Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành may mặc

Động lực là gì?

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành may mặc

Nước ta có nguồn lao động dồi dào, chiếm trên 54% dân số của cả nước, với 46,9 triệu lao động (theo số liệu thống kê năm 2009). Người lao động Việt Nam có tính cần cù, chăm chỉ và tỉ mỉ. Cùng với mức chi phí lao động thấp so với các nước khác trên thế giới, đây là những lợi thế mạnh để phát triển ngành may xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, có đến 80% lao động Việt Nam có tuổi đời từ 20- 24 tuổi, khi tham gia thị trường lao động không được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo nhưng không bài bản, hoặc được đào tạo tương đối tốt nhưng hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp làm cho lợi thế này mất đi phần nhiều tác dụng. Hơn thế nữa, do mức độ cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới bởi khách hàng luôn so sánh từng khoản mục chi phí trong gia công cũng như xuất khẩu trực tiếp làm cho mức chi phí lao động của ngành may bị hạn chế ở mức độ thấp, khiến cho việc thu hút lao động giỏi gặp nhiều khó khăn. Kết quả là trong những năm gần đây, ngành may xuất khẩu luôn ở trong tình trạng thiếu lao động và thiếu lao động giỏi ở mọi cấp bao gồm nhân viên thiết kế thời trang, quản lý các cấp, nhân viên kỹ thuật, thợ, nhân viên marketing và bán hàng.

Tình trạng này làm giảm đi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là làm ảnh hưởng đến định hướng mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp may xuất khẩu về hướng các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn. Trong khi doanh nghiệp tìm không ra nhân lực thì các trường đào tạo lại thừa nhân lực. Chỉ có điều là chuyên ngành đào tạo không đúng với chuyên môn mà ngành may xuất khẩu cần. Bên cạnh đó, thái độ làm việc của nhân viên cũng là vấn đề cần lưu ý. Người lao động Việt Nam có tố chất quí báu là cần cù chăm chỉ chịu khó nhưng lại có hạn chế là tác phong công nghiệp chưa hoàn chỉnh, cụ thể là ý thức kỷ luật chưa cao, tính đoàn kết, hợp tác trong công việc chưa tốt.

Chất lượng nguồn nhân lực chịu chi phối bởi nhiều yếu tố nhưng tựu chung lại là bao gồm thể lực, trí lực và tâm lực. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành may xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tập trung vào những vấn đề sau:

Xây dựng chính sách tuyển dụng hợp lý nhằm thu hút nguồn nhân lực tốt cho doanh nghiệp. Cung cấp các ưu đãi cho người lao động.

Thứ nhất, quan tâm và rèn luyện thể lực của người lao động

Thể lực là tình trạng sức khỏe của con người. Đối với người lao động, có thể lực có nghĩa là phát triển bình thường và có khả năng lao động, đáp ứng được những đòi hỏi về hao phí sức lao động trong quá trình sản xuất với những công việc cụ thể khác nhau. Các doanh nghiệp may xuất khẩu cần thể hiện sự quan tâm và rèn luyện thể lực của người lao động thông qua những việc làm sau:

– Phát động phong trào rèn luyện thể lực như tập thể dục buổi sáng, tổ chức các trò chơi thể thao vận động cơ thể như giải cầu lông, bóng đá, bóng

chuyền… Nhiều công ty liên doanh khi bắt đầu một ca làm việc bao giờ cũng dành thời gian từ 10- 15 phút cho các công nhân tập thể dục, và hoạt động này rất có hiệu quả đối với việc rèn luyện sức khỏe cho người lao động. Việc khuyến khích và thậm chí bắt buộc các nhân viên vận động nhiều hơn sẽ làm cho họ rèn luyện sức khỏe tốt hơn.

– Chú trọng chế độ dinh dưỡng cho các nhân viên như quan tâm đến bữa ăn của nhân viên trong ngày làm việc. Hầu hết các nhân viên ngành may xuất khẩu đều làm theo ca và ăn trong căng tin của nhà máy vì vậy đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp quan tâm đến bữa ăn của nhân viên. Thực đơn cần được xây dựng đảm bảo chất dinh dưỡng cho người lao động. Hàng tháng, doanh nghiệp cũng có thể phụ cấp cho các nhân viên sản phẩm chăm sóc sức khỏe của người lao động như sữa, dầu ăn… do nhân viên bị hao tốn sức khỏe.

– Tăng cường việc áp dụng phong trào 5S. Đây là phong trào có mục đích cải thiện môi trường làm việc, nhằm tăng năng suất với 5 nội dung là sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng. Thông qua việc môi trường được làm sạch đẹp, các vật dụng được sắp xếp ngăn nắp và khoa học, người lao động sẽ được làm việc trong điều kiện đảm bảo vệ sinh hơn.

– Tăng cường việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn quản lý về trách nhiệm xã hội như Bộ tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội SA8000, bộ tiêu chuẩn về nghề nghiệp, sức khỏe và sự an toàn OHSAS 18000… thông qua việc đáp ứng các yêu cầu về việc cam kết không sử dụng lao động trẻ em, không sử dụng lao động cưỡng bức, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho người lao động, để cho lao động tự do hội họp và thương lượng tập thể, đảm bảo thù lao lao động như pháp luật yêu cầu, …

Khi tuân thủ yêu cầu của các bộ tiêu chuẩn này, một mặt, sức khỏe của các nhân viên được chú trọng và tăng cường bởi các bộ tiêu chuẩn đề cập đến việc tạo ra điều kiện làm việc tốt đồng thời yêu cầu nhà sử dụng lao động phải quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của các nhân viên. Mặt khác, việc đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn này làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp may xuất khẩu bởi đối với các doanh nghiệp thuộc ngành thâm dụng lao động như ngành may, khách hàng luôn đánh giá cao những nhà cung cấp đáp ứng yêu cầu về trách nhiệm xã hội để đảm bảo sản xuất sản phẩm “sạch” về mặt đạo đức.

Thứ hai, quan tâm và phát triển trí lực cho người lao động

Trí lực là năng lực trí tuệ, khả năng nhận thức và tư duy mang tính sáng tạo thích ứng với xã hội của con người. Đối với người lao động, nói đến trí lực là nói đến tinh thần, trình độ văn hóa, học vấn, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Trí lực là yếu tố quyết định rất quan trọng đến khả năng thành công của con người trong lao động. Để xây dựng nguồn nhân lực có trí lực, các doanh nghiệp may xuất khẩu cần tập trung vào những vấn đề sau:

– Xây dựng chính sách thu hút lao động với những điều khoản đãi ngộ lao động tốt. Chính sách tiền lương hợp lý là một động lực quan trọng kích thích người lao động nâng cao trình độ của mình để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của công việc, tăng thu nhập và ổn định đời sống. Chính sách tiền lương hấp dẫn sẽ thu hút lao động giỏi. Đồng thời, chính sách tiền lương công bằng sẽ giúp người lao động cảm thấy nỗ lực của họ được ghi nhận từ đó luôn luôn phấn đấu trong công việc hơn.

– Đào tạo và đào tạo lại các nhân viên. Đối với các nhân viên mới được tuyển dụng, doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề tại doanh nghiệp. Định kỳ, doanh nghiệp tổ chức những khóa đào tạo và khuyến khích thậm chí bắt buộc các nhân viên có liên quan tham gia. Doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm và gửi đi đào tạo những khóa học bên ngoài cho các nhân viên như thiết kế thời trang, quản lý chức năng…. Sau mỗi hoạt động đào tạo, doanh nghiệp cần có đánh giá đào tạo để xác định mức độ hiệu quả của hoạt động này, từ đó rút kinh nghiệm cho lần đào tạo sau.

– Tổ chức các hoạt động nâng cao tay nghề như thi tay nghề giỏi, người thợ bàn tay vàng… và chọn cử các nhân viên tham gia những cuộc thi tay nghề giỏi của ngành và quốc gia. Để tổ chức thi tay nghề giỏi tại doanh nghiệp,

doanh nghiệp có thể yêu cầu các nhân viên chứng tỏ năng lực của mình thông qua công việc hằng ngày một khoảng thời gian nào đó, ví dụ như là 1 tháng, tổ chức những buổi tọa đàm, thảo luận về cách thức để rèn luyện tay nghề giỏi… cho các nhân viên. Những hoạt động này sẽ khiến các nhân viên phải lưu tâm và chú trọng nâng cao tay nghề lao động của mình.

– Tạo động lực cho người lao động thông qua cung cấp điều kiện làm việc tốt, tổ chức các hoạt động ngoại khóa như cuộc thi tiếng hát, mở lớp học nhảy, liên hoan cuối năm,… nhằm làm cho người lao động cảm thấy yêu mến doanh nghiệp, hăng say hết mình vì công việc.

Thứ ba, xây dựng nguồn nhân lực có tâm lực tốt

Tâm lực là những giá trị đạo đức, phẩm chất tốt đẹp và sự hoàn thiện nhân cách của con người. Đối với người lao động, tâm lực tạo ra động cơ bên trong, thúc đẩy và điều chỉnh hoạt động của con người thành những biểu hiện như yêu lao động, yêu công việc, có trách nhiệm với công việc, luôn mong muốn hoàn thành nhiệm vụ, đoàn kết với các đồng nghiệp, yêu mến và vị tha với đồng nghiệp, sẵn sàng hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ… Tâm lực góp phần vào việc phát huy vai trò của các yếu tố thể lực và trí lực. Để xây dựng nguồn nhân lực có tâm lực tốt, các doanh nghiệp may xuất khẩu cần chú trọng vào những vấn đề sau:

– Đào tạo để các nhân viên nhận thức được tầm quan trọng của thái độ đối với các công việc từ đó hướng đến việc hoàn thiện thái độ tích cực đối với công việc của người lao động như mong muốn hoàn thành trách nhiệm công việc, tự giác trong công việc, yêu công việc, luôn tìm kiếm cơ hội làm tốt công việc hơn…

– Xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp thân thiện và cởi mở để các nhân viên luôn có cảm giác thoải mái và an toàn tại nơi làm việc, yêu quí đồng nghiệp, hợp tác với đồng nghiệp.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành may mặc

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?