Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam – thực tiễn và vấn đề đặt ra

Mục lục

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam – thực tiễn và vấn đề đặt ra

Như trên đã phân tích cho thấy rằng, hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có khá nhiều bất cập cần phải nhanh chóng xử lý nhằm làm lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, do đặc điểm hoạt động của hệ thống ngân hàng là kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm và có liên quan mật thiết đến hầu hết các tổ chức và cá nhân trong xã hội; hơn nữa, sự hoạt động của chúng luôn mang tính chất quốc tế hóa nên bất cứ một sự cải cách nào đối với hệ thống này cần phải hết sức thận trọng. Bởi nếu không như vậy thì cái giá phải trả sẽ rất lớn về kinh tế và xã hội.

Ðối với nước ta thì việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lại càng phải hết sức thận trọng. Lý do là:

Một là, mọi nhu cầu về vốn trong nền kinh tế đang “dồn tải” lên hệ thống ngân hàng, nên bất cứ một sự xáo trộn nào trong hoạt động của hệ thống ngân hàng đều có thể gây sốc cho nền kinh tế. Các tư liệu thống kê gần đây cho thấy do tín dụng tăng trưởng quá thấp dẫn tới nền kinh tế đang bị kìm hãm rất mạnh. Ðiều này cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Gần đây, có một số ý kiến đề nghị rằng để nền kinh tế hoạt động hiệu quả thì trước hết hệ thống ngân hàng phải lành mạnh và hiệu quả; và để hệ thống này hoạt động lành mạnh và hiệu quả thì càng phải tăng cường “thanh lọc”, ngân hàng nào yếu thì buộc phải cho phá sản để tránh rủi ro đạo đức trong hệ thống này đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì cần phải hết sức thận trọng khi xử lý đối với hệ thống NH. Cho dù ngân hàng đang thuộc diện phải sắp xếp lại là ngân hàng qui mô nhỏ hay lớn thì theo chúng tôi, hậu quả đều là như nhau, thậm chí mức độ còn trầm trọng hơn, bởi thực tế là các NHTM lớn thị phần hầu hết hướng vào phân khúc thị trường doanh nghiệp lớn, trong khi phân khúc thị phần của hầu hết các NHTM nhỏ là đối tượng khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ, chính vì thế mức “khuyếch đại” các dư chấn lớn hơn nhiều.

Hai là, các NHTM Việt Nam có năng lực tài chính yếu với vốn chủ sở hữu thấp và có vẻ năng lực này cũng đang bị xói mòn dần. Thậm chí một số NHTM đang bị mất vốn điều lệ do quản trị kinh doanh yếu. Các tư liệu thống kê cho thấy các TCTD Việt Nam có mức vốn tự có rất thấp, một số không ít NHTM với mức vốn điều lệ chỉ trên dưới 5.000 tỷ đồng, thậm chí một số do kinh doanh thua lỗ nên vốn tự có bị xói mòn, xuống dưới mức vốn điều lệ bắt buộc theo qui định của Nghị định 141/2006/NÐ-CP11. Trong đợt thanh tra toàn diện hơn 30 ngân hàng, NHNN cho biết nhiều ngân hàng báo cáo có lãi nhưng thực tế bị lỗ, giảm vốn điều lệ, thậm chí không còn vốn điều lệ sau khi bị buộc trích lập dự phòng rủi ro. Cũng theo NHNN, một số NHTMCP có thanh khoản yếu kém, nợ xấu lên tới chục phần trăm, cá biệt có ngân hàng nợ xấu lên tới 60%, mất cả vốn điều lệ. Một số tổ chức phi ngân hàng khác cũng trong tình trạng tương tự với mức vốn tự có thấp hơn nhiều và đang bị suy giảm mạnh. Khả năng chống đỡ các cú sốc là không lớn, do vậy nếu như việc tái cấu trúc diễn ra quyết liệt, vượt quá khả năng chịu đựng của mỗi ngân hàng thì rất có thể hậu quả ngược sẽ xuất hiện. Bởi thực tế là việc cấu trúc thường được hướng vào các NHTM hoạt động yếu kém; và hiện nay các NHTM hoạt động yếu kém thường là những NHTM nhỏ (hơn nữa, có vẻ như tiến trình tái cấu trúc này đang bị tác động xấu từ những dư chấn gần đây liên quan đến các vụ việc tiêu cực từ một số NHTMCP). Thực tế là hiện nay có không ít các ngân hàng này có chất lượng các tài sản Có không cao, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Vấn đề là nếu chúng ta thực hiện một cách cơ học việc tái cấu trúc, chẳng hạn sáp nhập 2 hoặc 3 ngân hàng nhỏ thành 1 ngân hàng có qui mô lớn hơn thì điều gì sẽ xảy ra? Hậu quả nhãn tiền là các bất cập sẽ ngày càng gia tăng và có lẽ vấn đề lại càng trở nên khó giải quyết hơn so với khi giải quyết độc lập từng NH. Thực tế thời gian qua, chúng ta đã bắt đầu thực hiện lộ trình sắp xếp lại hệ thống ngân hàng và các vụ sáp nhập đã và đang diễn ra. Ðể thấy hiệu quả thực của tiến trình này cần có thời gian mới kiểm định được. Tuy nhiên, có hàng loạt vấn đề cần phải được trả lời thấu đáo, chẳng hạn về quyền lợi của các cổ đông của ngân hàng bị sáp nhập, khả năng quản trị một ngân hàng qui mô lớn hơn (vốn là vấn đề lớn đối với không ít NHTM Việt Nam hiện nay), vấn đề xử lý nợ xấu vốn dĩ đang diễn biến rất phức tạp hiện nay…

Ba là, tái cấu trúc căn bản phải dựa trên nền tảng một thị trường tài chính ổn định và lành mạnh và phải gắn chặt giữa tái cấu trúc với duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, trong đó không thể thiếu vai trò sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô. Ðiều này đặt ra một vấn đề có tính điều kiện: Các chính sách kinh tế vĩ mô phải có sự cẩn trọng và hỗ trợ cần thiết để tạo điều kiện cho cải cách hệ thống ngân hàng thành công.

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không phải là một chủ trương mới, bởi một số năm trước đây chúng ta đã đặt ra vấn đề này, nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta vẫn thiếu một kịch bản tốt, thiếu những công cụ chế tài hiệu quả và những điều kiện cần thiết. Hiện nay, vấn đề tái cấu trúc đã là một nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, bởi hiện hệ thống ngân hàng đang tỏ ra có nhiều bất cập về hoạt động, chưa làm tốt vai trò của một trung gian tài chính trong nền kinh tế khiến dòng vốn đang bị ách tắc, chi phí vốn quá cao, đồng thời chưa thực sự làm vai trò là một trung gian truyền tải các thông điệp chính sách của NHNN đến nền kinh tế. Hơn nữa, Trung ương Ðảng cũng đã ra Nghị quyết về vấn đề này (Nghị quyết Trung ương 3 – Khóa XI).

Lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ phải hướng đến những mục tiêu nào? Có một số ý kiến cho rằng mục tiêu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam phải là: (i) Củng cố hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thông qua việc bảo đảm khả năng thanh toán và khả năng sinh lời; (ii) Cải thiện năng lực thực hiện chức năng trung gian tài chính của hệ thống ngân hàng giữa người đi vay và người cho vay; (iii) Khôi phục niềm tin của công chúng15. Theo chúng tôi thì những mục tiêu này là tương đối hợp lý. Song có một yếu tố rất quan trọng mà chúng ta phải chú ý gắn với lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam là phải làm sao để các NHTM Việt Nam trở thành trung gian truyền tải được các thông điệp chính sách của NHNN đến nền kinh tế cũng như có tác dụng phản hồi chính sách một cách tích cực.

Theo ý kiến một số chuyên gia trong Ngành thì quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam phải qua ba giai đoạn: củng cố thanh khoản, lành mạnh tài chính thông qua xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hoạt động. Ý kiến này là hợp lý bởi thực tế hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, quản lý thanh khoản đang thực sự là vấn đề đáng quan ngại. Ðồng thời, nợ xấu cũng đang là lực cản cho quá trình tái cấu trúc. Tuy vậy, nếu như chúng ta xử lý theo kiểu tuần tự thì quá trình này chắc chắn sẽ bị kéo dài. Nhưng nếu chúng ta thực thiện lộ trình này một cách nóng vội thì sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Vậy làm thế nào để giải quyết hài hòa các bất cập này? Theo chúng tôi, thì việc thực hiện lộ trình tái cấu trúc này phải linh hoạt, trước hết phải xử lý triệt để những bất cập đang làm phức tạp thị trường tiền tệ và tín dụng, nhưng bản thân những nhân tố đó sẽ có những vấn đề phải xử lý ngay, có những vấn đề phải xử lý có lộ trình, như vấn đề thanh khoản thì có thể xử lý nhanh, nhưng vấn đề nợ xấu thì sẽ phải mất nhiều thời gian và phí tổn. Ðiều quan trọng có lẽ chúng ta không nền làm theo kiểu “chiến dịch”, thực hiện một cách “đại trà”, mà làm có lựa chọn, bắt đầu từ những ngân hàng lớn, những ngân hàng mà nếu làm tốt sẽ có tác động “bứt phá”.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng cần chú ý một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, cần tạo ra một cơ cấu các NHTM đa dạng hơn về qui mô và hoạt động minh bạch hơn. Như chúng tôi đã đề cập và phân tích ở trên thì hiện nay nhu cầu về vốn trong nền kinh tế là rất đa dạng, nhất là các nhu cầu vốn nhỏ lẻ tại hầu hết các khu vực nông thôn là rất lớn, nhưng do hiện tại hầu hết các vùng này còn khá thiếu vắng các định chế tài chính (chủ yếu là sự hiện diện của các phòng giao dịch của NHNo&PTNT, các phòng giao dịch của NHCSXH. Bên cạnh đó là sự hoạt động của một số Quĩ tín dụng nhân dân, song không phải địa phương nào cũng có sự hiện diện của các loại hình này, các tổ chức tài chính vi mô). Có thể nói thị trường tài chính khu vực nông thôn hiện nay rất kém phát triển, tạo kẽ hở cho sự phát triển của các loại hình “tín dụng đen” phát triển, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý cũng như những hậu quả rất không mong đợi về mặt kinh tế và xã hội.

Ðể xử lý tốt những bất cập này thì theo chúng tôi nên khuyến khích phát triển các Quĩ tín dụng nhân dân cơ sở và tạo cơ chế để loại hình này phát huy tác dụng tại các vùng nông thôn thông qua cơ chế thuế (miễn hay giảm thuế một số năm nhất định) và vốn (yêu cầu các NHTM không trực tiếp cho vay khu vực nông thôn phải dành một tỷ lệ vốn nhất định với lãi suất hợp lý cho các QTDND). Bên cạnh đó, cần có giải pháp cần thiết để phát triển các NHTMCP nông thôn. Trong những năm trước chúng ta đã cho phép một số NHTMCP nông thôn chuyển lên các đô thị hoạt động và điều này khiến cho thị trường tài chính khu vực nông thôn hoạt động rất èo uột và đây cũng là nguyên nhân chính khiến khu vực kinh doanh nông nghiệp và nông thôn rất thiếu vốn đầu tư. Ðể khắc phục bất cập này, theo tôi, nên có cơ chế khuyến khích phát triển các NHTMCP nông thôn thông qua các biện pháp: (i) Về cơ chế chính sách: Cho phép các ngân hàng này không phải tuân thủ qui định về vốn chủ sở hữu theo Nghị định 141; đồng thời, NHNN cần có giải pháp về chính sách tiền tệ cần thiết thông qua qui định về dự trữ bắt buộc, về hỗ trợ thanh khoản, về tái cấp vốn thông qua thực thi một số nhiệm vụ mà NHNN chỉ định (chuyển toàn bộ các khoản cho vay theo chỉ định để các NHTMCP nông thôn thực hiện, chẳng hạn về cho vay tạm trữ lương thực, cho vay hỗ trợ nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản…); (ii) Về tài chính: Nhà nước nên đưa ra các giải pháp về tài chính cho loại hình này thông qua mua cổ phần; đồng thời, có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp một số năm đầu đi vào hoạt động

Thứ hai, do tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chịu tác động bởi nhiều nhân tố trong nước và quốc tế và sẽ có tác động tới nhiều chủ thể khác nhau, nên vấn đề này cần phải hết sức thận trọng và có một lộ trình thật phù hợp. Về mặt nguyên lý thì vấn đề tái cấu trúc sẽ diễn ra trong toàn hệ thống, nhưng mục tiêu vẫn là hướng vào các NHTM nhỏ, hoạt động yếu kém. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, mặc dù là những NHTM nhỏ, nhưng do có mối quan hệ khách hàng là khá lớn, chủ yếu là các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ, nên những bất cập sẽ bị khuếch đại rất nhanh và mạnh. Chính vì thế, một sự thận trọng là cần thiết. Trước hết, cần phải làm trong sạch bảng cân đối kế toán của các NHTM cần cơ cấu lại, bảo đảm rằng các khoản tín dụng có vấn đề nằm trong tầm kiểm soát được. Cũng cần xem xét đến tầm ảnh hưởng của ngân hàng đến khu vực địa bàn hoạt động để đưa ra giải pháp hợp lý (nếu cần thiết thì Nhà nước vẫn có thể mua cổ phần để nắm quyền kiểm soát, tuyệt đối không để diễn ra tình trạng “sở hữu chéo”, nhất là tình trạng các NHTM Nhà nước tiếp tục nắm cổ phần tại các ngân hàng đang cần cơ cấu, vì nó dễ bị che khuất bản chất bên trong của các bất cập).

Hơn nữa, một lộ trình cơ cấu lại hợp lý là rất cần thiết bởi vì vấn đề cơ cấu lại các NHTM nhỏ thực chất là chúng ta muốn cho các ngân hàng này có tình hình tài chính và kinh doanh lành mạnh hơn, chủ yếu thông qua M&A. Nhưng quá trình này không thể diễn ra một cách cơ học, mà cần có sự tự nguyện của các bên đối tác. Ðây là khó khăn rất lớn, do văn hóa kinh doanh của mỗi ngân hàng là khác biệt nhau và nó còn đụng chạm tới quyền và lợi ích cá nhân… (đây cũng chính là lý do khiến quá trình cơ cấu lại trước đây không thành công).

Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là vấn đề lớn và đã nằm trong lộ trình mà NHNN hoạch định và đang tiếp tục thực thi. Vấn đề lớn mà hệ thống NHTM Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt là vấn đề nợ xấu (như chúng tôi đã đề cập ở trên) và vì thế xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề được đặt ra một cách cấp bách. Theo ý kiến của hầu hết chuyên gia kinh tế, thì vấn đề xử lý nợ xấu phải là một quá trình lâu dài và phải nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ tích cực của tất cả các cấp, các ngành và các cấp chính quyền thì mới giải quyết được. Tuy nhiên, theo ý kiến chúng tôi, thì để xử lý nợ xấu cần phải hết sức chú ý: Vấn đề nợ xấu không chỉ có tính lịch sử, mà còn là vấn đề gắn với đặc thù riêng của từng mối quan hệ ngân hàng – khách hàng. Chính vì vậy, xử lý nợ xấu không thể tiến hành theo kiểu chiến dịch được, mà phải tuân thủ một qui trình chặt chẽ:

Trước hết, phải tuân thủ nguyên tắc xử lý rủi ro tín dụng do Basel đưa ra là phải công khai hóa rủi ro. Ðến bây giờ mà các NHTM không nhận thức được vấn đề có tính nguyên tắc này thì quả là đáng trách và không thể được.

Hai là, từng NHTM phải trình phương án xử lý nợ xấu riêng trên cơ sở  đặc điểm kinh doanh và đối tượng khách hàng của mình.

Ba là, các NHTM phải trình phương án xử lý rủi ro với NHNN. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ đưa ra các kịch bản xử lý rủi ro. Các kịch bản này cũng phải chỉ ra cho được phí tổn để xử lý là thế nào, chính sách tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản là thế nào và công cụ gì được sử dụng (Thị trường mở? Dự trữ bắt buộc? Tái cấp vốn?…) Chính sách tài khóa phải tham gia ở chỗ nào với liều lượng nào? (Thuế thu nhập doanh nghiệp? Bơm vốn NSNN?…). Hiện nay, đã xuất hiện khá nhiều ý kiến đề xuất về cách xử lý nợ xấu, chẳng hạn thông qua công ty xử lý nợ xấu độc lập, công ty xử lý nợ xấu do NHNN quản lý17… Theo ý kiến chúng tôi thì các công ty xử lý nợ xấu là loại công cụ hỗ trợ cần thiết, song nếu chúng ta không có một kịch bản rõ ràng mà cứ coi một công ty chuyên xử lý nợ xấu (mua bán nợ) đã là chìa khóa vạn năng cứu cánh cho chúng ta thì có vẻ cũng chưa ổn lắm, bởi đây thực chất là chúng ta đã dồn hết “trứng xấu” vào một “giỏ” để xử lý chung (điều này tốt ở chỗ nó nhanh chóng giúp các NHTM lành mạnh hóa tình hình tài chính để hoạt động bình thường), song vấn đề nợ xấu vốn dĩ là vấn đề hết sức riêng biệt với từng NHTM thì bây giờ chúng ta lại biến chúng trở thành loại “tả pí lù” nợ xấu và chắc chắn sẽ rất khó xử lý, nếu như không muốn nói là “nhốt” chúng (nợ xấu) lại.

Thứ ba, phát huy vai trò của các công cụ chính sách tiền tệ đặc biệt cho quá trình cơ cấu lại hệ thống NH

Những năm qua, NHNN ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong việc kiểm soát thị trường tiền tệ thông qua các công cụ chính sách được sử dụng khá linh hoạt. Tuy nhiên, thực tế là các công cụ chính sách chưa thực sự hiệu quả, còn gây các tác dụng phụ, đặc biệt là do việc sử dụng chúng chưa thực sự minh bạch nên thường tạo ra các tâm lý kỳ vọng của các tác nhân trên thị trường (về lạm phát, về tăng tỷ giá, lãi suất…). Trong một số giai đoạn, mặc dù NHNN công bố các số liệu và khẳng định thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang được duy trì tốt, song thực tế là ngay sau đó thì lãi suất liên ngân hàng nóng lên. Hay có những giai đoạn NHNN công bố cung cầu trên thị trường ngoại hối đang được duy trì tốt (thậm chí tuyên bố đang dư cung ngoại tệ), song ngay sau đó thì tỷ giá thị trường nóng lên… Những bất cập này có nhiều nguyên nhân, song theo chúng tôi thì có một số nguyên nhân mà NHNN cần phải hết sức chú ý: (i) Cần có cơ chế công bố thường xuyên hơn các thông tin về dự trữ ngoại tệ, đặc biệt chú ý công bố các thông tin về cán cân thanh toán quốc tế (một số cán cân quan trọng); (ii) Thời gian qua, mặc dù NHNN vẫn công bố rằng thanh khoản trong toàn hệ thống NH đang được duy trì tốt, song ngay sau đó lãi suất liên ngân hàng dần nóng lên. Ðáng chú ý là thời gian gần đây, tín dung tăng trưởng rất thấp (xấp xỉ 3%) trong khi tăng trưởng vốn huy động xấp xỉ 12%. Có vẻ như thanh khoản không còn là vấn đề phải quan tâm. Nhưng nghịch lý là lãi suất vẫn đang “âm thầm” nóng lên (nhiều NHTM công khai niêm yết lãi suất huy động 13%/năm bất chấp các qui định của NHNN trong Thông tư 30 và Thông tư 1918). Lãi suất thị trường tăng lên chỉ có thể giải thích bởi nguyên nhân cung – cầu trên thị trường tín dụng có bất cập trong lúc NHNN liên tục bơm vốn trên thị trường mở. Ðiều này đặt ra vấn đề là NHNN cần thiết phải linh hoạt hơn trong điều hành thị trường tiền tệ, trong đó nên đặc biệt chú ý kiểm soát các NHTMCP qui mô nhỏ, bởi những vấn đề bất cập những năm qua thường chủ yếu xuất phát từ khu vực này, kể cả thời gian này, khi mà lãi suất thị trường đang nóng dần lên có lẽ cũng có lý do từ những bất cập trong hoạt động tín dụng của khu vực này. Liên quan đến vấn đề này, gần đây có một số ý kiến chuyên gia cho rằng NHNN cần phải bãi bỏ ngay qui định về trần lãi suất huy động, bởi nếu không thì các hậu quả nhãn tiền sẽ là: (i) hoặc sẽ bị “nhờn luật” – xảy ra nếu NHNN không có các chế tài quyết liệt để kiểm soát tuân thủ qui định về trần lãi suất huy động và cho vay; (ii) hoặc là sẽ dẫn đến rủi ro pháp lý tràn lan bởi thực tế là hầu hết các NHTM nhỏ vẫn rất khó khăn về thanh khoản.

Theo chúng tôi, việc sử dụng các công cụ nhằm cung ứng vốn cho nền kinh tế của NHNN cũng cần hết sức linh hoạt, nhưng phải tuân thủ các mục tiêu và định hướng rõ ràng, khi cần cung ứng vốn cho nền kinh tế thì phải xem xét nhiều mục tiêu và lựa chọn cách cung tiền phù hợp và hiệu quả nhất. Thiết nghĩ hiện nay NHNN cần hướng chính sách vào các NHTM đang trong quá trình cơ cấu lại để bảo đảm tình hình kinh doanh và tài chính của chúng thực sự được cải thiện, từ đó tạo thuận lợi cho công cuộc cải cách này diễn ra suôn sẻ.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam – thực tiễn và vấn đề đặt ra

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 bình luận về “Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam – thực tiễn và vấn đề đặt ra

  1. Pingback: Thực hiện đầy đủ các cơ cấu lại hệ thống ngân hàng để quản lý nợ xấu | luanantiensiaz

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?