Các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế

Science-Directs

Mục lục

Các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế

1. Các nghiên cứu thực nghiệm có kết quả kết luận đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế

Nhiều nghiên cứu cho thấy giữa FDI và tăng trưởng kinh tế tồn tại mối quan hệ tích cực. Zhang (2001) cho rằng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, không chỉ tạo ra nhu cầu về vốn FDI mà còn cung cấp cơ hội tốt hơn để tạo ra lợi nhuận và do đó

thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn FDI. Thêm vào đó, FDI có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và hỗ trợ phát triển kinh tế của các nền kinh tế chủ nhà thông qua tác động trực tiếp và hiệu ứng lan tỏa gián tiếp.

Kết quả nghiên cứu của Borensztien et al. (1998) cho thấy FDI là một phương tiện quan trọng cho việc chuyển giao công nghệ góp phần làm tăng trưởng kinh tế hiệu quả hơn so với đầu tư trong nước. Blomstrom et al. (1992) và Rodriguez-Glare (1996) cũng cho rằng FDI có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước sở tại thông qua chuyển giao công nghệ và hiệu ứng lan tỏa. Việc chuyển giao công nghệ trực tiếp từ các doanh nghiệp đa quốc gia đối với các chi nhánh địa phương giúp các nước tiếp nhận FDI tiếp thu công nghệ mới trong sản xuất.

Li và Liu (2005) sử dụng dữ liệu của 84 quốc gia giai đoạn 1979-1999, với phương pháp ước lượng FE và RE để đánh giá tác động của dòng vốn FDI đến tăng trưởng kinh tế. Kết quả cho thấy FDI tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển cũng như đang phát triển.

Soto (2000) sử dụng dữ liệu của 44 quốc gia giai đoạn 1986-1997, dùng mô hình năng động trên cơ sở của Barro và Sala-I-Martin (1995) để nghiên cứu tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế với phương pháp ước lượng GMM sai phân. Kết quả cho thấy dòng vốn FDI tác động dương và có ý nghĩa thống kê đối với tăng trưởng kinh tế.

Balasubramanyam et al. (1996) điều tra vai trò của FDI trong quá trình tăng trưởng của 46 nước đang phát triển khác nhau về thương mại, chính sách, thể chế giai đoạn 1970-1985, dùng hồi quy OLS. Họ tìm thấy FDI đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu. Hansen và Rand (2006), nghiên cứu 31 nước đang phát triển giai đoạn 1970-2000, phát hiện quan hệ cùng chiều giữa FDI và GDP.

Makki và Somwaru (2004) phát hiện tác động cùng chiều của xuất khẩu và FDI lên GDP bằng cách sử dụng dữ liệu của 66 quốc gia đang phát triển trong các giai đoạn khoảng mười năm, 1971-1980, 1981-1990 và 1991-2000.

Basu và Guariglia (2007) sử dụng dữ liệu của 119 quốc gia đang phát triển giai đoạn 1970-1999. Kết quả, FDI tác động dương đến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, nguồn nhân lực, đồng thời làm giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP.

Wang (2002) khám phá FDI đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực sản xuất, với việc sử dụng dữ liệu từ 12 nền kinh tế châu Á trong giai đoạn
1987-1997. Gần đây, Aviral Kumar Tiwari, Mihai Mutascu (2011) kiểm tra tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Á thông qua nghiên cứu phân tích dữ liệu bảng giai đoạn 1986-2008. Kết quả thấy rằng FDI và xuất khẩu có tác động tích cực đến quá trình tăng trưởng. Ngoài ra, lao động và vốn cũng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của các nước châu Á.

Các tác giả Caves (1974), Globerman (1979), Blomstrom và Persson (1983), khi nghiên cứu về tác động của FDI đến nước nhận đầu tư đã tìm thấy bằng chứng có sự tồn tại của tác động lan tỏa thông qua việc FDI có tác động đến năng suất lao động địa phương ở các công ty Australia, Canada và Mexico. Và qua đó cho thấy FDI có tác động quan trọng và tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Aitken et al. (1997) áp dụng dữ liệu trên 2.104 nhà máy sản xuất ở Mexico giai đoạn 1986-1990. Họ nhận thấy rằng công ty đa quốc gia có xu hướng tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực xuất khẩu đối với các doanh nghiệp trong nước.

Frank và Mei-Chu (2007), bằng cách sử dụng dữ liệu 8 quốc gia (Trung Quốc, Hàn quốc, Đài loan, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái lan) giai đoạn 1986-2004 với dữ liệu bảng và hồi quy FE, RE phát hiện FDI có tác động một chiều trực tiếp lên GDP và gián tiếp lên GDP thông qua xuất khẩu và tồn tại quan hệ nhân quả hai chiều giữa xuất khẩu và GDP.

[message type=”e.g. information, success, attention, warning”]Xem thêm: Các nghiên cứu về tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế[/message]

Mahnaz Rabiei, Zohreh Ghavam Masoudi (2012), trong nghiên cứu về FDI và tăng trưởng kinh tế ở tám nước bao gồm: Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Malaysia, Nigergia, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 1980-2009 cho thấy FDI tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế.

Athukorala và Menon (1995) cho thấy FDI tác động đến Malaysia về chuyển giao công nghệ và cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động. FDI cũng góp phần gián tiếp đến tăng trưởng thông qua sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước với các chi nhánh nước ngoài và sự phổ biến của kỹ năng lao động trong nền kinh tế khi các nhân viên di chuyển đến các công ty thuộc sở hữu trong nước.

Gần đây, Mihai Daniel Roman và Andrei Padureanu (2012) đề xuất mô hình cho mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế trong quá trình chuyển đổi ở Romania, tác giả sử dụng mô hình tân cổ điển với chức năng sản xuất Cobb- Douglas để phân tích tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế. Kết quả, kinh tế Romania tăng trưởng từ ảnh hưởng tích cực của chính sách tài khóa, FDI và từ mức độ hòa nhập vào EU.

Hsiao (2006) thiết lập mô hình trong trường hợp của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Kết quả, FDI có tác động tích cực một chiều trực tiếp lên GDP và gián tiếp thông qua xuất khẩu. Kueh (1992) nghiên cứu các vùng duyên hải của Trung Quốc, kết luận FDI đóng góp có ý nghĩa vào tổng vốn Đầu tư cũng như tăng trưởng sản lượng và xuất khẩu.

Trong các phân tích dữ liệu chuỗi thời gian, Bende-Nabende và Ferd (1998) sử dụng hệ phương trình đồng thời nhằm phân tích sự tăng trưởng kinh tế ở Đài Loan đối với FDI và chính sách của chính phủ. Hai tác giả đã xác định được FDI có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chính sách có khả năng thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là nhân tố phát triển cơ sở hạ tầng và tự do hóa.

Nghiên cứu của Mohd Shahidan Bin Shaari, Thien Ho Hong & Siti Norwahida Shukeri (2012), sử dụng mô hình VAR kiểm tra hiệu quả của FDI trên GDP hàng năm ở Malaysia trong giai đoạn 1972 – 2010. Kết quả cho thấy sự gia tăng của FDI có tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế ở Malaysia. Cụ thể, 1% tăng trưởng FDI tạo ra mức tăng 49,1% GDP của Malaysia. Tác giả cũng tìm thấy rằng GDP có quan hệ nhân quả đối với FDI và ngược lại.

Ở Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Mại (2003) cho thấy FDI có tác động dương đến tăng trưởng kinh tế ở mức độ quốc gia và đưa ra nhận định rằng để thu hút vốn FDI vào Việt Nam cần mở rộng thị trường và tìm đối tác mới.

Nguyen Thi Phuong Hoa (2004) kết luận FDI có tác động dương tới tăng trưởng kinh tế của các địa phương thông qua hình thành, tích lũy tài sản vốn và có sự tương tác cùng chiều giữa FDI với nguồn nhân lực.

Nguyễn Thị Tuệ Anh và cộng sự (2006) sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian giai đoạn 1988-2003, cho thấy tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế qua kênh đầu tư.

Le Thanh Thuy (2007) nhận định FDI đã bổ sung cho đầu tư trong nước giúp cho việc mở rộng sản xuất, giúp giảm thâm hụt ngân sách chính phủ, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu, tạo nhiều việc làm. Đồng thời khu vực tư nhân trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa từ FDI. Điều này cho thấy chính sách tăng cường sự phát triển của khu vực tư nhân nên được đẩy mạnh để gia tăng hiệu ứng lan tỏa của FDI.

Tam Bang Vu (2008) với dữ liệu giai đoạn 1990-2002, sử dụng phương pháp OLS, GLS và kiểm định quan hệ nhân quả cho thấy FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế thông qua năng suất lao động.

Le Viet Anh (2009), nghiên cứu về mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cho thấy đóng góp tích cực của dòng vốn FDI đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1988-2002, ước tính khoảng 7% trong 37% tổng số vốn đóng góp cho sự tăng trưởng trong giai đoạn này . Kết quả hồi quy thấy rằng FDI có mối quan hệ dương với đầu tư trong nước và tăng trưởng kinh tế cũng như FDI tạo ra những tác động dương đáng kể trong ngắn hạn và dài hạn lên tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Nguyễn Phú Tụ và Huỳnh Công Minh (2010) nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, dữ liệu dạng bảng giai đoạn 2003- 2007, sử dụng phương pháp OLS, TSLS và GMM. Kết quả, FDI các động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế ở mức ý nghĩa 1% ở phương pháp OLS và GMM, phương pháp

TSLS không có ý nghĩa thống kê. Chien et al. (2012) cũng khẳng định FDI có tác động dương lên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2010.

2. Các nghiên cứu thực nghiệm có kết quả kết luận đầu tư trực tiếp nước ngoài không tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Một số nghiên cứu khẳng định không tồn tại mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của Kevin D. Curwin, Matthew C.Mahutga (2014), sử dụng phương pháp hồi quy dữ liệu bảng trong giai đoạn 2009 – 2010 của 25 quốc gia. Kết quả nghiên cứu của các tác giả cho thấy FDI không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Carkovic và Levine (2002) dùng dữ liệu giai đoạn 1960-1995 từ 72 quốc gia phát triển và đang phát triển, với phương pháp OLS và GMM đã không tìm thấy mối quan hệ đáng kể giữa FDI và tăng trưởng ở những nước nhận Đầu tư.

Ericsson và Irandoust (2001) không phát hiện bất kỳ mối quan hệ nhân quả giữa FDI và tăng trưởng đối với Đan Mạch và Phần Lan khi kiểm tra tác động nhân quả giữa FDI và sản lượng cho bốn quốc gia OECD gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển.

Laureti và Postiglione (2005) kiểm định tác động của dòng vốn FDI đến tăng trưởng kinh tế của 11 quốc gia có thu nhập trung bình thuộc giai đoạn 1990-2000, với phương pháp ước lượng GMM sai phân. Kết quả, dòng vốn FDI không có tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế.

Haddad và Harrison (1991, 1993) cũng không tìm thấy tác động đáng kể của FDI đến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong nước khi thực hiện kiểm tra tác động tràn của FDI và tăng trưởng kinh tế ở các công ty của Morocco trong thời gian 1985-
1989. Tương tự, Karikari (1992) xem xét mối quan hệ nhân quả giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở Ghana giai đoạn 1961-l988, cho thấy FDI không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước.

Gần đây, Temiz và Gökmen (2014) kiểm tra quan hệ giữa dòng vốn FDI và tăng trưởng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng cách áp dụng chuỗi dữ liệu thời gian theo quý từ quý 1/1992 đến quý 3/2007, phương pháp hồi quy OLS. Tác giả khẳng định không tồn tại mối quan hệ có ý nghĩa nào giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Karimi và cộng sự. (2009) trong nghiên cứu về FDI và tăng trưởng kinh tế Malaysia cũng nhận thấy không có ảnh hưởng đáng kể giữa FDI và tăng trưởng.

3. Các nghiên cứu thực nghiệm có kết quả kết luận đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động ngược chiều đến tăng trưởng kinh tế.

Các nghiên cứu khác tìm thấy mối quan hệ ngược chiều giữa FDI và tăng trưởng kinh tế đối với nước nhận đầu tư như Aitken và Harrison (1999), Barry và cộng sự. (2001), Damijan và cộng sự. (2001), Djankov và Hoekman (1998) và Konings (2001). Karikari (1992) khi xem xét quan hệ nhân quả giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở Ghana giai đoạn 1961-l988, nhận thấy FDI không tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngược lại tăng trưởng kinh tế còn làm giảm dòng vốn FDI. Theo tác giả, tác động FDI làm tăng tự do thương mại hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ang (2009) đánh giá tác động của FDI đến kinh tế Thái Lan, gia đoạn 1970-
2004, sử dụng mô hình hiệu chỉnh sai số. Kết quả, FDI tác động ngược chiều đến kinh tế Thái Lan.

4. Các nghiên cứu thực nghiệm về quan hệ hỗn hợp giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế .

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng xác nhận kết quả hỗn hợp khi kiểm tra mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế. Yang (2008) sử dụng dữ liệu 110 quốc gia giai đoạn 1973- 2002, với phương pháp ước lượng FE. Kết quả tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế không nhất quán qua thời gian và khu vực. Dòng vốn FDI ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng ở các nước OECD, Châu Mỹ Latinh; tác động ngược chiều đối với khu vực Trung Đông và tác động không đáng kể đối với khu vực Đông Á.

Nabila Asghar và Samia Nasreen (2011) xem xét mối quan hệ thực nghiệm giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở các nước Châu Á, sử dụng dữ liệu bảng giai đoạn
1983-2008. Kết quả cho thấy có tồn tại quan hệ nhân quả giữa FDI và tăng trưởng kinh tế trong trường hợp của Malaysia; tồn tại một chiều từ FDI đến tăng trưởng kinh tế trong trường hợp của Nepal, Singapore, Nhật Bản và Thái Lan; một chiều từ tăng trưởng kinh tế đến FDI tại các quốc gia Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Và không tìm thấy tác động tại các nước Ấn Độ, Maldives, Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc và Singapore.

Bende-Nabende và cộng sự. (2003) tìm thấy FDI có tác động cùng chiều đối với các nước đang phát phát triển ở châu Á, nhưng lại có tác động ngược chiều ở một số quốc gia phát triển hơn về kinh tế như Nhật Bản và Đài Loan.

Kim và Seo (2003) sử dụng dữ liệu ở Hàn Quốc giai đoạn 1985-1999, cho thấy tác động tích cực mạnh mẽ từ tốc độ tăng trưởng GDP tới FDI và không tồn tại tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế nhưng FDI góp phần gia tăng đầu tư trong nước, thể hiện tác động lan tỏa của dòng vốn FDI.

Các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế

5/5 - (100 Bình chọn)

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bạn cần hỗ trợ?