Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Phi tập trung hoá là xu hướng đang phát triển phổ biến trong quản lý kinh tế ở nhiều nước. Phi tập trung hoá là chế độ phân chia quyền hạn và trách nhiệm, thẩm quyền về quản lý kinh tế của TW cho chính quyền địa phương. Do đó, trong phạm vi một quốc gia cũng xuất hiện sự ganh đua giữa các vùng hay cấp địa phương, được gọi là cạnh tranh vùng hay địa phương mà ở Việt Nam đang tồn tại một cấp độ cạnh tranh đặc thù là cạnh tranh cấp tỉnh.
Tăng trưởng và phát triển kinh tế là mục tiêu quan trọng của mọi quốc gia, mọi địa phương. Để thực hiện mục tiêu ấy, mỗi quốc gia, địa phương sẽ có những chính sách và bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Tuy nhiên, bất kỳ quốc gia, địa phương nào cũng phải tìm lời giải đáp cho vấn đề nguồn lực cho đầu tư phát triển ở đâu và cách thức huy động các nguồn lực ấy như thế nào. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển DN là lời giải đáp của mỗi chính phủ, chính quyền địa phương. Khả năng của một địa phương cấp tỉnh trong thu hút các DN, các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển kinh tế – xã hội theo những mục tiêu đã định chính là năng lực cạnh tranh của tỉnh đó. Do vậy, một tỉnh có Năng lực cạnh tranh cao thể hiện ở sự hấp dẫn về đầu tư và kinh doanh đối với các DN, nhà đầu tư hay đã tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh đó.
Trong khi cạnh tranh giữa các quốc gia nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, có tính chất và phương thức cạnh tranh gay gắt hơn, đa dạng hơn thì trong phạm vi một quốc gia, cạnh tranh giữa các tỉnh (hay vùng) có mức độ được hiểu mềm dẻo và linh hoạt hơn. Đó là sự ganh đua giữa các tỉnh (vùng) nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở lợi thế của địa phương (vùng) đó. Đồng thời trong sự ganh đua có tính chất hợp tác, liên kết cùng phát triển. Vấn đề liên kết ở đây thực chất là sự hợp tác, liên kết các ngành, liên kết các địa phương không chỉ nhằm mục tiêu tạo lực như xoá bỏ mức độ giới hạn địa giới hành chính tạo ra các nguồn lực đầu vào (đất đai, nguyên liệu, lao động) có quy mô lớn hơn cho các nhà đầu tư, mà còn làm sao phân chia nguồn lực một cách hiệu quả nhất. Liên kết các địa phương trong vùng và liên kết các ngành mang tính bổ sung lẫn nhau, duy trì và tăng cường Năng lực cạnh tranh cho các tỉnh.
Như vậy, thực chất Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là khả năng ganh đua của các tỉnh nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở lợi thế của địa phương trong mối quan hệ liên kết với những địa phương khác trong phạm vi quốc gia.
Trong mô hình Kim cương vận dụng nghiên cứu xác định Năng lực cạnh tranh các tỉnh (xem Sơ đồ 1.2) cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của chính quyền cấp tỉnh. Trong điều kiện phân cấp mạnh mẽ, chính quyền cấp tỉnh có thể tác động trực tiếp hay gián tiếp, tích cực hoặc tiêu cực đến sức hấp dẫn của các yếu tố đầu vào (nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn tri thức, nguồn vốn và cơ sở hạ tầng), các yếu tố liên quan đầu ra (quy mô thị trường, tập quán tiêu dùng,…); hệ thống các DN và nhà đầu tư tại địa phương; các ngành dịch vụ hỗ trợ và liên quan. Những tác động ấy được biểu hiện thông qua sự ảnh hưởng của chính quyền cấp tỉnh đối với các yếu tố trên như sau:
Một là, đối với các yếu tố sản xuất, thể hiện chủ yếu ở lĩnh vực đào tạo lao động (số lượng và chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo, dạy nghề, thông tin thị trường lao động,…) và chất lượng cơ sở hạ tầng (đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh,…). Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý [29] nên chính quyền cấp tỉnh có vai trò rất lớn đối với yếu tố sản xuất này tại địa phương, như quyết định mục đích sử dụng đất thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; định giá đất,…
Hai là, đối với các ngành hỗ trợ và liên quan. Mỗi ngành sản xuất kinh doanh đều có các ngành hỗ trợ và liên quan như ở các lĩnh vực công nghệ, thông tin (kinh doanh, thị trường, đầu tư). Trong phạm vi địa phương, chính quyền cấp tỉnh có thể trực tiếp thực hiện các dịch vụ hỗ trợ DN (như trợ giúp pháp lý, xúc tiến thương mại – đầu tư,…) hoặc khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển các dịch vụ hỗ trợ này.
Ba là, đối với các yếu tố đầu ra. Ở cấp địa phương, sự ảnh hưởng này không rõ nét như ở cấp quốc gia. Chính quyền địa phương có thể tác động lên thị trường tiêu thụ sản phẩm của DN thông qua những dự báo, định hướng sản xuất – tiêu dùng, đồng thời chính quyền tỉnh cũng có thể đóng vai trò là khách hàng trong một số trường hợp cần thiết. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin của DN rất quan trọng, một mặt có thể giúp DN định hướng thị trường đáp ứng tốt hơn nhu cầu cầu thị trường, mặt khác, định hướng cho người tiêu dùng về những hàng hóa có chất lượng. Bên cạnh đó, chính quyền có thể nỗ lực cải cách hành chính để cắt giảm chi phí không chính thức cho DN, từ đó có khả năng giảm giá bán, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, giảm chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước nhằm giúp DN tận dụng tối đa cơ hội trong sản xuất kinh doanh.
Bốn là, đối với cơ cấu, hệ thống DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sự ảnh hưởng của chính quyền cấp tỉnh lên yếu tố này khá rõ nét. Xuất phát từ định hướng chiến lược phát triển các ngành kinh tế của địa phương, chính quyền cấp tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách cụ thể (như chính sách thuế, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, liên kết,…) để khuyến khích mở rộng hay hạn chế đầu tư (trong và ngoài nước) vào lĩnh vực nào đó. Đồng thời, thực hiện giảm chi phí gia nhập thị trường sẽ tạo lập nhiều DN mới. Do đó, có thể thay đổi cơ cấu, hệ thống DN, nhà đầu tư tại tỉnh.
Ngoài ra, các cơ hội cũng có vai trò ảnh hưởng nhất định lên các nhân tố trong mô hình, chẳng hạn như là sự phát triển khoa học công nghệ thế giới, cơ chế chính sách riêng của TW, quan hệ đối ngoại (thông qua hoạt động liên kết, hợp tác,…) của các địa phương khác đối với tỉnh.
Như vậy, vai trò của chính quyền địa phương là tạo môi trường thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nhằm phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Vai trò ấy được xác định trên các mặt sau: (1) Định hướng phát triển thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế; (2) Tạo môi trường pháp lý và kinh tế cho các DN hoạt động và cạnh tranh lành mạnh; (3) Điều tiết hoạt động và phân phối lợi ích một cách công bằng thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính công; (4) Kiểm tra giám sát các hoạt động kinh tế theo pháp luật, chính sách đã đề ra.
Để nâng cao Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cả nguồn lực vật chất và nguồn lực phi vật chất (hay nguồn lực mềm) đều rất quan trọng. Trong khi các nguồn lực vật chất dễ nhận biết, lượng hoá thì nguồn lực phi vật chất không phải lúc nào và ai cũng nhìn nhận ra được và nhìn nhận như nhau. Vì thế, khi nói đến Năng lực cạnh tranh và tạo dựng Năng lực cạnh tranh cho địa phương mình, mỗi tỉnh nhìn nhận và cách làm khác nhau. Trong tư duy cạnh tranh cũ, có tỉnh đã “xé rào” để thu hút các nhà đầu tư, DN [46]. Trong tư duy “cạnh tranh phát triển bền vững”, Năng lực cạnh tranh của tỉnh được đánh giá chủ yếu trong “con mắt” của nhà đầu tư và DN mà không chỉ dưới góc nhìn chính quyền tỉnh. Đồng thời, các tỉnh cạnh tranh đặt trong mối quan hệ hợp tác, liên kết để phát huy tốt nhất lợi thế của mỗi tỉnh trong khung khổ luật pháp quốc gia và thông lệ quốc tế.
Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT
Pingback: Các nhân tố ảnh hưởng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ