Các cấu thành của cấu trúc vốn

cấu trúc vốn

Mục lục

Các cấu thành của cấu trúc vốn

Như đã phân tích ở các bài viết trước của Luận Văn A-Z, nói đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp là nói đến 2 thành tố đó là vốn chủ sở hữu và nợ.

1. Vốn chủ sở hữu

a) Khái niệm vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu là các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp (có thể là Nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, pháp nhân hoặc thể nhân) và các thành viên trong công ty liên doanh hoặc các cổ đông trong các công ty cổ phần. Có 3 nguồn tạo nên vốn chủ sở hữu: số tiền góp vốn của các nhà đầu tư, tổng số tiền tạo ra từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (lợi nhuận chưa phân phối) và chênh lệch đánh giá lại tài sản. Vốn chủ sở hữu bao gồm: vốn kinh doanh (vốn góp và lợi nhuận chưa chia), chênh lệch đánh giá lại tài sản, các quỹ của doanh nghiệp như: quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính…

Như vậy ở khái niệm vốn chủ sở hữu (vốn cổ phần – equity), các quan điểm nghiên cứu cơ bản là thống nhất không có sự khác biệt lớn; nó bao gồm vốn cổ phần thường, cổ phần ưu đãi và lợi nhuận giữ lại, được tìm thấy dễ dàng ở khoản mục vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán.

b) Huy động vốn chủ sở hữu

Các doanh nghiệp có thể huy động vốn chủ sở hữu bằng nhiều cách: vốn góp ban đầu, tăng vốn góp, phát hành cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu thường hay giữ lại lợi nhuận.

• Vốn góp ban đầu: Các doanh nghiệp khi mới thành lập đều cần một lượng vốn góp ban đầu nhất định do các cổ đông – chủ sở hữu góp. Tùy vào hình thức sở hữu của doanh nghiệp sẽ quyết định tính chất và hình thức tạo vốn của bản thân doanh nghiệp: Đối với doanh nghiệp Nhà nước, vốn góp ban đầu chính là vốn đầu tư của Nhà nước – chủ sở hữu vào doanh nghiệp. Quy mô của vốn góp ban đầu vào doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: đặc điểm ngành nghề kinh doanh, quy định của pháp luật ở mỗi thời kỳ…. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ tăng hoặc giảm tùy thuộc vào kết quả kinh doanh và chiến lược huy động vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

• Tăng vốn chủ sở hữu thông qua việc Nhà nước cấp tăng vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước, tăng vốn góp của các thành viên hoặc huy động vốn góp của các thành viên mới đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.

• Phát hành cổ phiếu: Phát hành cổ phiếu để huy động vốn là một nguồn tài chính dài hạn rất quan trọng của doanh nghiệp, bao gồm: (i) Cổ phiếu ưu đãi; (ii) Cổ phiếu thường.

• Lợi nhuận không chia: Thông thường các cổ đông sẽ được nhận cổ tức vào cuối năm tài chính từ thu nhập sau thuế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp để tăng vốn chủ sở hữu các cổ đông sẽ đồng ý cho doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư mà không nhận hoặc nhận một phần cổ tức. Đây là nguồn vốn rất chủ động và thuận tiện cho các doanh nghiệp khi tăng vốn tuy nhiên chi phí cơ hội của các cổ đông là khá cao. Do vậy các cổ đông chỉ đồng ý phương án này nếu kỳ vọng việc tái đầu tư bằng nguồn lợi nhuận để lại sẽ hiệu quả và mang lại lãi cao hơn cổ tức hiện tại.

2. Nợ

a) Khái niệm nợ

Trong khi có quan điểm rất nhất quán về vốn chủ sở hữu, khái niệm nợ (debt) phức tạp hơn. Lý thuyết đầu tư thường đồng nhất nợ (debt) với khoản mục phải trả dài hạn (liabities). Tuy nhiên trong khoản mục phải trả (liabilities) lại cần phải phân biệt giữa phải trả tài chính (financing liabilities) như phải trả người bán dài hạn, vay và nợ dài hạn (bao gồm cả trái phiếu và trái phiếu chuyển đổi) và phải trả hoạt động (operating liabilities) như thuế thu nhập phải trả được hoãn lại, dự phòng trợ cấp mất việc làm và các khoản dự phòng phải trả dài hạn khác, quỹ lương hưu chưa đến thời hạn trả. Cả hai loại nợ phải trả này giống nhau ở chỗ, trong tương lai chúng đều khiến doanh nghiệp phải xuất hiện một dòng tiền ra. Nhưng điều khác biệt là với phải trả hoạt động (operating liabilities), doanh nghiệp không hề tốn một đồng chi phí nào cho các khoản vốn chiếm dụng hợp pháp này. Và ở khái niệm này xuất hiện 2 trường phái rõ rệt:

• Trường phái thứ nhất xuất phát từ quan điểm chi phí của nợ, lúc này nợ chỉ bao gồm các khoản phải trả tài chính (tức là các khoản phải trả mà doanh nghiệp phải mất chi phí tài chính cho nó) như vay dài hạn ngân hàng, nợ dài hạn như trái phiếu, thuê tài chính….

• Trường phái thứ hai xuất phát từ quan điểm rủi ro của nợ, lúc này nợ bao gồm cả các khoản phải trả tài chính và các khoản phải trả hoạt động (dù với các khoản phải trả này doanh nghiệp không phải trả chi phí tài chính, tuy nhiên cả 2 loại nợ này trong tương lai đều khiến doanh nghiệp phải xuất hiện một dòng tiền ra).

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi, song phù hợp với các trường phái lý thuyết về cấu trúc vốn được trình bày ở phần dưới đây, mặt khác với mục tiêu hướng tới cấu trúc vốn tối ưu cho doanh nghiệp tại nghiên cứu này khái niệm nợ sẽ chỉ bao gồm các khoản phải trả có phát sinh chi phí – nợ tài chính của doanh nghiệp. Việc loại bỏ các khoản phải trả hoạt động không ảnh hưởng nhiều tới kết quả nghiên cứu cấu trúc vốn của doanh nghiệp vì đối với tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp các khoản này chiếm 1 tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp.

Mặt khác nói đến cấu trúc vốn người ta chỉ xem xét đến Nợ dài hạn mà bỏ qua nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Đây là luận điểm được thống nhất rất cao tại các nghiên cứu về cấu trúc vốn cũng như trong các trường phái lý thuyết về cấu trúc vốn, bởi lẽ cấu trúc vốn không xem xét đến nợ ngắn hạn vì nợ ngắn hạn mang tính tạm thời, không ảnh hưởng nhiều đến sự chia sẻ quyền quản lý và giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Các khoản nợ ngắn hạn chỉ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn lưu động cho hoạt động của doanh nghiệp, không bị tác động nhiều bởi các nhân tố bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp, do vậy khi thiết lập kế hoạch huy động vốn doanh nghiệp sẽ chú trọng xem xét đến các nguồn vốn dài hạn.

Tóm lại “Nợ” trong phạm trù “Cấu trúc vốn của doanh nghiệp” là xét đến Nợ dài hạn và sẽ chỉ bao gồm các khoản phải trả có phát sinh chi phí – “Nợ tài chính (hay còn gọi là Nợ vay) dài hạn của doanh nghiệp” mà loại bỏ các khoản phải trả hoạt động khác.

b) Huy động nợ

Doanh nghiệp có thể huy động nợ dài hạn qua các trung gian tài chính như: ngân hàng hay các công ty hay huy động nợ dài hạn bằng cách phát hành trái phiếu.

• Vay dài hạn ngân hàng: Các khoản vay dài hạn ngân hàng thường được doanh nghiệp sử dụng để tài trợ cho các dự án dài hạn của doanh nghiệp. Khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn dài hạn, ngân hàng đã gánh bớt rủi ro với doanh nghiệp, bù lại ngân hàng sẽ được hưởng lãi và phí cho vay.

• Thuê tài sản: Đây là hình thức tài trợ của các công ty cho thuê đối với doanh nghiệp, nhưng không phải bằng tiền mà bằng tài sản. Hình thức này ngày càng phổ biến vì tính ưu việt của nó. Trên cơ sở nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh hay đầu tư mua sắm máy móc thiết bị của doanh nghiệp, công ty cho thuê sẽ mua tài sản cố định rồi cho doanh nghiệp thuê lại. Như vậy, tài sản cho thuê thuộc sở hữu của bên cho thuê, còn doanh nghiệp đi thuê phải trả tiền thuê. Kết thúc hợp đồng thuê, bên đi thuê có quyền mua lại tài sản với giá ưu đãi hơn so với giá thị trường.

• Phát hành trái phiếu dài hạn: Phát hành trái phiếu dài hạn là một phương thức huy động vốn dài hạn khá linh hoạt, nhất là đối với các doanh nghiệp uy tín trên thị trường. Các loại trái phiếu rất đa dạng, phong phú, được phân loại theo các tiêu thức khác nhau, như (i) Theo phương thức trả lãi: trái phiếu trả lãi một lần và trái phiếu Coupon; (ii) Theo lãi suất: trái phiếu có lãi suất thả nổi và trái phiếu có lãi suất cố định. Ngoài ra, để tăng tính hấp dẫn của trái phiếu, doanh nghiệp còn có thể phát hành trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu. Các doanh nghiệp có khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, xu thế tăng trưởng tốt thường phát hành loại trái phiếu này. Các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận lãi suất thấp khi sở hữu những trái phiếu này vì họ có cơ hội trở thành chủ sở hữu, được quyền hưởng thu nhập thặng dư khi trái phiếu chuyển thành cổ phiếu.

Các cấu thành của cấu trúc vốn

5/5 - (100 Bình chọn)
Dịch vụ phân tích định lượng và xử lý số liệu bằng SPSS, EVIEW, STATA, AMOS

Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn

Luận Văn A-Z  nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!

UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT

Nhận báo giá Xem thêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn cần hỗ trợ?