Những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của khu công nghiệp đồng bộ

mua bán và sáp nhập

Mục lục

Những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của khu công nghiệp đồng bộ

1.3.1.  Quy hoạch

Quy hoạch là công cụ rất quan trọng, nó định hướng dài hạn và đảm bảo sự đồng bộ trong phát triển dài hạn. Xây dựng quy hoạch và thực hiện tốt quy hoạch sẽ khắc phục được tình trạng lộn xộn, tự phát, tùy tiện, chắp vá, lãng phí trong quá trình phát triển do phải khắc phục hậu quả và làm đi làm lại nhiều lần. Quy hoạch lại là cơ sở để xây dựng kế hoạch, do vậy cần phải xây dựng quy hoạch có tính khả thi và chất lượng cao, đảm bảo khả năng pháp triển dài hạn trong tương lai.

Bản chất của khu công nghiệp chính là tổ chức sản xuất công nghiệp trên lãnh thổ được thực hiện gắn liền với quá trình tăng cường tích tụ, tập trung sản xuất theo lãnh thổ. Do vậy quy hoạch khu công nghiệp cần gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp và cũng là một bộ phận trong hệ thống các qui hoạch ngành và lĩnh vực trên vùng lãnh thổ. Thực chất của  việc xây dựng qui hoạch phát triển khu công nghiệp đó là luận chứng phát triển và tổ chức lãnh thổ sản xuất công nghiệp.

Quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải tính đến các quan hệ liên ngành và liên vùng theo tinh thần phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng giao lưu trao đổi hàng hóa giữa các vùng và các ngành kinh tế. Quy hoạch phải đánh giá đúng các nguồn lực và lợi thế của vùng; xác định có luận cứ khoa học định hướng phát triển công nghiệp trên vùng lãnh thổ và khu công nghiệpkhu công nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, khai thác có hiệu quả và lợi thế của vùng lãnh thổ. Quy hoạch cần được kịp thời điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi của các điều kiện phát triển…

Qui hoạch phát triển khu công nghiệp là sự cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và chiến lược phát triển công nghiệp của đất nước, là căn cứ quan trọng để xây dựng các giải pháp chính sách phù hợp với điều kiện từng vùng lãnh thổ. Như vậy khi phát triển KCN cần quan tâm đến quy hoạch ngành công nghiệp, quy hoạch lãnh thổ và gắn với quy hoạch quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Quy hoạch phát triển khu công nghiệp cần phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, nhằm đảm bảo sự phát triển của khu công nghiệp đúng định hướng và mục tiêu phát triển của địa phương trong từng giai đoạn.

Việc lựa chọn địa điểm xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ phải phù hợp và có sự ăn khớp, thống nhất giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch ngành công nghiệp, quy hoạch các vùng; giữa quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương với quy hoạch nông thôn, đô thị cũng như quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải, quy hoạch khu dân cư; giữa quy hoạch KCN với quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sử dụng đất…

Quy hoạch và phân bố KCN hợp lý sẽ khai thác triệt để lợi thế so sánh và đặc thù của từng vùng lãnh thổ; phát huy sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có của địa phương đồng thời đảm bảo được tính đồng đều, hợp lý của toàn ngành công nghiệp trong phạm vi quốc gia hoặc liên vùng. Việc phát triển các KCN phù hợp với quy hoạch sẽ thúc đẩy các vùng phát huy được lợi thế của mình để phát triển theo cơ cấu kinh tế mở, gắn với thị trường trong và ngoài nước; các vùng kinh tế trọng điểm phát huy được vai trò đầu tàu phát triển nhanh theo hướng chuyển dần sang các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp với công nghệ và kỹ thuật cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao để lôi kéo các vùng khác phát triển theo như:

– Đối với các vùng có lợi thế trữ về lượng khoáng sản dồi dào có thể phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản;

– Đối với các vùng có nhiều cây công nghiệp và rừng trồng nguyên liệu có thể phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản như giấy, chè, đồ mộc, thực phẩm, đồ uống… ;

– Đối với khu vực ven biển, có lợi thế về bờ biển dài, có cảng nước sâu có thể phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, đóng tàu, cơ khí chế tạo …

– Đối với các vùng có lợi thế về đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật lành nghề hơn hẳn các vùng khác, là nơi hội tụ, giao lưu kinh tế lớn của cả nước có thể tập trung phát triển ngành cơ khí (cơ khí chế tạo, thiết bị điện, các phương tiện vận tải…), các ngành kỹ thuật công nghệ cao như ngành điện tử, công nghệ thông tin, …

Quy hoạch xây dựng trong từng KCN cần quan tâm bố trí, phân khu chức năng hợp lý đảm bảo hệ số sử dụng đất công nghiệp và các tiêu chuẩn kỹ thuật. Hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin viễn thông, phòng cháy chữa cháy.. trong nội khu đảm bảo phát triển phù hợp với quá trình thay đổi dần theo nhu cầu tầng cao, đồng nhất trong công trình kiến trúc và phù hợp với đặc thù ngành công nghiệp.

1.3.2.  Vị trí địa lý, quy mô của khu công nghiệp

KCN có được nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí thì khả năng thành công là rất cao và ngược lại nếu không đáp ứng được các yêu cầu trên thì sẽ rất khó khăn trong quá trình hình thành, phát triển và thu hút đầu tư và hiệu quả đầu tư phát triển KCN sẽ thấp và rất dễ thất bại.

– KCN được xây dựng ở vị trí cách biệt với khu dân cư nhưng đảm bảo thuận lợi trong việc đi lại sẽ tránh được những tác động, ảnh hưởng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của KCN đối với dân cư;

– KCN cần được bố trí khoảng cách hợp lý với các khu đô thị, trung tâm văn hóa, xã hội và thuận lợi cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng như gần các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển; hệ thống thông tin, viễn thông và nguồn điện, nguồn nước công nghiệp được cung cấp đầy đủ; điều kiện về nguồn nguyên liệu và nhân lực dồi dào … những điểm trên phải được xem xét trên khía cạnh hiện tại và sự duy trì khả năng ấy trong tương lai. Đây là một trong những yếu tố quyết định sự thành công và phát triển của KCN và giúp các nhà đầu tư giảm thiểu chi phí, tăng khả năng lưu thông của sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu giảm bớt thời gian vận chuyển trên đường và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, thành phẩm sản xuất ra.

– Quy mô đất của KCN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thành công của các KCN đồng bộ, quy mô này phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí đặt KCN ở khu vực thành thị, vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn hay ở địa bàn tỉnh hoặc gần cảng biển; phụ thuộc vào tính chất ngành nghề công nghiệp, phụ thuộc vào mục tiêu thu hút nhà đầu tư trong hay ngoài nước …. Tuy nhiên cần tính toán và dự báo quy mô KCN hợp lý đảm bảo khai thác hiệu quả trong thời gian hiện tại và phát triển trong tương lai.

1.3.3.  Hạ tầng kỹ thuật của khu vực xây dựng khu công nghiệp

– Phần lớn các KCN đều hình thành trên các khu đất mới, do đó nếu kết cấu hạ tầng cả trong và ngoài hàng rào KCN đồng bộ thì dễ dàng thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư như:

– Hệ thống đường giao thông đủ rộng, hiện đại đảm bảo hoạt động cho KCN ngay cả thời gian cao điểm sẽ thuận tiện cho vận chuyển và lưu thông hàng hóa. Hệ thống cấp nước đầy đủ và đảm bảo áp lực;

– Hệ thống điện đảm bảo công suất và cấp đủ ngay cả khi có sự cố  lưới điện quốc gia sẽ giúp cho doanh nghiệp sản xuất ổn định và đạt hiệu quả. Hệ thống đèn chiếu sáng đủ độ sáng cần thiết để đảm bảo an toàn cho người đi lại và an ninh của KCN;

– Hệ thống thu gom và thoát nước thải, nước mưa phải tính toán đảm bảo đủ cho nhu cầu thu gom và thoát nước của KCN. Các trạm xử lý nước thải, xử lý rác thải phải được xây dựng và vận hành đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường.

– Hệ thống các khu nhà điều hành, dịch vụ phụ trợ; nơi đặt trụ sở ngân hàng, trạm hải quan, máy ATM; trạm bưu điện, bãi để xe; hệ thống trụ cứu hỏa;

– Hệ thống thông tin liên lạc, truyền dẫn số liệu … cần được tính toán và bố trí ngay trong KCN;

– Kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào KCN cũng cần phải được xây dựng và hoàn chỉnh phù hợp với tiến độ xây dựng và khai thác sử dụng của KCN đảm bảo việc kết nối đồng bộ giữa hạ tầng của KCN với hạ tầng của vùng và khu vực xây dựng KCN;

1.3.4.  Khu dân cư  và các công trình phục vụ công cộng

KCN phải được gắn với việc xây dựng khu nhà ở cho công nhân, khu nhà ở cho công nhân phải đáp ứng được quy hoạch chung của đô thị vì chúng là một bộ phận cấu thành của hệ thống nhà ở đô thị và của KCN. Do vậy, khi xây dựng và phát triển các KCN cần phải quy hoạch xây dựng các khu dân cư và các công trình phúc lợi để giải quyết đời sống tinh thần, vật chất và nơi ăn chốn ở cho người lao động trong các KCN. Người lao động trong KCN có nơi ăn, ở ổn định sẽ góp phần giúp cho hoạt động SXKD của các doanh nghiệp được ổn định và phát triển bền vững. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, việc phát triển khu dân cư xung quanh các KCX, KCN còn nhằm ổn định về mặt xã hội, an ninh trật tự và an sinh xã hội. Vì vậy, đây cũng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của các KCN đồng bộ, việc phát triển khu dân cư không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của các Công ty phát triển hạ tầng và các doanh nghiệp trong KCX, KCN.

1.3.5.  Sự phát triển của các trung tâm kinh tế và đô thị liền kề

KCN cần có mối liên hệ với các trung tâm kinh tế và đô thị vì có thể tận dụng được những lợi thế so sánh phục vụ cho việc phát triển, thúc đẩy sự thành công của KCN, cụ thể:

– Lợi thế về việc tận dụng cơ sở hạ tầng của khu vực đã được nhà nước và địa phương đầu tư (đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, hệ thồng thông tin liên lạc, bệnh viện, trường học…);

– Lợi thế về việc tận dụng hạ tầng dịch vụ tài chính như hệ thống ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư; hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, khu thể thao…;

– Là nơi tập trung các cơ sở đào tạo, dạy nghề, các Trung tâm, Viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu khoa học khác; là nơi tập trung nhiều lao động kỹ thuật có chất lượng cao;

– Là nơi đã có sẵn những cơ sở công nghiệp phụ trợ (cung cấp linh kiện, vật tư, thiết bị, phụ tùng, bán thành phẩm….).

Do vậy, các KCN đặt ở lân cận các trung tâm kinh tế và đô thị lớn thường có sức hấp dẫn rất lớn với các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

1.3.6.  Sự ổn định chính trị, cơ chế chính sách và môi trường đầu tư

– Kinh nghiệm cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài ngoài việc xem xét các ưu đãi về kinh tế của quốc gia tiếp nhận đầu tư mà còn rất quan tâm tới sự ổn định về chính trị, xã hội của quốc gia đó vì nó đảm bảo sự ổn định vững chắc trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể tham gia kinh doanh và đầu tư vào các KCN. Không một nhà đầu tư nào lại muốn đầu tư vào một quốc gia có nhiều thay đổi về thể chế chính trị, đường lối chính sách không nhất quán, an ninh xã hội phức tạp … Hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, đầy đủ và có hiệu lực cao giúp các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của mình.

– Môi trường đầu tư của nước sở tại cũng được các nhà đầu tư cũng rất quan tâm, môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, không gây trở ngại cho các nhà đầu tư và có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào KCN sẽ tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư do họ sẽ giảm được thời gian cho việc giải quyết các thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận kinh doanh. Để tăng sức hấp dẫn đầu tư, Nhà nước cần cải thiện môi trường đầu tư chung và ban hành các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù trong việc miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp; nâng mức ưu đãi khi đầu tư vào địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, không hạn chế việc chuyển vốn, lợi nhuận của các nhà đầu tư ra nước ngoài …. khi đầu tư vào KCN.

– Ngoài ra, các chính sách kinh tế vĩ mô khác về đầu tư, lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, thương mại … cũng có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung và vào các KCN nói riêng. Do vậy, quốc gia sở tại cần phải biết lắng nghe, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư để có biện pháp hỗ trợ kịp thời để hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm tạo môi trường ngày càng thông thoáng và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư hoạt động trong các KCN.

–  Các KCN thường nằm trong khu vực có chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp của địa phương và quy hoạch phát triển KCN của cả nước, đặc biệt là trong các vùng kinh tế trọng điểm hay khu vực làm đòn bẩy phát triển kinh tế của cả nước. Những khu vực này có thể được nhà nước, địa phương có những chính sách hỗ trợ trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ chung nhưng có lợi cho cả KCN như: nâng cấp sân bay, cải tạo và nâng cấp đường bộ, đường sắt, mở rộng các cảng biển…và được các Bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng các công trình cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc…

1.3.7.  Sự phát triển của công nghiệp phụ trợ, khả năng cung cấp nguyên vật liệu

Khi đầu tư sản xuất vào các KCN, các nhà đầu tư rất quan tâm đến khả năng cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ địa phương bởi điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chi phí nếu phải nhập ngoại, đến thời gian vận chuyển, đến việc chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất…. Do vậy, năng lực của các ngành công nghiệp phụ trợ tại địa phương cao, sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, giá cả cạnh tranh; số lượng và chất lượng các dịch vụ phụ trợ đảm bảo yêu cầu phát triển thì đó là những nhân tố góp phần tạo nên sự thành công của khu công nghiệp.

Ngoài ra, để giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, các nhà đầu tư cũng cân nhắc các yếu tố đầu vào như sự đảm bảo, ổn định trong việc cung ứng nguyên vật liệu tại chỗ của địa phương, khoảng cách tới vùng nguyên liệu trước khi quyết định đầu tư vào một KCN.

1.3.8.  Nguồn cung lao động

Hoạt động sản xuất nói chung và trong KCN nói riêng, xét về thực chất, là quá trình lao động, tức là sự kết hợp giữa các yếu tố con người với tư liệu sản xuất, trong đó người lao động luôn là nhân tố quan trọng, là lực lượng sản xuất chủ yếu. Vì vậy quy mô, mức độ, hiệu quả kinh doanh trong KCN phụ thuộc rất lớn vào số lượng và chất lượng nguồn lao động hiện có và xu hướng vận động của nó.[90] Nguồn lao động có đủ sức lao động (những năng lực về thể chất, trình độ chuyên môn, tinh thần) là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đó là tài sản vô giá mà doanh nghiệp được sử dụng. Do vậy, việc cung ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, trình độ tay nghề của người lao động nói chung, cũng như lao động có hàm lượng chất xám cao nói riêng làm việc trong các KCN là tiền đề để xây dựng thành công KCN.

1.3.9.  Vốn đầu tư

– Vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được coi như là tiền đề để thu hút các nguồn vốn đầu tư khác và các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN phải bỏ ra ngay từ ban đầu. Các nhà đầu tư chỉ bỏ vốn đầu tư vào KCN khi đã có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh do vậy các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN phải có tiềm lực tài chính tốt nhằm đảm bảo tiến độ đền bù, giải toả và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ đúng quy chuẩn để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuê đất nhanh chóng tiến hành xây dựng nhà máy. Nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, vì vậy nguồn vốn đầu tư không những phải đảm bảo đầy đủ mà còn phải được phân kỳ đầu tư đúng lúc, đúng chỗ để có thể phát huy tối đa tác dụng.

– Vốn đầu tư vào các dự án sản xuất trong khu công nghiệp: khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án sản xuất có tỷ lệ vốn đầu tư trên quy mô sử dụng đất cao đồng nghĩa với việc sẽ thu hút được nhiều máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến đưa vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở để doanh nghiệp phát triển, là nhân tố quan trọng góp phần phát triển các KCN đồng bộ.

Những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của khu công nghiệp đồng bộ

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?