Mục lục
Triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Cơ sở triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Khi triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện trước hết phải dựa vào chính sách BHXH tự nguyện do Nhà nước xây dựng và ban hành. Chính sách này bao giờ cũng được luật hóa thể hiện trong các văn bản pháp quy. Chính sách pháp luật về loại bảo hiểm này bao giờ cũng xác định cụ thể các đối tượng thuộc diện tham gia, chế độ BHXH tự nguyện áp dụng, mức phí phải đóng, phương thức nộp phí để hình thành quỹ và quản lý quỹ. Ngoài ra, các văn bản pháp quy này còn quy định rõ điều kiện hưởng trợ cấp theo từng chế độ, mức trợ cấp, thời gian trợ cấp…Sở dĩ trong quá trình triển khai phải dựa vào chính sách pháp luật là vì có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất, tính công bằng trong toàn hệ thống, mới xây dựng được quy trình triển khai phù hợp, mới có cơ sở để thanh tra và kiểm tra.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai còn phải căn cứ vào điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, vào con người. Có như vậy mới thực hiện tốt tất cả các công việc, các khâu có liên quan, nhưng vẫn đảm bảo đúng nguyên tắc, tránh cồng kềnh, lãng phí nhân tài vật lực, đồng thời cũng tránh được hiện tượng ùn ứ công việc. Bên cạnh đó, quá trình triển khai cũng chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về BHXH và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định của pháp luật. Kiểm tra giám sát chủ yếu nhằm mục đích uốn nắn kịp thời những sai sót để công tác triển khai đúng pháp luật, đảm bảo được mục tiêu đề ra.
2. Tổ chức bộ máy triển khai
Tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội của từng nước, mà trên thế giới có những mô hình tổ chức bộ máy triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện khác nhau. Thông thường, các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, bộ máy tổ chức BHXH tự nguyện nằm trong bộ máy tổ chức chung của hệ thống BHXH, mà đứng đầu là Hội đồng quản lý (như ở Việt Nam hiện nay). Hội đồng quản lý gồm đại diện của Nhà nước, đại diện người lao động (công đoàn) và giới chủ sử dụng lao động. Hội đồng hoạt động tương tự như Hội đồng quản trị trong các doanh nghiệp. Còn những nước phát triển, bộ máy tổ chức BHXH tự nguyện được hình thành độc lập với BHXH bắt buộc (như ở Ba Lan, Đức…), mà đứng đầu là Hội đồng quản trị. Dưới Hội đồng quản lý/quản trị là Tổng Giám đốc/Giám đốc do Chính phủ hoặc Hội đồng quản trị bầu ra (tùy theo quy định từng nước). Hội đồng quản lý/quản trị có những nhiệm vụ cơ bản: Định hướng hoạt động của hệ thống BHXH tự nguyện; quản lý các quỹ BHXH tự nguyện nhân danh những người đóng BHXH tự nguyện; chỉ đạo việc thực hiện các dự án đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH tự nguyện; chỉ đạo việc tuân thủ và thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH tự nguyện; đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan BHXH tự nguyện; kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về BHXH tự nguyện về xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật về BHXH tự nguyện.
Trong cơ quan BHXH tự nguyện trung ương, ngoài Hội đồng quản lý/quản trị còn có khối văn phòng và khối nghiệp vụ. Khối văn phòng có Tổng Giám đốc/Giám đốc BHXH tự nguyện, các Phó Tổng Giám đốc/Giám đốc và bộ phận giúp việc. Tùy theo mỗi nước, trong cơ quan BHXH tự nguyện có các bộ phận chuyên môn khác như: Bộ phận tài chính, quản lý đối tượng, đầu tư…
Cấp địa phương, cũng tùy theo từng nước, có thể có hoặc không có Hội đồng quản lý/quản trị. Nếu không có Hội đồng này, thì chỉ có Giám đốc BHXH tự nguyện tỉnh/vùng do Tổng Giám đốc/Giám đốc BHXH tự nguyện trung ương bổ nhiệm và miễn nhiệm. Cơ quan BHXH tự nguyện ở địa phương có xu hướng chuyên môn hóa cao về các bộ phận nghiệp vụ.
Cho dù các nước có thể áp dụng tổ chức bộ máy quản lý BHXH tự nguyện theo những mô hình khác nhau, nhưng để triển khai chính sách BHXH tự nguyện đạt hiệu quả cao, đòi hỏi tổ chức bộ máy phải tinh giản, cơ cấu phù hợp với đặc điểm, quy mô lao động của từng nước và hoạt động có tính chuyên nghiệp hóa cao.
3. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện
Trong quá trình triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật giữ vai trò rất quan trọng, tạo tiền đề quyết định hiệu quả của công tác phát triển đối tượng tham gia. Mục đích của tuyên truyền để các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức và nhân dân nhận thức được đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện, từ đó nâng cao ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu và tham gia. Thông qua đó cũng tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương và đoàn thể các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chính sách BHXH tự nguyện.
Xem thêm: Khái niệm bảo hiểm xã hội tự nguyện
Do vậy, cần phải xác định rõ, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, liên tục, mang tính tổng hợp, toàn diện của cả hệ thống chính trị. Trong tuyên truyền, cần đổi mới nội dung tuyên truyền, phù hợp với từng địa phương, loại hình và đối tượng tham gia. Đặc biệt, trong đó mô hình đối thoại, tư vấn, giải đáp chính sách trực tiếp đạt hiệu quả tốt, thu hút được sự chú ý đông đảo của nhân dân. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời chú trọng phát huy vai trò của tuyên truyền miệng gắn với vai trò của báo cáo viên và ảnh hưởng của các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Phải gắn chặt công tác tuyên truyền với mục tiêu phát triển đối tượng, coi đó như là một chỉ tiêu quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực ASXH.
4. Quy trình, thủ tục đăng ký tham gia và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện
Đây là khâu rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới việc phát triển đối tượng tham gia. Khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia phải đăng ký với cơ quan BHXH tự nguyện. Về quy trình, thủ tục yêu cầu được quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật của BHXH tự nguyện (tùy theo quy định của từng nước). Nếu quy trình, thủ tục đăng ký tham gia và giải quyết chế độ BHXH tự nguyện (gồm những quy định về quy trình, giấy tờ yêu cầu, thời gian, địa điểm…) đơn giản và thuận tiện sẽ khuyến khích người lao động tham gia. Ngược lại, quy trình, thủ tục đăng ký tham gia và giải quyết chế độ rườm rà, phức tạp sẽ gây cản trở lớn tới việc mở rộng đối tượng tham gia. Vì những người tham gia BHXH tự nguyện có nhiều đặc điểm khác với BHXH bắt buộc. Do đó, để thu hút họ tham gia thì cơ quan BHXH nên đổi mới về phong cách phục vụ, lấy người lao động là trung tâm, coi họ là đối tượng phục vụ. Nói cách khác, phải đơn giản và linh hoạt về thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động có thể dễ dàng tiếp cận được chính sách BHXH tự nguyện.
5. Quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Trong hoạt động BHXH tự nguyện có 2 nhóm đối tượng: Nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và nhóm đối tượng thụ hưởng BHXH tự nguyện. Nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là những người lao động đã tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, để đảm bảo nguồn thu, cơ quan BHXH tự nguyện phải nắm chắc số lượng người lao động đã tham gia, tình hình biến động thu nhập của họ và dự báo được nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của người lao động trong tương lai. Nhóm đối tượng thụ hưởng BHXH tự nguyện là những người lao động và gia đình họ (tùy theo quy định của từng quốc gia). Cơ quan BHXH tự nguyện cũng phải có đầy đủ thông tin về người lao động khi thụ hưởng BHXH tự nguyện để chi đúng, chi đủ cho đối tượng và tránh sự lạm dụng về BHXH tự nguyện.
Để quản lý tốt đối tượng, cơ quan BHXH tự nguyện thường có các công cụ quản lý đó là sổ hoặc thẻ BHXH tự nguyện, trong đó ghi chép đầy đủ các thông tin về đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng BHXH tự nguyện.
6. Tổ chức thu – chi và đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện
Trên cơ sở pháp luật về BHXH tự nguyện và sự thỏa thuận của người tham gia về mức đóng, phương thức đóng, cơ quan BHXH tự nguyện sẽ tiến hành các nghiệp vụ thu phí từ người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Việc thu đúng, đủ và kịp thời phí BHXH tự nguyện là điều kiện cần thiết để duy trì sự hoạt động của BHXH tự nguyện, bảo đảm chi trả trợ cấp cho người thụ hưởng được đầy đủ, kịp thời và các chi phí quản lý khác. Để khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện, khi tiến hành các hoạt động thu và chi, cơ quan BHXH tự nguyện phải tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người tham gia, đồng thời thực hiện các nghiệp vụ kế toán – tài chính BHXH tự nguyện theo chính sách tài chính quốc gia.
Để BHXH tự nguyện tồn tại và phát triển cần phải có một nguồn quỹ đủ lớn. Nếu quỹ BHXH tự nguyện càng phát triển thì hoạt động BHXH tự nguyện được an toàn và hiệu quả. Vì quỹ BHXH tự nguyện là một quỹ tài chính dùng để trợ cấp cho các chế độ là chủ yếu, trong đó có một phần quỹ nhàn rỗi tương đối chưa sử dụng. Phần quỹ nhàn rỗi này được cơ quan BHXH sử dụng để đầu tư tăng trưởng nhằm mục đích bảo vệ giá trị đồng tiền trước những biến động của lạm phát và thị trường tài chính. Đầu tư quỹ phải tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản sau:
– An toàn: Đây là nguyên tắc quan trọng nhất vì nó đảm bảo lợi ích của hàng triệu lao động tham gia BHXH tự nguyện. Nói cách khác, quỹ BHXH tự nguyện phải đầu tư vào lĩnh vực ít bị rủi ro nhất. Để tránh được rủi ro đầu tư, một mặt Nhà nước phải có chính sách đầu tư và cơ chế giám sát đầu tư chặt chẽ (quy định tỷ lệ đầu tư, chỉ định lĩnh vực đầu tư, bảo hộ quá trình đầu tư..). Mặt khác, phải có đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ giỏi về các hoạt động đầu tư, có khả năng đánh giá, xác định được xác suất rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đầu tư.
– Có lãi: Dưới góc độ kinh tế, bất kỳ hoạt động đầu tư nào cũng phải có lãi, tức là phải thu được lợi nhuận, sau khi đã trừ đi các chi phí đầu tư. Mặc dù mục đích hoạt động của quỹ BHXH tự nguyện là phi lợi nhuận, nhưng để bảo đảm cho quỹ có độ an toàn cao, có thể chi trả cho người thụ hưởng không chỉ ở hiện tại, mà cả trong tương lai, thì quỹ không những phải bảo toàn được giá trị mà còn phải tăng trưởng mới đáp ứng được yêu cầu này.
– Thuận tiện khi thu hồi vốn: Mọi hoạt động chi trả trợ cấp BHXH tự nguyện liên quan đến các rủi ro xã hội và các sự kiện được bảo hiểm với những quy mô và mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung diễn ra thường xuyên. Vì vậy, quỹ BHXH phải đảm bảo khả năng thanh toán cao nhất cho các đối tượng thụ hưởng. Do đó, một trong những nguyên tắc được đặt ra là, phần đầu tư quỹ nhàn rỗi phải có khả năng thanh khoản cao. Nói cách khác, các khoản đầu tư phải hoàn toàn chủ động và thuận tiện nếu phải thu hồi vốn. Do đó, khi đầu tư quỹ BHXH tự nguyện, phải lựa chọn tài sản đầu tư có tính lỏng cao, tức là có khả năng chuyển từ tài sản đầu tư sang tài sản thanh toán nhanh và không phải chịu những phí tổn lớn.
– Phục vụ cho những lợi ích công cộng: Hoạt động bảo hiểm xã hội tự nguyện nói chung và hoạt động của quỹ BHXH nói riêng là thực hiện một trong những chính sách xã hội lớn của quốc gia, nhằm mục tiêu ASXH, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do vậy, việc đầu tư quỹ nhàn rỗi không chỉ thuần túy là lợi ích kinh tế mà còn có tính xã hội cao. Các dự án đầu tư phải phục vụ trước hết là lợi ích trực tiếp của đông đảo những người tham gia BHXH tự nguyện và những lợi ích công cộng khác, phục vụ gián tiếp người lao động như tạo việc làm, cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của dân cư…Chính vì vậy, khi lập các dự án đầu tư, phải đảm bảo hài hòa 2 mục tiêu là lợi nhuận và ích lợi công cộng.
7. Thanh tra, kiểm tra và giám sát
Tùy theo mô hình tổ chức BHXH tự nguyện của từng nước mà nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và giám sát có khác nhau. Những nước trao quyền tự chủ cao cho Hội đồng quản trị BHXH tự nguyện, thì trong hệ thống sự nghiệp BHXH tự nguyện, chức năng thanh tra, kiểm tra và giám sát rất quan trọng. Đối với những nước có quản lý nhà nước về BHXH tự nguyện, thì chức năng thanh tra, kiểm tra và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn. Tuy nhiên, trong hệ thống BHXH tự nguyện vẫn tổ chức hoạt động tự thanh tra, kiểm tra và giám sát nhằm đảm bảo các hoạt động BHXH tự nguyện đúng với các quy định của pháp luật. Hoạt động
thanh tra, kiểm tra và giám sát trong hệ thống BHXH tự nguyện được tổ chức theo ngành dọc, bao gồm: Thanh tra, kiểm tra và giám sát của các cơ quan BHXH tự nguyện cấp trên đối với cấp dưới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, kịp thời phát hiện những sai phạm, vi phạm của đội ngũ nhân viên, để có những biện pháp chấn chỉnh và xử lý kịp thời; thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, nghĩa vụ đóng góp của người lao động và chi trả các chế độ BHXH tự nguyện; xử phạt những vi phạm, sai phạm về BHXH tự nguyện trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Báo giá dịch vụ viết thuê luận văn
Luận Văn A-Z nhận làm trọn gói dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Liên hệ ngay dịch vụ viết thuê luận văn của chúng tôi!
UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP - BẢO MẬT