Mục lục
Yêu cầu cải cách bộ máy hành chính nhà nước
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, trong cải cách bộ máy hành chính phải đảm bảo được yêu cầu sau:
– Phát huy dân chủ, đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Dân chủ là yêu cầu, là một đòi hỏi khách quan đối với bất cứ nền hành chính hiện đại nào trên thế giới; không có dân chủ hay mất dân chủ thì không thể phát triển kinh tế-xã hội và không thể xây dựng và củng cố nền hành chính với tư cách là yếu tố vô cùng quan trọng trong hệ thống chính trị-kinh tế-xã hội. Đảng đã khẳng định: “Nhà nước dân chủ nhân dân của chúng ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Kiện toàn nhà nước dân chủ nhân dân phải gắn liền với việc nâng cao quyền làm chủ của dân và tất cả vì lợi ích của dân”[109, tr 59]. Nền hành chính hiện đại là nền hành chính phục vụ, nền hành chính đáp ứng các yêu cầu của một xã hội dân sự. Do vậy, nền hành chính đó cần phải được củng cố trên nguyên tắc đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, dân chủ là hình thức nhà nước, trong đó dân chủ phải thể hiện tính kỷ cương và trật tự; không thể có dân chủ “vô chính phủ”, vì dân chủ mà không trong khuôn khổ nhất định thì về thực chất là sự hỗn độn, vô trật tự mà điều này trái với yêu cầu khách quan về sự ổn định và phát triển của chính các quan hệ kinh tế-xã hội. Vấn đề đặt ra là cần tổ chức và hoạt động bộ máy hành chính nhà nước như thế nào để vừa đảm bảo bản chất nhân dân của Nhà nước, vừa phát huy được tiềm năng trí tuệ và công sức của nhân dân lại vừa đảm bảo, tính tập trung thống nhất, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. Đó cũng là điều có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của công cuộc cải cách bộ máy hành chính nhà nước hiện nay.
Yêu cầu này phải được tiếp tục quán triệt, đề cao trong suốt tiến trình cải cách bộ máy hành chính nhà nước trên tất cả các khía cạnh của vấn đề: từ thể chế hoá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; xác định mô hình tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ đến xây dựng các nguyên tắc hoạt động của bộ máy… Trong điều kiện hiện nay, yêu cầu phát huy dân chủ, đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước cần được nhận thức với những nội dung căn bản như sau:
+ Cải cách bộ máy hành chính nhà nước đảm bảo nguyên tắc phục vụ nhân dân, lấy sự phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc làm ăn, kinh doanh và sinh sống làm mục tiêu cao cả, niềm vinh quang của bộ máy chính quyền và mỗi cán bộ công chức;
+ Đảm bảo để nhân dân tham gia được nhiều nhất, tốt nhất vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước; các quyết định hành chính, hành vi hành chính đều phải dựa trên các căn cứ pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
+ Xây dựng cơ chế pháp lý để nhân dân và các tổ chức xã hội góp ý, phản biện đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền từ trung ương đến cơ sở, nhất là những dự án, dự thảo, đề án có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các nhóm xã hội liên quan;
[message type=”e.g. information, success”]Xem thêm: Khái niệm cải cách hành chính[/message]+ Cải cách bộ máy hành chính nhà nước phải đảm bảo tính thân thiện với dân; người dân có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu biết; có cơ chế pháp lý cho nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, chống quan liêu tham nhũng. Người dân có quyền và có điều kiện thực tế để thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện với các việc làm sai trái, vi phạm pháp luật và đạo đức của các cơ quan và người có thẩm quyền trong bộ máy hành chính;
+ Cải cách bộ máy hành chính nhà nước phải đảm bảo tính an toàn, tin tưởng và tốt nhất cho người dân: Điều này đòi hỏi các cơ quan và nhân viên hành chính nhà nước không chỉ biết hành động trên cơ sở công vụ mà còn phải dựa trên nền tảng đạo đức vì dân. Pháp luật không thể quy định một cách đầy đủ những nghĩa vụ pháp lý mà cơ quan và nhân viên hành chính nhà nước phải làm những điều tốt nhất cho dân. Đạo đức công vụ có vai trò ngày càng quan trọng trong nền hành chính hiện đại vì nó tạo nền tảng vững chắc, bổ sung và lấp đầy những chỗ trống của pháp luật.
– Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước thích ứng với nền kinh tế thị trường
Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung trước đây, Nhà nước đóng vai trò là người trực tiếp tổ chức điều hành nền sản xuất xã hội. Nhà nước vừa là chủ sở hữu, vừa là người nắm quyền lực công; vừa thực hiện vai trò quản lý kinh tế vừa là nhà kinh doanh.
Chuyển sang nền kinh tế thị trường, vai trò, chức năng của nhà nước đã thay đổi một cách căn bản. Bản chất của nền kinh tế thị trường là nền kinh tếhoạt động tự do, tự định đoạt trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể độc lập trong kinh doanh. Do vậy, Nhà nước với tư cách là người nắm quyền lực công phải đóng vai trò trọng tài, duy trì trật tự theo luật pháp để cho các hoạt động kinh tế-xã hội được vận hành một cách tự do, an toàn và đạt hiệu quả. Và từ vai trò, chức năng đó của Nhà nước đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng tổ chức và các nguyên tắc hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước cần phải phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong cơ chế kinh tế thị trường. Đảng chỉ rõ: “…Chúng ta phải chú ý củng cố hệ thống hành chính nhà nước theo hướng cơ quan hành chính cấp trung ương gọn nhẹ và thực hiện vai trò quản lý vĩ mô là chính, làm cho cơ quan hành chính địa phương có khả năng và năng lực hơn nữa trong việc tổ chức điều hành”[109, tr 61].
Có thể nhận thức được những yêu cầu của nền kinh tế thị trường đối với cải cách bộ máy hành chính nhà nước trên những nét chủ yếu như sau:
+ Bộ máy hành chính nhà nước cần phải tinh, gọn:
Sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian của bộ máy hành chính nhà nước là điều trái với yêu cầu cho sự phát triển các quan hệ kinh tế-xã hội trong cơ chế thị trường và nhất thiết phải khắc phục. Trên thực tế ở các quốc gia hiện nay, vấn đề đặt ra cần khắc phục một quan niệm sai lầm chỉ đơn giản tiến hành cải cách bộ máy hành chính theo kiểu “cơ học” là thu gọn số lượng đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và số lượng các sở ban ngành ở địa phương. Ở một tư duy và tầm nhìn chiến lược về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, cần phải nghiên cứu quán triệt các quan điểm về bản chất, chức năng, vai trò của Nhà nước, của hệ thống hành chính nhà nước cũng như của mỗi cơ quan trong hệ thống đó theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường, tuỳ theo trình độ và cấp độ phát triển của nó, từ đó xác định nhiệm vụ quyền hạn cùng với tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, tài chính cần thiết, xác định thẩm quyền của mỗi cấp, mỗi cơ quan; phân công chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức một cách khoa học.
Tất cả tạo nên tính thống nhất và sức mạnh cần thiết cho bộ máy hành chính nhà nước nhằm đáp ứng những đòi hỏi lớn lao và phức tạp của các quan hệ kinh tế-xã hội trong nền kinh tế thị trường.
+ Bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực và hiệu quả
Nền kinh tế thị trường đòi hỏi một bộ máy hành chính nhà nước thống nhất, mạnh mẽ, đó là điều có tính quy luật. Sự mạnh mẽ của quyền lực nhà nước trong thế giới hiện đại thể hiện chủ yếu ở quyền hành pháp và hệ thống hành chính nhà nước. Đây cũng chính là đặc điểm phổ biến của các nhà nước trên thế giới hiện nay. Bởi lẽ nền kinh tế thị trường là nền kinh tế tự do cạnh tranh một cách bình đẳng nhưng cũng với nhiều diễn biến rất phức tạp, mau lẹ, khó lường và trong nó cũng chứa đựng nhiều nguy cơ mất ổn định, mất trật tự và nhiều hành vi vi phạm, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể và của xã hội nói chung. Không ai ngoài Nhà nước có thể đóng vai trò là người duy trì trật tự pháp luật, đảm bảo để tự do và quyền của con người không bị xâm hại, để các hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra trong an toàn và đạt hiệu quả cao. Bộ máy hành chính nhà nước mạnh nghĩa là bộ máy ấy có đủ quyền uy và sức mạnh duy trì và củng cố trật tự, có đủ năng lực định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt nền kinh tế-xã hội phát triển theo mục tiêu vì con người và tiến bộ xã hội. Trong nền kinh tế thị trường và hoàn cảnh quốc tế như hiện nay, bộ máy hành chính nhà nước mạnh có nghĩa là bộ máy ấy phải đảm bảo vận hành một cách thông suốt, kịp thời bảo vệ, ngăn ngừa một cách hữu hiệu tất cả những gì xâm hại đến cuộc sống của người dân.
Trong nền kinh tế thị trường, một trong những đòi hỏi khách quan đối với cải cách bộ máy hành chính nhà nước là phải tiết kiệm và hiệu quả. Không thể tổ chức và duy trì hoạt động một hệ thống hành chính không có hiệu quả, gây lãng phí cho nhà nước và cho xã hội. Ngày nay, tính hiệu quả về kinh tế-xã hội là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, cần phải được xem xét đánh giá thường xuyên từ phía Nhà nước và công dân cũng như các tổ chức xã hội. Nếu hoạt động không có hiệu quả, toàn bộ hệ thống tổ chức hay một khâu nào trong đó nhất thiết phải được xem xét lại và khắc phục vì sự thông suốt của bộ máy hành chính có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống hàng ngày của người dân.
– Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Điều cần thiết nhất của nhiều quốc gia hiện nay là phải cải cách chế độ phân chia cấp quản lý, cần phải giao quyền và trách nhiệm giải quyết vấn đề cho từng cấp một cách rõ ràng, nhất định. Đồng thời, cần phải có thể thức phối hợp chặt chẽ để phát triển quyền làm chủ của từng cấp trong việc thực hiện quyền và nhiệm vụ của mình.
[message type=”e.g. information, success, attention”]Xem thêm: Khái niệm cải cách và cải cách hành chính nhà nước[/message]Chúng ta có thể nhận thức được rằng về mặt cơ cấu tổ chức, chính quyền nhà nước là khối thống nhất nhưng không phải là một thực thể đơn lẻ. Sự phân chia thành các cấp trong bộ máy chính quyền nhà nước là yêu cầu khách quan xuất phát từ phân tầng các phạm vi lợi ích của xã hội, trong đó có lợi ích toàn quốc, toàn dân tộc, lợi ích các địa phương và vùng lãnh thổ. Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Nguyên tắc này đòi hỏi đảm bảo sự tập trung thống nhất quyền lực nhà nước vào chính quyền trung ương đồng thời phát huy mạnh mẽ tính chủ động, độc lập, sáng tạo của chính quyền địa phương. Để thực hiện nguyên tắc này, Chính phủ cần tiếp tục được củng cố tổ chức một cách hợp lý, đảm bảo có một chính phủ mạnh với hiệu lực quản lý thông suốt từ trung ương đến cơ sở, tương xứng với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của đất nước. Các cơ quan của Chính phủ (bộ, cơ quan ngang bộ) phải đủ năng lực quản lý một cách toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, mỗi cơ quan phải là đầu mối đắc lực giúp Chính phủ thống nhất quản lý thông suốt đối với các ngành các cấp, trên phạm vi cả nước về lĩnh vực liên quan.
Trong điều kiện hiện nay, phân cấp, phân quyền cho địa phương không đối lập với việc tập trung thống nhất quyền lực vào chính quyền trung ương, không đối lập với nguyên tắc tập trung dân chủ mà ngược lại là sự đảm bảo vững chắc cho nguyên tắc tập trung dân chủ. Xu hướng của các nền hành chính hiện đại trên thế giới là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, đảm bảo tính độc lập trên cơ sở pháp luật của mỗi cấp chính quyền. Mỗi cấp chính quyền trong hệ thống hành chính nhà nước hoạt động chủ yếu trên cơ sở luật pháp chứ không phải theo mệnh lệnh trực tiếp của cấp trên. Yêu cầu này thể hiện một trong những nội dung căn bản của nhà nước pháp quyền và xã hội công dân.
Muốn đẩy mạnh được sự phân cấp, phân quyền trong hệ thống hành chính cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế luật pháp, đẩy mạnh sự kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan và người có thẩm quyền trong bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng, hoàn thiện thiết chế và thể chế giám sát tư pháp đối với hoạt động của bộ máy hành chính.
Yêu cầu cải cách bộ máy hành chính nhà nước
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT