là nơi nhân lực nữ thực hiện chức năng tái sản xuất ra con người, nuôi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước và đồng thời là nơi nhân lực nữ tiếp nhận những nguồn lực cho sự phát triển của chính mình. Không thể nói phát triển nguồn nhân lực nữ chỉ căn cứ vào sự tham gia hoạt động xã hội mà coi nhẹ vai trò to lớn của họ trong gia đình. Cũng không thể đề cao vai trò của nhân lực nữ trong gia đình mà quên đi trách nhiệm của gia đình trong việc chăm lo cho sự phát triển của nhân lực nữ. Khi gia đình tái sản xuất ra nguồn nhân lực nữ có chất lượng cao cũng chính là điều kiện cơ bản để gia đình thực hiện tốt chức năng của mình. Do vậy, nhân lực nữ được tạo các điều kiện phát triển toàn diện ngay từ trong gia đình thì chính gia đình cũng sẽ có những biến đổi tích cực.
vii) Bố trí và sử dụng nguồn nhân lực nữ miền núi
Sử dụng đúng ngành nghề và trình độ thì lao động nữ sẽ phát huy được tài năng trí tuệ, tay nghề và ra sức phấn đấu vươn lên về mọi mặt. Sử dụng lao động hợp lý sẽ tạo ra môi trường phù hợp cho họ phát triển nhanh chóng. Ngược lại, nếu sử dụng không hợp lý sẽ làm cho hạn chế thậm chí thui chột khả năng của người lao động. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, việc sử dụng lao động nữ sao cho hợp lý và hiệu quả là một trong những vấn đề rất phức tạp, vì trên thực tế bên cạnh chức năng là người lao động như nam thì nữ còn đảm nhận chức năng sinh con. Vì vậy, sử dụng lao động nữ phải chú ý đến đặc điểm của nữ, vừa có chức năng lao động như nam, vừa có chức năng tái sản xuất dân số và nguồn lao động, phải tính đến tiêu hao sức lực và thời gian của nhân lực nữ trong việc thực hiện chức năng thứ hai một cách hợp lý để nhân lực nữ có điểm xuất phát ngang bằng về mặt sức lao động với nam trong nền kinh tế thị trường.
Tóm lại, việc phát triển nguồn nhân lực nữ miền núi chủ yếu chịu sự tác động của các nhân tố trên. Mỗi một nhân tố tác động đến từng mặt của nguồn nhân lực nữ miền núi. Vì thế khi xem xét, đánh giá, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực nữ cần phải phân tích đầy đủ và sử dụng tổng hợp tất cả các nhân tố này.
Những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực nữ miền núi
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT