Mục lục
Các nhân tố tác động đến chất lượng tăng trưởng công nghiệp
Đến nay đã có một số tài liệu, công trình nghiên cứu phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng công nghiệp. Các khung phân tích này là các nội dung tổng quát cho các vấn đề kinh tế chung. Mỗi một ngành hay phân ngành kinh tế có đặc điểm kinh tế – kỹ thuật riêng, do vậy các nhân tố tác động đến sự phát triển của ngành cũng có nét khác nhau. Ở đây, nghiên cứu sinh thu hẹp phạm vi phân tích trong nội ngành kinh tế công nghiệp.
Việc sử dụng các nguồn lực đầu vào có quan hệ nhân quả tới sản lượng đầu ra. Nói cách khác là sự tăng trưởng hay sự gia tăng sản lượng thể hiện cách thức sử dụng các yếu tố đầu vào. Vấn đề thực tế cho các ngành công nghiệp hiện nay là các loại yếu tố đầu vào và vai trò của từng loại đã tác động như thế nào đến sự tăng trưởng của ngành. Các lý thuyết và các mô hình tăng trưởng đang tìm cách lý giải cho vấn đề này, và hầu hết đều cho rằng có hai nhóm nhân tố, đó là: các nhân tố kinh tế và nhân tố phi kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế có một số tiêu chí thuộc nhóm phí kinh tế nhưng có tác động rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của ngành, ví dụ như vai trò quản lý của nhà nước. Vì vậy, trong nghiên cứu này nghiên cứu sinh chia thành hai nhóm tiêu chí là: Các nhân tố trực tiếp và các nhân tố gián tiếp. Những nhân tố này ở góc độ nào đó có tác dụng “đẩy” nhưng ở khía cạnh khác lại có tác dụng “cản”. Mô hình dưới đây sẽ phản ánh đầy đủ các nhóm nhân tố này:
(1) Các nhân tố trực tiếp
Khi đề cập đến các yếu tố tác động đến đến tăng trưởng công nghiệp, thông thường xét đến 4 yếu tố chủ yếu: vốn (K), lao động (L), tài nguyên (R), và công nghệ kỹ thuật (T) theo hàm sản xuất: Y = F (K,L,R,T)
Xuất phát từ thực tế ở các nước đang phát triển hiện nay thì nhiều ngành sản xuất công nghiệp khả năng cung chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, do vậy việc gia tăng sản lượng thường phải bắt nguồn từ sự gia tăng các yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh theo quan hệ hàm số giữa sản lượng với vốn, lao động, đất đai và nguyên liệu, kỹ thuật và công nghệ. Hàm sản xuất nói lên sản lượng tối đa có thể sản xuất được tùy thuộc vào lượng các đầu vào trong điều kiện trình độ kỹ thuật và công nghệ nhất định. Mỗi một yếu tố (biến số) có vai trò nhất định trong việc tạo ra sự gia tăng sản lượng, do trình độ phát triển kinh tế mỗi nơi, mỗi lúc quyết định. Như vậy các yếu tố đầu vào có tác động nhất định đến sự tăng trưởng của ngành. Nhưng vấn đề đặt ra là yếu tố đầu vào nào là quyết định nhất và tác động lớn nhất đến tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của một ngành. Các nghiên cứu ứng dụng mô hình toán định lượng đã phần nào trả lời được câu hỏi này, tuy nhiên nó phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế ngành và giai đoạn phát triển của ngành. Ví dụ, đối với các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, ít sử dụng đến tài nguyên như ngành dệt may, da giày thì vai trò của vốn và lao động là chủ đạo cho sự phát triển ngành. Đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao, như ngành điện tử chẳng hạn, thì vai trò của công nghệ là hết sức quan trọng.
(i) – Vốn đầu tư
Vốn là một yếu tố đầu vào của doanh nghiệp được trực tiếp sử dụng vào quá trình sản xuất cùng với các yếu tố sản xuất khác, để tạo ra sản phẩm hàng hoá. Nó bao gồm các máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nhà kho và cơ sở hạ tầng kỹ thuật (không tính tài nguyên thiên nhiên như đất đai và khoảng sản…). Trong điều kiện năng suất lao động không đổi, thì việc tăng tổng số vốn kinh doanh sẽ làm tăng thêm sản lượng hoặc trong khi số lao động không đổi, tăng vốn bình quân đầu người lao động, cũng sẽ làm gia tăng sản lượng. Tất nhiên trên thực tế sự biến thiên của yếu tố vốn không đơn giản như vậy, vì nó có liên quan đến các yếu tố khác như lao động, kỹ thuật. Hơn nữa tốc độ tăng trưởng, tốc độ gia tăng sản lượng và chất lượng tăng trưởng còn phụ thuộc vào cơ cấu vốn, trình độ quản lý vốn và hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp và của ngành công nghiệp đó.
[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Chất lượng tăng trưởng kinh tế[/message]Việt Nam đang thực hiện công nghiệp hóa, có nghĩa là chúng ta ưu tiên nguồn lực cho phát triển công nghiệp, theo đó tổng vốn đầu tư cho công nghiệp ngày càng được gia tăng. Bên cạnh vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế dân doanh đang ngày càng phát triển mạnh và dần trở thành vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế. Theo một tính toán đơn giản, với mục tiêu đặt ra cho phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ USD, và có lẽ vốn đầu tư là yếu tố cấp thiết nhất khi mà mọi nguồn lực của Việt Nam đang rất hạn chế.
(ii) – Lao động và chất lượng lao động
Lao động là yếu tố sản xuất đặc biệt có tầm quan trọng nhất định. Nguồn sức lao động được tính trên tổng số lao động các loại và có khả năng làm việc của lực lượng lao động đang sử dụng trong ngành. Nguồn lao động với tư cách là các yếu tố đầu vào, trong sản xuất, cũng giống như các yếu tố khác được tính bằng tiền, trên cơ sở giá cả lao động được hình thành do thị trường và mức tiền lương quy định. Là yếu tố sản xuất đặc biệt, do vậy lượng lao động không đơn thuần chỉ là số lượng (đầu người hay thời gian lao động) mà còn bao gồm chất lượng của lao động, người ta gọi là vốn nhân lực. Đó là con người bao gồm trình độ tri thức học vấn và những kỹ năng, kinh nghiệm lao động sản xuất nhất định. Do vậy những chi phí nhằm nâng cao trình độ người lao động – vốn nhân lực, cũng được coi là đầu tư dài hạn cho đầu vào. Yếu tố lao động quyết định rất lớn đến năng suất lao động và hiệu quả của quá trình sản xuất kinh doanh, từ đó tác động không nhỏ tới chất lượng tăng trưởng.
Một trong những điểm mạnh của công nghiệp Việt Nam đang được thế giới đánh giá tốt là nguồn nhân lực với số lượng lao động lớn, chăm chỉ, cần cù, khéo léo, và tinh thần kỷ luật cao. Đây có thể coi là lợi thế so sánh của công nghiệp Việt Nam với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là chất lượng lao động thì chúng ta đang thua các nước, điển hình là Trung Quốc. Cơ cấu lao động công nghiệp Việt Nam vẫn đang mất cân đối, tỷ lệ công nhân có tay nghề cao rất thấp, kỹ sư có trình độ cao đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn lớn là rất hiếm, và chúng ta đang chưa có một đội ngũ lao động xứng tầm để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp mới như ngành điện tử, ngành điện hạt nhân, ngành vật liệu mới, công nghệ nano…
(iii) – Kỹ thuật và công nghệ
Những thành tựu kỹ thuật và công nghệ mới là đầu vào đóng vai trò cực kỳ quan trọng bằng sự tiến bộ của các nước NICs trong mấy chục năm gần đây, do những thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa lại.
Những kỹ thuật và công nghệ ra đời là do sự tích lũy kinh nghiệm trong lịch sử và đặc biệt là được tạo ra từ những tri thức mới – sự phát minh, đem áp dụng vào các qui trình sản xuất hiện tại. Sự chuyển nhượng và ứng dụng những phát minh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, rõ ràng là một lợi thế lịch sử của các dân tộc, các nước kém phát triển. Vì những chi phí cho việc mua kỹ thuật và công nghệ mới ở các nước đã phát triển rõ ràng là đỡ tốn kém thời gian và của cải hơn rất nhiều so với việc phải đầu tư để có những phát minh mới, phải đi từ đầu tư giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổng kết các tri thức, kinh nghiệm và tự mày mò chế tạo rồi mới có thể ứng dụng vào sản xuất.
Quy mô sản xuất thể hiện ở khối lượng sử dụng các đầu vào. Trong khi tỷ lệ giữa các yếu tố sản xuất không đổi, các điều kiện khác như nhau, thí dụ tăng quy mô đầu vào lên gấp hai lần thì cũng làm sản lượng tăng gấp hai. Sự gia tăng tương đương với tăng thêm đầu vào đó người ta gọi là “Lợi tức tỷ lệ với quy mô”. Còn nếu sự gia tăng đó lớn hơn hay nhỏ hơn so với quy mô tăng thêm đầu vào, gọi là “lợi tức tăng (hoặc giảm) theo quy mô”.
Người ta cũng nhận thấy rằng cùng một mức độ đầu tư trang bị kỹ thuật và công nghệ như nhau, nhưng các nước công nghiệp tiên tiến và có trình độ văn hoá trong dân cao hơn sẽ đưa lại năng suất lao động cao hơn và sự tăng trưởng cao hơn.
(iv) – Tài nguyên
Sự phát triển công nghiệp của một quốc gia trong thế giới hiện đại và toàn cầu hóa không bị giới hạn bởi yếu tố tài nguyên của chính quốc gia mình. Sự phát triển này dựa vào chiến lược và quyết tâm chính trị để vượt ra khỏi ranh giới đường biên địa lý. Nhật Bản là một ví dụ khi mà tài nguyên không phải là lợi thế so sánh với các nước khác. Ngược lại, Việt Nam có lợi thế về tài nguyên nhưng đang dần thể hiện sự lạm dụng thiếu hiện quả. Rõ ràng, với một mô hình phát triển tương tự nhau, thì sự vượt trội về tài nguyên sẽ rút ngắn con đường dẫn đến thành công. Cụ thể hơn, tài nguyên sẽ là nhân tố tiết giảm chi phí lớn trong sản xuất công nghiệp của một quốc gia nếu biết cách sử dụng hiệu quả nó.
Đất đai và tài nguyên là yếu tố sản xuất quan trọng trong sản xuất công nghiệp. Mặc dù với nền kinh tế công nghiệp hiện tại, đất đai dường như không quan trọng. Song thực tế cũng không phải hoàn toàn như vậy. Do diện tích đất đai là cố định, người ta phải nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai bằng đầu tư thêm lao động và vốn trên một đơn vị diện tích nhằm tăng thêm sản phẩm. Chính điều này đã làm vai trò của vốn quan trọng hơn và đất đai trở thành kém quan trọng. Nhưng như vậy không có nghĩa là lao động và vốn có thể thay thế hoàn toàn cho đất đai.
Các tài nguyên khác cũng là đầu vào trong sản xuất các sản phẩm từ trong lòng đất, từ rừng và biển, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú được khai thác sẽ làm tăng sản lượng một cách nhanh chóng, nhất là các ngành có lợi thế về tài nguyên và nguồn lực dồi dào thì càng có nhiều khả năng tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Tùy thuộc vào tính chất các tài nguyên được đưa vào chu trình sản xuất, người ta chia các tài nguyên ra làm tài nguyên vô hạn và không thể thay thế, tài nguyên có thể tái tạo và tài nguyên không thể tái tạo. Từ tính chất đó, các tài nguyên được đánh giá về mặt kinh tế và được tính giá trị như các đầu vào khác trong quá trình sử dụng. Những tài nguyên quý hiếm là những đầu vào cần thiết cho sản xuất song lại có hạn, không thay thế được và không tái tạo được. Nói chung, tài nguyên là khan hiếm tương đối so với nhu cầu. Vì phần lớn những tài nguyên cần thiết cho sản xuất và đời sống đều có hạn, không tái tạo, hoặc nếu được tái tạo thì phải có thời gian và phải có chi phí tương đương như sản phẩm mới.
(2) – Các nhân tố gián tiếp
Khác với các yếu tố trực tiếp, các nhân tố chính trị, xã hội, thể chế hay còn gọi là các nhân tố phi kinh tế có tính chất và nội dung tác động khác, ảnh hưởng của chúng là gián tiếp và không thể lượng hoá được mức độ tác động đến tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng. Các nhân tố gián tiếp không tác động một cách riêng rẽ mà mang tính tổng hợp, đan xen, lồng ghép vào nhau tạo nên sự đồng thuận hoặc không đồng thuận trong quá trình tăng trưởng của một ngành công nghiệp. Một số nhân tố phi kinh tế điển hình thường tham gia gián tiếp nhưng hết sức quan trọng vào tăng trưởng như sau:
(i) – Quản lý hiệu quả của Nhà nước
Ngoài những yếu tố trên, chất lượng tăng trưởng còn phụ thuộc vào năng lực của bộ máy quản lý Nhà nước, trước hết trong xây dựng thể chế và thực hiện vai trò quản lý của mình. Đóng góp của Nhà nước vào quá trình tăng trưởng có thể được đánh giá ít nhất qua bốn tiêu chí là ổn định vĩ mô, ổn định chính trị, xây dựng thể chế và hiệu lực của hệ thống pháp luật.
Nhà nước và khung khổ pháp lý không chỉ là yếu tố đầu vào mà còn là yếu tố của cả đầu ra trong quá trình sản xuất. Rõ ràng cơ chế chính sách có thể có sức mạnh kinh tế thực sự, bởi chính sách đúng có thể sinh ra vốn, tạo thêm nguồn lực cho tăng trưởng. Ngược lại, Nhà nước quyết sách sai, điều hành kém, cơ chế chính sách không hợp lý sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế, kìm hãm sự tăng trưởng cả về mặt lượng và chất.
Trước đây, vai trò quản lý của Nhà nước được coi là thứ yếu do dựa vào giả định thất bại của thị trường chỉ là ngoại lệ. Ngày nay vai trò của Nhà nước đối với quá trình tăng trưởng cả về lượng và chất đã được đánh giá cao hơn. Stiglitz (1989) cho rằng thị trường hiệu quả chỉ có được dưới các điều kiện nhất định. Do đó trong nhiều trường hợp, một sự phân bổ hiệu quả (các nguồn lực và kết quả đầu ra) sẽ khó đạt được nếu không có sự can thiệp của Chính phủ. Hứa hẹn tăng trưởng sẽ được duy trì trong dài hạn ở một mức cao hợp lý dễ đạt được hơn đối với một nước có thể chế và quy định minh bạch, rõ ràng, tính thực thi của hệ thống pháp luật cao.
Thông thường, đối với các nước đang phát triển, cách tiếp cận để đánh giá hiệu quả của quản lý Nhà nước đến chất lượng tăng trưởng là sử dụng một vài chỉ số có tính đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hoặc phân tích tác động trực tiếp và gián tiếp của các bộ phận cấu thành chất lượng tăng trưởng dựa trên các biểu hiện trái với quản lý tốt. Ví dụ biểu hiện của sự quản lý kém là có sự méo mó về chính sách, ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng, phúc lợi và xóa đói giảm nghèo.
(ii) – Văn hóa và xã hội
Yếu tố văn hóa xã hội thường dễ bị lãng quên khi đánh giá khía cạnh kinh tế của một vấn đề nào đó bởi bản thân nó có tính gián tiếp và định tính cao, và tất nhiên là khó có thể lượng hóa. Hơn nữa, văn hóa xã hội là yếu tố gốc rễ của hầu hết các vấn đề, các lĩnh vực chứ không riêng gì vấn đề chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn yếu tố này có tác động mạnh tới chất lượng tăng trưởng công nghiệp ở hai điểm sau:
Một là, tác động đến chất lượng lao động công nghiệp. CNVN đang có lợi thế so sánh về nguồn lao động dồi dào. Nhưng chúng ta vẫn thua kém các nước về chất lượng lao động mà trước hết là tác phong lao động công nghiệp. Lao động cho các ngành công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng thấp bởi tỷ lệ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động còn cao. Một ví dụ đơn giản rằng, đến năm 2009, ngành điện tử Việt Nam chỉ sử dụng hơn 200 ngàn người, trong khi ngành dệt may sử dụng hơn 2 triệu lao động trong tổng số hơn 5 triệu lao động toàn ngành công nghiệp [33]. Phần lớn lao động phổ thông này được đào tạo ở mức thấp từ lao động nông – lâm – ngư nghiệp.
Hai là, tác động đến văn hóa sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Lâu nay, chúng ta đang bàn nhiều về vấn đề văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Có người cho rằng thứ văn hóa chộp giật, không có tầm nhìn, văn hóa vụ việc… vẫn tồn tại ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Có người lại cho rằng doanh nghiệp Việt Nam vẫn thể hiện rõ văn hóa “ao làng”, không có khát vọng vươn xa mặc dù đã hội nhập… Ở mỗi góc nhìn có thể nhận ra một số tác động từ yếu tố văn hóa xã hội đến chất lượng tăng trưởng công nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu sinh cho rằng việc thiếu tạo dựng các liên kết cần thiết để hỗ trợ lẫn nhau cho các doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp Việt Nam là yếu tố vô cùng quan trọng, một trong những nguyên nhân cơ bản làm chúng ta thua các nước, và bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố văn hóa xã hội hiện tại.
Các nhân tố tác động đến chất lượng tăng trưởng công nghiệp
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT