Mục lục
Kinh nghiệm tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp tại một số quốc gia trên thế giới và bài học rút ra đối với Việt Nam
1. Kinh nghiệm của Ấn Độ
Ngành công nghiệp xi măng ở Ấn Độ đã bị Chính phủ Ấn Độ kiểm soát chặt chẽ cho đến năm 1982. Chính phủ kiểm soát về vốn, giá bán, phân bổ hạn ngạch tiêu thụ, chỉ định người mua và các yếu tố khác. Điều này cản trở rất lớn đến sự tăng trưởng của ngành công nghiệp xi măng Ấn Độ. Năm 1980, ngân hàng bắt đầu tiếp cận lĩnh vực xi măng với báo cáo nghiên cứu về ngành xi măng Ấn Độ. Nghiên cứu này góp phần vào các cuộc tranh luận chính sách đề nghị bãi bỏ sự kiểm soát một phần ngành công nghiệp xi măng vào tháng 2 năm 1982. Ngân hàng đã hỗ trợ cho các chính sách tự do hóa của Chính phủ bằng cách cung cấp hai khoản vay cho các dự án công nghiệp xi măng từ tháng 3 năm 1986 đến tháng 6 năm 1994. Tháng 3 năm 1989, Chính phủ loại bỏ kiểm soát giá cả và phân phối xi măng hoàn toàn. Tính bền vững của tự do hóa và sự cải thiện hơn nữa về hiệu quả kinh tế phụ thuộc vào khả năng điều chỉnh của ngành công nghiệp xi măng, thông qua quá trình tái cấu trúc trong điều kiện môi trường kinh doanh mới và cạnh tranh hơn. Khoản vay của ngân hàng nhằm hỗ trợ tiến trình ra quyết định chính sách của Chính phủ để loại bỏ hoàn toàn kiểm soát giá cả và quá trình phân phối xi măng và hỗ trợ các điều chỉnh trong ngành công nghiệp xi măng trong điều kiện môi trường cạnh tranh ngày càng tăng.
Kinh nghiệm và kết quả đạt được: Chính phủ đã thực hiện bãi bỏ hoàn toàn các quy định rào cản đối với ngành công nghiệp xi măng, qua đó thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả đối với ngành công nghiệp xi măng. Sản lượng xi măng từ các nhà máy lớn tăng từ 18 triệu tấn năm 1980 lên đến 70 triệu tấn trong giai đoạn 1996 – 1997. Khoảng 3 triệu tấn cũng đã được xuất khẩu trong 1996-1997. Thị trường đã quyết định mức giá của xi măng.
Những thành tựu cụ thể của dự án này như sau:
– Hiện đại hóa và tái cơ cấu: có 5 công ty xi măng đã mở rộng năng lực sản xuất bằng cách xây mới các nhà máy với công nghệ kỹ thuật mới nhằm phục vụ các khu vực phía bắc và phía đông còn rất thiếu xi măng của Ấn Độ. Các công ty này đã đóng góp 5,7 triệu tấn trong tổng số tăng 8,5 triệu tấn trong tiêu thụ hàng năm trong sáu tháng cuối năm của giai đoạn 1996-1997. Hai nhà máy xi măng khác cũng được hưởng lợi từ các khoản vay để cải tạo, nâng cấp máy móc thiết bị lạc hậu. Tất cả các nhà máy đạt được hiệu quả sử dụng năng lượng như than, điện… thậm chí dưới mức giới hạn quy định theo giới hạn kiểm soát môi trường của Ấn Độ.
– Hệ thống vận tải xi măng dần được hoàn thiện. Các tàu chuyên dụng đầu tiên với các toa xe xi măng với số lượng lớn xi măng được vận chuyển từ Wadi nhà máy thành phố Mumbai (khoảng cách khoảng 300 dặm) trong tháng 10 năm 1997.
– Phát triển nguồn nhân lực. Bốn Trung tâm đào tạo khu vực đã được thành lập và cho đến ngày 30 tháng 06 năm 1997, hơn 3.000 nhân viên được đào tạo trong các trung tâm. Các chương trình đào tạo có giá trị lớn cho ngành công nghiệp xi măng và đang được tiếp tục trên cơ sở tự chủ về tài chính.
– Sự phát triền bền vững của dự án. Mức tiêu thụ xi măng bình quân đầu người của Ấn Độ xi măng (dưới 100kg trên đầu người) là rất thấp. Các công ty xi măng, đặc biệt là những công ty được tổ chức và quản lý tốt sẽ thuận lợi khi huy động hết công suất và dễ dàng tiêu thụ, tiếp thị sản phẩm. Dự án thí điểm vận chuyển xi măng với số lượng lớn sẽ khuyến khích sử dụng xi măng rời và trộn bê tông đúc sẵn, mở rộng sử dụng bê tông tươi trong ngành công nghiệp xi măng, và nâng cao hiệu quả tổng thể về vận chuyển xi măng.
2. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Nghiên cứu về cấu trúc tài chính của Samuel G. H. Huang và Frank M. Song đối với hơn 1000 doanh nghiệp của Trung Quốc niêm yết đến năm 2000 nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các công ty niêm yết của Trung Quốc và điều tra xem liệu các doanh nghiệp trong nền kinh tế đang phát triển và chuyển tiếp lớn nhất của thế giới có những điểm gì khác biệt. Nghiên cứu nhằm trả lời câu hỏi rằng các nhân tố tác động đến cấu trúc tài chính được trình bày trong nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm tại các quốc gia đang phát triển và phát triển trước đây có tác động tương tự đến cấu trúc tài chính của các doanh nghiệp Trung Quốc hay không? Kết quả thực nghiệm đối với các doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy: Mặc dù Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường và Nhà nước vẫn là cổ đông kiểm soát với hầu hết các doanh nghiệp niêm yết lớn, các yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc tài chính doanh nghiệp ở các quốc gia khác cũng có tác động tương tự đến cấu trúc tài chính của doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Trung Quốc. Cụ thể, cấu trúc tài chính được đo lường tỷ lệ nợ dài hạn, tỷ lệ nợ phải trả. Cấu trúc tài chính có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ thuận với quy mô công ty. Tài sản hữu hình có ảnh hưởng thuận chiều với tỷ lệ nợ dài hạn. Những công ty trải qua tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh chóng có xu hướng sử dụng đòn bẩy cao hơn trong khi công ty có cơ hội kinh doanh tốt có xu hướng ít sử dụng nợ.
➯ Xem thêm: Khái niệm tái cấu trúc tài chính của doanh nghiệp
Cơ cấu sở hữu cũng ảnh hưởng đến cấu trúc vốn. Những công ty có cổ phần nhà nước cao hơn có xu hướng có tỷ lệ nợ phải trả thấp hơn. Không tìm thấy một mối tương quan đáng kể giữa các cổ phần quản lý với đòn bẩy của doanh nghiệp. Bởi vì, số lượng cổ phần quản lý là quá thấp; các cổ phần của tất cả các nhà quản lý (giám đốc, giám sát và quản lý hàng đầu) chỉ là 0,017% (giá trị trung bình so với 1035 doanh nghiệp).
Cấu trúc tài chính của các công ty Trung Quốc có một số điểm khác biệt. Thứ nhất, có bằng chứng rõ ràng rằng các công ty Trung Quốc sử dụng ít nợ dài hạn, tổng số nợ thấp và nguồn vốn chủ sở hữu cao hơn so với các công ty thuộc các nước phát triển (như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Anh, Canada) và một số nước đang phát triển (ví dụ, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ). Thứ hai, các công ty Trung Quốc có xu hướng sử dụng nguồn tài chính từ bên ngoài cao, đặc biệt là mức độ sử dụng vốn chủ sở hữu cao hơn so với những người ở các nước phát triển khác. Thứ ba, sự khác biệt giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường của nợ vay lớn hơn rất nhiều ở các công ty Trung Quốc so với các nước khác. Nói chung giá trị thị trường của nợ vay là thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách của nợ vay đối với các doanh nghiệp tương tự nhau ở Trung Quốc.
3. Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 tại Đông Nam Á, sau đó lan rộng ra các nước Đông Á. Trước những thách thức về kinh tế ngày càng tăng, Chính phủ Hàn Quốc phải thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế trên 4 lĩnh vực cơ bản là hệ thống ngân hàng, hệ thống doanh nghiệp, đổi mới khu vực công và đổi mới thị trường lao động. Các biện pháp được áp dụng đã giúp Hàn Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á. [16]
Hàn Quốc đã rất thành công trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, những kinh nghiệm khi thực hiện tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ rất có ích cho Việt Nam. Bối cảnh thực hiện tái cấu trúc có nét tương tự với Việt Nam. Với áp lực gần như bắt buộc của quá trình tái cấu trúc, giải pháp và bước đi của Hàn Quốc là khá rõ ràng và có tính khả thi cao. Cụ thể:
Mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp ở Hàn Quốc là để giảm rủi ro hệ thống và nguy cơ của cuộc khủng hoảng thứ cấp, thanh lý tập đoàn không có khả năng phát triển và tái cơ cấu các tập đoàn có tiềm năng, khôi phục các tập đoàn có hiệu quả trong việc giải quyết tài chính, tiến đến thúc đẩy và phát triển một khu vực cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm sự bền vững của khu vực tài chính. [3]
Các chính sách của Chính phủ Hàn Quốc: Nhằm thực hiện mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp. Chính phủ Hàn Quốc thông qua các chính sách tạo điều kiện thực hiện chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp với các chính sách cụ thể về miễn và giảm thuế để khuyến khích thực hiện giao dịch sát nhập và mua lại giữa các doanh nghiệp, tập đoàn, ban hành các chính sách ưu đãi nhằm tự do hóa đầu tư trực tiếp ngoài, nâng trần mức nắm giữ của ngân hàng từ 10% lên đến 15% vốn của doanh nghiệp. Các giải pháp quản trị doanh nghiệp và các biện pháp để bảo vệ quyền chủ sở hữu của những người nắm giữ cổ phần thiểu số và yêu cầu ít nhất 25% giám đốc độc lập được đưa ra, tiêu chuẩn lao động được thay đổi. Bên cạnh đó, tạo ra các tòa án phá sản chuyên dụng để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc DN.
Các bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp [3]
Thứ nhất, các doanh nghiệp, tập đoàn có hệ số nợ cao được phép tham gia quá trình giám sát phá sản của tòa án;
Thứ hai, thực hiện chương trình Cải cách cơ cấu vốn (CSIPs) đối với các tập đoàn lớn nhất là Hyundai, Samsung, Daewoo, SK và LG. Ngân hàng nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính và Văn phòng Tổng thống thực hiện giám sát các kế hoạch tái cơ cấu. Các tập đoàn này cần tập trung ngành nghề kinh doanh doanh chính, củng cố lại các chi nhánh và chấm dứt việc vay vốn thông qua bảo lãnh chéo. Các công ty kém hiệu quả, lâm vào tình trạng phá sản được tách ra khỏi tập đoàn và tiến hành tái cấu trúc. Chính phủ yêu cầu các tập đoàn lớn thực hiện tái cấu trúc tài chính, các công ty có khoản nợ ngân hàng lớn hơn 250 nghìn tỷ won phải thực hiện một thỏa thuận dựa trên “Thỏa thuận về tái cấu trúc vốn” với các ngân hàng chủ nợ chính trong thời gian 3 tháng. Các tập đoàn này phải giảm tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần xuống dưới 200% và không được thực hiện bảo lãnh các khoản nợ chéo giữa các chi nhánh. Tháng 3 năm 2002, quy định trên đã được nới lỏng đáng kể. Các tiêu chí đối với các tập đoàn chịu sự điều chỉnh của quy định này đã thay đổi, trong đó bao gồm “các tập đoàn có tổng các khoản tín dụng từ các tổ chức tài chính vào cuối năm trước vượt quá 0,1% tổng các khoản tín dụng do tất cả các tổ chức tài chính cung cấp vào cuối năm trước nữa.” Trong các tập đoàn có tổng các khoản tín dụng vượt quá mức trần trên, những tập đoàn đang trong quá trình đóng cửa hoặc đang xử lý tại tòa án hoặc đang trong chương trình ‘Workout’ hoặc đã phá sản sẽ không bị điều chỉnh bởi quy định này, do đó số tập đoàn bị điều chỉnh chỉ còn 35.
Thứ ba, ngân hàng và Ủy ban Giám sát tài chính đánh giá và phân loại trên thang điểm từ A (đạt yêu cầu) đến E (cực kỳ không đạt yêu cầu) để thực hiện sắp xếp lại các tập đoàn theo thứ tự từ 6-64, từ đó xếp hạng theo độ lớn tài sản.
Thứ tư, các tập đoàn lớn và một số công ty nhà nước buộc phải thực hiện các giao dịch hoán đổi tài sản nhằm giảm sự quá tải trong ngành công nghiệp, được gọi là Big Deals. Ngân hàng được yêu cầu chấp nhận các khoản vay dài hạn, hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu, đồng thời cung cấp thêm các khoản vay mới khi hoạt động sáp nhập xẩy ra.
Thứ năm, yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách gia hạn các khoản vay, tăng thời gian ưu đãi trả nợ và tăng cường khả năng thanh khoản vào ngành.
4. Những bài học kinh nghiệm rút ra cho các doanh nghiệp xi măng Việt Nam
Thứ nhất, các tập đoàn kinh tế cần tập trung vào lĩnh vực chính của mình, tránh việc đầu tư dàn trải. Cần thực hiện việc hoán đổi các lĩnh vực kinh doanh giữa các tập đoàn cho phù hợp với ngành nghề và thế mạnh của mình
Thứ hai, bằng cách ban hành các quy định, luật định, Chính phủ thực hiện vai trò là người dẫn dắt, chỉ đạo quá trình tái cấu trúc doanh doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc. Tuy nhiên, Nhà nước cần giảm vai trò điều hành trực tiếp quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp khi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã phát triển ổn định. Nhà nước nên để cho thị trường tự điều chỉnh.
Thứ ba, nhằm xác định xem doanh nghiệp nào cần thực hiện tái cấu trúc, tái cấu trúc như thế nào cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp. Hơn nữa, việc đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp sẽ giúp Nhà nước và bản thân các doanh nghiệp không đặt ra những mục tiêu quá tham vọng vào quá trình tái cấu trúc.
Thứ tư, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp không thể thực hiện một cách riêng rẽ mà phải có sự kết hợp với quá trình tái cấu trúc các khu vực khác, đặc biệt là khu vực tài chính – ngân hàng. Nhà nước cần phải xác định một lộ trình tái cấu trúc các khu vực trong nền kinh tế. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy sự kết hợp các chương trình tái cấu trúc khu vực tài chính-ngân hàng, khu vực doanh ngiệp, khu vực nhà nước và thị trường lao động giúp cho nền kinh tế Hàn Quốc vượt qua thời kỳ khủng hoảng. [16]
Thứ năm, thông qua việc nghiên cứu quá trình tái cấu trúc ngành xi măng Ấn độ và thực nghiệm về cấu trúc tài chính doanh nghiệp Trung Quốc, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp xi măng Việt Nam trong điều kiện hiện tại.
– Thị trường tự do là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp xi măng. Tuy nhiên, đối với quốc gia đang phát triển, Chính phủ hãy đóng một vai trò hỗ trợ khi nhận thấy các cơ hội, mở rộng ưu đãi, cung cấp các cơ sở hạ tầng và sẵn sàng giải quyết các vấn đề ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp đại diện cho ngành xi măng.
– Nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp xi măng phải không ngừng tăng cường kiến thức và năng lực quản lý, vận hành máy móc, kỹ thuật sản xuất.
– Trong một bối cảnh lãi suất vay tăng cao (vượt xa tỷ lệ lạm phát), cần chú ý đến cấu trúc tài chính, phải xác định cẩn thận từ khi bắt đầu dự án đối với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu. Các chi phí thực hiện dự án có thể tăng cao do lãi suất trong xây dựng và sự chậm trễ trong vận hành có thể có một ảnh hưởng có tiêu cực đến tài chính của một dự án.
– Công nghệ sử dụng mà được giới thiệu từ một quốc gia đang phát triển cần được chứng minh qua thực tế ở nơi khác. Do đó, cần thận trọng trong lựa chọn công nghệ và thiết bị.
– Khi thực hiện tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp, chúng ta cần phân tích mức độ ảnh hưởng cụ thể của từng nhân tố đến cấu trúc tài chính. Phương pháp phân tích đi từ tổng quát đến cụ thể.
– Công ty đạt lợi nhuận cao, có quy mô lớn dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn tài trợ khác nhau nên có điều kiện lựa chọn được nguồn vốn có chi phí thấp, từ đó làm gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.
– Mỗi doanh nghiệp phải xây dựng được hệ thống tài chính lành mạnh, đó là kiểm soát chặt chẽ nhưng linh hoạt việc sử dụng dòng tiền để đem lại hiệu quả cao nhất trong điều kiện tài chính của đơn vị. Chủ động khai thác các kênh tín dụng hiệu quả để tạo vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thu xếp vốn cho các dự án đầu tư. Cùng với việc rà soát và thu hồi công nợ, khai thác nguồn vốn giá rẻ cũng giúp ổn định tình hình tài chính của doanh nghiệp…
Kinh nghiệm tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp tại một số quốc gia trên thế giới và bài học rút ra đối với Việt Nam
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT