Chất lượng tăng trưởng kinh tế

kinh doanh nhập khẩu

Mục lục

Chất lượng tăng trưởng kinh tế

Đã có nhiều nhà công trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn phát triển mô hình về tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các lý thuyết và mô hình này chủ yếu tập trung phân tích đánh giá sự tăng trưởng về số lượng. Một vấn đề rất quan trọng của tăng trưởng kinh tế ngoài tốc độ tăng trưởng đó là chất lượng tăng trưởng thì mới được nhắc đến gần đây.

Hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về chất lượng tăng trưởng. Có quan điểm cho rằng, chất lượng tăng trưởng kinh tế đánh giá ở đầu ra, thể hiện bằng kết quả đạt được qua tăng trưởng kinh tế như chất lượng cuộc sống được cải thiện, sự bình đẳng trong phân phối thu nhập, bình đẳng về giới trong phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái…Quan điểm khác lại nhấn mạnh đầu vào của quá trình sản xuất, như việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nắm bắt và tạo cơ hội bình đẳng cho các đối tượng tham gia đầu tư, quản lý hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

Nhìn rộng hơn, chất lượng tăng trưởng là hợp phần quan trọng nhất trong cấu thành phát triển bền vững – sự giao thoa của ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Còn theo nghĩa hẹp, chất lượng tăng trưởng có thể chỉ là một khía cạnh nào đó, ví dụ như chất lượng hàng công nghiệp, chất lượng giáo dục, chất lượng dịch vụ…

Như vậy, có thể nói, cho đến nay chưa có một khái niệm chính thống về chất lượng tăng trưởng. Dưới đây xin giới thiệu một số quan niệm về chất lượng tăng trưởng của một số nghiên cứu tiêu biểu trong và ngoài nước, làm luận cứ cho việc đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh hơn.

Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng kinh tế đạt được khi tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong dài hạn và phải đóng góp trực tiếp vào phát triển bền vững và xoá đói giảm nghèo.

Quan điểm này của nhóm nghiên cứu: Thomas, Dailami và Dhareshwar đưa ra vào năm 2004, nhìn nhận trọng tâm hơn vào vấn đề xã hội của quá trình phát triển kinh tế theo hướng bền vững với mục tiêu định hướng là tiến tới xoá đói giảm nghèo [18]. Đây là vấn đề mà quá trình CNH, HĐH của nước ta đang hướng tới, đồng thời được các tổ chức quốc tế, các nước đánh giá cao khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm được duy trì và sự cải thiện đáng kể trong việc xoá đói giảm nghèo, lấp dần hố ngăn cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, thành thị và nông thôn.

Thứ hai, chất lượng tăng trưởng kinh tế là cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả.

Về mặt lý luận, tính hợp lý của quan niệm này thể hiện ở chỗ coi chất lượng sự vật là sự biến đổi cơ cấu bên trong của sự vật không gắn chất lượng sự vật với mục đích tồn tại, bối cảnh, môi trường, điều kiện mà sự vật tồn tại hoặc các sự vật có mối liên hệ tác động mật thiết với nhau.

Về mặt thực tiễn, suy cho cùng cơ cấu hay quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự phản ánh sinh động, và thực tiễn cho chất lượng tăng trưởng. Ở Việt Nam, quan điểm này đã và đang được minh chứng trong những năm gần đây qua quá trình phát triển công nghiệp. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện dại hoá, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng ngành, từng sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường.

Thứ ba, chất lượng tăng trưởng theo quan điểm hiệu quả.

Nội hàm của chất lượng tăng trưởng theo quan điểm hiệu quả được nhìn nhận theo hai phương thức:

Một là, tăng trưởng theo chiều rộng, tức là tăng thêm vốn, lao động và tăng cường khai thác tài nguyên khoáng sản…

Hai là, tăng trưởng theo chiều sâu, thể hiện ở tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, trong đó quan trọng nhất là vốn tư bản, nâng cao chất lượng quản lý, khoa học công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế và pháp luật vĩ mô…

Tất nhiên, các quốc gia đều nhằm tới mục tiêu tăng trưởng theo phương thức thứ hai – khai thác chiều sâu của quá trình tăng trưởng bởi đó sẽ là những lợi thế so sánh động nếu các quốc gia biết cách khai thác. Nhận thức được điều đó, song thực hiện nó là bài toán khó đối với các nước đang phát triển, khi mà hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và xã hội chưa đáp ứng được các yêu cầu của tăng trưởng theo chiều sâu buộc họ phải thực hiện khai thác tài nguyên, tận dụng các nguồn vốn và lao động.

Thực hiện quá trình dịch chuyển thế hệ công nghiệp sang nấc thang thứ 3, yếu tố chất lượng nhân lực và khoa học công nghệ có vai trò vượt trội so với các yếu tố truyền thống (tài nguyên, lao động nhiều và rẻ…). Chất lượng tăng trưởng kinh tế được hiểu theo quan niệm hiệu quả (theo chiều sâu) rất cụ thể và tạo thuận lợi cho mục tiêu tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ tư, quan niệm chất lượng tăng trưởng kinh tế là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp hoặc hàng hoá sản xuất trong nước.

Quan điểm này cho rằng, tăng trưởng đi liền với việc nâng cao năng lực cạnh tranh là tăng trưởng có chất lượng cao và ngược lại. Quan điểm này chỉ rõ, năng lực cạnh tranh được phân chia theo ba cấp; cấp quốc gia, cấp doanh nghiệp và cấp sản phẩm.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Khái niệm tăng trưởng kinh tế[/message]

Năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực của một nền kinh tế đạt được tăng trưởng bền vững, thu hút được đầu tư, bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Một số tổ chức quốc tế như Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, Viện phát triển quản lý IMD Thụy Sĩ… tiến hành điều tra, so sánh và xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia (nền kinh tế). Các xếp hạng đó áp dụng phương pháp luận tương tự nhau và đi đến kết quả giống nhau về xu thế.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được đo bằng khả năng duy trì và mở rộng thị phần, thu lợi nhuận của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh trong nước và ngoài nước. Một doanh nghiệp có thể kinh doanh một hay nhiều sản phẩm và dịch vụ, vì vậy người ta còn phân biệt năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.

Năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước (sản phẩm, dịch vụ) được đo bằng thị phần của sản phẩm hay dịch vụ cụ thể trên thị trường.

Thứ năm, chất lượng tăng trưởng kinh tế là nâng cao phúc lợi của công dân và gắn liền tăng trưởng với công bằng xã hội.

Theo quan điểm này, quá trình cải thiện và đáp ứng phúc lợi cho người dân là thước đo của chất lượng tăng trưởng kinh tế. Phúc lợi không chỉ thể hiện ở thu nhập đầu người mà còn là chất lượng cuộc sống, môi trường xã hội, môi trường tự nhiên, ý tế, giáo dục… Bên cạnh đó, yêu cầu thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo đảm bảo công bằng xã hội luôn đặt ra cho bài toán tăng trưởng được lồng ghép vào quan điểm chất lượng tăng trưởng.

Nhìn một cách tổng quan, quan điểm này chưa bao hàm hết những nội dung của chất lượng tăng trưởng trong bối cảnh mới khi mà chất lượng tăng trưởng được nhận diện từ ba cực; kinh tế, xã hội và môi trường. Quan điểm chất lượng tăng trưởng lấy phúc lợi và công bằng xã hội làm cốt lõi được phát triển bởi các nhà kinh tế học của OXFAM trên cơ sở điều tra nghiên cứu về sự bất ổn của xã hội và tính không bền vững của tăng trưởng xuất phát từ nguyên nhân cơ bản là quá quan tâm đến tăng trưởng mà không chú ý đến công bằng xã hội [45].

Nghiên cứu sinh cho rằng, đây là quan điểm định hướng rất quan trọng trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa của các quốc gia theo triết lý kinh tế – xã hội. Điển hình cho mô hình này là Đông Đức trước đây khi mọi quyết sách phát triển kinh tế đều lồng ghép song hành các vấn đề về an sinh xã hội, và hiện nay nhiều nước đang phát triển cũng đang nhắm tới mục tiêu này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu cơ chế có đủ mạnh, con người có đủ khả năng để điều phối nguồn lực cho quá trình công nghiệp hóa định hướng mục tiêu này hay không khi mà mọi nguồn lực đều hữu hạn. Điều phối cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội sẽ tạo ra chất lượng của tăng trưởng kinh tế, và thực tiễn đã chứng minh nếu quá đề cao công bằng xã hội thì không có động lực và tiềm lực vật chất để thúc đẩy tăng trưởng.

Về mặt thực tiễn, suy cho cùng cơ cấu/chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự phản ánh sinh động, và thực tiễn cho chất lượng tăng trưởng. Phát triển bền vững là một thuật ngữ khá mới, xuất hiện vào những năm 60 của thế kỷ 20 nhằm khắc phục hạn chế của các mô hình phát triển cũ. Trong một thời gian dài người ta chỉ quan tâm tới phát triển kinh tế mà quên đi những ảnh hưởng, tác động của việc phát triển sản xuất công nghiệp tới môi trường và xã hội.

Môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng nề và tỷ lệ thuận với sự phát triển của sản xuất công nghiệp. Tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Người ta cho rằng đây là mâu thuẫn khó giải quyết và có tính tất yếu. Trên thực tế, một vài quốc gia đã thành công trong việc thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp bền vững, đó là sự phát triển của sản xuất công nghiệp luôn luôn tính đến mức độ tác hại của chúng tới môi trường và công nghệ cải thiện môi trường xung quanh. Phát triển công nghiệp tập trung vào những ngành có hàm lượng công nghệ, tri thức cao, sử dụng ít tài nguyên, tiết kiệm vốn và lao động (hướng tới một nền kinh tế tri thức).

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, mức độ ô nhiễm lúc đầu tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cho tới khi thu nhập bình quân đầu người đạt tới 12.000 USD/năm [55]. Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng thì chất lượng môi trường giai đoạn tiếp theo được cải thiện rõ rệt.

Thứ sáu, một số nhà kinh tế học nổi tiếng như G. Beckeer, R.Lucas, Amartya Sen, J. Stiglitz cho rằng, cùng với quá trình tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng biểu hiện tập trung vào 4 tiêu chuẩn chính:

(1) – Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cao, bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn và tránh được những biến động kinh tế từ bên ngoài.

(2) – Tăng trưởng đi kèm với phát triển môi trường bền vững.

(3) – Tăng trưởng hỗ trợ cho việc nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, đồng thời quản lý nhà nước hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng ở tỷ lệ cao hơn.

(4) – Tăng trưởng phải đạt được mục tiêu cải thiện phúc lợi xã hội và giảm được số người đói nghèo.

Mối quan hệ giữa phát triển và phát triển bền vững, tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng là mối quan hệ tương hỗ, bổ sung cho nhau, trong đó vẫn đảm bảo nguyên tắc tăng trưởng kinh tế là một yếu tố quan trọng của phát triển. Tăng trưởng về lượng nhưng không được duy trì ổn định và không đi đôi với cải thiện về phúc lợi thì mục tiêu phát triển cũng không đạt được.

Ngoài ra, tác giả Lê Huy Đức cho rằng: chất lượng tăng trưởng kinh tế là một khái niệm kinh tế dùng để chỉ tính ổn định của trạng thái bên trong vốn có của quá trình tăng trưởng kinh tế, là tổng hợp các thuộc tính cơ bản hay đặc tính tạo thành bản chất của tăng trưởng kinh tế trong một hoàn cảnh và giai đoạn nhất định.

Trong nghiên cứu “Chất lượng tăng trưởng kinh tế – Một số đánh giá ban đầu cho Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thị Tuệ Anh và Lê Xuân Bá cho rằng: chất lượng tăng trưởng thể hiện nhất quán và liên tục trong suốt quá trình tái sản xuất xã hội. Chất lượng tăng trưởng thể hiện ở cả yếu tố đầu vào như việc quản lý và phân bổ các nguồn lực trong quá trình tái sản xuất, lẫn ở kết quả đầu ra của quá trình sản xuất với chất lượng cuộc sống được cải thiện, phân phối sản phẩm đầu ra đảm bảo tính công bằng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Chất lượng tăng trưởng thể hiện sự bền vững của tăng trưởng và mục tiêu tăng trưởng dài hạn, mặc dù tốc độ tăng trưởng cao trong ngắn hạn là những điều kiện rất cần thiết.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

2 bình luận về “Chất lượng tăng trưởng kinh tế

  1. Pingback: Các nhân tố tác động đến chất lượng tăng trưởng công nghiệp - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

  2. Pingback: Kinh nghiệm phát triển ngành điện tử của Malaysia - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?