Mục lục
Khái niệm tái cấu trúc tài chính của doanh nghiệp
Tái cấu trúc (Restructuring) là quá trình tổ chức (re-organize), sắp xếp lại doanh nghiệp nhằm tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho doanh nghiệp để thực hiện những mục tiêu đề ra. Mục tiêu chung của tái cấu trúc là đạt được một “thể trạng tốt hơn” cho doanh nghiệp để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn dựa trên những nền tảng về sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng chiến lược sẵn có của doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp, trước những khó khăn tài chính do áp lực từ môi trường bên trong và bên ngoài hoạt động của doanh nghiệp, tái cấu trúc sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua những cải tiến, thay đổi về mô hình hình tổ chức, bởi mô hình tổ chức thực chất là cách tập hợp, phân bổ các nguồn lực để thực hiện chiến lược được xây dựng cho từng giai đoạn, dựa trên nội dung của tầm nhìn, sứ mệnh. Tái cấu trúc doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề cơ bản như (1) Điều chỉnh cơ cấu các nguồn lực, (2) Điều chỉnh cơ cấu các hoạt động, (3) Điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy và (4) Điều chỉnh cơ cấu thể chế.
Tái cấu trúc doanh nghiệp là một quá trình tất yếu đối với doanh nghiệp nhưng không phải có một phương án chung nhất cho các doanh nghiệp. Tùy theo điều kiện môi trường kinh doanh, đặc điểm riêng của doanh nghiệp, thực trạng hoạt động doanh nghiệp để tiến hành tái cấu trúc một phần hoặc toàn bộ. Đối với doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán, mất cân đối tài chính… quá tái cấu trúc sẽ diễn ra toàn diện, bao trùm hầu hết các lĩnh vực như cơ cấu tài sản, cơ cấu tài chính, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế quản lý, điều hành; các hoạt động và các quá trình; các nguồn lực khác của doanh nghiệp. Trong đó, tái cấu trúc tài chính là hoạt động triển khai cần thiết đầu tiên. Đối với các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh thấp, quá trình tái cấu trúc cũng có thể được triển khai “cục bộ” tại một hay nhiều mảng của doanh nghiệp (tài chính, nhân sự, bán hàng, sản xuất…) nhằm đạt mục tiêu là nâng cao “thể trạng” của bộ phận đó. Trong đó cần tập trung vào tái cấu trúc tài chính và tái cấu trúc hoạt động. Như vậy, tái cấu trúc tài chính là một hoạt động rất quan trọng và cần được triển khai đầu tiên trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Trên góc độ tài chính doanh nghiệp, mục tiêu của nhà quản trị tài chính là tối đa hóa giá trị tài sản cho chủ sở hữu, hay nói cách khác là tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp cần xây dựng một cấu trúc tài chính mục tiêu phù hợp đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, do đó sẽ không có một cấu trúc tài chính là vĩnh viễn. Doanh nghiệp cần thường xuyên điều chỉnh, sắp xếp lại cấu trúc tài chính phù hợp theo từng giai đoạn phát triển khác nhau của doanh nghiệp. Một cấu trúc tài chính thiên về sử dụng nợ sẽ phù hợp trong giai đoạn tăng trưởng cao, hiệu quả kinh doanh tốt nhưng có thể không phù hợp trong giai đoạn tăng trưởng thấp. Vì vậy, việc điều chỉnh cấu trúc tài chính là vấn đề quan trọng, cần thiết đối với bản thân doanh nghiệp. [38]
Như vậy, tái cấu trúc tài chính là quá trình tổ chức, sắp xếp lại cấu trúc tài chính doanh nghiệp nhằm tạo ra một thể trạng tốt hơn giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả dựa trên những nền tảng sứ mệnh, tầm nhìn và phù hợp với môi trường kinh doanh hiện tại. Hiểu một cách rộng hơn, tái cấu trúc tài chính là quá trình khảo sát, đánh giá lại cấu trúc tài chính hiện tại và xây dựng cấu trúc tài chính mới thông qua việc lựa chọn và đa dạng hóa nguồn vốn huy động, tổ chức sử dụng vốn có hiệu quả, đảm bảo sự phù hợp giữa cấu trúc tài sản và nguồn tài trợ của doanh nghiệp trong từng giai đoạn phát triển khác nhau nhằm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.
Về cấu trúc tài sản, doanh nghiệp cần tổ chức, sắp xếp và phân bổ lại các tài sản (bao gồm tài sản dài hạn, tài sản ngắn hạn) một cách hợp lý nhằm đảm bảo năng lực sản xuất, sử dụng hiệu quả tài sản, hiệu quả vốn kinh doanh, đồng thời đảm bảo được khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Về cấu trúc nguồn vốn, doanh nghiệp cần tổ chức, sắp xếp lại các nguồn vốn kinh doanh của mình thông qua việc lựa chọn và thực hiện các quyết định tài trợ nhằm xây dựng một cấu trúc nguồn vốn hợp lý phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đề ra.
Mục tiêu của việc tái cấu trúc tài chính nhằm lành mạnh hóa, tạo tính minh bạch, tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính để nâng cao khả năng sinh lời và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, hoạt động tái cấu trúc tài chính xuất phát từ những áp lực bên ngoài và áp lực bên trong của mỗi doanh nghiệp.
Đối với những áp lực bên ngoài:
– Sự thay đổi của các yếu tố thuộc môi trường kinh doanh: Doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc tài chính nhằm thích nghi với môi trường kinh doanh đã có những thay đổi cơ bản. Ví dụ, chính sách cổ phần hóa, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu sắc của quốc gia, sự thay đổi về cơ chế quản lý, các vấn đề phát sinh của suy thoái kinh tế … làm cho thị phần của doanh nghiệp bị suy giảm, sức ép cạnh tranh lớn, chi phí đầu vào tăng đẩy chi phí sản xuất kinh doanh tăng theo, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, kết quả kinh doanh. Đây là cơ sở để thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhằm thích ứng với bối cảnh kinh tế mới, trong đó phải đặc biệt chú ý tới tái cấu trúc tài chính một cách hợp lý nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, phòng tránh rủi ro.
– Chu kỳ kinh tế thay đổi sẽ khiến cho kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và kế hoạch kinh tế của nhà nước gặp khó khăn. Chu kỳ kinh tế lần lượt trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn suy thoái, giai đoạn phục hồi và giai đoạn hưng thịnh. Tương ứng với mỗi giai đoạn, các biến số của môi trường kinh doanh, môi trường vĩ mô cũng sẽ thay đổi đòi hỏi doanh nghiệp cần có cấu trúc tài chính mới phù hợp với từng giai đoạn của chu kỳ kinh tế.
– Sự phát triển của thị trường tài chính: Sự phát triển của thị trường tài chính là nhân tố quan trọng tác động đến công tác huy động vốn, sử dụng vốn của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp. Đối với thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có thể tìm được nguồn tài trợ trung và dài hạn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, từ đó dễ dàng điều chỉnh cấu trúc tài chính của doanh nghiệp theo hướng gia tăng nguồn vốn dài hạn và đa dạng hóa nguồn tài trợ nhằm xây dựng cấu trúc tài chính mục tiêu.
➯ Xem thêm: Khái niệm cấu trúc tài chính doanh nghiệp
– Chu kỳ sống và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp: Sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp thường biến động có tính quy luật trong vòng đời kinh doanh của nó với các giai đoạn, bao gồm hình thành, tăng trưởng, phát triển ổn định và suy thoái. Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển, doanh nghiệp cần xây dựng cấu trúc tài chính phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả và hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Đối với giai đoạn hình thành, cấu trúc tài chính doanh nghiệp thường có hệ số nợ thấp. Hệ số nợ tăng dần trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển ổn định, nhưng sẽ giảm dần trong giai đoạn suy thoái.
– Thái độ của người cho vay: Trên góc độ người cho vay, người cho vay thường thích doanh nghiệp có cấu trúc tài chính thiên về sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu. Bởi vì, cấu trúc này đem lại sự an toàn cho các nguồn tài trợ của họ. Khi hệ số nợ của doanh nghiệp quá cao, sẽ gây lo lắng cho các chủ nợ và khó thuyết phục họ trong việc cho vay thêm vốn. Doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất vay tăng lên và dư nợ cho vay sẽ giảm đi. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần thực hiện tái cấu trúc tài chính theo hướng sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu nhiều hơn.
Đối với những áp lực bên trong:
Doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc tài chính nhằm phù hợp với quy mô tăng trưởng, sự phát triển của doanh nghiệp trong các giai đoạn khác nhau với các yêu cầu về tính chuyên môn hóa cao hơn, kịp thời ngăn chặn đà suy thoái của doanh nghiệp, suy giảm hiệu quả kinh doanh và quản lý… Những sự thay đổi này làm thay đổi cấu trúc tài sản và cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Biểu hiện cụ thể của áp lực bên trong doanh nghiệp khiến chủ sở hữu phải đặt ra vấn đề tái cấu trúc tài chính chủ yếu sau:
– Sự thua lỗ trong hoạt động kinh doanh: Trước những yếu kém trong công tác
quản lý dẫn đến sự sụt giảm doanh thu, thị phần thu hẹp, thất thoát tài sản, hoạt động kinh doanh trì trệ, mất lợi thế cạnh tranh, chất lượng sản phẩm không ổn định, hàng tồn kho tăng cao, công nợ phát sinh nhiều … làm cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng thua lỗ kéo dài và nặng nề. Những khoản thua lỗ này sẽ làm suy giảm giá trị tài sản của doanh nghiệp và theo đó ăn mòn nguồn vốn của chủ sở hữu. Khi tình trạng này kéo dài liên lục, nguồn vốn chủ sở hữu giảm xuống, hệ số nợ tăng lên, rủi ro tài chính tăng, làm gia tăng nguy cơ lâm vào tình trạng phá sản của doanh nghiệp. Trước thực trạng này, đòi hỏi doanh nghiệp cần thực hiện tái cấu trúc hoạt động và tái cấu trúc tài chính nhằm làm cho cấu trúc tài chính trở lên cân bằng và hiệu quả hơn.
– Sự tăng trưởng quá nhanh của doanh nghiệp: Khi sự tăng trưởng tăng cao quá mức ngoài tầm kiểm soát của nhà quản trị doanh nghiệp sẽ tạo ra áp lực lớn về các nguồn lực tài chính giới hạn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, làm mất cân đối cấu trúc tài chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp luôn đặt trong tình trạng căng thẳng về vốn đầu tư để thực hiện dự án mới. Trong trường hợp này, ngoài nguồn vốn nội sinh, doanh nghiệp phải gia tăng huy động nguồn vốn từ bên ngoài , làm hệ số nợ tăng lên quá cao, rủi ro tài chính tăng lên, áp lực thanh toán các khoản nợ tới hạn tăng lên. Khi sự tăng trưởng về quy mô, doanh thu còn đủ cao thì doanh nghiệp vẫn cân đối được tình hình tài chính. Để tránh tình trạng khủng hoảng tài chính xẩy ra khi tăng trưởng không như kỳ vọng đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh, sắp xếp lại cấu trúc tài chính nhằm tạo ra sự cân đối giữa cơ cấu tài sản và nguồn tài trợ.
– Sự thay đổi cơ cấu kinh doanh: Trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể thay đổi cơ cấu kinh doanh, mở rộng hoạt động kinh doanh từ lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính sang lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Mỗi ngành nghề kinh doanh có đặc điểm kinh tế kỹ thuật riêng, mức độ rủi ro kinh doanh và cấu trúc tài chính hợp lý sẽ khác nhau. Khi lĩnh vực kinh doanh phụ đối mặt với nguy cơ suy giảm, tốc độ tăng trưởng thấp, chi phí đầu vào gia tăng thì lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính không còn đủ sức gánh vác các khoản chi phí hoạt động của doanh nghiệp hoặc không thể cạnh tranh với đối thủ, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện tái cấu trúc tài chính, làm cho cấu trúc tài chính phù hợp hơn trước sự thay đổi cơ cấu kinh doanh.
– Năng lực quản lý và sự mạo hiểm của nhà quản trị doanh nghiệp: Năng lực quản lý của nhà quản trị doanh nghiệp có tác động rất lớn đến cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Nhà quản trị doanh nghiệp phải am hiểu lĩnh vực tài chính, về các nhân tố ảnh hưởng đến chi phí sử dụng vốn như lãi suất thị trường, chi phí phát hành, đặc điểm ngành nghề kinh doanh, sự thay đổi chính sách kinh tế của Nhà nước …Nếu năng lực quản lý của nhà quản trị doanh nghiệp yếu thì việc xây dựng cấu trúc tài chính sẽ không hợp lý, không phù hợp với quy mô và đặc điểm ngành nghề kinh doanh. Nếu nhà quản trị là người cẩn trọng, không ưa mạo hiểm thì thường lựa chọn cấu trúc tài chính thiên về sử dụng vốn chủ sở hữu. Ngược lại, nếu nhà quản trị là người dám chấp nhận mạo hiểm, rủi ro thì có xu hướng vay nợ nhiều hơn nhằm kỳ vọng đạt được tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu cao hơn. Một cấu trúc tài chính thiên về sử dụng nợ hay vốn chủ sở hữu quá mức cũng dẫn đến tình trạng mất cân đối tài chính.
– Khi doanh nghiệp thực hiện các thương vụ sáp nhập, hợp nhất: Sau khi thực hiện hoạt động sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp, các khoản nợ và vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp được kết hợp lại với nhau hình thành cấu trúc tài chính mới khác biệt với cấu trúc tài chính ban đầu. Ngoài ra, sau khi sáp nhập, hợp nhất, với một chiến lược kinh doanh mới đòi hỏi doanh nghiệp cần điều chỉnh lại cấu trúc tài sản và nguồn vốn để phù hợp hơn. Tái cấu trúc tài chính sau sáp nhập, hợp nhất là một đòi hỏi cần thiết đối với doanh nghiệp. Trong thực tiễn, sáp nhập và hợp nhất đôi khi cũng được sử dụng như một hình thức tái cấu trúc doanh nghiệp.
Khái niệm tái cấu trúc tài chính của doanh nghiệp
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT
Pingback: Nội dung tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp – Hỗ trợ, tư vấn, chắp bút luận án tiến sĩ
Pingback: Trình tự tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ
Pingback: Nguyên tắc cơ bản tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp – Hỗ trợ, tư vấn, chắp bút luận án tiến sĩ
Pingback: Kinh nghiệm tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp tại một số quốc gia trên thế giới và bài học rút ra đối với VN - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ