Khái niệm tái cơ cấu và tái cơ cấu nền kinh tế
Thuật ngữ “Tái cơ cấu” hiện đang được sử dụng khá phổ biến hiện nay, và cũng có nhiều cách hiểu khác nhau. “Tái cơ cấu” trong tiếng Anh có một số từ thường được sử dụng:
(1) “Restructuring” được hiểu là việc điều chỉnh lại định hướng chiến lược (strategic direction), tầm nhìn (vision) hoặc cơ cấu lại một lĩnh vực, một ngành, hoặc một tổ chức nào đó. Theo cách tiếp cận này thì tái cấu trúc được coi là một cuộc cách mạng về sự thay đổi. Tái cấu trúc sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống hoặc hoạt động của tổ chức, cắt bỏ toàn bộ những gì chưa làm được để làm lại từ đầu. Nội dung của tái cấu trúc bao gồm điều chỉnh lại chiến lược, khung khổ các nguồn lực và tài chính của doanh nghiệp nhằm thích ứng với thị trường hoặc cũng chỉ có thể là những cải cách tích cực nhằm phản ứng lại thị trường. Trên thực tế, tái cấu trúc luôn là những quyết định khó khăn và gây tranh cãi. Tái cấu trúc thường liên quan đến tư duy cũ, lối mòn, sự bảo thủ mang tính hệ thống.
(2) “Re-engineering” nghĩa là “Tái cấu trúc quy trình”, thuật ngữ này thường được áp dụng cho việc sắp xếp lại các quy trình cốt lõi để tăng hiệu quả, tăng tính cạnh tranh,tối thiểu hóa chi phí, tăng lợi nhuận doanh nghiệp. Theo Michael Hammer và James Champy (trong cuốn “Tái cấu trúc tổng công ty” xuất bản năm 1993), tái cấu trúc được xem là sự bắt đầu lại của một hệ thống hoặc tái cơ cấu lại một công ty hay một quá trình kinh doanh. Quá trình này bao gồm xem xét lại, thiết kế lại căn bản quá trình kinh doanh để đạt được những cải tiến đáng kể trong kinh doanh.
(3) “Downsizing” là cắt giảm chi phí và tránh cấu trúc lại toàn bộ hệ thống. Đây là sự kết hợp giữa “Restructuring” và “Re-engineering”, khá thích hợp trong trường hợp kinh tế suy thoái như hiện nay.
(4) “Recreating” thuật ngữ có nội hàm rộng hơn có nghĩa là tái tạo hay tái lập doanh nghiệp. Quá trình này bao gồm ba bước chính (i) Tái lập tư duy (Rethinking); (ii) Thiết kế lại (Redesigning); (iii) Xây dựng lại (Rebuilding).
Tái lập tư duy là suy ngẫm lại về môi trường, thị trường và doanh nghiệp. Môi trường mà doanh nghiệp đang tồn tại hoặc sẽ hướng đến, bao gồm các yếu tố vĩ mô như chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội, công nghệ… Thị trường mà doanh nghiệp đang hoạt động, bao gồm dung lượng của thị trường, mức tăng trưởng, xu hướng tiêu dùng, phân khúc thị trường và thị trường mục tiêu, các tác động ảnh hưởng (sản phẩm thay thế, đối thủ tiềm năng và hiện tại, sức ép từ khách hàng, sức ép từ nhà cung cấp…), thương hiệu, hệ thống phân phối…
Khi tái lập tư duy, cần phải thu thập và phân tích rất kỹ những thông tin của môi trường bên ngoài và bên trong doanh nghiệp để có những giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp. Kết quả của “tư duy lại” có thể là một trong các phương án sau: (i) Tiếp tục các bước tiếp theo: thiết kế lại, xây dựng lại; (ii) Tạm dừng để xem xét lại; (iii) Loại bỏ.
“Thiết kế lại” là “vẽ” lại toàn bộ bức tranh tổng thể và chi tiết về doanh nghiệp, đi từ triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi, văn hóa doanh nghiệp, mục tiêu, định hướng chiến lược, chiến lược công ty… cho đến cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý điều hành, các hoạt động, quá trình, các nguồn lực…. “Thiết kế lại” là để cho ra đời một “bản vẽ kiến trúc” mới ưu việt hơn cho tòa nhà doanh nghiệp dựa trên cơ sở những phân tích có được trong quá trình “tư duy lại” ở trên.
“Xây dựng lại” là xây dựng lại tòa nhà doanh nghiệp theo đúng thiết kế mới đã lập. Đây là một quá trình lâu dài và gian khổ, đòi hỏi sự cam kết từ phía lãnh đạo doanh nghiệp cũng như sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, nhân viên. Kết quả của quá trình “xây dựng lại” phụ thuộc rất nhiều vào “vật liệu”, “trang thiết bị” xây lắp, con người, “phương pháp thi công”… Vì vậy, nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các phòng, ban, bộ phận và cần có những con người am hiểu cách thức xây dựng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Như vậy, “tái cơ cấu” được coi là một phần của quá trình tái lập, chủ yếu chỉ đi vào mục tiêu “nâng cao thể trạng” của doanh nghiệp trên nền tảng hiện có, trong khi đầu ra của tái lập là giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp, bao gồm mục tiêu, định hướng, giải pháp dựa trên một nền tảng có thể hoàn toàn mới[44].
Ngoài ra, thuật ngữ “Tái cơ cấu” có thể được hiểu theo các nghĩa khác nhau. Một cách chung nhất có thể hiểu: Tái cơ cấu là sự thay đổi chiến lược, mục tiêu, tầm nhìn của một hệ thống hoặc là sự cơ cấu lại hệ thống bao gồm các hoạt động như sắp xếp lại, chuyển đổi hình thức hoạt động, xác định lại mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi và chuẩn mực của tổ chức hay doanh nghiệp.
Tái cơ cấu có thể ở các cấp độ khác nhau, cấp độ cao là sự thay đổi tầm nhìn, chiến lược, cơ cấu lại toàn bộ tổ chức có tính hệ thống; cấp thấp là sự chuyển đổi, sắp xếp lại, đổi mới quy trình hoạt động và cũng có thể bao gồm cả hai cấp, vừa thay đổi tầm nhìn chiến lược, vừa thực hiện tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp.
Theo cách hiểu như vậy, tái cơ cấu có thể có phạm vi rất rộng: tái cơ cấu nền kinh tế; tái cơ cấu thể chế chính trị, tái cơ cấu thể chế hành chính,… cũng có thể có phạm vi hẹp như tái cơ cấu hệ thống tài chính, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc tái cơ cấu nội bộ doanh nghiệp,… Tái cơ cấu là quá trình dài, phải được thực hiện đồng bộ từ tái cấu trúc tư duy, tái cấu trúc thể chế, tái cấu trúc mô hình hoạt động, tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc quản lý nhà nước.
Khái niệm cơ cấu (hay cấu trúc) ngụ ý đến những mẫu hình hay các mối quan hệ mang tính bền vững giữa các thực thể. Như vậy, tái cơ cấu thực chất là sự thay đổi những mẫu hình, những mối quan hệ giữa các thực thể. Tuy nhiên, do những mẫu hình, những mối quan hệ được gọi là cơ cấu này có tính bền vững, nên tái cơ cấu phải là những thay đổi về chất hoặc những thay đổi lớn về lượng.
Trong lĩnh vực kinh tế, những mẫu hình, những mối quan hệ bền vững giữa các chủ thể kinh tế (kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài), hay giữa các bộ phận cấu thành của nền kinh tế (ngành kinh tếcông nghiệp, ngành kinh tế nông nghiệp, ngành kinh tế dịch vụ), có thể là phương thức tạo ra của cải vật chất (mô hình tăng trưởng kinh tế), mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, tương quan giữa khu vực DNNN và khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh…
[message type=”e.g. information, success, attention, warning”]Xem thêm: Khái niệm về cơ cấu kinh tế[/message]Trong mỗi nền kinh tế, tất cả các mẫu hình, các mối quan hệ nói trên đều do các thể chế kinh tế hay các cơ chế, chính sách kinh tế quy định, nên tái cơ cấu kinh tế có thể hiểu là những thay đổi có tính bước ngoặt về cơ chế, chính sách kinh tế để đạt được những mục tiêu kinh tế – xã hội đặt ra. Đó có thể là sự phân định lại vai trò giữa Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế, hay sự thay đổi lớn trong tương quan giữa khu vực DNNN và khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Khái niệm tái cơ cấu kinh tế có thể bao gồm cả những thay đổi căn bản trong phương thức hoạch định chính sách, quản lý nền kinh tế của Nhà nước, chẳng hạn như nhà nước sẽ dựa vào luật pháp, các nguyên tắc được đặt ra từ trước nhiều hơn là bằng các quyết định linh hoạt mang tính chủ quan…
Hiểu theo nghĩa rộng, khái niệm tái cơ cấu nền kinh tế có nghĩa gần với khái niệm cải cách kinh tế hay đổi mới kinh tế. Khái niệm tái cơ cấu nền kinh tế được sử dụng để chỉ những thay đổi lớn về cơ chế và chính sách, không chỉ là những điều chỉnh chính sách kinh tế ở quy mô nhỏ mà chúng ta thường gặp. Tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình cải tổ, chuyển đổi cách thức tổ chức và hoạt động của một nền kinh tế theo hướng giải phóng tối đa các nguồn lực kinh tế khan hiếm của xã hội nhằm phân bổ lại một cách có hiệu quả các nguồn lực này vào các khu vực sản xuất kinh doanh năng động, mang lại giá trị gia tăng tối đa cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, với khái niệm hẹp và đơn giản hơn, cũng có những quan niệm rằng: tái cơ cấu nền kinh tế chính là quá trình thực hiện việc chuyển dịch, quá trình thay đổi của cơ cấu kinh tế cũ bằng một cơ cấu kinh tế mới, phù hợp hơn. Trên cơ sở lý luận rằng, phát triển kinh tế là quá trình vận động liên tục, không ngừng của các bộ phận kinh tế và điều đó cũng làm cho cơ cấu kinh tế thay đổi hay là sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế. Theo khái niệm này, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ trùng hợp với quan niệm là tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý. Trong điều kiện có rất nhiều nội dung phong phú và những quan niệm khác nhau về tái cơ cấu nền kinh tế, với phạm vi của đề tài này thì những nội dung nghiên cứu sẽ tập trung làm rõ nội hàm của tái cơ cấu theo khái niệm này. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự thay đổi cơ cấu kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác cho phù hợp với phân công lao động xã hội, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, các điều kiện về kinh tế – xã hội trong những giai đoạn phát triển kinh tế nhất định. Về thực chất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình làm thay đổi cơ cấu cũ, lạc hậu hoặc chưa phù hợp để xây dựng cơ cấu mới tiên tiến, hoàn thiện, bổ sung cơ cấu cũ thành cơ cấu mới phù hợp hơn. Sự thay đổi về số lượng và chất lượng của cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu ngành kinh tế là sự phản ánh trình độ phát triển của sức sản xuất xã hội, mức độ của quá trình công nghiệp hóa. [30]
Như vậy, tựu trung lại có thể quan niệm:tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình phân bổ lại các nguồn lực nhằm đảm bảo cho toàn bộ nền kinh tế hoạt động có hiệu quả cao hơn. Tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình Chính phủ ban hành các chính sách về tài chính, tiền tệ, các chính sách về hành chính, kinh tế và sử dụng các công cụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình để tác động tới việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực cần thiết nhằm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo một xu hướng nhất định, đạt được các mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn phát triển.
Khái niệm tái cơ cấu và tái cơ cấu nền kinh tế
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT
Pingback: Top 12 Tái Cơ Cấu Là Gì - KTHN