Kinh tế khu vực nông thôn
Kinh tế khu vực nông nghiệp – nông thôn đóng vai trò rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên tùy thộc vào vị trí địa lý, điều kiện và mức độ phát triển của mỗi nước mà tầm quan trọng này sẽ biểu hiện cụ thể khác nhau. Mặc dù vậy vai trò của khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn thể hiện rõ như sau:
-Nông thôn là địa bàn sản xuất và cung cấp lương thực và thực phẩm cho nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng của toàn xã hội, cũng là nơi cung cấp nông sản xuất khẩu của mỗi quốc gia.
– Nông thôn là nơi cung cấp nhân lực cho thành thị và các khu công nghiệp vì ở những nước đang phát triển dân số nông thôn chiếm tỷ lệ cao và luồng di chuyển lao động nông thôn ra thành thị rất rõ rệt.
– Nông thôn là thị trường quan trọng để tiêu thụ sản phẩm của thành thị đó là các sản phẩm công nghiệp và các dịch vụ hiện đại. Vì vậy, nông thôn phát triển sẽ góp phần phát triển công nghiệp dịch vụ và phát triển thành thị.
– Nông thôn là nơi lưu giữ các truyền thống phong phú và đa dạng về văn hóa của dân tộc, nông thôn ổn định góp phần ổn định xã hội.
– Nông thôn còn là nơi tạo ra môi trường du lịch sinh thái, môi trường nghỉ dưỡng của mọi tầng lớp trong xã hội…
Thực tế cho thấy rằng, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển thì nhu cầu về các dịch vụ hỗ trợ đầu vào ngày càng tăng, trong đó nhu cầu về các dịch vụ tài chính, ngân hàng cũng ngày càng tăng cao. Nhu cầu về vốn đầu tư, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiền tệ… và việc chấp nhận rộng rãi và sử dụng ổn định của những phương tiện trao đổi không dùng tiền mặt đã giảm được các chi phí giao dịch, thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của người dân khu vực nông thôn.
Các dịch vụ về tiền tệ, tín dụng khác cũng đóng một vai trò không kém quan trọng trong việc tạo điều kiện chuyên môn hóa trong sản xuất, thương mại và trao đổi hàng hóa. Sự phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển nông thôn toàn diện. Vì vậy, xây dựng, phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho khu vực nông thôn, các mục tiêu sau đây cũng đang được theo đuổi:
(1) Huy động nguồn lực và cung cấp tài chính cho các hoạt động đầu tư hiệu quả sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
(2) Phân bổ nguồn lực có hiệu quả hơn nữa.
(3) Đóng góp vào việc phân phối thu nhập tốt hơn và xóa đói giảm nghèo qua việc người dân khu vực nông thôn sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.
(4) Hỗ trợ việc xây dựng các tổ chức tài chính, tín dụng nông thôn phát triển bền vững.
Ý định chấp nhận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ được các tổ chức sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế rất quan tâm. Đối với hoạt động của các ngân hàng tìm hiểu các yếu tố tác động đến ý định chấp nhận và sử dụng dịch vụ sẽ góp phần tác động tới phát triển hoạt động các tổ chức ngày càng được các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới quan tâm và nghiên cứu.
Nghiên cứu Honohan (2004a, 2004b) và Beck (2007) cho rằng thiếu tiếp cận với các dịch vụ tài chính sẽ cản trở và ngăn ngừa phụ nữ tham gia kinh doanh và phát triển kinh tế trong một nền kinh tế thị trường hiện đại. Những bằng chứng thực nghiệm sử dụng dữ liệu hộ gia đình cho thấy rằng tiếp cận và sử dụng với các dịch vụ tài chính cơ bản như tiết kiệm, thanh toán và tín dụng có thể tạo ra chuyển biến đáng kể trong việc cải thiện nghèo (Caskey và cộng sự, 2006; Dupas và Robinson 2009). Khó tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính thường là trở ngại chính đối với tăng trưởng (Schiffer and Weder 2001; Cressy, 2002; IADB, 2004; Beck và cộng sự 2003, 2005, 2006, 2008).
Nghiên cứu của Adams và cộng sự (1992, 1995) cho thấy vai trò của dịch vụ ngân hàng đã cải thiện được cuộc sống của người dân nông thôn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho toàn bộ cộng đồng. Với vai trò quan trọng khu vực nông nghiệp nông thôn, với các chính sách phát triển của mỗi quốc gia và của NHTW hiện tại, các sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng cung cấp cho khu vực này đang ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Luzzi và Weber (2006); Guarati (1995) trong nghiên cứu đã chỉ ra phát triển các tổ chức tài chính nông thôn, phát triển các dịch vụ tài chính cho khu vực này là tiền đề phát triển kinh tế. Phạm và cộng sự (2002) nghiên cứu về các yếu tố phát triển tài chính nông thôn ở Việt Nam; Quách Mạnh Hào (2005) đã chứng minh tiếp cận với các dịch vụ tài chính giúp xóa đói giảm nghèo cho các hộ gia đình nông thôn Việt Nam; Christen (1995) đã phân tích một mô hình tài chính nông thôn thành công. Zook (2005) qua nghiên cứu đã chứng minh dịch vụ tài chính vi mô có mối quan hệ với chiến lược xóa đói giảm nghèo.
Tại các nước phát triển, hầu hết mọi người dân đều tiếp cận được với các dịch vụ tài chính (Peachy and Roe, 2004), một phần lớn số dân chưa tiếp cận được với các dịch vụ tài chính hầu hết là những gia đình có thu nhập thấp. Với sự tăng trưởng của các đô thị hóa và các quyết định chính sách của NHTW của các quốc gia đang phát triển đã tạo cơ sở, điều kiện để người dân khu vực này có thể tiếp cận được với các dịch vụ tài chính đang phát triển nhanh chóng. Mặc dù vậy, tại các vùng nông thôn các nước chậm và đang phát triển, những người dân thường rất khó khăn khi tiếp cận được với các dịch vụ tài chính và ngân hàng mà họ cần. Dịch vụ tài chính, ngân hàng có sẵn tương đối truyền thống và chi phí cao.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: cơ sở hạ tầng nghèo nàn, trình độ học vấn thấp. Hơn nữa các sản phẩm chủ yếu là sản phẩm cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất theo mùa vụ và độ rủi ro của các khoản cho vay này cũng phụ thuộc vào độ rủi ro mùa vụ. Các hộ gia đình khu vực này mặc dù rất tích cực tìm cách để sử dụng các dịch vụ tài chính sẵn có để cải thiện năng suất và hiệu quả cho hoạt động đầu tư của họ, tuy nhiên, những gói dịch vụ tài chính này thường bị hạn chế vì vậy cơ hội đầu tư thoát nghèo càng trở nên khó khăn. Qua phân tích những kết quả hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô ở các quốc gia đang phát triển cho thấy nhiều nỗ lực của các tổ chức này đã không tạo ra kết quả như mong đợi và một số tổ chức tài chính đã rút vốn. Hiện nay, một số các NHTM gần như thiếu quan tâm đến môi trường này do: nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, trình độ giáo dục và các kiến thức còn hạn chế để có khả năng tiếp cận được với những giao dịch hiện đại tại các NHTM.
Theo các kết quả chủ yếu của điều tra năm 2014 của Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố: dân số Việt Nam đạt hơn 90 triệu người. Trong số này có khoảng 33 % dân số sống tại khu vực thành thị và 67% tại các vùng nông thôn (như vậy người dân sống ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng 2/3 tổng dân số).
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014. Theo nguồn tổng cục thống kê (2015) cho thấy: “Trong mức tăng 6,68% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm 2014, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp 3,2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm ”.
Như vậy, khu vực nông nghiệp nông thôn đang sở hữu một bộ phận quan trọng của lực lượng sản xuất là đất đai và người lao động song đóng góp và tăng trường kinh tế còn chưa tương xứng. Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, trồng trọt vẫn chiếm tới trên 70%, ngành chăn nuôi chỉ chiếm khoảng trên 25% giá trị sản xuất nông nghiệp, còn tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm chưa tới 3%.
Chính sách phát triển kinh tế Chính Phủ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng trong phát triển nông nghiệp – nông thôn: “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững…” Hàng loạt các chính sách phát triển dịch vụ ngân hàng, tài chính đã được ban hành để phục vụ sản xuất nông nghiệp – nông thôn, mạng lưới của các tổ chức tín dụng nông nghiệp – nông thôn nước ta ngày càng phát triển và mở rộng, đã cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho các hộ sản xuất khu vực nông thôn, đã giúp cho nhiều hộ sản xuất nông thôn cải thiện được tình trạng thiếu vốn, đáp ứng được nhu cầu giao dịch trong kinh doanh. Các tổ chức tài chính nông thôn đã từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ hiện có đồng thời phát triển thêm các dịch vụ tài chính mới nhằm thực hiện công cuộc giảm đói nghèo và phát triển nông thôn.
Vì vậy, các tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng đã nghiên cứu những sản phẩm dịch vụ phù hợp cho người nông dân như: các khoản cho vay đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Các sản phẩm tiết kiệm, các dịch vụ thanh toán…những sản phẩm và dịch vụ hiện đại đã được triển khai mạnh mẽ dựa trên nền tảng của công nghệ mới như các sản phẩm thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, các dịch vụ dựa trên hệ thống máy tính kết nối để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình khu vực nông thôn sẽ có cơ hội tiếp cận và mở rộng kiến thức quản lý, kiến thức thị trường. Việc phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ mới sẽ giảm chi phí giao dịch, giảm rủi ro cho các bên tham gia, tăng cơ hội đầu tư cho khu vực này.
Sự chuyển đổi kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn đã tạo ra các cơ hội đầu tư vào các trang trại, các ngành nghề kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình khu vực nông thôn. Nhu cầu đầu tư vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các hộ nông dân một phần là tự đáp ứng, phần khác được huy động từ các nguồn tín dụng chính thức và phi chính thức. Có rất nhiều doanh nghiệp phi nông nghiệp đã được thành lập mới trong quá trình chuyển đổi kinh tế ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều chủ thể kinh tế tham gia vào thị trường nông nghiệp, nông thôn, nhưng đa phần là các hộ nông dân. Với dân số gần 90 triệu người, trong đó khoảng gần 70% cư trú tại khu vực nông thôn; gần 50% lực lượng lao động là lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và hầu hết nhằm mục đích mưu sinh – có thể nói nhu cầu về vốn và các dịch vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu cho phát triển nông nghiệp và nông thôn nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng là rất lớn. Tuy nhiên, những người dân khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn khi tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng. Vì vậy, việc nghiên cứu các yếu tố tác động tới ý định chấp nhận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khu vực nông thôn nhằm tìm ra các giải pháp giúp các nhà quản lý xây dựng được chính sách phù hợp phát triển dịch vụ trong khu vực này là rất cần thiết.
Kinh tế khu vực nông thôn
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT