Khái quát chung về tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam
Cho đến nay, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã có sự phát triển khá mạnh mẽ xét cả về mặt lượng lẫn mặt chất: Nếu như đầu những năm 1990, tại Việt Nam, 4 NHTMNN chiếm gần như toàn bộ thị trường tiền gửi và cho vay ở Việt Nam thì cho đến nay, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện cả nước có hơn 100 ngân hàng hoạt động.
Cùng với đó là việc thành lập và hoạt động của hàng loạt công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng từ trung ương tới địa phương (906 QTDND cơ sở, 1 QTDND TW và 23 chi nhánh). Có thể nói, với thời gian trên 20 năm thực hiện quá trình đổi mới kinh tế, hệ thống ngân hàng và định chế phi ngân hàng đã có sự phát triển vượt bậc, đóng góp những vai trò to lớn đối với những thành tựu về kinh tế – xã hội nước ta những năm qua. Bên cạnh các tổ chức tín dụng (TCTD) còn có sự hiện diện và ngày càng phát triển của các TCTD phi ngân hàng. Nếu như từ 1992 trở về trước, cả nước chỉ có 2 công ty tài chính, 2 công ty bảo hiểm thì đến năm 2001 đã có 7 công ty tài chính; 8 công ty cho thuê tài chính; 18 công ty bảo hiểm; 8 công ty chứng khoán. Ngoài ra, còn có các công ty đầu tư, quĩ đầu tư, quĩ tiết kiệm bưu điện (Quĩ này đã sáp nhập vào NHTMCP Liên Việt). Số lượng các định chế tài chính phi ngân hàng hoạt động trên thị trường Việt Nam thường xuyên thay đổi theo thời gian, và đã có sự tăng lên đáng kể so với đầu những năm 2000. Tính đến nay, tại Việt Nam có sự hiện diện của 18 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính, 105 công ty chứng khoán, 78 công ty môi giới chứng khoán, 2 công ty bảo hiểm nhà nước, 16 công ty cổ phần bảo hiểm, 3 công ty liên doanh bảo hiểm, 17 công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, 1 công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia, 10 công ty môi giới bảo hiểm. Các định chế tài chính này đã và đang có sự cạnh tranh khá quyết liệt với các NHTM trong một số lĩnh vực dịch vụ ngân hàng truyền thống. Một thực tế là sự cạnh tranh giữa các định chế tài chính trong lĩnh vực huy động vốn và cho vay diễn ra rất quyết liệt, khiến môi trường tín dụng trong nhiều giai đoạn là rất bất ổn. Hơn nữa, cũng cần một lưu ý là sự cạnh tranh quá mức lại chủ yếu tập trung tại một số khu vực đô thị lớn như TP. Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, trong khi đó tại hầu hết các khu vực nông thôn thì sự hoạt động của các tổ chức tín dụng lại rất mờ nhạt. Ðiều này được thể hiện trên một số góc độ sau đây:
Thứ nhất, mức độ đa dạng hóa loại hình dịch vụ không cao, chủ yếu tập trung vào cung ứng các dịch vụ ngân hàng truyền thống là huy động vốn, cho vay và thanh toán, các loại hình dịch vụ khác, nhất là các dịch vụ mới nhiều tiện ích lại khó triển khai. Ðiều này xuất phát từ cả nguyên nhân do khách quan lẫn chủ quan:
Lý do khách quan: Trình độ phát triển của kinh tế Việt Nam chưa cao, nền tảng hạ tầng kỹ thuật chung chưa cho phép các NHTM triển khai các loại hình dịch vụ ngân hàng hiện đại. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ khách hàng trong nền kinh tế chưa có sự nhận thức đúng về vai trò và vị trí của các dịch vụ ngân hàng mới, nên các NHTM sẽ khó triển khai.
Lý do chủ quan: Ðể có thể triển khai thành công các loại hình dịch vụ mới luôn đòi hỏi điều kiện về hạ tầng kỹ thuật công nghệ ở mức tương thích, nhưng để có thể triển khai được các kỹ thuật công nghệ hiện đại luôn đòi hỏi chi phí cao, trong khi năng lực tài chính của hầu hết các NHTM còn rất thấp. Hiện nay, theo các tư liệu thống kê thì các NHTM Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của Nghị định 141. Tuy nhiên, nếu đi sâu xem xét thì có không ít NHTM chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu do tình trạng “sở hữu chéo” rất phức tạp, khó kiểm soát trong nội bộ hệ thống này mà thực chất là để “lách luật”1. Thậm chí do kinh doanh yếu kém nên có một số NHTM thậm chí còn bị mất hết vốn điều lệ2.
Ngoài yếu tố kỹ thuật công nghệ thì cũng không thể không đề cập đến những bất cập về chất lượng nguồn nhân lực của các NHTM. Do kinh doanh ngân hàng là kinh doanh trên cơ sở chấp nhận rủi ro, nhưng suy cho cùng thì mọi rủi ro đều xuất phát từ yếu tố con người, nên để giảm thiểu rủi ro thì chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống ngân hàng luôn phải hết sức được coi trọng. Thực tế thì chất lượng nguồn nhân lực ở không ít NHTM Việt Nam chưa thực sự tương thích với việc triển khai các loại hình dịch vụ mới tuy có nhiều tiện ích nhưng tiềm ẩn rủi ro rất cao. Hơn nữa, bản thân nhiều loại hình dịch vụ lại chủ yếu dựa trên cơ sở chất lượng nguồn nhân lực của các NHTM phải cao, thí dụ các dịch vụ về môi giới hay tư vấn… Rõ ràng là có không ít NHTM Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt cho vấn đề này. Bảng 1 cho thấy thực trạng này. (Bảng 1)
Bảng 1: Cơ cấu trình độ của hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến 31/12/2009
Đơn vị tính: %
Trình độ | Toàn hệ thống | NHNN | NHTMNN | NHTMCP | NHLD, NNg | Tổ chức khác |
Tiến sỹ | 0.28 | 0.67 | 0.31 | 0.26 | 0.11 | 0.2 |
Thạc sỹ | 3.48 | 6.3 | 4.61 | 2.97 | 2.9 | 1.2 |
Đại học/Cao đẳng | 62.59 | 64.28 | 62.46 | 66.83 | 78.24 | 73.6 |
Trung cấp | 20.08 | 8.68 | 17.83 | 20.38 | 0.84 | 2.1 |
Sơ cấp và chưa qua đào tạo | 13.57 | 20.07 | 14.79 | 9.56 | 17.91 | 22.9 |
(Nguồn: Đề tài KNH 2009 – 07: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống NH Việt Nam)
Nếu tính chung cho toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam đến cuối năm 2009 thì vẫn có tới trên 33% lực lượng lao động đào tạo ở mức thấp và chưa qua đào tạo. Ðối với lực lượng đào tạo từ đại học/cao đẳng trở lên thì có tới gần 63% mới qua đào tạo bậc đại học/cao đẳng. Số lượng cán bộ được đào tạo trên đại học quá thấp. Trong đó, đặc biệt đối với khối NHTM cổ phần, thì chỉ khoảng 3% được đào tạo trên đại học. (Bảng 2)
Bảng 2: Cơ cấu lao động ở một số ngân hàng các nước năm 2004
Anh | Nhật | CHLB Đức | Malaysia | Thailand | |
% ĐH và trên ĐH trong tổng số lao động | 78 | 75 | 77 | 62 | 65 |
(Nguồn: Đề tài khảo sát nguồn nhân lực NH ở Việt nam, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn)
So sánh với khu vực và quốc tế thì thấy: chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2009 chỉ tương đương các nước khu vực của năm 2004 và kém khá xa so với chất lượng nguồn nhân lực các NHTM các nước phát triển.
Ði sâu xem xét cơ cấu đào tạo thì thấy rằng, số cán bộ được đào tạo theo đúng chuyên ngành tài chính – ngân hàng chỉ chiếm khoảng trên dưới 43%. Có tới trên dưới 40% được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật (Bảng 3)
Bảng 3: Cơ cấu chuyên ngành đào tạo đến 31/12/2009
Đơn vị tính: %
Tài chính- ngân hàng | Kinh tế | Đào tạo khác | |
NHNN | 41.0 | 15.0 | 44.0 |
NHTM | 43.0 | 18.0 | 39.0 |
(Nguồn: Đề tài KNH 2009 – 07: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống NH Việt Nam )
Với thực trạng chất lượng nguồn nhân lực như vậy, thì sẽ rất khó khăn cho các NHTM mở rộng các loại hình dịch vụ ngân hàng mới, và có thể nói, nếu các NHTM càng mở ra các loại hình dịch vụ mới, thì rủi ro tiềm ẩn càng cao. Một thực tế cũng cần chú ý là chất lượng đào tạo của một bộ phận không nhỏ của các cơ sở đào tạo trong nước chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng về chất lượng. Trong điều kiện như vậy, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, không được quản trị đúng mức không có gì là khó hiểu cả. Nghĩa là, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh hiện nay tại hầu hết các NHTM Việt Nam có nguyên nhân từ sự hiểu biết chưa sâu nghề kinh doanh ngân hàng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân viên trong các NHTM. Sự nhận thức chưa thấu đáo về lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt phần lớn cán bộ lại chưa có nhận thức đúng về vai trò và sự tác động của kinh doanh ngân hàng đối với các hoạt động kinh tế – xã hội chung, có thể sẽ gây những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế – xã hội trên nhiều phương diện.
Thứ hai, hoạt động kinh doanh có mức độ rủi ro cao, đặc biệt là hoạt động tín dụng. Hầu hết các NHTM tập trung vào lĩnh vực tín dụng, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao. Cụ thể: năm 2007 tăng 51%; năm 2008: 30%; năm 2009: 37%; năm 2011: 12%. Tuy vậy, có vẻ như trong năm năm 2012 tốc độ này đang bị kìm hãm khá mạnh3. Theo thống kê, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế hiện ở mức khoảng 125 tỷ USD (tương đương 120% GDP) – Một mức dư nợ cho vay quá cao so với hầu hết các nước khác (Thái Lan 100%, Hàn Quốc 80%…). Dư nợ tín dụng cao trong khi chất lượng tín dụng lại khá thấp do có không ít NHTM thực hiện các hoạt động đầu tư có độ rủi ro cao. Cụ thể:
(i) Một số NHTM nhỏ cho vay lĩnh vực bất động sản quá cao (chiếm tới xấp xỉ 50% tổng dư nợ tín dụng)4. Một số NHTM tồn một tỷ trọng không nhỏ khoản cho vay bất động sản dưới hình thức các tài sản thế chấp. Do thị trường bất động sản trầm lắng, nên rủi ro gia tăng trong một bộ phận không nhỏ NHTM.
(ii) Một số NHTM không chỉ cho vay mà còn trực tiếp đầu tư vàng, ngoại tệ rủi ro tiềm ẩn lớn5, đồng thời gây rối loạn thị trường, khó khăn cho NHNN trong điều hành thị trường tiền tệ (những bất ổn trên thị trường vàng gần đây phản ánh rất rõ thực tế này);
(iii) Trong hoạt động cho vay, các NHTM chưa thực sự chú trọng công tác sàng lọc khách hàng nên chất lượng tín dụng chưa cao. Mặt khác, do lãi suất cho vay khá cao, vượt quá sức chịu đựng của hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, nên vốn tín dụng thường không đến đúng các địa chỉ cần thiết (thường là đổ vào các thị trường bất động sản, vàng, ngoại tệ…), làm giảm hiệu quả nguồn vốn trong nền kinh tế. Theo thống kê, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là khá cao (theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thì nợ xấu hiện nay ở mức khoảng 8,86%6, Moody’s đưa ra dự báo con số nợ xấu trên 8,6%7 trong khi đó tổ chức Fitch Rating lại dự báo nợ xấu lên đến trên 13%8) và tốc độ tăng trưởng nợ xấu hiện vẫn rất đáng quan ngại.
Những phân tích trên cho thấy rằng: (i) Hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có những bất cập không nhỏ, đặt ra vấn đề cấp thiết phải có giải pháp kiên quyết để xử lý và phải xử lý hiệu quả, nhằm từng bước làm lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh, giúp hệ thống các NHTM Việt Nam làm tròn chức trách của một trung gian tài chính trong nền kinh tế. Hơn nữa, vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam còn phải được đặt ra bức thiết, xuất phát từ bối cảnh thị trường tài chính quốc tế diễn biến ngày càng phức tạp, đã và đang tác động rất bất lợi đến môi trường tài chính trong nước, trong khi đó, bản thân các định chế tài chính trong nước còn khá nhiều yếu kém và bất cập, khó khăn trong việc cải thiện và tăng cường năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập tài chính khu vực và quốc tế; (ii) Môi trường tín dụng có sự thay đổi căn bản không chỉ từ sự gia tăng khá ồ ạt số lượng các NHTM và mức độ khá “đậm đặc” các chi nhánh, phòng giao dịch đã và đang gây khó khăn trong công tác quản lý vĩ mô hệ thống tiền tệ ngân hàng và thanh toán; (iii) Sự hoạt động tiềm ẩn rủi ro cao gắn với các cuộc “chạy đua” về tăng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua làm tăng chi phí về vốn và lãi suất cho vay vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh (những quyết sách của NHNN thời gian qua nhằm uốn nắn thị trường tín dụng và đưa lãi suất về mức thị trường có thể chấp nhận được, song điều này có vẻ như khó khăn). Ðiều này đang tiếp tục đặt ra vấn đề cấp bách phải có giải pháp mạnh nhằm tiếp tục chấn chỉnh thị trường nếu như không muốn làm suy giảm thêm niềm tin của công chúng về khả năng có thể làm tròn bổn phận hay không của một trung gian tài chính quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế này. Không những thế, các cú sốc trên thị trường ngoại tệ trước đây hay thị trường vàng những ngày qua đã cho thấy rằng hệ thống các định chế tài chính tại Việt Nam chưa thực sự làm “tròn vai” của mình trong việc kiểm soát sự ổn định của các thị trường này.
Khái quát chung về tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT