Các nghiên cứu về tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế

nợ nước ngoài

Mục lục

Các nghiên cứu về tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế

Các nghiên cứu trên thế giới

Các nhà kinh tế trên thế giới đã từ lâu tranh luận về tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, phải đến cuối thập niên 1980, với sự trỗi dậy của kinh tế học tăng trưởng và nguồn số liệu phong phú về các đặc điểm kinh tế, chính trị và xã hội của các quốc gia, nhiều nghiên cứu thực nghiệm về tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế mới được thực hiện một cách có hệ thống. Một số nghiên cứu tiêu biểu như sau:

Aschauer (1989a), với mẫu nghiên cứu 7 nước thuộc khối G7 (những nước phát triển) từ năm 1967 đến 1985 về tác động của đầu tư với tăng trưởng. Mô hình nghiên cứu dữ liệu chuỗi thời gian với độ trễ cho biến đầu tư công và đầu tư tư nhân. Kết quả cho thấy: Đầu tư công là yếu tố then chốt tác động tích cực đến tăng năng suất lao động của nền kinh tế, đồng thời trong nghiên cứu thì đầu tư tư nhân cũng tác động tích cực đến tăng trưởng. Tuy nhiên, đối với chi tiêu công thì lại có tác động ngược chiều với tăng trưởng. Quan trọng hơn nữa, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng đầu tư công có tác động thúc đẩy đến tăng trưởng kinh tế thông qua việc cung cấp kết cấu hạ tầng để làm cho hoạt động kinh tế của đầu tư tư nhân được phát triển tốt hơn.

Aschauer (1989b), nghiên cứu về hiệu quả chi tiêu công ở Mỹ từ năm 1949 đến 1985 với mô hình dạng chuỗi thời gian với hàm tổng sản lượng sản xuất trong đó tăng trưởng phụ thuộc vào lao động, đầu tư tư nhân và đầu tư công. Kết quả nghiên cứu cho thấy một đóng góp rất lớn từ đầu tư công, cao hơn mức đóng góp từ đầu tư tư nhân từ hai đến năm lần vào tăng trưởng kinh tế. Công trình nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tích lũy vốn đầu tư công có tác động rất tích cực đến đầu tư tư nhân. Kết quả này dường như cho thấy rằng một chiến lược đầu tư công lâu dài và mạnh mẽ sẽ là công cụ hữu hiệu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và đầu tư tư nhân.

Barro (1991), xem xét hiệu quả của đầu tư và chi tiêu công với tốc độ tăng trưởng ở 98 nước trong giai đoạn 1960-1985, sau khi xây dựng mô hình gồm một số biến kiểm soát đã thấy rằng chưa có bằng chứng nhận định đầu tư công tác động đến tăng trưởng kinh tế, trong khi đó chi tiêu của chính phủ có tác động nghịch chiều với tăng trưởng kinh tế

Hadjimichael and Ghura (1995), mục đích nghiên cứu về tác động của chính sách công, đầu tư tư nhân và tiết kiệm của khu vực tư nhân tác động như thế nào đến tăng trưởng kinh tế với mẫu nghiên cứu là 41 nước châu Phi cận Sahara trong 1981-1992. Kết quả chỉ ra rằng: Tăng đầu tư tư nhân có một tác động tích cực tương đối lớn vào mức tăng trưởng bình quân đầu người đầu người. Tăng trưởng kinh tế được kích thích bởi các chính sách công như giảm thâm hụt ngân sách so với GDP (mà không làm giảm đầu tư của chính phủ), giảm tỷ lệ lạm phát, duy trì khả năng cạnh tranh bên ngoài, thúc đẩy cải cách cơ cấu, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực và tăng trưởng dân số chậm. Nghiên cứu cũng cho thấy vấn đề hội tụ trong thu nhập bình quân đầu người xảy ra sau khi kiểm soát phát triển nguồn nhân lực và chính sách công. Điều quan trọng trong nghiên cứu chỉ ra rằng chính sách công và những chính sách vĩ mô khác của chính phủ có tác động kích thích tăng đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế.

Deverajan et al (1996) nghiên cứu các mối quan hệ của chi tiêu công và tăng trưởng kinh tế bằng cách sử dụng một mẫu của 43 nước phát triển và đang phát triển trong giai đoạn 1970-1990. Kết quả của họ chỉ ra rằng chi tiêu công có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cho các nước đang phát triển, và các hiệu ứng được đảo ngược đáng kể cho các nước đã phát triển. Họ giải thích kết quả bằng cách nhận định rằng chi phí thường có thể trở thành không hiệu quả nếu chi tiêu quá mức cần thiết. Họ kết luận bằng cách chỉ ra rằng các nhà làm chính sách hoạch định chính sách đã và đang phân bổ sai nguồn lực từ việc đầu tư quá mức cần thiết. Kết quả của họ cũng được hỗ trợ bởi Ghosh and Gregoriou (2008) trong khung phân tích, đánh giá chính sách tài chính tối ưu ở các nước đang phát triển.

Khan and Kumar (1997), nghiên cứu về đầu tư công và đầu tư tư nhân với tăng trưởng kinh tế của 97 nước đang phát triển từ năm 1970 đến năm 1990 dựa theo hàm sản xuất Cobb Douglas với dạng dữ liệu chuỗi thời gian. Trong đó tăng trưởng là biến phụ thuộc và các biến độc lập gồm có: Đầu tư, dân số và công nghệ, nguồn nhân lực, thời gian học tập và chính sách tài khóa. Nghiên cứu phân thành từng giai đoạn 10 năm để đánh giá mức độ tác động của từng thời kỳ của các yếu tố đến tăng trưởng. Trong đó có việc gộp các loại đầu tư lại (đầu tư công và đầu tư tư nhân) để xem xét, sau đó chạy mô hình với việc tách tổng đầu tư thành đầu tư công và đầu tư tư nhân để đánh giá từng yếu tố tác động của đầu tư đến tăng trưởng. Đồng thời, tiếp tục chạy mô hình trên theo từng vùng trong tổng số 97 nước đang phát triển để đánh giá sự khác biệt mức độ đầu tư công và tư nhân tác động đến tăng trưởng kinh tế ở từng khu vực (Châu Phi, Châu Á, Mỹ Latin và Trung đông). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: Đầu tư công và tư có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở tất cả các khu vực và toàn bộ 97 nước trong mẫu quan sát. Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng kể về mức độ tác động của tư nhân và đầu tư công vào tăng trưởng. Cụ thể, đầu tư tư nhân có nhiều tác động lớn hơn so với đầu tư công, đặc biệt là trong những năm 1980, và giá trị đóng góp từ đầu tư tư nhân càng được tăng lên qua thời gian. Tuy nhiên, giữa các vùng lại có sự khác biệt trong mức độ tác động đến tăng trưởng. Trong đó, Châu Á và Mỹ Latin có sự khác biệt rõ nét nhất về mức độ tác động của đầu tư đến tăng trưởng.

Kim và Seo (2003) nghiên cứu sự chèn lấn của FDI đến đầu tư trong nước ở Hàn Quốc giai đoạn 1985-1999, cho thấy có tác động tích cực mạnh mẽ từ tốc độ tăng trưởng GDP đến FDI. Tuy nhiên, lại không thấy sự tồn tại tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế nhưng FDI góp phần tăng trưởng đầu tư trong nước, thể hiện tác động lan tỏa của dòng vốn FDI.

Akinlo (2004) nghiên cứu về FDI và tăng trưởng kinh tế ở Nigeria giai đoạn 1970-2001, cho thấy FDI tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Nigeria. Tương tự như vậy, Dritsaki et al (2004) phát hiện tác động tích cực một chiều từ FDI đến xuất khẩu và từ FDI đến tăng trưởng kinh tế ở Hy Lạp bằng cách sử dụng dữ liệu hàng năm của IMF giai đoạn 1960-2002.

[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Khái niệm về đầu tư[/message]

Le and Suruga (2005b) khám phá những tác động của chi tiêu công và FDI vào tăng trưởng kinh tế, và họ cũng nghiên cứu tác động của chi tiêu công vào FDI khi sử dụng dữ liệu bảng của 105 nước phát triển và đang phát triển trong giai đoạn 1970-2009. Kết quả cho thấy: Ở các nước đang phát triển thì đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI tác động tích cực đến tăng trưởng. Tuy nhiên, chi tiêu công và FDI không tác động với nhau. Nghiên cứu phát hiện rất quan trọng là nếu chi thường xuyên vượt quá 25%GDP sẽ làm giảm đóng góp của FDI vào tăng trưởng kinh tế, kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đó cho rằng FDI sẽ bị giảm nếu đầu tư công vượt quá 8-9% (Le và Suruga, 2005a). Đối với các nước phát triển thì đầu tư công tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế nhưng do số liệu chưa đầy đủ nên chưa có bằng chứng chắc chắn. Phát hiện thú vị là chi thường xuyên càng nhiều thì càng tăng đóng góp của FDI vào tăng trưởng kinh tế. Đối với chi thường xuyên thì đều có tác động âm đến GDP ở cả những nước đang phát triển và phát triển.

Syed et al. (2007), nghiên cứu về mối quan hệ dài hạn giữa đầu tư và tăng trưởng kinh tế của 3 nước Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan từ năm 1970 đến năm 2000 từ dữ liệu bảng năng động không đồng nhất (Heterogeneous Dynamic Panel Data) với bốn biến trong mô hình gồm đầu tư công, chi tiêu công, đầu tư tư nhân và GDP. Trong đó GDP là biến phụ thuộc. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Đầu tư công, chi tiêu công và đầu tư tư nhân có tác động tích cực dài hạn đến tăng trưởng kinh tế ở các nước và cả mẫu gồm 3 nước. Đặc biệt, nghiên cứu chỉ ra sự tác động qua lại giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân, qua đó cho thấy đầu tư tư nhân có hiện tượng tác động chèn ép đến đầu tư công ở các quốc gia này.

Wei (2008), nghiên cứu về FDI và tăng trưởng kinh tế vùng ở Trung Quốc từ năm 1979 đến 2003 bằng kỹ thuật hồi quy dữ liệu bảng cho tấy FDI tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Eruygur, A. (2009), xem xét tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ kỳ từ năm 1968 đến năm 2005. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong dài hạn đầu tư công có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, đồng thời có tác động thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân đóng góp vào tăng trưởng. Kết quả nghiên cứu ngụ ý rằng đầu tư công là công cụ hiệu quả cho các nhà làm chính sách trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn cũng như thu hút vốn đầu vào cho nền kinh tế từ khu vực tư, cũng như tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế.

Kandenge (2010), với mô hình tăng trưởng nội sinh, nghiên cứu xem xét tác động của đầu tư công và đầu tư tư nhân đến tăng trưởng kinh tế của Namibia từ năm 1970 đến 2005 bằng phương pháp xem xét mối quan hệ đồng liên kết dài hạn và mô hình ECM để xem xét trong ngắn hạn, với dữ liệu chuỗi thời gian. Mô hình nghiên cứu gồm các biến giải thích đến tăng trưởng kinh tế như: Đầu tư công, đầu tư tư nhân, xuất khẩu, nhập khẩu, tự do kinh tế, lao động, nguồn nhân lực, điều khoản thương mại, tỷ giá hối đoái. Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng: Trong dài hạn và ngắn hạn: Đầu tư công, đầu tư tư nhân, xuất khẩu, nhập khẩu, tự do kinh tế, lao động, nguồn nhân lực có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, trong khi đó ngược lại là các yếu tố như: Điều khoản thương mại, tỷ giá hối đoái có tác động ngược chiều.

Gần đây, Aviral Kumar Tiwari and Mihai Mutascu (2011) nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và FDI tại các nước châu Á bằng dữ liệu bảng, cho thấy kết quả thấy rằng cả hai FDI và xuất khẩu tác động mạnh đến quá trình tăng trưởng.

Jwan and James (2014), trên cơ sở lý thuyết tăng trưởng kinh tế tân cổ điển của Solow (1956), tác giả đã nghiên cứu những yếu tố vĩ mô quyết định đến tăng trưởng kinh tế bao gồm: Đầu tư công, đầu tư tư nhân, giá trị xuất khẩu dầu, lao động, tỷ giá và lạm phát ở Iraq từ năm 1970 đến 2010 bằng mô hình mối quan hệ đồng liên kết (Cointegration) và mô hình error correction (ECM) với dữ liệu chuỗi thời gian. Kết quả nghiên cho thấy trong dài hạn đầu tư công, đầu tư tư nhân, lao động và giá trị xuất khẩu dầu có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó lạm phát và tỷ giá có tác động ngược lại.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu tìm thấy tác động tiêu cực của FDI đến nước nhận đầu tư như: Karikari (1992) xem xét mối quan hệ nhân quả giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở Ghana giai đoạn 1961-l988, kết quả cho thấy FDI không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, trong khi tăng trưởng kinh tế tác động làm giảm nhẹ dòng vốn FDI. Theo tác giả, kết quả này có thể là do khối lượng vốn FDI không đáng kể theo dữ liệu thời gian, tác động FDI làm tăng tự do thương mại hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tương tự, khi nghiên cứu 72 nước phát triển và đang phát triển, Carkovic và Levine (2002) đã không tìm thấy mối quan hệ mạnh mẽ giữa FDI và tăng trưởng. Durham (2004) điều tra về vai trò của FDI tới tăng trưởng của 80 quốc gia giai đoạn 1979-1998 đã không tìm thấy mối quan hệ dương giữa hai biến và lập luận rằng tác động của FDI phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nước nhận đầu tư. Bende-Nabende et al (2003) tìm thấy FDI có tác động dương đáng kể đối với các nước kém phát triển ở châu Á như Philippines và Thái Lan, nhưng đóng một vai trò tiêu cực ở các quốc gia hay vùng lãnh thổ phát triển hơn về kinh tế như Nhật Bản và Đài Loan.

Các nghiên cứu trong nước liên quan.

Việc nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã được thực hiện khá nhiều với các phương pháp và dữ liệu khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu bảng và biến về đầu tư trong mô hình nghiên cứu được phân thành đầu tư công, đầu tư tư nhân trong nước và FDI trong một mô hình nghiên cứu thì chưa được đề cập. Các nghiên cứu trước đây ở Việt Nam thường xoay quanh vấn đề tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế mà chưa có chú ý đến các nguồn đầu tư khác tác động đến tăng trưởng trong một mô hình nghiên cứu. Có thể lược khảo những nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực này qua một số tác giả như sau:

Phạm Thế Anh (2008a,b), phân tích mối quan hệ bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS) trong ngắn hạn giữa cơ cấu chi tiêu chính phủ và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam dựa trên số liệu thu thập được ở 61 tỉnh thành trong cả nước từ 2001 đến 2005. Số liệu chi ngân sách của các địa phương được chia theo 5 ngành: nông; lâm; thuỷ sản; giao thông vận tải; giáo dục & đào tạo; y tế; và ngành khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự chênh lệch khá lớn về tính hiệu quả giữa các khoản chi ngân sách khác nhau đối với tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, các khoản chi đầu tư có hiệu ứng tích cực hơn so với các khoản chi thường xuyên trong các ngành nông, lâm, thuỷ sản, giáo dục & đào tạo, y tế, và ngành “khác”. Kết luận này là ngược lại cho ngành giao thông vận tải. Thứ hai, cả chi đầu tư và thường xuyên cho ngành giao thông vận tải, giáo dục & đào tạo, và ngành khác có vai trò tích cực lớn hơn đối với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn so với các khoản chi tương ứng cho ngành nông, lâm, thuỷ sản và ngành y tế. Kết quả này hàm ý việc chuyển dịch cơ cấu chi tiêu giữa các ngành này có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Hoàng Thị Chinh Thon và cộng sự (2010), đánh giá, phân tích chi tiêu cấp tỉnh và cấp huyện tác động như thế nào đến tăng trưởng của địa phương. Dựa vào cơ sở lý thuyết mô hình của Barro (1990), Devarajan, Swaroop and Zou (1996), nhóm tác giả xây dựng mô hình với hai thành phần chi tiêu chính phủ. Đó là chi tiêu cấp tỉnh và chi tiêu cấp huyện. Với số liệu đã thu thập được ở 31 địa phương ở Việt Nam trong năm 2004 và năm 2005 với phương pháp ước lượng Pooled OLS. Kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô chi tiêu của chính phủ trên GDP ở các địa phương có mối quan hệ ở dạng phi tuyến với tăng trưởng kinh tế. Trên thế giới một số kết quả thực nghiệm cho thấy quan hệ giữa chi tiêu chính phủ trên GDP với tăng trưởng kinh tế là hàm phi tuyến ở dạng đường cong Rahn (lồi so với gốc tọa độ). Điều này có nghĩa là, nếu cứ tăng tỷ trọng chi tiêu ngân sách vượt qua một mức nào đó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này cho kết quả ngược lại, tức là phải tăng tỷ trọng chi tiêu ngân sách vượt quá mức giới hạn nào đó thì mới ảnh hưởng tốt tới tăng trưởng kinh tế của địa phương. Han chế của nghiên cứu này là các biến giải thích cho tăng trưởng kinh tế xoay quanh các chỉ tiêu chi thường xuyên và chi đầu tư và chi khác giữa cấp huyện và cấp tỉnh. Điều này là chưa phù hợp với các nghiên cứu trước đây khi cho rằng để giải thích cho tăng trưởng kinh tế cần có thêm các biến như lao động, kết cấu hạ tầng, độ mở thương mại….

Sử Đình Thành (2011a), nghiên cứu với mô hình đa biến được thiết kế từ hàm sản xuất tổng quát, trong đó chi tiêu công được tách thành 2 yếu tố gồm chi từ nguồn ngân sách nhà nước và chi từ nguồn ODA với mục đích xem xét tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực tài chính công. Đồng thời, độ mở thương mại, đầu tư tư nhân và lao động được xem xét như các biến kiểm soát trong mô hình cho giai đoạn từ 1990 đến 2010 bằng phương pháp kiểm định nhân quả Granger. Kết quả chỉ rõ, chi tiêu từ ngân sách nhà nước, từ nguồn vốn ODA, đầu tư tư nhân và độ mở thương mại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chi tiêu công từ ngân sách không có quan hệ với đầu tư tư nhân, nhưng từ nguồn ODA thì lại có tác động tích cực.

Tô Trung Thành (2012), xem xét sự tác động của đầu tư công đến đầu tư tư nhân từ năm 1986 đến 2010 tại Việt Nam với ba biến số (ở dạng logarithm) là đầu tư khu vực nhà nước (GI), đầu tư khu vực tư nhân (PI) và GDP (Y). Có xem xét đến độ trễ của các biến trong mô hình. Kết quả thực nghiệm cho thấy hiện tượng đầu tư công và đầu tư tư nhân tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trong đó đầu tư tư nhân có tác động manh mẽ đến tăng trưởng kinh tế hơn đầu tư công. Hạn chế của nghiên cứu này trong các biến giải thích cho tăng trưởng kinh tế chỉ có biến đầu tư công và đầu tư tư nhân. Trong đó đầu tư tư nhân là gộp chung các loại đầu tư khác trong nền kinh tế.

Sử Đình Thành (2013), mục đích bóc tách để thấy được mối quan hệ thay đổi với những mức khác biệt trong các mức chi tiêu công, tác giả đã tiếp cận mô hình ngưỡng để kiểm định tính phi tuyến theo mô hình tự hồi quy ngưỡng, với dữ liệu nghiên cứu ở Việt Nam từ năm 1989 đến 2011. Kết quả nghiên cứu khẳng định: Chi tiêu thường xuyên và chi tiêu công tổng thể (Bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư) có tác động âm lên tăng trưởng kinh tế ở chế độ trên mức ngưỡng lần lượt là 19% và 28% GDP. Nghiên cứu chưa tìm thấy mức ngưỡng đối với chi đầu tư công với tăng trưởng kinh tế.

Phó Thị Kim Chi và cộng sự (2013), với việc sử dụng 03 phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư công cho dữ liệu nghiên cứu ở Việt Nam từ năm 1995 đến nay. Kết quả: Thứ nhất: Hiệu quả đầu tư công Việt Nam thời gian qua liên tục giảm sút, tuy tốc độ giảm ít hơn từ năm 2010. Thứ hai: Hiệu quả đầu tư công luôn thấp hơn hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế và khu vực đầu tư còn lại trong phần lớn thời gian nghiên cứu. Thứ ba: Đầu tư công tác động đến tăng trưởng GDP trong ngắn hạn nhiều hơn trong dài hạn.

Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư và Lê Hoàng Phong (2014), nghiên cứu kiểm tra hiệu ứng của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế VN trong giai đoạn 1988-2012. Trên cơ sở mô hình đa biến được phác họa từ hàm sản xuất, bằng cách tiếp cận phân phối trễ tự hồi, gồm có các biến giải thích cho tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài và lao động. Nghiên cứu cho thấy tác động của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn không có ý nghĩa thống kê, nhưng có tác động thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên, tác động này là thấp nhất so với đầu tư từ các khu vực khác

Đặng Văn Cường và Bùi Thanh Hoài (2014), xem xét tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh cho chuỗi thời gian từ 1990 đến 2012 với phương pháp phân tích đồng liên kết (cointergration) để đo lường các mối quan hệ trong dài hạn giữa các biến và mô hình điều chỉnh sai số ECM (Error Correction Model) được sử dụng để khảo sát mối quan hệ động trong ngắn hạn giữa tăng trưởng kinh tế và các biến tác động trong mô hình. Kết quả cho thấy: Chi thường xuyên không có quan hệ với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, nhưng tác động thuận chiều trong ngắn hạn. Thứ hai, chi đầu tư phát triển có tác động dương đến tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Song, hiệu ứng trong dài hạn lớn hơn hiệu ứng trong ngắn hạn. Thứ ba, tương tự như chi thường xuyên, tổng chi tiêu công cũng không tác động đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn nhưng lại có tác động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mối quan hệ này là nghịch chiều. Thứ tư, đầu tư khu vực tư nhân có tác động thuận chiều đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và tác động này lớn hơn trong ngắn hạn. Thứ năm, độ mở nền kinh tế cũng có tác động thuận chiều lên tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và ngắn hạn.

Vũ Hoàng Dương và cộng sự (2014), giải thích mối quan hệ đầu tư hạ tầng giao thông và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ năm 1976 đến 2011. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hạ tầng giao thông (số km đường) và đầu tư vào hạ tầng giao thông không có tác động đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tuy nhiên, đầu tư vào hạ tầng giao thông có tác động tích cực đến tăng trưởng trong ngắn hạn với độ trễ là 02 năm. Ngụ ý nghiên cứu cho rằng các khoản đầu tư vào hạ tầng giao thông có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn nhưng sẽ mất tác dụng trong ngắn hạn.

Các nghiên cứu về tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

1 thoughts on “Các nghiên cứu về tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế

  1. Pingback: Các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế - Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?