Kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp của Đài Loan

Phát triển sản phẩm bancassurance

Mục lục

Kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp của Đài Loan

Đài Loan là quần đảo nhỏ nằm trên biển Đông, với đặc thù địa lý và tài nguyên hạn hẹp, để tồn tại và phát triển, từ cuối những năm thập kỷ 50 chính quyền Đài Loan xác định phải xây dựng mô hình kinh tế theo “cơ chế hướng ngoại” trong đó chú trọng phát triển công nghiệp. Xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp được coi là chiến lược bản lề, tạo đà cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của Đài Loan.

Quá trình phát triển các Khu công nghiệp của Đài Loan được bắt đầu từ những chính sách ban đầu chỉ đơn thuần tạo mặt bằng để xây dựng các xí nghiệp công nghiệp được kết hợp với chính sách phát triển cân đối theo vùng và chính sách phát triển kinh tế. Quá trình hình thành và phát triển các Khu công nghiệp ở Đài Loan có thể chia làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn khởi đầu (1960-1970): khi các ngành công nghiệp đã phát triển tương đối ổn định, vấn đề quy hoạch đất cho phát triển công nghiệp đã được đặt ra và Luật Khuyến khích đầu tư ban hành năm 1960 là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về việc thành lập các KCN ở Đài Loan. KCN Lục Đổ  được thành lập năm 1960 và KCX Cao Hùng năm 1965 là những Khu công nghiệp, KCX đầu tiên do chính quyền Đài Loan đầu tư xây dựng [121].

Giai đoạn tăng trưởng (1971-1980): hình thành các Khu công nghiệp dựa trên các kế hoạch phát triển kinh tế của Chính quyền Đài Loan nhằm phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như lọc hoá dầu, luyện kim và đóng tàu biển..

Giai đoạn chuyển đổi (1981-1990): sau năm 1983, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên nhu cầu phát triển công nghiệp trong nước giảm sút, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển các Khu công nghiệp ở Đài Loan. Vì vậy, chính quyền Đài Loan chủ trương dùng KCN để thu hút các nhà đầu tư sử dụng các công nghệ cao, hiện đại. Cụ thể, họ đã thí điểm quy hoạch khu vực đặc biệt phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Khu công nghiệp ven biển Cao Hùng nhằm hỗ trợ 2 loại xí nghiệp này [124].

Giai đoạn phát triển mới của Đài Loan (sau năm 1990 đến nay): thời gian này sự gia tăng của vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên dần dần cạn kiệt và áp lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp trong nước, nên phương thức tổ chức KCN đã chuyển sang hướng chuyên môn hoá, đa dạng hoá hoạt động và đặc biệt là nâng cao trình độ KHCN và trình độ quản lý [123, 126].

Quá trình hình thành và phát triển các KCN của Đài Loan, để đảm bảo cho các KCN hoạt động thành công, chính quyền Đài Loan đã ban hành nhiều chính sách hấp dẫn và triển khai xây dựng nhiều KCN đồng bộ thích hợp, cụ thể :

1. Về xây dựng các Khu công nghiệp đồng bộ

* Đồng bộ trong việc quy hoach xây dựng Khu công nghiệp

– Trên cơ sở quy hoạch tổng thể định hướng phát triển của từng vùng, khu vực và chung của cả nước, các nhà đầu tư xác định khả năng xây dựng các KCN với quy mô thích hợp và lập quy hoạch chi tiết trình cơ quan có thẩm quyền xin phép đầu tư xây dựng KCN. Do vậy, việc xây dựng và phát triển các KCN vừa đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể chung, vừa phù hợp với thực tế của địa phương và khả năng của nhà đầu tư, nên tính khả thi của dự án cao hơn.

– Quy hoạch xây dựng các KCN của Đài Loan luôn tuân theo nguyên tắc là khai thác và sử dụng có hiệu quả lợi thế so sánh của từng vùng và toàn lãnh thổ, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp vào việc xây dựng các KCN. Vì vậy, nhiều KCN ở Đài Loan được xây dựng tại những vùng đất cằn cỗi hoặc đất lấn biển, việc xây dựng các KCN ở những nơi này không chỉ có ý nghĩa về việc tiết kiệm được quỹ đất nông nghiệp vốn rất khan hiếm, mà còn giảm thiểu được các chi phí về đền bù, giải phóng mặt bằng. Như vậy, họ có điều kiện để xây dựng ngay từ đầu một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại theo chuẩn mực quốc tế [126].

* Xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngoài Khu công nghiệp đồng bộ

Để đảm bảo hoạt động hiệu quả và tính đồng bộ của các KCN, Chính phủ Đài Loan cho xây dựng một hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật – xã hội bên trong và bên ngoài KCN như: hệ thống đường sá, cầu cống, ga xe lửa, cảng biển, cảng hàng không, hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện nước, các dịch vụ bưu điện, ngân hàng, bảo hiểm, hệ thống xử lý chất thải tập trung… Xây dựng các khu đô thị xung quanh, đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực và dịch vụ tiện ích công nghiệp và đời sống, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.

Các KCN được xây dựng có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất, vừa có điều kiện tập trung để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, vừa giúp các doanh nghiệp có thể sớm triển khai các dự án đầu tư, là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn cho các KCN ở Đài Loan. Trên khu đất đã được quy hoạch xây dựng KCN, các nhà đầu tư hạ tầng xây dựng sẵn một số nhà xưởng, cung cấp kết cấu hạ tầng đồng bộ và phương tiện hỗ trợ cơ bản khác cho các nhà đầu tư công nghiệp có thể thuê ngay. Phương thức này đã giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (dưới 200 lao động) có thể triển khai ngay được dự án đầu tư mà không phải bỏ vốn xây dựng nhà xưởng sản xuất và các công trình phụ trợ khác [128].

* Cơ cấu ngành nghề trong các Khu công nghiệp

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Đài Loan còn chủ trương thu hút phát triển ngành nghề trong các KCN để tạo sự liên kết đồng bộ, phát triển công nghiệp phụ trợ và được tiến hành theo 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1, Chính quyền Đài Loan chủ trương phát triển mạnh các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng xuất khẩu và những ngành sử dụng nhiều lao động.

Giai đoạn 2, bắt đầu từ năm 1965 đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, trong giai đoạn này, các chính sách của Đài Loan chủ yếu tập trung vào việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. bằng việc Chính quyền thành lập nhiều KCN, đặc biệt là cho xây dựng 3 Khu chế xuất và ban bố Luật về Khu chế xuất với nhiều ưu đãi  về tài chính và thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế quản lý “một cửa” tại các Ban quản lý KCX.

Giai đoạn 3, từ năm 1990 đến nay, chính sách phát triển KCN, chuyển từ đầu tư theo chiều rộng sang chiều sâu, tức là nâng cao chất lượng các KCN bằng việc tập trung xây dựng các khu công nghệ cao, kết hợp chặt chẽ giữa khoa học – công nghệ với công nghiệp, khuyến khích việc nghiên cứu và triển khai R/D trong các ngành công nghiệp, thành lập và tổ chức lại nhiều viện nghiên cứu…, phát triển các KCN với nhiều hình thức đa dạng: KCN đa ngành; KCN chuyên ngành: dầu khí, ôtô, xi măng; Khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp trẻ mới thành lập và các KCX, khu công nghệ cao.

2. Về phát triển Khu công nghiệp

Đài Loan chủ trương tạo môi trường đầu tư hấp dẫn bằng những chính sách thông thoáng, hỗ trợ tài chính, tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế đã đem lại những kết quả to lớn cho phát triển kinh tế Đài Loan trong những thập niên vừa qua. Quá trình phát triển các KCN của Đài Loan khởi điểm từ những chính sách ban đầu chỉ đơn thuần tạo mặt bằng để xây dựng các xí nghiệp công nghiệp được kết hợp với chính sách phát triển cân đối theo vùng và nâng cao chính sách phát triển kinh tế.

Quy hoạch: công tác xây dựng quy hoạch phát triển các KCN ở Đài Loan được tổ chức khoa học và chặt chẽ.

– Trước hết, Cục Công nghiệp thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng kết hợp với việc dự báo, đánh giá về xu hướng phát triển khoa học công nghệ, triển vọng thị trường đầu tư và thương mại quốc tế, trên cơ sở đó các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách của Chính phủ tiến hành xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế quốc dân, định hướng phát triển ngành nghề theo không gian lãnh thổ (vùng và khu vực) bao gồm quy hoạch phát triển KCN chung của cả nước [123].

– Trong quá trình hoạt động của KCN, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá lại tính phù hợp giữa quy hoạch và thực tế phát triển để kịp thời trình Chính phủ những giải pháp bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm khắc phục những khiếm khuyết hoặc sai lệch trong quy hoạch, kế hoạch, chính sách hay trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện. Việc kiểm tra giám sát được tiến hành 3 năm một lần, vì vậy quy hoạch phát triển các KCN ở Đài Loan đã thực sự đặt các KCN vào vị trí tối ưu để phát triển.

Các KCN của Đài Loan được quy hoạch đảm bảo tỷ lệ kết cấu hợp lý giữa diện tích đất dành cho sản xuất khoảng 60%, đất dành cho xây dựng khu dân cư từ 2,2 – 2,3%, đất dành cho công trình bảo vệ môi trường 33% (trong đó, đất trồng cây xanh khoảng 10%) và đất dành cho phát triển các công trình vui chơi giải trí khoảng 4,7 – 4,8%.

Định hướng phát triển KCN: Chính quyền Đài Loan luôn xác định, để có thể bắt kịp với xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế và sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ trên thế giới, trong những năm tới, việc phát triển các KCN tập trung cần được đổi mới theo hướng chuyên thành các KCN có dịch vụ kỹ thuật, công nghệ cao, đáp ứng được nhiệm vụ là nơi tập trung chuyển và chế biến sản phẩm cao cấp cho xuất khẩu và thị trường trong nước và phải có những thay đổi to lớn không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng.

Thứ nhất, chuyển đổi thu hút đầu tư vào KCN từ dựa trên yếu tố giá thành sang yếu tố chất lượng dịch vụ. Trước đây chủ đầu tư KCN chỉ cung cấp những dịch vụ công cộng cơ bản với mức giá cho thuê đất thấp nhằm giảm chi phí sản xuất và quản lý của các doanh nghiệp KCN…thì nay chuyển hướng sang đầu tư xây dựng các KCN có chất lượng dịch vụ cao với giá cho thuê đất ở mức hợp lý.

Thứ hai, chuyển từ định hướng “trọng cung” sang định hướng “trọng cầu” việc cho thuê đất phát triển công nghiệp trong các KCN sẽ dựa trên nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp; đồng thời, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển KCN.

Thứ ba, chuyển từ mô hình phát triển các KCN tập trung sang mô hình công viên công nghiệp, theo đó sẽ chú trọng hơn công tác bảo vệ môi trường sinh thái, ưu tiên quy hoạch đất cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), các ngành công nghệ cao và các hoạt động giải trí nhằm tạo ra một hình ảnh mới, chất lượng dịch vụ cao của các công viên công nghiệp.

Thứ tư, chuyển từ cung cấp các dịch vụ cơ bản sang các loại dịch vụ cao cấp. Các KCN mới sẽ ngày càng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, không chỉ đơn thuần những dịch vụ sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng như trước đây, mà còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về quản lý doanh nghiệp, dịch vụ xúc tiến thương mại, tư vấn pháp lý, phát triển công nghiệp.

Thứ năm, phát triển “các  công viên công nghiệp thông minh” để nâng cao năng lực hoạt động sản xuất của Đài Loan. Nhằm mục tiêu đưa Đài Loan thành một trung tâm công nghiệp của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ mới, tạo giá trị gia tăng cao. Các KCN thông minh này sẽ chủ yếu phát triển các ngành công nghệ thông tin, các hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D, phát triển công nghệ mới, tạo giá trị gia tăng cao, bao gồm cả các trung tâm đào tạo và các viện nghiên cứu [126].

3. Về thu hút đầu tư Khu công nghiệp

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Đài Loan còn dành cho các nhà đầu tư vào các KCN nhiều ưu đãi, đặc biệt là chính sách thuế, với thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, thời gian miễn và giảm thuế dài, giá thuê đất để phát triển hạ tầng thấp, được hỗ trợ vốn vay cụ thể: miễn 5 năm đối với tất cả các dự án đầu tư mới, được vay vốn với lãi suất thấp (khoảng 6,2%/ năm).  Đối với công ty mới thành lập, sau khi hết thời hạn miễn thuế 5 năm, được giảm 80% thuế lợi tức trong 1 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính được giảm thiểu và đơn giản hóa. Các doanh nghiệp KCN được đảm bảo quyền sở hữu đối với vốn và tài sản, được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài…, nên các KCN đã thực sự là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và đầu tư vào các KCN ở Đài Loan được thực hiện theo phương châm: Nhân dân có việc làm với thu nhập thỏa đáng, chính quyền thu được nhiều thuế và doanh nghiệp có lãi. Khi sản xuất phát triển, thu nhập và đời sống của người lao động nâng lên, Ngân sách nhà nước lớn mạnh sẽ tạo ra nội lực mới để vươn lên tự lực, tự cường. Phương châm này chi phối việc xây dựng chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và tạo nên môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và hấp dẫn.

4. Về tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý nhà nước đối với Khu công nghiệp

Cục Công nghiệp trực thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan là cơ quan quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và điều hành hoạt động của các KCN trong phạm vi toàn lãnh thổ; ban hành các văn bản pháp lý, xây dựng các chuẩn mực cho phát triển KCN. Căn cứ vào tiến trình phát triển, hình thức tổ chức quản lý được thay đổi cho thích hợp.

Trong thời kỳ đầu, chính quyền Trung ương Đài Loan thống nhất quản lý đối với tất cả các KCN, KCX trên phạm vi toàn lãnh thổ, bao gồm từ việc xây dựng chiến lược phát triển các KCN, hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp và các KCN, lựa chọn vị trí xây dựng KCN, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KCN, vận động xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án đầu tư. Khi các KCN đã đi vào hoạt động ổn định, Chính quyền trung ương tiến hành phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương (trừ những KCN có vị trí chiến lược, sản xuất các mặt hàng mũi nhọn, có tác động lớn đối với nền kinh tế). Hiện tại, Cục Công nghiệp thuộc Bộ Kinh tế trực tiếp quản lý theo hình thức thành lập Ban điều hành KCN, do các doanh nghiệp KCN cử đại diện, chính quyền Trung ương không thành lập cơ quan quản lý riêng cho từng khu, hoặc cụm khu công nghiệp.

Các doanh nghiệp KCN chịu sự quản lý của chính quyền địa phương và các ngành chức năng như những doanh nghiệp ngoài KCN. Do có sự phân cấp quản lý và phân loại KCN rõ ràng nên Nhà nước và địa phương có điều kiện tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng một hệ thống kết cấu đồng bộ, hiện đại tạo điều kiện cho KCN phát triển không bị chồng chéo, trùng lắp đảm bảo khai thác tốt các nguồn lực và đạt hiệu quả cao.

Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động của các KCN ở Đài Loan như cấp phép đầu tư, hải quan, thuế… được tiến hành theo cơ chế “một cửa”. Chính quyền Trung ương quy định rất rõ, người có nhu cầu giải quyết công việc chỉ cần đến một nơi, ở đó sẽ được thông báo công khai tiến trình, thời hạn xử lý công việc. Nơi nhận hồ sơ sẽ chịu trách nhiệm đôn đốc, xử lý công việc ở các khâu tiếp theo và trả kết quả đúng hẹn cho người có nhu cầu.[123]

Các chính sách và biện pháp của chính quyền Đài Loan hoàn toàn không theo nguyên tắc cứng nhắc, mà luôn đổi mới sát theo tình hình thực tế. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, các chính sách được chính phủ Đài Loan đề ra đều rất chú trọng đến tính tổng thể, có tầm nhìn dài hạn và toàn cục được xây dựng trên cơ sở cân nhắc rất kỹ mục tiêu CNH cho từng thời kỳ. Có thể nói, hệ thống chính sách kinh tế của Đài Loan luôn được hoạch định và điều chỉnh kịp thời khi tình hình kinh tế- xã hội trong nước và quốc tế thay đổi, nên nó có tính năng động và tính khả thi cao, thực sự trở thành kim chỉ nam, là đòn bẩy kích thích sự phát triển của các KCN và nền kinh tế.

Tóm lại, thành công của các KCN tại Đài Loan là do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

– Vị trí địa lý để xây dựng KCN thuận lợi. KCN được quy hoạch đồng bộ, rõ ràng và đặt trong chiến lược phát triển các KCN trên cơ sở quy hoạch tổng thể định hướng phát triển của từng vùng và khu vực và chung của cả nước;

– Chính phủ đầu tư xây dựng một hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật – xã hội bên trong và bên ngoài KCN tạo sức hấp dẫn cao cho các nhà đầu tư;

– Xây dựng sẵn các nhà xưởng cho thuê đạt tiêu chuẩn để các nhà đầu tư có thể nhanh chóng triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi được cấp giấy phép đầu tư. Giá cho thuê thấp và tạo nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư;

– Tổ chức tốt các dịch vụ phụ trợ để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

– Hình thành mạng lưới các doanh nghiệp phụ trợ trong và ngoài KCN từ đó thực hiện việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước và hình thành mạng lưới liên kết công nghiệp;

– Các chính sách và biện pháp quản lý KCN của Chính quyền Đài Loan linh hoạt và có hiệu quả. Thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ”, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm sự phiền hà cho các nhà đầu tư, …

Kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp của Đài Loan

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 bình luận về “Kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp của Đài Loan

  1. Pingback: Bài học kinh nghiệm cho việc phát triển các Khu công nghiệp đồng bộ - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?